(Baothanhhoa.vn) - Việc trồng rừng ngập mặn không chỉ bảo vệ đê biển, bảo vệ sản xuất nông nghiệp mà còn tạo nguồn sinh kế bền vững giúp người dân vùng ven biển của tỉnh phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả trồng rừng ngập mặn

Việc trồng rừng ngập mặn không chỉ bảo vệ đê biển, bảo vệ sản xuất nông nghiệp mà còn tạo nguồn sinh kế bền vững giúp người dân vùng ven biển của tỉnh phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Hiệu quả trồng rừng ngập mặn

Mô hình nuôi ong lấy mật tại rừng ngập mặn, xã Nga Thủy (Nga Sơn).

Phát triển rừng ngập mặn ven biển

Trong những năm qua, thông qua các chương trình, dự án, tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ, đầu tư trồng rừng ngập mặn tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và TP Sầm Sơn. Đến nay, những cánh rừng ngập mặn màu xanh mướt của những cây sú, cây vẹt hay cây bần chua, tạo thành những vành đai vững chắc bảo vệ đê biển, ngăn bão lũ, triều cường. Bên cạnh đó, những cánh rừng ngập mặn đã và đang góp phần giảm thiểu rủi ro do thiên tai, cải thiện sinh kế cho cộng đồng cư dân ven biển. Rừng ngập mặn được trồng ở các địa phương ven biển chủ yếu là cây bần chua và sú, vẹt, chiều cao trung bình khoảng 3-5m. Các địa phương ven biển có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp ngập mặn 1.345,53 ha; trong đó, đất có rừng ngập mặn 967,53 ha, đất chưa có rừng 228 ha, diện tích nuôi ngao kém hiệu quả rà soát đưa vào trồng rừng 150 ha. Từ lợi ích do rừng ngập mặn mang lại, các địa phương ven biển đang tích cực tham gia nhiều dự án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Dự án trồng, phục hồi rừng ven biển huyện Hậu Lộc với quy mô trồng mới và chăm sóc rừng ngập mặn 228 ha, nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020. Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển với mục tiêu bảo vệ và phát triển vùng ngập mặn ở 6 địa phương ven biển của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc bố trí quỹ đất cho hợp phần rừng ngập mặn và nâng cấp rừng ngập mặn của 2 Dự án “Trồng, phục hồi rừng ven biển huyện Hậu Lộc” và Dự án “Tăng cường năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dân cư dễ tổn thương ven biển Việt Nam”. Với mục tiêu bảo vệ, trồng, phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn, tạo sinh kế, từ nay đến năm 2021, Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” sẽ hỗ trợ trồng rừng ngập mặn tại các địa phương ven biển trong tỉnh với diện tích 100 ha trồng mới và 350 ha trồng bổ sung, phục hồi do quỹ khí hậu xanh (GCF) tài trợ không hoàn lại.

Hiện hữu những mô hình kinh tế dưới tán rừng ngập mặn

Với những dải rừng ngập mặn trải dài theo triền đê biển, người dân ở các xã Nga Tân, Nga Thủy, Nga Thanh... (Nga Sơn) đã triển khai thực hiện các mô hình kinh tế dưới tán rừng, như: Nuôi tôm sú kết hợp cua xanh, nuôi ong lấy mật... đang từng bước mang lại hiệu quả kinh tế. Tận dụng lợi thế rừng ngập mặn sú, vẹt có hoa quanh năm nên hàng chục hộ dân xã Nga Thủy phát triển nghề nuôi ong lấy mật, một sản phẩm mật ong không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Trung bình, mỗi đàn ong cho thu hoạch khoảng 20 kg mật mỗi năm, với giá trung bình 100.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân ở đây phát triển hàng trăm đàn, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài bán mật, nhiều hộ còn nhân đàn mới với giá trên dưới 1 triệu đồng mỗi đàn. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Nga Thủy cho biết, từ những lợi ích của rừng ngập mặn mang lại trong công tác phòng chống thiên tai, ngoài việc chăm sóc bảo vệ tốt diện tích rừng ngập mặn hiện có, địa phương còn tập trung xây dựng mô hình kinh tế kết hợp giữa quản lý, bảo vệ rừng và nuôi trồng thủy sản; tạo sinh kế ổn định lâu dài cho người dân sống ven rừng, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân bảo vệ rừng ngập mặn, phát triển bền vững, cân bằng sinh thái, bảo vệ đê biển, phát triển các mô hình trang trại, gia trại kết hợp với khai thác hải sản.

Từ rừng ngập mặn, hơn 300 hộ dân xã Đa Lộc (Hậu Lộc) đã đầu tư nuôi khoảng 1.000 bọng ong mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không những vậy, người dân ở các thôn Đông Hải, Đông Thành và Đông Tân còn thực hiện mô hình nuôi vịt dưới rừng ngập mặn. Ông Bùi Văn Oanh, thôn Đông Thành, xã Đa Lộc, cho biết: Với diện tích rừng ngập mặn lớn, thuận lợi cho nuôi vịt thương phẩm quy mô lớn. Được chăn thả ở các bãi triều ngập mặn với nguồn thức ăn tự nhiên khá dồi dào như ốc, các loại sinh vật phù du, nên vịt luôn thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao. Mỗi lứa, gia đình nuôi hơn 1.000 con vịt, trừ chi phí thu lãi 150 triệu đồng. Không những nuôi vịt thương phẩm, một số hộ dân còn đầu tư nuôi vịt lấy trứng. Ngoài ra, người dân trong xã, nhờ đánh bắt cá, cáy, dắt, hầu... trú ngụ tại rừng ngập mặn cũng có thu nhập từ 100 đến 200 nghìn đồng/ngày.

