(Baothanhhoa.vn) - Không chỉ giai đoạn vừa qua, mà nhiều giai đoạn trước đó, những mô hình hỗ trợ sản xuất ở miền núi của tỉnh cũng có tỷ lệ bền vững không cao. Có cả nguyên nhân chủ quan lẫn điều kiện khách quan, vấn đề đặt ra là, các bên liên quan có “dám” nhìn thẳng sự thật để có giải pháp khắc phục?

Hỗ trợ phát triển mô hình cây trồng, vật nuôi lợi thế ở miền núi - những vấn đề đặt ra (Bài 1): Từ hàng loạt mô hình “chết yểu”...

Không chỉ giai đoạn vừa qua, mà nhiều giai đoạn trước đó, những mô hình hỗ trợ sản xuất ở miền núi của tỉnh cũng có tỷ lệ bền vững không cao. Có cả nguyên nhân chủ quan lẫn điều kiện khách quan, vấn đề đặt ra là, các bên liên quan có “dám” nhìn thẳng sự thật để có giải pháp khắc phục?

Hỗ trợ phát triển mô hình cây trồng, vật nuôi lợi thế ở miền núi - những vấn đề đặt ra (Bài 1): Từ hàng loạt mô hình “chết yểu”...

Mô hình trồng nghệ và hoa thiên lý tại thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương (Lang Chánh) đều thất bại, nay được thay thế bằng các cây trồng khác. Ảnh: Lê Đồng

Hơn 92 tỷ đồng - một con số không nhỏ để hỗ trợ xây dựng các mô hình cây trồng, vật nuôi và sản phẩm lợi thế ở khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020. Đến nay, phần lớn các mô hình đã bị “khai tử” hoặc lay lắt, chưa đạt được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào miền núi như kỳ vọng. Thời gian gần đây, các sở, ngành và đơn vị cấp tỉnh đã thảo luận để đóng góp vào dự thảo “Đề án phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm có lợi thế khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2025” để HĐND tỉnh xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ cho giai đoạn tiếp theo. Cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế và nguyên nhân trong triển khai các mô hình để có giải pháp khắc phục, hướng tới sự hiệu quả tối ưu cho giai đoạn tới.

Năm 2016, 14 hộ dân thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương (Lang Chánh) được hỗ trợ giống và phân bón để phát triển mô hình trồng dược liệu là cây nghệ với tổng diện tích 6 ha. Chính quyền địa phương làm cầu nối để các hộ dân ký hợp đồng với Công ty CP Nghệ Việt - một doanh nghiệp chế biến tinh bột nghệ và Curcumin ở huyện Thạch Thành. Mọi khâu triển khai mô hình, tập huấn kỹ thuật đều đúng như kế hoạch, cả chính quyền địa phương cùng các hộ dân đều kỳ vọng vào hiệu quả của giống cây trồng mới. Trên những vườn đồi màu mỡ, cây nghệ phát triển tốt, cho năng suất 5 tạ/sào/năm, tương đương 10 tấn củ/ha. Ngay năm đầu, các hộ nhập cho công ty với giá 14.000 đồng/kg, thu nhập tương đương 140 triệu đồng/ha, cao hơn hẳn keo, sắn và những cây trồng tại địa phương trước đó. “Thấy hiệu quả, sang năm 2017, người dân trong thôn tự ý phá bỏ các cây trồng truyền thống, phát triển thêm 8 ha nghệ, nâng tổng diện tích nghệ toàn thôn lên 14 ha. Cuối vụ, thương lái đổ về thu mua tới 19.000 đồng/kg nghệ, cao hơn giá công ty ký hợp đồng bao tiêu nên dân đổ xô bán nơi giá cao, phá vỡ hợp đồng đã ký. Năm 2018, diện tích nghệ của thôn tiếp tục tăng lên 18 ha và năm 2019 là 21 ha. Phía doanh nghiệp liên kết thông báo không thu mua nữa do một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân người dân không thực hiện theo cam kết bán sản phẩm như ban đầu, tự phát triển diện tích ngoài kế hoạch của công ty. Hết thời kỳ “sốt giá”, thương lái cũng chẳng thấy đâu khiến sản phẩm nghệ ế ẩm phải đổ bỏ, nhiều hộ không buồn thu hoạch” – bà Lê Thị Thời, Bí thư Chi bộ thôn Chiềng Khạt, cho biết. Để minh chứng cho một mô hình trồng dược liệu đã... “chết”, bà Thời dẫn phóng viên đi thăm những vườn đồi từng trồng nghệ, hiện đã được người dân phá bỏ để trồng xoan và keo. Dưới những tán cây, ven bờ rào ngăn cách giữa các vườn, vẫn còn những khóm nghệ không được chăm sóc, mọc dày thành cây hoang dại - chính là dấu tích của mô hình cũ.

