(Baothanhhoa.vn) - Sau 5 năm đầu tư xây dựng với hàng triệu ngày công, từ tháng 11-2018, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã chính thức đi vào giai đoạn vận hành thương mại. Với tổng vốn đầu tư 9,3 tỷ USD, công suất giai đoạn 1 là 10 triệu tấn dầu thô/năm, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ đáp ứng khoảng 40% tổng nhu cầu nhiên liệu xăng dầu trong nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm năng lượng quốc gia

Đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm năng lượng quốc gia

Trung tâm vận hành Nhà máy Thủy điện Trung Sơn (Quan Hóa).

Sau 5 năm đầu tư xây dựng với hàng triệu ngày công, từ tháng 11-2018, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã chính thức đi vào giai đoạn vận hành thương mại. Với tổng vốn đầu tư 9,3 tỷ USD, công suất giai đoạn 1 là 10 triệu tấn dầu thô/năm, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ đáp ứng khoảng 40% tổng nhu cầu nhiên liệu xăng dầu trong nước.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành, đã và sẽ tiếp tục tạo động lực cho nhiều ngành công nghiệp phụ trợ và sau lọc hóa dầu, các ngành dịch vụ phát triển, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Cùng với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa cũng đã thu hút nhiều dự án công nghiệp năng lượng lớn. Các dự án này đi vào hoạt động, đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng công nghiệp, thu ngân sách địa phương.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 16 dự án nguồn điện đi vào hoạt động, với tổng công suất 1.285,6 MW. Trong đó, có 11 nhà máy thủy điện đi vào vận hành, với tổng công suất 597,4 MW, bao gồm: Thủy điện Trung Sơn, Thủy điện Cửa Đạt, Thủy điện Thành Sơn, Thủy điện Bá Thước 1, Thủy điện Bá Thước 2, Thủy điện Cẩm Thủy 1, Thủy điện Bái Thượng, Thủy điện Xuân Minh, Thủy điện Dốc Cáy, Thủy điện Trí Nang, Thủy điện Trung Xuân. 1 dự án nhiệt điện đã đi vào vận hành với công suất 600 MW là Nhiệt điện Nghi Sơn 1. Ngoài ra, Thanh Hóa còn có Nhà máy điện mặt trời Yên Định, đóng trên địa bàn xã Yên Thái (Yên Định), với công suất 30 MW; 3 nhà máy điện sinh khối đi vào hoạt động, với tổng công suất 47,7 MW của 3 nhà máy sản xuất đường mía Lam Sơn, Việt Đài và Nông Cống. Tổng sản lượng điện sản xuất năm 2020 đạt khoảng 5,75 tỷ kWh.

Nhà máy điện mặt trời Yên Định đi vào vận hành từ đầu năm 2019. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, nhà máy hoạt động đạt sản lượng công suất thiết kế. Ông Trần Văn Tuấn, quản lý điều hành sản xuất Nhà máy điện mặt trời Yên Định, đánh giá: Các điều kiện về vị trí địa lý và yếu tố phát điện tại Thanh Hóa khá tốt cho phát triển điện mặt trời, điển hình như cường độ bức xạ, thời gian bức xạ - yếu tố quyết định cho sản xuất điện mặt trời. Sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư triển khai các bước xây dựng giai đoạn 2, nâng công suất của nhà máy lên 60 MW.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có 5 dự án nguồn điện đang được đầu tư với công suất 1.959 MW, bao gồm: Thủy điện Hồi Xuân (102 MW), Thủy điện Sông Âm (12 MW); Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (1.200 MW); Nhà máy nhiệt điện Công Thanh (600 MW); Nhà máy điện mặt trời Kiên Thọ - Ngọc Lặc (45 MW). Trong đó, các dự án lớn như Thủy điện Hồi Xuân, Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 dự kiến sẽ đi vào vận hành trong năm 2021-2022, bổ sung đáng kể nguồn điện vào lưới điện quốc gia. Tỉnh Thanh Hóa hiện cũng đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch điện lực 9 dự án, gồm 8 dự án thủy điện với tổng công suất 78,5 MW và 1 dự án điện mặt trời công suất 160 MWP.

Đồng chí Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó có định hướng “đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp nặng, mà trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo”; Sở Công Thương đã và đang tham mưu UBND tỉnh đề xuất quy hoạch thêm tổng dung lượng khoảng 6.230 MW các dự án nguồn điện. Trong đó, tỷ trọng cao là các dự án năng lượng tái tạo, điện sinh khối, dự án điện khí công nghệ thân thiện môi trường, hạn chế các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch công nghệ lạc hậu nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, tạo nền tảng, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện hợp lý và đa dạng các loại hình năng lượng; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lý. Cùng với đó, sẽ chú trọng phát triển hệ thống cung ứng điện, bảo đảm hạ tầng điện sẽ đi trước một bước, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, Sở Công Thương đang phối hợp với các sở, ngành có liên quan của tỉnh và nhà đầu tư căn cứ xu hướng phát triển các nguồn năng lượng, nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ bổ sung quy hoạch phát triển điện lực các dự án nguồn điện, như: Dự án Trung tâm điện - khí LNG Nghi Sơn 4.800 MW (2 giai đoạn); các dự án điện gió với tổng công suất 300 MW, gồm: điện gió Bắc Phương - Nghi Sơn 150 MW; điện gió Thanh Phú 50 MW, điện gió Hải Lâm 50 MW, điện gió Envision Hoằng Hóa khoảng 50 MW. Các dự án điện mặt trời được đề xuất quy hoạch với tổng công suất 780 MW tại các huyện Ngọc Lặc, Yên Định, Như Thanh, Nông Cống, Thiệu Hóa,... Trong đó, đáng kể là các dự án: Cụm điện mặt trời Lam Sơn 200 MW, cụm điện mặt trời Công Chính - Yên Lạc 90 MW. Các dự án điện sinh khối được đề xuất quy hoạch gần 300 MW; trong đó, đáng kể nhất là dự án tổ hợp giấy và năng lượng Hokuetsu & Lee Man 250 MW, Nhà máy điện sinh khối Quan Sơn 30 MW, điện đốt rác Bỉm Sơn 18 MW... Các dự án thủy điện với công suất 50 MW được nghiên cứu quy hoạch theo tiêu chí phát triển có chọn lọc, như thủy điện Mường Lát (30 MW), thủy điện Trung Lý (5 MW),...

Với tổng công suất nguồn điện quy hoạch trên địa bàn tỉnh khoảng 9.700 MW, Thanh Hóa thực sự sẽ trở thành trung tâm năng lượng lớn khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Theo tính toán, tổng nguồn vốn thu hút đầu tư cho các dự án nguồn điện đã quy hoạch và đề nghị quy hoạch, phát triển trong giai đoạn 2020-2030 ước gần 6 tỷ USD. Căn cứ theo Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các dự án điện năng sẽ được nghiên cứu, phát triển theo hướng ưu tiên năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, giảm phát thải nhà kính. Trong đó, đối với thủy điện sẽ huy động tối đa các nguồn thủy điện hiện có. Phát triển có chọn lọc, bổ sung một số thủy điện nhỏ và vừa, thủy điện tích năng. Đối với điện gió và điện mặt trời, sẽ ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Đối với điện sinh khối, rác thải và chất thải rắn, sẽ khai thác tối đa nguồn điện sinh khối đồng phát, tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị, chất thải rắn và sinh khối.

Minh Hằng


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]