Việc quy hoạch trồng, phát triển 200 ha rừng ngập mặn ở xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, giảm thiệt hại đê biển và bờ đập nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn sinh kế với thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Nhờ có rừng ngập mặn bao quanh khu vực nuôi trồng thủy sản nước lợ với tổng diện tích 500 ha, trong đó 200 ha rừng ngập mặn, 300 ha nuôi trồng thủy sản với 137 hộ dân tham gia, nên tình trạng sạt lở, vỡ bờ ao, bờ đầm nuôi trồng thủy sản của các hộ vùng ngoại đê đã giảm từ 70 đến 80% so với trước.

Có thể thấy, việc bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn ven biển đang hình thành những mô hình kinh tế hiệu quả, giúp cho người dân vùng ven biển tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Xây dựng các mô hình sinh kế bền vững

Hiệu quả trồng rừng ngập mặn

Chương trình phát triển Liên hợp quốc đã lựa chọn Thanh Hóa là một trong 7 tỉnh tham gia Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ (gọi tắt là dự án GCF).

Nhằm giải quyết tình trạng sinh kế bị gián đoạn tạm thời từ việc diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp do việc trồng rừng ngập mặn; nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho ngư dân vùng có rừng ngập mặn để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, từng bước đa dạng hóa đối tượng nuôi theo hướng hiệu quả bền vững; tận dụng nguồn lao động, tạo việc làm cho người dân các địa phương vùng có rừng ngập mặn, Ban Quản lý Dự án GCF tỉnh Thanh Hóa đang đề nghị đại diện nhà tài trợ hỗ trợ triển khai thực hiện Hợp phần 2 của dự án GCF, trồng mới, trồng bổ sung 350 ha rừng ngập mặn ven biển tại hai huyện Nga Sơn và Hậu Lộc đã được phê duyệt kết quả thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật. Đồng thời, hỗ trợ thực hiện các mô hình sinh kế cho người dân vùng có rừng ngập mặn, như: Nuôi vịt thịt thích ứng với biến đổi khí hậu, nuôi ong lấy mật gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, xã Đa Lộc và nuôi gà thịt an toàn sinh học, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc); nuôi tôm sú xen ghép với cá rô phi, nuôi cua xanh thương phẩm, xã Nga Tân và nuôi tôm sú xen ghép với cua xanh, nuôi ong lấy mật, xã Nga Thủy (Nga Sơn)...

Đây là những hỗ trợ thiết thực, kịp thời của dự án nhằm tạo điều kiện giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tham gia thực hiện các mô hình sinh kế ổn định cuộc sống tại các địa phương vùng dự án.

Lê Công Cường

Giám đốc Ban Quản lý dự án GCF tỉnh Thanh Hóa

Tích cực bảo vệ rừng ngập mặn

Hiệu quả trồng rừng ngập mặn

Xã Đa Lộc (Hậu Lộc) có 5 km bờ biển với hơn 300 ha diện tích rừng ngập mặn. Để có được những cánh rừng xanh tốt như hiện nay, chính quyền xã và các tổ chức đoàn thể đã quan tâm tới công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hàng năm, địa phương tiến hành tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lâm nghiệp và các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng và hiệu quả to lớn mang lại từ rừng. Từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái... Đồng thời, xã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ tổ chức trồng rừng ngập mặn tại những bãi triều hoang hóa, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Xã đã thành lập các tổ tự quản bảo vệ rừng ở các thôn, thường xuyên tuần tra, kịp thời phát hiện những vụ việc xâm hại, chặt phá cây rừng, đánh bắt thủy sản bằng phương pháp tận diệt.

Với sự chung tay gìn giữ, bảo vệ của người dân và chính quyền địa phương, diện tích rừng ngập mặn ở xã Đa Lộc ngày càng được mở rộng để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn hiện nay.

Bùi Văn Thái

Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc

Thu nhập thêm từ rừng ngập mặn

Hiệu quả trồng rừng ngập mặn

Từ khi hình thành những cánh rừng ngập mặn người dân ở các xã ven biển huyện Hậu Lộc đã mưu sinh bằng nghề khai thác hải sản từ rừng sú vẹt, mang lại thu nhập, cải thiện đời sống. Những gia đình khó khăn, không có tàu thuyền đi biển, hằng ngày vẫn có thể bắt cua, cá, ngao... ở rừng ngập mặn để mưu sinh. Mỗi ngày vào rừng ngập mặn khai thác hải sản, gia đình tôi có thêm thu nhập trên dưới 200 nghìn đồng. Vùng ven biển huyện Hậu Lộc có rừng ngập mặn rộng lớn, cùng với độ mặn phù hợp được xem là nơi lý tưởng cho các loại sinh vật sinh sôi và phát triển. Công việc của những người dân mưu sinh bằng nghề này thường diễn ra quanh năm, nhưng vào mùa săn bắt chính là bắt đầu từ mùa xuân cho đến hết hè. Tuy vậy, người dân nơi đây vẫn luôn nhắc nhở nhau, không được săn bắt quá mức theo tư tưởng tận thu, mà gìn giữ và bảo vệ rừng ngập mặn cùng các loài sinh vật để làm nguồn sinh kế lâu dài và bền vững.

Bùi Thị Lý

(Xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc)

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]