(Baothanhhoa.vn) - Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh, nhiều lĩnh vực bị đình trệ. Việc khôi phục lại sản xuất là bài toán khó khi doanh thu của DN giảm sút, nguồn vốn để khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khá tốt các chính sách hỗ trợ DN, phát huy vai trò “bà đỡ” tín dụng góp phần giúp DN khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động.

Gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển (Bài 2): Đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh, nhiều lĩnh vực bị đình trệ. Việc khôi phục lại sản xuất là bài toán khó khi doanh thu của DN giảm sút, nguồn vốn để khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khá tốt các chính sách hỗ trợ DN, phát huy vai trò “bà đỡ” tín dụng góp phần giúp DN khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động.

Gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển (Bài 2): Đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanhCông ty CP May xuất khẩu Vạn Lợi, xã Thăng Long (Nông Cống) được vay vốn ngân hàng đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) phần nào chứng minh được điều này, khi đến ngày 20-3-2023, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt 176.500 tỷ đồng; trong đó, có 5.703 DN quan hệ tín dụng với các ngân hàng, với dư nợ 47.593 tỷ đồng. Dư nợ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm 6,8%, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 50,9%, lĩnh vực thương mại - dịch vụ chiếm 42,2%. Đồng thời, thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng Nhà nước đối với các khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh, toàn tỉnh có 182 khách hàng được hỗ trợ lãi suất, với dư nợ đến ngày 20-3-2023 là 884,5 tỷ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ 6,146 tỷ đồng.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại cũng đang triển khai hơn 40 chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi cho nhiều phân khúc DN khách hàng khác nhau. Cùng với triển khai các chương trình tín dụng, chương trình tín dụng ưu đãi đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đến 20-3-2023, dư nợ cho vay 5 đối tượng thuộc các lĩnh vực ưu tiên đạt 6.729 tỷ đồng, chiếm 4,31% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại; trong đó, cho vay lĩnh vực nông nghiệp 2.796 tỷ đồng, cho vay sản xuất hàng xuất khẩu 946 tỷ đồng, cho vay DN nhỏ và vừa 2.987 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhằm chia sẻ khó khăn với người dân, DN, các tổ chức tín dụng trong tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 3.126 khách hàng, với giá trị nợ được cơ cấu 4.386 tỷ đồng; thực hiện miễn, giảm lãi suất cho 284.250 khách hàng, với dư nợ 92.656 tỷ đồng, số tiền lãi đã miễn cho khách hàng 314,8 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng, như BIDV Thanh Hóa thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 2,5%/năm, các chi nhánh Agribank giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng, Vietcombank Thanh Hóa giảm 1% lãi suất vào cuối năm 2022. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng đã cho vay phục hồi sản xuất cho 8.402 khách hàng, với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23-1-2020 đến ngày 20-3-2023 là 107.503 tỷ đồng... Sự hỗ trợ, chia sẻ từ các tổ chức tín dụng đã giúp DN, hộ sản xuất, kinh doanh phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 và đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền trong đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, quá trình cho vay DN vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, như nguồn vốn huy động tăng chậm hơn dư nợ tín dụng; hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn; một số DN, HTX thiếu các điều kiện pháp lý, tài sản bảo đảm để vay vốn và năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành còn nhiều hạn chế so với yêu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh; đầu tư tín dụng cho các DN nhỏ và vừa vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay khi khách hàng vay vốn không trả được nợ cho ngân hàng gặp nhiều khó khăn, thủ tục và thời gian thi hành án thường phức tạp, kéo dài; thông tin tài chính của các DN thiếu chính xác, gây khó khăn trong công tác thẩm định để xác định hạn mức cho vay...

Gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển (Bài 2): Đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanhCông nhân Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đức Thắng - cụm công nghiệp phía Bắc, thị trấn Quán Lào (Yên Định) trong ca sản xuất.

Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và tiếp cận tín dụng của DN trên địa bàn tỉnh được tổ chức vào ngày 21-3 vừa qua, nhiều DN cho rằng, năm 2023, dự báo tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, kinh tế - xã hội trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hoạt động sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 sẽ tiếp tục gặp khó khăn, thách thức, nếu may mắn thì từ quý II-2023, hoạt động của DN mới khả quan hơn. Nhưng trước mắt, nhiều DN đang đối mặt với khó khăn, như thiếu nguyên liệu đầu vào, đơn hàng sụt giảm, chi phí sản xuất tăng cao, xuất khẩu giảm, nhất là tín dụng bị siết chặt, lãi suất ngân hàng cao... Vì vậy, DN rất cần nguồn vốn với lãi suất thấp hoặc giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh tại hội nghị, Giám đốc NHNN Thanh Hóa Tống Văn Ánh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong tỉnh chủ động tiếp cận khách hàng (DN, hộ sản xuất, kinh doanh...) để nắm bắt thông tin và đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân, DN. Đồng thời, chủ động gặp gỡ và đối thoại song phương với người có nhu cầu vay vốn để xác định rõ nguyên nhân vì sao không tiếp cận được nguồn vốn, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận tín dụng. Qua đó, quyết tâm khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh của tỉnh. Cũng tại hội nghị, các đại biểu tham dự đều có chung quan điểm, ngân hàng và DN có mối quan hệ cộng sinh. DN cần vốn, trong đó chủ đạo hiện nay là vốn tín dụng ngân hàng để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh. Và thông qua hoạt động cho vay, cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho DN, ngân hàng cũng có được nguồn thu nhập đáng kể. Vì thế, các DN và các tổ chức tín dụng phải cùng nhìn về một hướng để đồng hành, hỗ trợ cùng phát triển.

