Hoằng Hóa gặp nhiều khó khăn trong xây dựng mã số vùng trồng
Hằng năm, huyện Hoằng Hóa có hơn 20.000 ha cây trồng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, huyện đã tuyên truyền, vận động các HTX, doanh nghiệp và Nhân dân phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh, tăng cường quản lý, rà soát, cấp mã số vùng trồng mới, nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, đến nay, công tác cấp mã số vùng trồng trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sản xuất của địa phương.
Người dân xã Hoằng Trinh (Hoằng Hóa) chăm sóc cây rau màu vụ đông.
Theo thống kê của UBND huyện Hoằng Hóa, trên địa bàn huyện đã hình thành được hàng chục vùng sản xuất tập trung cây trồng chủ lực, như: lúa, khoai tây, rau màu, dưa hấu... Tuy nhiên, tính đến nay, toàn huyện mới có 5 mã số vùng trồng nội địa được cấp cho các vùng sản xuất lúa tại các xã: Hoằng Xuân, Hoằng Tiến, Hoằng Thái, Hoằng Tân, Hoằng Giang, chưa có mã số vùng trồng xuất khẩu. Ông Lê Trọng Hòa, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, cho biết: Huyện đã cập nhật các tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, mã số vùng trồng nội địa; tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX và thành viên HTX đăng ký xây dựng mã số vùng trồng mới. Cùng với đó, UBND huyện phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá đối với các diện tích đã được cấp mã số vùng trồng và khuyến khích các địa phương đăng ký cấp mã số vùng trồng mới. Tuy nhiên, để một mã số vùng trồng được cấp, thời gian triển khai thực hiện có thể phải kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Thủ tục cấp mã số cũng khá phức tạp, đòi hỏi nhiều sự cố gắng của các bên, mà quan trọng nhất là người sản xuất.
Từ vụ mùa năm 2022, xã Hoằng Thái đã triển khai cánh đồng 10 ha chuyên canh lúa thương phẩm để xây dựng mã số vùng trồng. Theo đó, UBND xã đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ dân. Đồng thời, hướng dẫn cho các hộ cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục, tuân thủ quy định theo nguyên tắc 4 đúng... Với việc sản xuất theo chuẩn quy định, vùng lúa chuyên canh của xã được cấp mã số vùng trồng nội địa theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mặc dù, đã được cấp mã số vùng trồng, song việc sản xuất lúa của địa phương không có nhiều chuyển biến. Bởi, việc sản xuất lúa chủ yếu đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, chưa có sản lượng lớn để phục vụ chế biến hay xuất khẩu.
Lý giải điều này, ông Lê Bá Duy, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hoằng Hóa, cho biết: Trên địa bàn có nhiều vùng sản xuất tập trung được hình thành, song người dân chưa thực hiện chuyên canh 1 loại cây trồng nhất định mà phát triển theo hướng xen canh, đa canh; diện tích được cấp mã số vùng trồng phải chuyên canh từ 7 - 10 ha, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục, tuân thủ quy định theo nguyên tắc 4 đúng; ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng trong vụ canh tác và điều kiện canh tác. Ngoài ra, người dân trên địa bàn chưa có đột phá trong tư duy sản xuất, chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, tiêu thụ tự do trên thị trường. Một số sản phẩm có thực hiện liên kết với doanh nghiệp song chưa “chạm” tới tiêu chuẩn mã số vùng trồng. Do đó, trên địa bàn ngoài 5 mã số vùng trồng lúa đã được cấp chưa có thêm vùng sản xuất nào đủ tiêu chuẩn để đăng ký cấp mã số vùng trồng.
Xây dựng mã số vùng trồng là một trong những điều kiện cần và đủ để hoàn thành chương trình XDNTM nâng cao. Do đó, việc phát triển mã số vùng trồng trên địa bàn huyện Hoằng Hóa mới triển khai được ở các địa phương đã đạt chuẩn NTM nâng cao. Ngoài ra, sau khi được cấp, việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các vùng sản xuất cũng không thay đổi so với trước đây, chưa phát huy được vai trò của mã số vùng trồng đối với sản xuất của địa phương. Điều này phải chăng cũng là một trong những nguyên nhân để sau 5 mã số được cấp không có thêm bất kỳ đơn vị nào đăng ký và phát triển vùng sản xuất theo tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hoằng Hóa lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã lựa chọn “Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch” là 1 trong 4 chương trình trọng tâm tập trung thực hiện, nhằm tạo ra những đột phá mới. Do đó, việc thiết lập và mở rộng mã số vùng trồng chính là điều kiện góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
Bài và ảnh: Thanh Hòa
- 2024-11-14 16:40:00
Bàn giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm 2024
- 2024-11-14 16:10:00
Huyện Như Xuân có thêm 4 sản phẩm OCOP 3 sao
- 2023-11-17 13:32:00
Giữ vững chất lượng những vùng trọng điểm sản xuất rau màu
Giải ngân vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Liệu có kịp về đích? (Bài 2): “Lỗi” chính sách hay do con người?
Giải ngân vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Liệu có kịp về đích? (Bài 1): Vốn có, nhưng khó tiêu
Chủ động chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ đông
Điện lực Quan Hóa tăng cường công tác kiểm tra giám sát mua bán điện
Nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chủ lực của Lasuco Group ghi dấu ấn tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung
Hiệu quả mô hình trồng cây đu đủ đực lấy hoa
“Tăng tốc” để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Huyện Thọ Xuân làm việc với Hội Doanh nhân Thanh Hóa tại Hà Nội
Gần 200 hộ triển khai thực hiện mô hình “vườn rau xanh tại hộ gia đình”