(Baothanhhoa.vn) - Trải qua nhiều năm trồng ngô khiến đất bị bạc màu và không đem lại hiệu quả cao, gia đình ông Đinh Ngọc Xuân, khu 4, thị trấn Yên Cát (Như Xuân) đã chuyển đổi một phần diện tích ngô để trồng thử nghiệm hơn 100 gốc chanh leo.

Hiệu quả mô hình trồng cây chanh leo

Trải qua nhiều năm trồng ngô khiến đất bị bạc màu và không đem lại hiệu quả cao, gia đình ông Đinh Ngọc Xuân, khu 4, thị trấn Yên Cát (Như Xuân) đã chuyển đổi một phần diện tích ngô để trồng thử nghiệm hơn 100 gốc chanh leo.

Hiệu quả mô hình trồng cây chanh leoDiện tích trồng chanh leo của gia đình ông Đinh Ngọc Xuân, khu 4, thị trấn Yên Cát (Như Xuân).

Qua vụ đầu tiên, chanh leo phát triển rất tốt, cho thu hoạch 2 vụ/năm, với sản lượng ước khoảng 18 tấn quả tươi/ha, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Từ hiệu quả bước đầu này, gia đình ông mở rộng diện tích qua mỗi năm. Đến nay, gia đình ông đã trồng 270 gốc, tất cả đều đã cho thu hoạch, với số tiền thu được hơn 300 triệu đồng/năm. Hiện tại, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích trồng chanh leo nhằm nâng cao sản lượng cây trồng. Từ thực tế và kinh nghiệm đã trải qua, ông Xuân cho rằng, để vườn chanh leo phát triển tốt và đem lại hiệu quả kinh tế thì điều quan trọng nhất là phải chọn được giống tốt, kết hợp với nguồn nước sạch, cùng khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, chăm sóc đúng quy trình. Một trong những điều kiện giúp cây chanh leo sinh trưởng, thu hoạch thuận lợi là kỹ thuật làm giàn, giá đỡ. Các trụ bê tông được bố trí với khoảng cách hợp lý để giữ và kết nối các dây đỡ mặt giàn. Để đảm bảo năng suất, chất lượng, vào mùa mưa cần thăm vườn thường xuyên, cắt tỉa cành để tạo tán cho cây và kịp thời phát hiện bệnh, phun thuốc diệt trừ sâu bệnh.

Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan vườn chanh leo, ông Xuân vừa chia sẻ: Trồng chanh leo chỉ tốn chi phí ban đầu như làm giàn và giống cây, còn việc chăm sóc tương đối đơn giản. Đất trồng chanh leo không yêu cầu quá cao, miễn là đất xốp, thoát nước tốt. Trong quá trình phát triển cây chanh leo sẽ cho ra quả, đồng thời với việc vươn thân, lúc này người trồng cần thực hiện việc cắt bỏ quả để cây phát triển thân. Khi cây đã leo đến mặt giàn cần tiến hành bấm ngọn để cây sinh cành thứ cấp. Đây cũng là thời điểm cây phát triển thân rất mạnh, ở mắt sẽ phát triển nhánh. Lúc này người trồng cần cắt tỉa, chỉ giữ lại 3 - 5 cành khỏe mạnh, tỏa đều các hướng trên giàn. Khi cây bắt đầu phủ giàn, cần thường xuyên cắt tỉa các cành yếu, cành có dấu hiệu sâu bệnh. Nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thì mỗi năm chanh leo sẽ cho thu hoạch 4 lứa và cho thu hoạch liên tục trong thời gian 4 - 5 năm. Ngoài ra, cây tiếp tục cho quả trong các tháng sau khi thu hoạch vụ chính nên vẫn mang lại thu nhập cho người trồng.

Có thể thấy, chanh leo là loại cây ra quả quanh năm, do vậy năng suất và giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác. Theo tính toán sơ bộ, một vụ ngô mỗi năm cho thu nhập chưa đến 20 triệu đồng thì chanh leo thu nhập 40 - 50 triệu đồng. Ông Lê Tiến Đạt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết: Với kết quả ban đầu thu được, cây chanh leo hứa hẹn sẽ là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Để nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp. Từ đó đưa sản phẩm chanh leo đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng và đơn vị bao tiêu sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Có diện tích đất vườn đồi khá lớn, huyện Như Xuân đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân đưa giống chanh leo vào sản xuất, thay thế cho những giống cây trồng truyền thống có giá trị kinh tế thấp như sắn, mía, keo... Để người dân yên tâm sản xuất, huyện đã liên kết với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu T9 thu mua sản phẩm tại vườn theo giá thị trường cho người dân. Theo đó, công ty sẽ thanh toán 50% trước và 50% trả chậm khi cây thu hoạch, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha khi chuyển đổi cây trồng khác sang trồng chanh leo... Cây chanh leo có năng suất từ 30 tấn/ha/năm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trung bình thu được từ 100 triệu đồng/ha trở lên.

Thực tế, diện tích trồng chanh leo đã và đang được nhiều địa phương khác có tiềm năng trồng thử nghiệm như các huyện: Thạch Thành, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Ngọc Lặc... Bước đầu, đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập cho người dân và hiệu quả sử dụng đất. Đây là tín hiệu đáng mừng, là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, để cây chanh leo phát triển bền vững, các địa phương cần có quy hoạch, định hướng sản xuất và kết nối với doanh nghiệp, đảm bảo hơn nữa đầu ra ổn định cho nông dân.

Bài và ảnh: Chi Phạm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]