(Baothanhhoa.vn) - Ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đầu tư, phát triển nguồn lực để tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đầu tư hạ tầng CNTT thúc đẩy cải cách hành chính trong cơ quan Nhà nước. Trong ảnh: Doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ thị này, từng bước tạo chuyển biến về nhận thức và chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 25-9-2017 để xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể.

Theo kế hoạch, Thanh Hóa sẽ tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin (CNTT). Trong đó, sẽ phát triển hạ tầng số đồng bộ, kết nối liên thông tốc độ cao và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp (DN) dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà nền tảng là công nghệ số. Bên cạnh đó, quán triệt và đẩy mạnh những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên chiến lược xây dựng chính phủ điện tử, tạo điều kiện cho DN nhanh chóng tiếp cận các công nghệ sản xuất mới.

Tỉnh ta cũng sẽ rà soát lại các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động của tỉnh, ngành, địa phương để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh... Rà soát, lựa chọn phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược; bám sát, tích hợp những công nghệ mới để tập trung đầu tư phát triển. Đồng thời, tiếp tục tăng cường ứng dụng các hệ thống CNTT đã được triển khai để làm nền tảng, sớm triển khai thành công chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh; đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phương án chuẩn bị nguồn nhân lực cũng được hoạch định rõ với việc UBND tỉnh giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, chủ trì trong tham mưu, đề xuất việc ưu tiên đào tạo một số ngành, nghề đặc thù theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đổi mới đào tạo, dạy nghề trong hệ thống các trường đào tạo nghề theo hướng phát triển nguồn nhân lực cao, có kỹ năng phù hợp, có thể khai thác và vận hành những tiến bộ công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thực tế trong thời gian qua, đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để thực hiện ứng dụng CNTT đã được các cấp chính quyền, các DN trên địa bàn tỉnh quan tâm. Ngay từ giai đoạn 2002-2007, tỉnh Thanh Hóa đã dành 2,68 ha đất ở vị trí thuận lợi để đầu tư cơ sở vật chất ban đầu với nguồn vốn hơn 20 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất phần mềm tỉnh Thanh Hóa. Trung tâm bước đầu đã hình thành và thu hút được đội ngũ nhân lực chất lượng cao về CNTT (lập trình phần mềm) tham gia hoạt động nghiên cứu, sản xuất phần mềm.

Trong giai đoạn 2010-2015, hạ tầng CNTT tiếp tục được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm. Các DN viễn thông đã tập trung, cập nhật các ứng dụng mới đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước cũng được quan tâm và triển khai tương đối đồng bộ. Thanh Hóa hiện có hơn 10.000 DN đang hoạt động. Theo khảo sát của Cục Thống kê tỉnh, 80% số máy tính tại các DN đã được kết nối internet để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đây được coi là nền tảng đầu tiên trong tiến trình thâm nhập, tiếp cận với cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nguồn nhân lực CNTT của tỉnh cũng được quan tâm đầu tư với việc tổ chức, nâng cao chất lượng giảng dạy ở các khóa học CNTT tại Trường Đại học Hồng Đức, trong đó có nhiều khóa học được tài trợ học bổng; đồng thời, khuyến khích các sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT ở các trường đại học có uy tín trong nước về làm việc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được khoảng 500 DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm. Một số DN trong tỉnh đã có sản phẩm CNTT trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế... được ứng dụng ở nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh.

Với chiến lược phát triển đến năm 2030 là đẩy mạnh đầu tư xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh, tỉnh ta cũng đang triển khai Đề án Phát triển khu CNTT tập trung với diện tích 10,8 ha tại phường Đông Hải, TP Thanh Hóa. Mục tiêu của đề án là tạo giải pháp đột phá, tạo môi trường, chính sách thu hút và thành lập các DN CNTT, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm phần mềm, nội dung số, từng bước đưa CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Theo đề án xây dựng, khu CNTT tập trung sẽ được đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cần thiết phục vụ các hoạt động học tập, nghiên cứu, làm việc cho khoảng 30 DN CNTT với ít nhất 1.000 người làm việc; trong đó, trọng tâm là nghiên cứu trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số và các dịch vụ CNTT.

Kế hoạch đã được hoạch định, tuy nhiên, việc đầu tư ứng dụng CNTT để đáp ứng nhu cầu phát triển, tiếp cận nhanh chóng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với tỉnh ta vẫn còn nhiều bất cập. Bên cạnh nguyên nhân do thiếu vốn đầu tư thì số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cũng là vấn đề nan giải. Thực tế, con số các DN trong lĩnh vực CNTT trên địa bàn tỉnh là hơn 500, tuy nhiên chủ yếu là các DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán sản phẩm, thiết bị, linh kiện điện tử. Các DN hoạt động chuyên sâu nghiên cứu, sản xuất phần mềm và nội dung số chỉ chiếm khoảng 6% (24 DN). Bên cạnh đó, các DN có ứng dụng CNTT để phát triển thương mại điện tử cũng chưa xây dựng được nguồn nhân lực chuyên trách mà chủ yếu là kiêm nhiệm. Do đó, việc triển khai ứng dụng CNTT cũng như phát triển thương mại điện tử của các DN mới ở giai đoạn đầu, hiệu quả còn thấp, chưa theo kịp và tương xứng với yêu cầu phát triển chung của tỉnh.

Thanh Hóa đang trong quá trình tái cơ cấu các ngành dịch vụ, trong đó công nghiệp phần mềm, nội dung số và các sản phẩm dịch vụ CNTT là một trong 6 loại hình dịch vụ được ưu tiên phát triển. Để thực hiện thành công lộ trình này, các sở, ngành có liên quan của tỉnh cần sớm nghiên cứu, tham mưu xây dựng lộ trình về đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng; đồng thời, triển khai các chính sách, đề án hỗ trợ cho DN trong lĩnh vực phần mềm, công nghệ số. Có phương án thu hút, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT để đáp ứng nhu cầu phát triển.


Bài và ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]