Cũng tại thôn Chiềng Khạt, giai đoạn 2016 - 2017, 10 hộ nghèo khác được hỗ trợ giống và phân bón với tổng kinh phí ban đầu 64 triệu đồng để trồng hoa thiên lý với diện tích 1 sào/hộ nhằm xóa nghèo. Theo các hộ dân, cứ sau 1 tuần thu hái, giàn thiên lý lại cho thu hoạch lứa mới kéo dài trong một tuần tiếp theo, mỗi ngày trung bình hái được 3 đến 4 kg hoa. Người trồng đem bán tại chợ xã nhà nhưng không nhiều người mua, mỗi khách mua chỉ một vài lạng. Năng suất vẫn đạt, nhưng khó bán sản phẩm nên chưa đầy 1 năm, các hộ dân đã phải phá bỏ.

Theo ông Lê Xuân Miệt, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Lương: Mô hình hỗ trợ trồng hoa thiên lý xóa nghèo ở thôn Chiềng Khạt thất bại là do không có đầu ra bền vững. Những hộ được lựa chọn triển khai mô hình là những hộ nghèo, cũng không có năng lực để đấu mối, phát triển thị trường. Cũng từ năng lực của những hộ dân chưa tốt, nên mô hình nuôi lươn không bùn ở thôn Xuốm Chỏng của xã được triển khai cùng thời điểm năm 2016 cho 10 hộ, nay chỉ còn 1 hộ duy trì nhưng cũng không mấy hiệu quả. Nguyên nhân được xác định là do kỹ thuật chăm sóc chưa phù hợp nên lươn thường bị bệnh và chết. Với 108 con dê giống được hỗ trợ năm 2018 cho 38 gia đình nghèo theo Chương trình 30a và 135 của Chính phủ, chỉ sau 1 năm khảo sát lại đã có 42 con chết. Nguyên nhân được xác định là do kỹ thuật chăm sóc của người dân hạn chế dẫn đến dê còi cọc, một số con đã chết. Mặt khác, do nhận thức của chính những hộ được tham gia mô hình còn kém, có tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, coi như đó là... của được cho nên chết hay không phát triển mô hình cũng chẳng sao. Qua theo dõi các mô hình cây trồng, vật nuôi được hỗ trợ giai đoạn 2016 – 2020 tại xã nhà, ông Miệt cho rằng, những mô hình hỗ trợ chăn nuôi chỉ còn khoảng 50% tồn tại, mô hình trồng trọt chưa đến 50%.

Khảo sát tại huyện Bá Thước, bên cạnh những mô hình hiệu quả như trồng quýt hoi gắn với chế biến hay nuôi vịt Cổ Lũng, nuôi bò sinh sản, thì cũng có không ít mô hình thất bại. Thống kê từ Phòng Dân tộc UBND huyện Bá Thước, riêng giai đoạn 2018 – 2020 đã có 1.667 lượt hộ trên địa bàn được hỗ trợ tham gia các mô hình phát triển sản xuất với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỷ đồng (gồm cả phần đối ứng của các địa phương và hộ dân), chủ yếu là hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi. Ông Nguyễn Đức Lục, Chủ tịch UBND xã Ái Thượng (Bá Thước), khẳng định: Từ năm 2010 đến nay, xã được hỗ trợ khá nhiều mô hình từ các chương trình, dự án như 135, 30a, xây dựng nông thôn mới..., nhưng nhiều mô hình hiệu quả không cao. Riêng với các mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò, lợn, trâu, đến nay chỉ còn khoảng 50% số mô hình còn duy trì.

Tại xã Điền Quang, giai đoạn 2016 - 2020, xã được hỗ trợ triển khai 2 mô hình trồng cây ăn quả, các mô hình nuôi trâu, bò theo các Chương trình 30a, 135 và 1 mô hình phục tráng rừng luồng theo chương trình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Đến nay, số trâu, bò hỗ trợ đa phần vẫn còn duy trì nhưng mục đích cuối cùng để phát triển đàn quy mô lớn cho các hộ thì không đạt. Tại thôn Bái Tôm cùng xã, các năm 2019 và 2020, có 3 hộ gồm: Lê Thị Trang, Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Hiền được hỗ trợ dừa giống để trồng thoát nghèo với số lượng 100 cây. Tuy nhiên, dừa sau khi trồng, đều bị vàng lá, héo ngọn và dần chết rũ. Theo trưởng thôn Bái Tôm, ông Ngô Thọ Thế, dừa hỗ trợ là giống dừa Xiêm, có nguồn gốc từ miền Nam, cuối năm 2021 vừa qua, cán bộ xã và thôn vào kiểm tra đã thấy dừa chết gần hết. Qua tìm hiểu, các gia đình vẫn chăm sóc và bón phân theo khuyến cáo, nguyên nhân dừa chết có thể do chất đất và khí hậu không phù hợp.

