(Baothanhhoa.vn) - Theo quy hoạch tổng thể vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thủ tướng Chính phủ, đến năm  2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa là 1 trong 10 địa phương trên cả nước sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng, hoạt động có hiệu quả khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Tuy nhiên, để triển khai vào thực tế sản xuất, còn nhiều vấn đề cần quan tâm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gỡ “nút thắt”, thúc đẩy đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Gỡ “nút thắt”, thúc đẩy đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao tại Công ty CP Nông sản, thực phẩm Việt Hưng (TP Thanh Hóa). Ảnh: Tùng Lâm

Theo quy hoạch tổng thể vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa là 1 trong 10 địa phương trên cả nước sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng, hoạt động có hiệu quả khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Tuy nhiên, để triển khai vào thực tế sản xuất, còn nhiều vấn đề cần quan tâm.

Để mang lại những sản phẩm nông nghiệp an toàn, giá trị cao, đầu tư NNCNC là con đường tất yếu. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN), HTX và các hộ nông dân, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương để tháo gỡ những “nút thắt”, tạo động lực cho NNCNC phát triển.

Gỡ “nút thắt”, thúc đẩy đầu tư nông nghiệp công nghệ caoThu hoạch rau thủy canh trong nhà kính tại Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, xã Quảng Tân (Quảng Xương).

Có dịp đến thăm “nông trại” của anh Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới tại thôn Dục Tú, xã Quảng Tân (Quảng Xương), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến quy mô, hiện đại của những người làm nông nghiệp “kiểu mới”. Trên tổng diện tích 4ha, anh Tân đầu tư 3 nhà kính với diện tích 1,5ha theo công nghệ Nhật Bản. Sản phẩm của công ty là dưa lưới Taki, các loại rau thủy canh và củ quả được canh tác theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Anh Tân chia sẻ: Trang trại hiện có 5 kỹ sư phụ trách kỹ thuật, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình công nghệ do phía Nhật Bản chuyển giao. Với giống dưa lưới Taki được thực hiện canh tác 3 vụ/năm. Theo tính toán, doanh thu mỗi vụ sản xuất đạt gần 1 tỷ đồng. Đơn vị cũng cung cấp ra thị trường 2 tạ rau thủy canh mỗi tuần và đang hướng tới đa dạng sản phẩm lên 35-40 loại rau để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Khâu phân phối sản phẩm được thực hiện qua hệ thống hơn 30 siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh, TP Hà Nội và các tỉnh lân cận. Hiện đơn vị cũng đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục về sản phẩm dưa lưới Taki và gửi chào hàng tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc... Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án NNCNC quy mô 3,5ha tại xã Tế Lợi (Nông Cống) để đáp ứng sản lượng khi có đơn hàng xuất khẩu.

Có thể nói, những năm gần đây, NNCNC có sức cuốn hút mạnh mẽ. Nhiều dự án, mô hình gắn với phong trào khởi nghiệp bước đầu đã khẳng định được hiệu quả và đang tạo sự lan tỏa lớn. Trên địa bàn tỉnh cũng đã thu hút được một số DN đầu tư phát triển sản xuất NNCNC, từ đó hình thành được các mô hình điểm để nhân rộng. Không chỉ khẳng định được hiệu quả, giá trị kinh tế, NNCNC còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất, giúp đội ngũ lao động ngành nông nghiệp tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Tuy nhiên, với một hệ sinh thái phong phú, đa dạng, sản xuất NNCNC trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Những khó khăn về quy mô đất đai, bất cập về tiếp cận vốn, hạn chế về trình độ, tay nghề của người lao động đang là những “rào cản” trên lộ trình phát triển này.

Gỡ “nút thắt”, thúc đẩy đầu tư nông nghiệp công nghệ caoTrồng hoa lan công nghệ cao tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao Lam Sơn của Công ty CP Mía đường Lam Sơn.

Huyện Thọ Xuân hiện là “điểm sáng” của tỉnh trong đầu tư, ứng dụng NNCNC. Ngoài Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao Lam Sơn của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, nhiều DN sản xuất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đang không ngừng mở rộng quy mô, như: Công ty CP Great Farm, Công ty Phú Giang... Các HTX trên địa bàn cũng đẩy mạnh tích tụ ruộng đất sản xuất rau an toàn, trồng mía công nghệ cao, sản xuất lúa giống và tiếp nhận, liên kết sản xuất NNCNC với các DN. Những điển hình trên đang tạo niềm tin để các hộ, các DN yên tâm đầu tư ứng dụng quy trình sản xuất công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc nhân rộng các mô hình là tích tụ ruộng đất. Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân, cho biết: Mặc dù đã đẩy mạnh tuyên truyền, tuy nhiên thói quen sản xuất của người nông dân vẫn còn manh mún, nhận thức về tích tụ ruộng đất chưa đầy đủ, còn tâm lý sợ mất đất nên không cho thuê hoặc thuê thời gian ngắn mặc dù không có nhu cầu sử dụng. Chính vì vậy, quy mô sản xuất phổ biến hiện nay vẫn là nông hộ, chưa hình thành được nhiều các chuỗi sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản pháp luật về đất đai còn bất cập khiến thủ tục thuê, chuyển nhượng, góp đất sản xuất nông nghiệp còn khó khăn. Nguồn nhân lực, lao động có trình độ cao trong nông nghiệp trên địa bàn huyện còn thiếu và yếu, khiến quy trình ứng dụng gặp không ít cản trở.