Năm 2023, tín dụng các chương trình kinh tế dự kiến tăng 14 - 15% so với năm 2022 và có sự điều chỉnh theo diễn biến tình hình thực tế. Hiện các ngân hàng được cấp chỉ tiêu tăng trưởng cho vay mới đang gia tăng nguồn vốn cung ứng cho các khoản vay của DN. Tính đến cuối tháng 2-2023, mức lãi suất cho vay ngắn hạn Việt Nam đồng bình quân từ 7,71% đến 13,12%/năm, trung và dài hạn bình quân từ 10,86% đến 13,85%/năm; lãi suất cho vay USD ngắn hạn bình quân là 5,05%/năm, trung và dài hạn là 6,05%/năm, mức này đã giảm so với những tháng cuối năm 2022. Riêng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ lĩnh vực ưu tiên, áp dụng ở mức tối đa là 5,5%/năm. Và để tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với DN, lãnh đạo các ngân hàng thương mại thống nhất sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay ở tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới. Song song đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ trong tháng 3-2023 để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống các ngân hàng thương mại để DN tiếp cận được gói hỗ trợ. Với quyết tâm khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cùng với cam kết giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới, nhất là hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, chắc chắn DN trong tỉnh sẽ được “bơm” thêm vốn với lãi suất phù hợp để khôi phục, duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động.

Trong nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với ngân hàng và DN, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khẳng định: DN đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tăng trưởng và ổn định kinh tế - xã hội, góp phần tích cực giải quyết việc làm, đóng góp vào ngân sách Nhà nước và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Vì thế, UBND tỉnh đã và sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp, các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng DN. Tỉnh cũng cam kết chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất để các DN, doanh nhân phát huy tối đa tài năng, trí tuệ và năng lực sản xuất, kinh doanh của mình, xây dựng và phát triển DN ngày càng lớn mạnh, bền vững.

NHNN Thanh Hóa cam kết đồng hành với từng khách hàng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng

Gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển (Bài 2): Đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh

Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) luôn bám sát điều hành của UBND tỉnh, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả, với phương châm ngân hàng luôn là bạn đồng hành cùng DN.

Với vai trò là “cầu nối” giữa ngân hàng và DN, thời gian qua, NHNN Thanh Hóa đã thường xuyên tham dự các hội nghị gặp mặt, đối thoại với DN do UBND tỉnh tổ chức; chủ động gặp gỡ trao đổi trực tiếp với Hiệp hội DN tỉnh để nắm bắt kịp thời những vướng mắc, khó khăn và đề xuất của DN, giải đáp, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo kiến nghị NHNN Việt Nam. Bên cạnh đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm tín dụng phù hợp với các đối tượng DN, nhất là DN nhỏ và vừa, HTX. Đồng thời, chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng vay vốn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hộ sản xuất, HTX, tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đúng quy định pháp luật. Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn tỉnh, NHNN Thanh Hóa sẽ tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi cho DN vay vốn. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành để nắm bắt nhu cầu vốn vay của DN; tuyên truyền, triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ, NHNN Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay.

Ông Tống Văn Ánh

Giám đốc NHNN Thanh Hóa

Giảm lãi suất ưu đãi đối với lĩnh vực du lịch

Gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển (Bài 2): Đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh

Mặc dù đã tiếp cận được nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, như giảm giá điện, giảm phí trong thực hiện thủ tục hành chính nhóm ngành du lịch, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền sử dụng đất cho các cơ sở lưu trú... Tuy nhiên, 3 năm qua, DN du lịch vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận với các gói tín dụng, nguyên nhân bắt nguồn từ ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến doanh thu giảm, không đủ điều kiện vay vốn... Ngoài những nỗ lực của chính bản thân DN, DN rất cần các ngân hàng có chính sách tháo gỡ các khó khăn về tín dụng, như khoanh nợ cho DN, giải ngân một phần vốn để trả nợ quá hạn, giảm bớt các điều kiện tín dụng giúp DN tiếp cận với vốn vay... Vì vậy, việc triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% khi vay vốn từ ngân hàng thương mại, cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong việc tiếp cận các chính sách và giải pháp hỗ trợ về vốn đối với các DN du lịch. Các ngân hàng cũng cần nghiên cứu để triển khai các sản phẩm dành riêng cho DN du lịch, lữ hành. Đồng thời, thực hiện cơ chế tín dụng tín chấp đối với DN trong điều kiện DN không có tài sản thế chấp ngân hàng hoặc thực hiện hỗ trợ vay vốn sử dụng các tài sản thế chấp khác, như bất động sản, tài sản hình thành trong tương lai, các khoản phải thu thanh toán qua ngân hàng... Việc ngân hàng tạo điều kiện cho DN sớm tiếp cận vốn vay ngân hàng, giảm lãi suất ưu đãi đối với lĩnh vực du lịch cũng chính là đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cao Thiện Tâm

