(Baothanhhoa.vn) - Nhằm tái sử dụng hiệu quả các loại phế phẩm nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích người dân sử dụng chế phẩm sinh học (CPSH) trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, góp phần cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp

Nhằm tái sử dụng hiệu quả các loại phế phẩm nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích người dân sử dụng chế phẩm sinh học (CPSH) trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, góp phần cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp.

Khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp

Chị Lê Thị Hằng, xã Đông Hòa (Đông Sơn) ủ phân cá để làm phân bón cho cây trồng.

CPSH là những sản phẩm được tạo ra từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, có nguồn gốc từ thực vật, động vật, vi sinh vật... Các CPSH được sản xuất phục vụ trong nông nghiệp được người dân sử dụng, như: phân bón sinh học, đệm lót sinh học, men ủ vi sinh phục vụ cho chăn nuôi, các chế phẩm bổ sung vi sinh vật có lợi cho nguồn nước, thức ăn vi sinh dùng cho nuôi trồng thủy sản, chế phẩm vi sinh, thảo mộc giúp xử lý chất thải môi trường... Từ những hiệu quả mà CPSH mang lại, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích, hướng dẫn người dân sử dụng các CPSH để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Luôn trăn trở về sản xuất nông nghiệp an toàn, chị Lê Thị Quyên, giám đốc HTX sản xuất thương mại nông nghiệp sạch Hoằng Đạo, xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa) đã nghiên cứu, sản xuất CPSH EM sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Đưa chúng tôi đi tham quan diện tích trồng các loại cây dưa Kim Hoàng Hậu, bầu, bí... và chăn nuôi trang trại, gia trại trên diện tích 3,5 ha của HTX, chị Quyên cho biết: Trước sự lạm dụng của việc sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp đã tác động đến an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, tôi đã trăn trở để tìm ra loại phân bón sinh học thay thế mà vẫn giữ được năng suất, chất lượng cho cây trồng. Từ suy nghĩ đó, chị đã nghiên cứu qua sách báo và làm việc với chuyên gia Nhật Bản để học cách sản xuất CPSH EM và sản xuất phân bón vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp. Nguyên liệu là các phế phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả, sau đó được thái nhỏ trộn với đường, tỏi, ớt và một số phụ gia khác để ngâm, ủ lên men rồi lấy nước xịt cho cây trồng. Theo chia sẻ của chị Quyên, CPSH EM có thể diệt sâu bọ, nấm các loại; trộn vào thức ăn chăn nuôi để tăng sức đề kháng và tiêu hóa cho vật nuôi, giúp vật nuôi tăng sức đề kháng, bã của chế phẩm EM dùng làm phân bón cho cây trồng;... Đối với các gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm phun khử trùng mùi hôi, diệt côn trùng... Thấy được hiệu quả, chị Quyên đã mở rộng quy mô sản xuất CPSH EM, ứng dụng vào hoạt động sản xuất của HTX và giới thiệu sản phẩm để người dân trên địa bàn biết và sử dụng. Hiện nay, CPSH đã được người dân sử dụng rộng rãi, thị trường tiêu thụ được mở rộng tại một số tỉnh, như Vĩnh Phúc, Hòa Bình,... và duy trì sản xuất trung bình mỗi tháng hơn 1.000 lọ, tùy theo đơn đặt hàng.

Gia đình chị Lê Thị Hằng, xã Đông Hòa (Đông Sơn) xây dựng trang trại trồng cây ăn quả kết hợp nuôi trồng thủy sản, với diện tích hơn 2 ha. Qua tìm hiểu các kỹ thuật sản xuất để nâng cao chất lượng quả, chị Hằng ủ phân cá bằng chế phẩm EM để tạo ra phân bón hữu cơ hỗ trợ cho quá trình sinh trưởng của cây trồng do vi lượng và khoáng chất có trong phân cá giúp cải thiện môi trường đất, bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng, kích thích ra hoa, đậu quả và ức chế tiêu diệt các tác nhân gây bệnh hại,... Để tiết kiệm chi phí sản xuất, chị Hằng nghiên cứu và ủ phân cá tại trang trại. Theo đó, cá tươi hoặc phụ phẩm từ cá được nghiền nát, sau đó trộn cùng chế phẩm men vi sinh, tất cả được trộn ủ trong thùng đậy kín, đặt ở nơi thoáng mát. Sau khoảng 30 ngày, có thể lấy phân cá ra để sử dụng làm phân bón cho cây. Qua thực tế sử dụng cho thấy cây đậu quả cao hơn, năng suất và chất lượng quả đều tăng.

Trong chăn nuôi, CPSH được coi là biện pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Người chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ đệm lót lên men để tạo ra vi sinh vật có ích cấu tạo thành sợi men giúp phân hủy chất thải trong chăn nuôi. Biện pháp này không chỉ giúp người chăn nuôi tiết kiệm chi phí thuê nhân công mà còn có thể tiết kiệm tới 70% lượng trấu sử dụng so với phương pháp chăn nuôi truyền thống. Hiệu quả của phương pháp này là việc phân giải chất thải làm cho mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Bên cạnh đó, sử dụng CPSH phối trộn vào thức ăn hữu cơ để phát triển đàn gia cầm. Thức ăn được phối trộn tận dụng từ những sản phẩm của nông nghiệp, được xay nhỏ, như: lạc, đậu tương, bột ngô, bột cá,... sau đó được ủ với men sinh học tạo ra một loại thức ăn có lợi cho tiêu hóa của gia cầm và giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo đánh giá của ông Lôi Xuân Len, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh: Sử dụng CPSH cho cây trồng có thể chủ động giảm lượng phân bón sử dụng từ 10 - 15%; tăng sức kháng bệnh cho cây nên sẽ giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật, cây trồng cho năng suất cao từ 5 - 10%, chất lượng sản phẩm tốt, có màu sắc tươi đẹp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các CPSH cân bằng hệ sinh thái, không gây ô nhiễm môi trường, không làm thoái hóa đất mà còn góp phần tăng độ phì nhiêu của đất, đồng hóa các chất dinh dưỡng; tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, CPSH còn có tác dụng tiêu diệt côn trùng gây hại, giảm thiểu bệnh hại, tăng khả năng đề kháng bệnh của cây trồng mà không làm ảnh hưởng đến môi trường như các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học khác... Hiện nay, các loại CPSH đã được người dân trên địa bàn tỉnh ứng dụng rộng rãi, tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối đa, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng CPSH trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái bền vững và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách phối trộn cũng như sử dụng CPSH đúng quy trình kỹ thuật; xây dựng các mô hình điểm để người dân học tập, ứng dụng, nhân rộng mô hình. Đồng thời, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, kiểm soát và giảm tối đa việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, các chất tăng trọng góp phần giảm thiểu môi trường sản xuất.

Bài và ảnh: Lê Ngọc


Bài và ảnh: Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]