Hơn nữa, nhu cầu về vốn trong đầu tư, ứng dụng NNCNC là rất lớn. Trên thực tế, các chính sách tín dụng ưu đãi trong lĩnh vực NNCNC đã được ban hành, điển hình như Nghị định 55/NĐ-CP thay thế Nghị định 41/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn với nhiều quy định cởi mở, trong đó, khuyến khích cho vay ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đối với các dự án tham gia mô hình liên kết, NNCNC trong sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70%-80% giá trị dự án; phương án sản xuất, kinh doanh với hạn mức 5 – 7 tỷ đồng. Xác định đầu tư công nghệ cao là lĩnh vực mới và tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy để các ngân hàng mạnh dạn hơn khi cho vay, Nghị định 55/NĐ-CP cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện cơ cấu lại nợ hoặc có thể khoanh nợ, xóa nợ đối với trường hợp khách hàng gặp rủi ro nguyên nhân khách quan bất khả kháng. Song, cú hích được đánh giá là mạnh nhất nhằm thúc đẩy đầu tư NNCNC đó là Chính phủ công bố chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng đầu tư trong lĩnh vực này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN về tiêu chí xác định chương trình, dự án NNCNC, nông nghiệp sạch, làm cơ sở để các ngân hàng thực thi chính sách. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có dự án nào được thụ hưởng các khoản vay ưu đãi này. Các ngân hàng thương mại vẫn còn khá e dè và nhận định, DN, hộ sản xuất chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn để được vay vốn ưu đãi theo quy định. Bên cạnh đó, hiện nay, tài sản của DN, hộ sản xuất ứng dụng công nghệ cao chủ yếu là nhà lưới, nhà kính, song những tài sản và chi phí này hiện chưa được tính vào giá trị bảo đảm khoản vay và danh mục thế chấp.

Theo quy hoạch tổng thể vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa là 1 trong 10 địa phương trên cả nước sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng, hoạt động có hiệu quả khu NNCNC. Tuy nhiên, để triển khai vào thực tế sản xuất, còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Triệu Sơn, chia sẻ: Việc phát triển, nhân rộng các mô hình NNCNC là quan tâm hàng đầu của địa phương trong chiến lược phát triển sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần có các DN trụ cột để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, trong khi đây đang là điểm khó của địa phương.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là lựa chọn đúng đắn, là một trong bốn khâu đột phá để thực hiện tái cơ cấu và phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Tỉnh ta phấn đấu năm 2020, tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 32,7% và đến năm 2025 đạt hơn 50% tổng giá trị sản phẩm của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện thành công mục tiêu này, cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các địa phương, các tổ chức tín dụng để tháo gỡ những “nút thắt” đang hiện hữu. Bên cạnh việc nghiên cứu, quyết liệt trong đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, cần quan tâm nhiều hơn tới việc triển khai, tạo cơ chế thông thoáng để nguồn vốn ưu đãi tín dụng NNCNC đến với người sản xuất. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi sự vào cuộc tích cực của các DN để đầu tư vốn, tiếp cận thông tin khoa học công nghệ và chuyển giao cho nông dân, tạo động lực đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Gỡ “nút thắt”, thúc đẩy đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Phát triển NNCNC là giải pháp tạo ra các sản phẩm an toàn, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp.

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm phát triển NNCNC, như: Tích tụ đất đai, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thực hiện mô hình NNCNC, đưa các sản phẩm NNCNC của Thanh Hóa giới thiệu trong các hội chợ sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu... Tuy vậy, việc phát triển NNCNC trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

Hiện ngoài một số khu NNCNC như Lam Sơn – Sao Vàng; dự án chăn nuôi bò sữa Vinamilk; mô hình chăn nuôi theo chuỗi của Công ty CP Nông sản, thực phẩm Việt Hưng; Công ty CP Nông sản Phú Gia, thì đa phần các mô hình NNCNC của các địa phương chủ yếu có quy mô nhỏ, thiếu tập trung, mức độ áp dụng công nghệ thấp. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do thiếu quỹ đất tập trung, thời gian thuê đất ngắn, vốn đầu tư lớn. Phát triển NNCNC yêu cầu phải cần vốn đầu tư lớn, tối thiểu phải từ 3-5 tỷ đồng; đối với nhà lưới khoảng 1,5 tỷ đồng/1 ha, trong khi tỷ lệ rủi ro về thời tiết, thị trường cao. Do đó, để phát triển NNCNC, doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư vốn, tiếp cận thông tin khoa học công nghệ, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ngành nông nghiệp cũng sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển NNCNC.

