(Baothanhhoa.vn) - Tính đến đầu năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã có 69 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đang được triển khai trên toàn quốc. Trên thực tế, nhiều sản phẩm khá chất lượng nhưng chưa được nhiều người biết đến nên quy mô sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ. Điều này đặt ra vấn đề phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để đưa những sản phẩm OCOP trở thành mặt hàng mang lại giá trị kinh tế ngày càng cao, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho cư dân các vùng quê.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy mạnh giới thiệu, phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP

Tính đến đầu năm 2021, tỉnh Thanh Hóa đã có 69 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đang được triển khai trên toàn quốc. Trên thực tế, nhiều sản phẩm khá chất lượng nhưng chưa được nhiều người biết đến nên quy mô sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ. Điều này đặt ra vấn đề phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để đưa những sản phẩm OCOP trở thành mặt hàng mang lại giá trị kinh tế ngày càng cao, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho cư dân các vùng quê.

Đẩy mạnh giới thiệu, phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP

Gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa tại Hà Nội vào tháng 7-2020. Ảnh: Lê Đồng

Nhiều sản phẩm nông, lâm nghiệp tuy có từ lâu đời, nhưng đã được “nâng tầm” thành sản phẩm OCOP do bảo đảm những tiêu chí mới về quy trình sản xuất, chất lượng, mẫu mã, an toàn thực phẩm... Đó chính là lợi thế, là cơ hội để phát triển thị trường ngày càng rộng mở cho các sản phẩm OCOP, đưa những sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng. Nhận thức rõ điều này, đơn vị được tỉnh giao giúp đỡ các địa phương phát triển sản phẩm OCOP là Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh đã có những hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho những sản phẩm bằng nhiều hình thức. Ngoài phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh để tăng cường tuyên truyền các sản phẩm OCOP, đơn vị liên tục vận động và hỗ trợ một phần kinh phí để các chủ cơ sở sản xuất đưa sản phẩm của mình đi dự các hội chợ, triển lãm. Năm 2019, các sản phẩm OCOP của tỉnh đã tham gia trưng bày tại Hội chợ OCOP toàn cầu tại TP Hồ Chí Minh; trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM toàn quốc; các hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP tại Nghệ An, Nam Định, Yên Bái... Năm 2020, văn phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng 6 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại các phường: Phú Sơn, Đông Hải, Tân Sơn, Đông Vệ, Đông Thọ (TP Thanh Hóa) và thị trấn Nga Sơn, đến nay vẫn duy trì khá tốt. Hàng chục sản phẩm OCOP của tỉnh cũng được tạo điều kiện để tham gia 4 gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa tại TP Hà Nội do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức.

Tại hội chợ, triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2020 với quy mô 350 gian hàng nhân dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần XIX, hàng chục sản phẩm OCOP của tỉnh cũng được tham gia tại các gian hàng, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng trong những ngày giới thiệu, bày bán. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người biết đến những sản phẩm đặc trưng của các địa phương đã được công nhận hoặc ở dạng tiềm năng sản phẩm OCOP.

Đẩy mạnh giới thiệu, phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP

Sản phẩm OCOP của huyện Quảng Xương trưng bày tại Hội chợ, triển lãm thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2015-2020.

Nhằm giúp các cấp, các ngành, các địa phương, các thành phần kinh tế tư nhân, tập thể trên địa bàn tỉnh hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách thức triển khai thực hiện Chương trình OCOP, UBND tỉnh đã giao Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh triển khai công tác tuyên truyền, tập huấn; mời các chuyên gia OCOP Trung ương về truyền giảng ở 3 hội nghị cấp tỉnh, 27 hội nghị cấp huyện cho 4.845 lượt người là lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, hội, đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo, trưởng, phó phòng, ban, ngành, hội, đoàn thể cấp huyện; bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND, cán bộ, công chức nông nghiệp cấp xã, phường, thị trấn. Giám đốc các doanh nghiệp, các HTX dịch vụ nông nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến Chương trình OCOP cũng được mời tập huấn tại các hội nghị phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP trong thời gian gần đây.

Áp dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đưa các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam và trên sàn thương mại điện tử với tên miền: www.langnghethanhhoa.vn. Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh cũng xây dựng Website Chương trình OCOP với tên miền: Ocoptinhthanhhoa.com.vn để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài các cơ quan quản lý Nhà nước, phải ghi nhận sự năng động và chủ động trong tuyên truyền, quảng bá, phát triển thị trường sản phẩm OCOP của nhiều chủ cơ sở sản xuất. Hơn 2 năm qua, doanh nhân trẻ Lê Anh ở thôn Hồng Kỳ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) đã lặn lội khắp trong Nam, ngoài Bắc, tận dụng mọi kênh thông tin để phát triển thị trường cho các sản phẩm mắm và nước mắm truyền thống của mình. Qua các kênh hội đồng hương người Việt tại các nước, anh Lê Anh đã đưa mắm tôm, mắm tép và nước mắm của mình xuất khẩu sang Nga, Hàn Quốc, Nam Phi và Đài Loan. Sản phẩm thảo dược của Đông y Quang Anh (Quảng Xương) đã được bán tại thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty Việt Anh (Nga Sơn) đã xuất khẩu trực tiếp để đưa vào hệ thống siêu thị ở Hoa Kỳ. Nhiều sản phẩm OCOP khác như đá ốp lát, ống hút tre, nông sản... đã bước đầu thâm nhập được các thị trường nước ngoài khó tính. Ngoài ra, hàng chục sản phẩm đã vào được các chuỗi cung ứng hàng hóa an toàn thực phẩm, các siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Nói về vấn đề quảng bá sản phẩm, ông Lê Đình Tú, giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn, chia sẻ: Từ lâu, xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn đã có sản phẩm chè búp và mật ong đồi rừng nhưng ít người biết đến. Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP vào năm 2019 và được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, tôi đã mang sản phẩm đi hàng chục cuộc triển lãm, trưng bày trong và ngoài tỉnh. Đến nay, quy mô sản xuất chè của địa phương liên tục được mở rộng, giá trị của 2 sản phẩm chè và mật ong cũng cao hơn nhiều nhờ có nhãn mác, phát triển theo kênh sản phẩm OCOP.

Mục đích của Chương trình OCOP là phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp đồng thời cũng là nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình XDNTM hiện nay. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Chính vì vậy, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP đã và đang góp phần quan trọng để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong từng nhóm sản phẩm đặc thù của từng địa phương, qua đó còn phát huy tính sáng tạo của các chủ thể OCOP để nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]