Qua quá trình tìm hiểu, phóng viên ghi nhận tại hầu hết các xã miền núi của tỉnh đều có các mô hình cây trồng, vật nuôi, sản phẩm lợi thế những giai đoạn trước đến nay không hiệu quả hoặc không còn tồn tại. Tổng hợp từ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ, giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn 11 huyện miền núi đã xây dựng được 206 mô hình; trong đó, có 86 mô hình cây trồng, 82 mô hình vật nuôi, 16 mô hình phát triển dược liệu và 22 mô hình sản phẩm lợi thế, với tổng kinh phí thực hiện 81,056 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua khảo sát, đến nay, chỉ còn 34 mô hình cây trồng, 12 mô hình vật nuôi, 3 mô hình cây dược liệu và sản phẩm lợi thế còn cho thu nhập, chỉ chiếm 24% tổng số mô hình được triển khai. 76% số mô hình còn lại đều “chết yểu” hoặc lay lắt.

Có thể kể đến, huyện vùng cao Mường Lát được hỗ trợ phát triển 43 mô hình, trong đó 13 mô hình cây trồng, 17 mô hình vật nuôi, 1 mô hình phát triển dược liệu và 12 mô hình sản phẩm lợi thế, với tổng kinh phí thực hiện hơn 10,7 tỷ đồng. Đến nay, chỉ còn 4 mô hình cây trồng, 5 mô hình vật nuôi, 7 mô hình sản phẩm lợi thế còn tồn tại. Huyện Quan Hóa được hỗ trợ xây dựng 3 mô hình, với tổng kinh phí 846 triệu đồng, hiện chỉ còn duy nhất 1 mô hình cây trồng cho thu nhập. Huyện Quan Sơn xây dựng 6 mô hình (4 mô hình vật nuôi, 2 mô hình phát triển dược liệu), tổng kinh phí thực hiện 695 triệu đồng, nay chỉ còn 1 mô hình phát triển cây dược liệu cho thu nhập. Huyện Lang Chánh phát triển tới 35 mô hình (17 mô hình cây trồng, 15 mô hình vật nuôi, 3 mô hình phát triển dược liệu) từ các chương trình hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng, nay chỉ còn 14 mô hình cây trồng, 3 mô hình vật nuôi cho thu nhập.

Đặc biệt, huyện Thạch Thành có 14 mô hình được triển khai (10 mô hình vật nuôi, 4 mô hình sản phẩm lợi thế) với tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện hơn 2,1 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa có mô hình nào cho thu nhập. Huyện Cẩm Thủy với 41 mô hình được triển khai (25 mô hình cây trồng, 10 mô hình vật nuôi, 2 mô hình phát triển dược liệu và 4 mô hình sản phẩm lợi thế), tổng kinh phí thực hiện 12,65 tỷ đồng, hiện chỉ có 1 mô hình cây trồng, 2 mô hình vật nuôi còn cho thu nhập. Trong 25 mô hình được hỗ trợ triển khai tại huyện Thường Xuân (14 mô hình cây trồng, 9 mô hình vật nuôi, 1 mô hình phát triển dược liệu và 1 mô hình sản phẩm lợi thế), với tổng kinh phí gần 16,5 tỷ đồng, nay chỉ còn 2 mô hình cây trồng, 1 mô hình vật nuôi và 1 mô hình sản phẩm lợi thế còn cho thu nhập.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa cũng hỗ trợ các huyện miền núi triển khai thực hiện 75 mô hình, với tổng kinh phí thực hiện 11,44 tỷ đồng. Đến nay, nhiều mô hình trong số đó cũng chung số phận với những mô hình đã điểm ở trên.

Không chỉ giai đoạn vừa qua, mà nhiều giai đoạn trước đó, những mô hình hỗ trợ sản xuất ở miền núi của tỉnh cũng có tỷ lệ bền vững không cao. Có cả nguyên nhân chủ quan lẫn điều kiện khách quan, vấn đề đặt ra là, các bên liên quan có “dám” nhìn thẳng sự thật để có giải pháp khắc phục hay vẫn đi vào “dấu chân” và cách làm cũ?

Lê Đồng - Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]