(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, phát triển trang trại chăn nuôi đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế, người dân cũng đang đối mặt với thách thức không nhỏ về mức độ ô nhiễm môi trường (ONMT) do chất thải gây ra. Để khắc phục thực trạng trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và người nông dân...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

Những năm gần đây, phát triển trang trại chăn nuôi đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế, người dân cũng đang đối mặt với thách thức không nhỏ về mức độ ô nhiễm môi trường (ONMT) do chất thải gây ra. Để khắc phục thực trạng trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và người nông dân...

Trang trại chăn nuôi của gia đình anh Cao Văn Lộc, xã Hà Phong (Hà Trung).

Xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc) có 130 trang trại và gia trại, trong đó có 3 khu trang trại tập trung có quy mô lớn. Từ những mô hình trang trại chăn nuôi này nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo và có nguồn thu nhập ổn định. Gia đình ông Đỗ Xuân Hưởng, thôn Tân Phúc là một trong 13 hộ gia đình nằm trong khu chăn nuôi tập trung của xã Vĩnh Phúc. Năm 2017, với số vốn ban đầu hơn 500 triệu đồng, gia đình ông đầu tư xây dựng trang trại để quyết tâm làm giàu bằng nghề chăn nuôi. Hiện nay, đàn lợn của gia đình ông đang có số lượng hơn 100 con. Trung bình, mỗi năm ông xuất bán hơn 200 con, thu lãi từ 120 đến 150 triệu đồng/năm. Thực tế cho thấy, mặc dù thời tiết nắng nóng, song trang trại của gia đình ông Hưởng vẫn không bốc nhiều mùi hôi, thối như những trang trại khác. Ông Hưởng, cho biết: “Khi được UBND xã phổ biến các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, gia đình đã đầu tư, xây dựng hầm khí sinh học Biogas với diện tích 6m2”. Bên cạnh đó, việc sử dụng đệm lót sinh học để phân hủy hữu cơ, giảm thiểu ONMT. Quá trình đầu tư đã mang lại hiệu quả rõ rệt, không những cắt giảm chi phí nhân công mà vật nuôi hạn chế được dịch bệnh, không gây ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ sức khỏe của con người. Được biết, từ năm 2011, xã Vĩnh Phúc quy hoạch xây dựng khu trang trại tập trung, nhằm giải quyết vấn đề ONMT trong khu dân cư. Hiện nay, tất cả các trang trại bắt buộc có đề án bảo vệ môi trường, cam kết xây dựng chuồng trại bảo đảm vệ sinh.

Ông Tào Quang Thiệu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Vĩnh Lộc, cho biết: “Xác định chăn nuôi là nguồn thu nhập bền vững của mỗi gia đình nên vấn đề giảm thiểu tác động đến môi trường luôn được UBND huyện quan tâm. Không chỉ ở xã Vĩnh Phúc mà nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện, như: Các xã Vĩnh Khang, Vĩnh Tân, Vĩnh Long... ở những khu chăn nuôi tập trung, ngoài hệ thống hầm khí sinh học Biogas được UBND huyện đầu tư xây dựng thì ở mỗi trang trại, người dân đã chủ động xây thêm hầm khí sinh học diện tích nhỏ, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải... Trong thời gian tới, huyện Vĩnh Lộc dự kiến điều tra thực trạng ONMT, yêu cầu tất cả các hộ chăn nuôi trên địa bàn làm báo cáo tác động môi trường. Bên cạnh đó, quy hoạch thêm một số vùng chăn nuôi tập trung ở xa khu dân cư.

Trang trại tổng hợp của gia đình anh Cao Văn Lộc, xã Hà Phong (Hà Trung) xây dựng đến nay được 3 năm. Ngoài đào ao nuôi cá, trồng cây ăn quả trang trại của anh còn chăn nuôi đàn lợn với số lượng hơn 400 con. Trước đây, khi chưa chú trọng các biện pháp bảo vệ môi trường, trang trại gia đình anh xảy ra tình trạng bị ô nhiễm nguồn nước. Được sự hướng dẫn của UBND xã Hà Phong, trên mảnh đất có diện tích 1,5 ha, anh xây dựng lại chuồng trại ở hướng thoáng mát. Ngoài áp dụng công nghệ khí sinh học Biogas và xây dựng thêm bể lắng, anh Lộc còn trồng nhiều cây xanh xung quanh trang trại. Bên cạnh đó, hằng ngày đều có lao động dọn vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng định kỳ 3 lần/tháng. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm đã phần nào được giải quyết.

Thực tế cho thấy, vấn đề ONMT từ chất thải trong chăn nuôi ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Một số trang trại có quy mô nhỏ, lẻ người dân còn thờ ơ, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Những biện pháp được đưa ra, như: Xây dựng hầm khí Biogas, bể lắng, sử dụng đệm lót sinh học... vẫn có nguy cơ gây ONMT khi các trang trại không tuân thủ quy trình sản xuất, vận hành hệ thống xử lý chất thải. Do đó, cần có những biện pháp hỗ trợ như xây ao hồ, trồng cây xanh... Bên cạnh đó, hầu hết các biện pháp trên gặp không ít trở ngại do chi phí lớn, không phù hợp với những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, lẻ do diện tích trang trại còn hạn chế. Suy nghĩ chủ quan của người dân khi xây dựng trang trại là “khi nào có ô nhiễm mới tìm cách giải quyết” nên nhiều hộ không có kế hoạch đầu tư lâu dài. Những năm qua, việc xử lý các cơ sở chăn nuôi gây ONMT còn ít, nhất là còn nhiều địa phương chưa có vùng chăn nuôi tập trung, phần lớn đều mang tính tự phát, việc xử phạt khó áp dụng.

Nhằm khắc phục, giảm thiểu ONMT do chăn nuôi, trước mắt các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi các biện pháp giảm thiểu ONMT. Khuyến khích đầu tư xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Các địa phương phải có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải chăn nuôi cho các trang trại chăn nuôi. Kiên quyết không cấp phép, xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp, trang trại không bảo đảm các biện pháp bảo vệ môi trường.


Bài và ảnh: Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]