(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, sự phát triển của các làng nghề đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương. Tuy nhiên, việc giải quyết hài hòa bài toán bảo vệ môi trường và phát triển bền vững làng nghề đang đặt ra nhiều thách thức.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề

Những năm qua, sự phát triển của các làng nghề đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương. Tuy nhiên, việc giải quyết hài hòa bài toán bảo vệ môi trường và phát triển bền vững làng nghề đang đặt ra nhiều thách thức.

Sản xuất đá mỹ nghệ tại phường An Hoạch (TP Thanh Hóa).

Thực tế trên địa bàn tỉnh, ngoài các doanh nghiệp đang đầu tư phát triển sản xuất tại các cụm công nghiệp, làng nghề được quy hoạch ở xa khu dân cư thì vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư. Các làng nghề như rèn xã Tiến Lộc (Hậu Lộc), dâu tơ tằm Thiệu Đô (Thiệu Hóa), cá Hải Thanh (Tĩnh Gia)... chủ yếu là hình thành không theo quy hoạch, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lại không có quy trình, công trình xử lý chất thải. Công cụ, phương tiện sản xuất đa số là thô sơ, thủ công. Do đó, chất thải rắn, nước thải, khí thải, tiếng ồn của hầu hết các làng nghề đã, đang và ngày càng gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, việc sản xuất không đi đôi với bảo vệ môi trường và gắn với phát triển bền vững đã gây nhiều hệ lụy.

Tại làng nghề rèn truyền thống của xã Tiến Lộc, hàng chục năm nay, nhiều hộ dân ở các thôn Ngọ, thôn Bùi, thôn Xuân Hội... của xã phải chấp nhận cảnh sống chung với ô nhiễm môi trường của làng nghề. Anh Lê Bá Minh ở thôn Ngọ, cho biết: Nghề rèn ở xã Tiến Lộc hình thành và phát triển từ lâu nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục. “Đặc sản” của Tiến Lộc đó là những tiếng quai búa inh tai nhức óc. Tiếng âm thanh hỗn tạp, chát chúa của kim loại, sắt thép va đập vào nhau. Cùng với đó, việc xử lý các phế phẩm trong quá trình sản xuất cũng chưa được thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, theo quan sát của chúng tôi, hệ thống thoát nước thải của làng nghề đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa hoàn chỉnh. Đường dẫn nước thải của các hộ gia đình ra cống chính chỉ được một số hộ dân đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, việc thu gom và xử lý xỉ than trong quá trình nung luyện sắt thép cũng là vấn đề nan giải, chưa khắc phục được.

Làng Nhồi, phường An Hoạch (TP Thanh Hóa) nổi tiếng với nghề chế tác đá mỹ nghệ, nhưng vấn đề môi trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bước chân vào làng nghề, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi đó là không khí quá bụi bặm do quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển nơi đây. Hàng trăm cỗ máy đua nhau hoạt động hết công suất suốt ngày đêm, nào là máy xẻ, máy mài... việc ô nhiễm tiếng ồn đã đến mức báo động. Làng nghề chế tác đá mỹ nghệ hiện có hơn 30 cơ sở, nhưng hệ thống xử lý nước thải, chất thải chưa được quan tâm đầu tư xây dựng và quá trình sản xuất chủ yếu được thải thẳng ra môi trường.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến hải sản, làng nghề cơ khí có hệ thống xử lý khí thải rất thấp. Một số nơi có chỉ tiêu bụi, lưu huỳnh đioxit, hiđro sunfua; nồng độ amoniac, nồng độ bụi vượt quá nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Để khắc phục tình trạng trên, các địa phương cũng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có cả việc tổ chức di dời một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, những giải pháp này cũng chỉ mang tính tình thế.

Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng môi trường sống, sức khỏe cho người dân, các sở, ban, ngành có liên quan trong tỉnh cần tổ chức điều tra, đánh giá thực trạng, qua đó phân loại làng nghề theo tiêu chí, làng nghề nào gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kiên quyết xóa bỏ; những làng nghề gây ô nhiễm ít phải có lộ trình khắc phục cụ thể. Đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nằm xen kẽ trong khu dân cư từng bước di dời vào các khu, cụm công nghiệp... Đồng thời, bổ sung nguồn kinh phí, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trong kiểm soát, xử lý môi trường, nhất là việc khuyến khích chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, các phương thức sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, các công nghệ xử lý chất thải phù hợp từng lĩnh vực sản xuất, giúp giảm thiểu chất thải, khí thải ra môi trường. Có như vậy, các làng nghề mới phát triển bền vững và môi trường sống của chính những người dân trong khu vực mới được bảo đảm.


Bài và ảnh: Lương Khánh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]