Chủ tịch HĐQT Công ty Buffalo, phường Bắc Sơn, TP Sầm Sơn

Tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp tiếp cận vốn tín dụng

Gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển (Bài 2): Đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh

Vốn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của DN, nhất là DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam đã ban hành khung lãi suất dành cho lĩnh vực này chỉ từ 4,5%/năm. Tuy nhiên, đến nay rất ít ngân hàng áp dụng mức lãi suất này để triển khai cho vay.

Để hỗ trợ DN nhỏ và vừa, các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển, các ngân hàng cần nghiên cứu, xây dựng các chương trình, dự án hỗ trợ, chính sách “mở”, tạo điều thuận lợi giúp các DN mới thành lập, các DN nhỏ và vừa có tiềm lực hạn hẹp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, khởi nghiệp thuận lợi, phát triển thành công. Đồng thời, cần rà soát quy trình, điều kiện, thủ tục vay theo hướng đơn giản hơn, tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận vốn tín dụng từ các ngân hàng. Tổ chức tín dụng cần xây dựng hệ thống quy trình thu thập, khai thác thông tin dữ liệu tín dụng, phân tích, đánh giá tín nhiệm hoạt động tín dụng khách hàng đầy đủ, chính xác để tăng khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, hỗ trợ DN xây dựng phương án vay vốn có tính khả thi cao.

Vốn quyết định sự thành công của DN, nhất là đối với DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp. Thực tế hiện nay, tất cả các ngân hàng đều có những gói tín dụng cho DN nhỏ và vừa vay, nhưng thực tế nhiều DN vẫn chưa vay được vốn. Do đó, đề nghị NHNN và Chính phủ cần có cơ chế trên cơ sở tình hình của DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp để giảm điều kiện cho vay, tạo điều kiện cho nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng sẽ là “bà đỡ” để các DN khởi nghiệp phát triển.

Lê Kỳ Tiến

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thanh Hóa

DN phải tạo được chữ tín, xây dựng phương án quản trị kinh doanh hiệu quả

Gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển (Bài 2): Đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh

Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Bắc Thanh Hóa (Agribank Bắc Thanh Hóa) đã tích cực đồng hành với khách hàng, chủ động rà soát, đánh giá các phương án sản xuất, kinh doanh, cân đối tài chính, dòng tiền để tư vấn, hỗ trợ phù hợp cho khách hàng. Hiện nay, nguồn vốn của Agribank Bắc Thanh Hóa khá sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các cá nhân, DN. Ngân hàng sẵn sàng chia sẻ khó khăn, đồng hành với phát triển của DN. Dù vậy, DN muốn tiếp cận được nguồn vốn vay thì cần minh bạch thông tin, tìm hiểu đầy đủ các quy định pháp luật về tiền tệ, ngân hàng và ngoại hối để cùng chia sẻ với hoạt động của ngân hàng, từ đó hỗ trợ nhau phát triển tốt nhất. Ngân hàng xét cho vay, tài sản bảo đảm không phải là điều kiện hàng đầu mà trước hết DN phải tạo được chữ tín, DN phải cho ngân hàng thấy được phương án quản trị kinh doanh để bảo đảm an toàn nguồn vốn cho vay của ngân hàng.

Về phía ngân hàng, sẽ nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, để cùng phối hợp giải quyết, đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển hoạt động tín dụng phù hợp. Agribank Bắc Thanh Hóa tiếp tục cam kết đẩy mạnh hoạt động kết nối ngân hàng - DN, người dân bằng các biện pháp, hình thức thiết thực, phù hợp để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng khôi phục, duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Thái Triệu

Giám đốc Agribank Bắc Thanh Hóa

Bài và ảnh: Khánh Phương

Tin liên quan:
  • Gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển (Bài 2): Đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh
    Gỡ khó, tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển (Bài 1): Lắng nghe tâm ...

    Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu cùng những khó khăn từ nội tại đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây. Trước bối cảnh này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 18-3-2023 về việc tổ chức Hội nghị gặp gỡ DN năm 2023 để lắng nghe, chia sẻ, từng bước tháo gỡ những vướng mắc cụ thể; đồng thời, động viên các “doanh nhân - người lính xung kích thời bình” vượt qua thách thức, xây dựng cộng đồng DN ngày càng vững mạnh và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]