(Baothanhhoa.vn) - Đối với các doanh nghiệp (DN) hiện nay, thông tin về môi trường đôi khi được coi là yếu tố sống còn. Tại một cuộc hội thảo do Hiệp hội DN tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức về vấn đề nhu cầu và khả năng tiếp cận thông tin môi trường của DN có nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi dưới nhiều khía cạnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Doanh nghiệp cần được tiếp cận đầy đủ các thông tin về môi trường

Đối với các doanh nghiệp (DN) hiện nay, thông tin về môi trường đôi khi được coi là yếu tố sống còn. Tại một cuộc hội thảo do Hiệp hội DN tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức về vấn đề nhu cầu và khả năng tiếp cận thông tin môi trường của DN có nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi dưới nhiều khía cạnh.

Sản xuất giống cây gai xanh tại xã Thọ Diên (Thọ Xuân) phục vụ vùng nguyên liệu của Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước.

Các DN đều đồng quan điểm, trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh, các thông tin về vấn đề môi trường, như: Môi trường đất, nước, không khí, tiếng ồn, mức độ nhiễm chất độc, phóng xạ trong khu vực dự án chuẩn bị đầu tư; vấn đề đổi mới trang thiết bị công nghệ, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường... có vai trò rất quan trọng. Hiện nay, việc công khai thông tin về môi trường đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản, quy định của pháp luật, điển hình là Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã quy định về nghĩa vụ công khai thông tin và quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý các cấp, DN, người dân, các tổ chức xã hội. Phạm vi thông tin môi trường được tiếp cận chủ yếu hai nhóm: Thông tin cung cấp theo yêu cầu và thông tin phải công khai. Tuy nhiên, để bảo đảm nghĩa vụ cung cấp thông tin và quyền được cung cấp thông tin thực hiện một cách đầy đủ, cần có chế tài để bảo đảm những điều khoản quy định được thực thi.

Ông Đỗ Đình Hiệu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN tỉnh nêu ý kiến: Hiện nay, nhu cầu tiếp cận thông tin môi trường của DN ngày càng cao. Môi trường là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành, bại của dự án đầu tư. Ví dụ như: DN xây dựng dự án bệnh viện thì không thể xây dựng trên môi trường bụi bặm, ô nhiễm không khí. Dự án xây dựng nhà máy nước không thể thành công nếu nguồn nước khu vực dự án bị ô nhiễm... Do đó, DN cần được cung cấp các thông tin về vấn đề môi trường một cách đầy đủ trước khi tiến hành triển khai các dự án. Các thông tin môi trường này cần được cập nhật, đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường. Thông tin cung cấp phải rõ ràng, đầy đủ, có các thông số hợp chuẩn theo quy định về môi trường tại địa điểm mà DN chuẩn bị đầu tư dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình truy cập và tiếp nhận thông tin.

Các DN cũng nêu lên những hạn chế về phía các cơ quan quản lý Nhà nước hiện nay trong việc cung cấp thông tin về vấn đề môi trường, đó là: Chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể về việc cung cấp thông tin môi trường cho DN. Công tác theo dõi cập nhật và công khai thông tin bảo vệ môi trường còn yếu, chưa kịp thời. Cán bộ theo dõi và cung cấp thông tin bảo vệ môi trường theo yêu cầu của pháp luật còn hạn chế về chuyên môn và thiếu các điều kiện làm việc, quy trình thực hiện, cơ chế giám sát, chế tài xử phạt chưa đầy đủ. Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường ở DN được đẩy mạnh, nhưng chưa có những hướng dẫn cụ thể để DN khắc phục hậu quả, mà còn mang nặng tính xử phạt, răn đe. Việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường chưa kịp thời. Công tác quản lý, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, rác thải sinh hoạt, xử lý nước thải còn bất cập. Nhiều công trình xử lý rác thải, nước thải đô thị, bãi rác sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Với những bất cập từ phía cơ quan quản lý Nhà nước nêu trên nên các DN gần như đang phải tự tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, liên hệ trực tiếp với các cơ quan chuyên môn để được cung cấp những thông tin, cơ chế, chính sách hỗ trợ DN trong đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường mà đơn vị đang tìm kiếm. Với các DN chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư, ngoài những dự án yêu cầu phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thì đa số DN phải tự nghiên cứu lập kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án. Do đó, DN gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong công tác đánh giá tác động môi trường, tính khả thi của dự án.

Từ những khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình tiếp cận thông tin, ông Đỗ Trọng Thấu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP dụng cụ thể thao Delta (huyện Hoằng Hóa), đề xuất: Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật về việc cung cấp thông tin môi trường cho DN. Cần công khai các chế tài và có biện pháp kiên quyết yêu cầu các DN phải thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện việc cung cấp các thông tin môi trường của DN. Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN trong đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Cần đồng bộ hóa dữ liệu riêng về lĩnh vực bảo vệ môi trường, tránh chồng chéo khi thông tin phân bổ ở nhiều cơ quan khác nhau. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh về cách thức thực thi trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường mà các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Thông qua đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhận thức rõ và cụ thể về trách nhiệm của mình và cách thức tuân thủ quy định của pháp luật, làm căn cứ cho việc triển khai thực hiện trong thực tế.


Bài và ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]