Nguyễn Viết Thái,

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và

Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Nâng cao tính khả thi, ổn định của dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Gỡ “nút thắt”, thúc đẩy đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Với Agribank Thanh Hóa, dư địa vốn dành cho các dự án NNCNC khá rộng mở và luôn được ưu tiên.

Tuy nhiên, số lượng các dự án trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện được vay vốn của chương trình hiện rất hạn chế, đặc biệt là thiếu các dự án có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả, được đầu tư bài bản, đáp ứng các tiêu chí theo Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14-3-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hơn nữa, trong lĩnh vực nông nghiệp, lợi nhuận của dự án phụ thuộc vào thời tiết, thị trường nên độ rủi ro lớn, khả năng hoàn vốn bấp bênh. Trong khi đó, bảo hiểm nông nghiệp lại chưa được triển khai. Do đó, mặc dù ngân hàng rất muốn triển khai các gói vay ưu đãi trong lĩnh vực này nhưng vẫn chưa thực hiện được, bởi điều kiện tiên quyết để ngân hàng quyết định cho các dự án là khả năng thu hồi vốn.

Để chương trình ưu đãi tín dụng cho NNCNC đạt được hiệu quả, các sở, ngành trong tỉnh cần tích cực vào cuộc, dự báo và cảnh báo về phát triển sản phẩm NNCNC; đồng thời, có giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm, kịp thời thông báo, cảnh báo tình trạng sản xuất vượt quy hoạch để chỉ đạo, định hướng việc cho vay. Bộ Tài chính sớm triển khai các hướng dẫn liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng và khách hàng phát triển đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nói chung và NNCNC, nông nghiệp sạch nói riêng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất khi đầu tư dự án NNCNC cần đầu tư xây dựng phương án sản xuất thuyết phục; trong đó, thận trọng nghiên cứu đầu ra của sản phẩm, diễn biến của thị trường cùng những giải pháp ứng phó để phát triển ổn định, bền vững.

Trịnh Ngọc Thanh

Giám đốc Agribank Thanh Hóa

Cởi mở, thông thoáng hơn trong thực hiện chính sách tín dụng

Gỡ “nút thắt”, thúc đẩy đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Việc Nhà nước quan tâm, ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi nhằm kích cầu trong lĩnh vực NNCNC là tín hiệu đáng mừng đối với người sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, người sản xuất hiện đang rất chật vật và khó “với” được các chính sách này.

Điển hình như tại Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, hiện giá trị đầu tư của dự án đã lên đến con số gần 40 tỷ. Toàn bộ hệ thống nhà kính và công nghệ sản xuất sản phẩm được tuân thủ chặt chẽ quy định từ phía Nhật Bản chuyển giao. Đầu ra của sản phẩm ổn định với 2 cửa hàng do công ty tự đầu tư và hệ thống các siêu thị có ký kết hợp đồng bao tiêu. Để mở rộng quy mô sản xuất, đơn vị thực hiện thủ tục vay 15 tỷ đồng từ nguồn vốn ưu đãi của gói tín dụng 100.000 tỷ đồng. Hồ sơ đã được chuẩn bị và thẩm định bởi 15 ngân hàng nhưng đều không mang lại kết quả. Với đề xuất cho vay thương mại, phía các ngân hàng đưa ra thời gian vay ngắn hạn và phải thực hiện tất toán sau 4-6 tháng.

Để “rộng đường” tín dụng, giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất, các tổ chức tín dụng cần “nới lỏng” quy định cho vay. Bên cạnh đó, các tiêu chí xác định dự án NNCNC cần rõ ràng hơn để tổ chức tín dụng thuận lợi trong quá trình thẩm định và doanh nghiệp có căn cứ xây dựng phương án đáp ứng tiêu chuẩn.

Trần Văn Tân

Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng

và Thương mại Phong Cách Mới

Tích tụ đất đai ổn định lâu dài để người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất

Gỡ “nút thắt”, thúc đẩy đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Với sản xuất NNCNC, việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng chiếm nguồn vốn khá lớn, do đó, người sản xuất cần diện tích đất ổn định để phát triển sản xuất.

Thực tế hiện nay, người nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng. Nhiều diện tích sau tích tụ đất đai vẫn bị bỏ hoang hoặc sản xuất “chiếu lệ”, không hiệu quả. Tuy nhiên, do tâm lý “giữ đất” nên nhiều hộ vẫn không muốn trả lại cho Nhà nước hoặc cho thuê. Nhiều người cho thuê thì chỉ đồng ý với thời gian từ 3-5 năm, khiến doanh nghiệp, hộ sản xuất không yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Để tháo gỡ những khó khăn về nguồn lực sản xuất, thúc đẩy nhiều doanh nghiệp, HTX, người dân tham gia sản xuất NNCNC, Nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong vấn đề tích tụ đất đai, tạo mặt bằng, quỹ đất quy mô lớn. Với những diện tích được giao nhưng không thực hiện sản xuất cần kiên quyết thu hồi. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy định cụ thể về thủ tục thuê đất, làm cơ sở cho các địa phương, người sản xuất thuận lợi áp dụng.

Mai Chấn Nhâm

(Xã Nga Thành, Nga Sơn)

M.H


M.H

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]