(Baothanhhoa.vn) - Từ chủ trương, cơ chế, chính sách đến giải pháp phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện đồng bộ, tạo động lực cho người dân mở rộng diện tích cây gai xanh nguyên liệu.

Động lực phát triển cây gai xanh nguyên liệu

Từ chủ trương, cơ chế, chính sách đến giải pháp phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện đồng bộ, tạo động lực cho người dân mở rộng diện tích cây gai xanh nguyên liệu.

Động lực phát triển cây gai xanh nguyên liệuNgười dân xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) thu hoạch cây gai xanh.

Nhằm khuyến khích phát triển mở rộng diện tích cây gai xanh nguyên liệu, HĐND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết (Nghị quyết số 385/2021/NQ-HĐND ngày 24-4-2021 và Nghị quyết số 116/2021/NQ-HĐND ngày 17-7-2021) về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023. Theo đó, doanh nghiệp, HTX, cá nhân trồng cây gai xanh thuộc phạm vi vùng nguyên liệu phục vụ Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha khi chuyển đổi đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng gai; hỗ trợ 10 triệu đồng/ha để mua giống gai xanh nguyên liệu khi trồng mới, hỗ trợ kinh phí mua máy tước vỏ gai với mức 5 triệu đồng/máy cho tổ chức hoặc hộ gia đình có từ 1 ha gai nguyên liệu trở lên.

Sau hơn một năm ban hành, nghị quyết của HĐND tỉnh đã khuyến khích người dân mạnh dạn hơn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất gắn với chế biến. Qua thực tế cho thấy, gai xanh là cây dễ trồng, có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, thích nghi với nhiều loại địa hình, nhiều loại đất, kể cả đất đồi từ 10 - 15 độ dốc và mang lại thu nhập, hiệu quả kinh tế cao so với nhiều loại cây trồng khác; đầu ra của sản phẩm ổn định, được nhà máy cam kết thu mua lâu dài. Tính đến hết tháng 8-2022 diện tích trồng gai xanh trên địa bàn tỉnh đạt 750 ha. Nhiều hộ gia đình ở các huyện Cẩm Thủy, Hoằng Hóa, Thạch Thành, Lang Chánh... đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức sản xuất gai xanh với quy mô từ 3 ha trở lên và đầu tư hệ thống máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến vỏ gai. Trong 2 năm 2021 và 2022, các ngành có liên quan của tỉnh đã giao cho các địa phương với tổng kinh phí đạt gần 20 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 510,6 ha diện tích chuyển đổi trồng cây lâu năm kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây gai xanh, hỗ trợ mua giống trồng mới 1.181 ha, hỗ trợ mua 705 máy tước vỏ gai. Hiện các địa phương đang khẩn trương thực hiện các quy trình, thủ tục để giải ngân kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ cho người dân phát triển cây gai xanh.

Bên cạnh các cơ chế, chính sách của tỉnh, một số huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển cây gai xanh, như Lang Chánh hỗ trợ 4 triệu đồng/ha khi trồng mới, Cẩm Thủy hỗ trợ 3 triệu đồng/ha cho thành viên HTX trồng mới cây gai xanh và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm... Ngoài ra, Công ty CP Nông nghiệp An Phước nghiên cứu ban hành, thay đổi các cơ chế đối với phát triển nguyên liệu ngày càng hấp dẫn và ưu đãi nhất đối với vùng nguyên liệu cây gai xanh của tỉnh Thanh Hóa và hiện nay công ty đang thực hiện cơ chế hỗ trợ 400 đồng/cây giống cho chậm trả tiền mua giống (chia đều và thu từ lứa thu hoạch thứ 2 đến lứa thứ 5), tiền mua máy (chia đều và thu từ lứa thu hoạch thứ 5 đến lứa thứ 8), hỗ trợ bảo lãnh tín dụng, thưởng cho hộ có diện tích lớn, thưởng hộ có năng suất, sản lượng lớn.

Ông Nguyễn Phương Việt, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp An Phước, cho biết: Nghị quyết 385 của HĐND tỉnh Thanh Hóa rất kịp thời được người dân trong vùng quy hoạch cây gai xanh hào hứng đón nhận. Hiện công ty đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ các địa phương, HTX và hộ trồng gai xanh nguyên liệu để phát triển vùng nguyên liệu ổn định, bền vững. Đầu tư ứng trước vốn, vật tư, giống, phân bón đảm bảo chất lượng và bao tiêu toàn bộ gai xanh nguyên liệu, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi vùng trồng gai nguyên liệu.

Các nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu và của Công ty CP Nông nghiệp An Phước đi vào cuộc sống đã thúc đẩy phát triển diện tích cây gai xanh theo quy hoạch, từng bước đáp ứng nguồn nguyên liệu cho Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư khi đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]