(Baothanhhoa.vn) - Một không gian phía Đông mênh mông biển, với “quyền chủ quản” lớn gấp 1,6 lần diện tích 11.129,48 km2 trên cạn, trải dọc 102 km ven bờ, là nguồn lực và tài sản vô giá của đất Thanh. Khai thác, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh hải sản; du lịch và giao thông biển phát triển nhanh trong mấy năm qua, đã đưa kinh tế biển thành đầu tàu, tạo thế để nền kinh tế tỉnh Thanh - năm nay ước đạt quy mô tổng sản phẩm gần 133.816 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần năm 2015 - bước vào “top 8” cả nước, dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dâng lên sức biển...

Một không gian phía Đông mênh mông biển, với “quyền chủ quản” lớn gấp 1,6 lần diện tích 11.129,48 km2 trên cạn, trải dọc 102 km ven bờ, là nguồn lực và tài sản vô giá của đất Thanh. Khai thác, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh hải sản; du lịch và giao thông biển phát triển nhanh trong mấy năm qua, đã đưa kinh tế biển thành đầu tàu, tạo thế để nền kinh tế tỉnh Thanh - năm nay ước đạt quy mô tổng sản phẩm gần 133.816 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần năm 2015 - bước vào “top 8” cả nước, dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ.

Dâng lên sức biển...

Nhiều dự án được đầu tư xây dựng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. Ảnh: Minh Hiếu

Hàng ngàn năm, người ven biển Sầm Sơn, Hậu Lộc, Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), Quảng Xương, Hoằng Hóa và Nga Sơn ra khơi, vào lộng bằng mủng, mảng, thuyền, bè, rồi tàu to, nhỏ... Nhưng nghèo nhất miền xuôi tỉnh Thanh, đầu bảng vẫn luôn là tên 3 địa phương ven biển “nhất Xương, nhì Gia, thứ ba Hậu Lộc”. Hải sản ven bờ dần cạn, khó khăn trăm bề với những con người bao đời sống chết với biển. Nhưng họ không bị bỏ lại. Những chăm lo của Nhà nước tạo cú huých giúp họ tự tin xuống vốn, vay thêm để đóng mới, trang bị cho tàu thuyền những tiện ích. Hiện nay, trong số gần 7.182 tàu cá của cả tỉnh đã có 1.332 tàu lớn, độ dài trên 15m, với những thiết bị tiến bộ như các loại máy định vị, dò cá, thông tin liên lạc, máy thu lưới, thu câu, tời thủy lực... Hậu Lộc, Sầm Sơn và Nghi Sơn được hỗ trợ đầu tư tập trung vào đánh bắt các loại hải sản phục vụ xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao hơn, như nghề câu mực, lưới rê, cho thu nhập 80 triệu đồng/chuyến khai thác. Ngư dân được quan tâm về cứu nạn cứu hộ, được thành lập các tổ đoàn kết để có thể vươn khơi xa, bám biển dài ngày. Các cảng cá: Hòa Lộc (Hậu Lộc), Lạch Bạng (Nghi Sơn), Hới (Sầm Sơn) đã được mở rộng và xây dựng khang trang, với sức chứa từ 300 đến 1.200 tàu cá, độ lớn tàu có thể tới trên 48m dài, tạo thuận lợi cho đánh bắt và lưu thông hàng hải sản. 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng khai thác cả tỉnh đã đạt 65.100 tấn. Ở phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn), có 207 tàu (trên 97% số lượng) công suất từ 90 CV trở lên, tạo việc làm cho 2.100 lao động với thu nhập 7 đến 9 triệu đồng/người/tháng. Một năm, bình quân Quảng Tiến mang lại 18.000 tấn hải sản, giá trị gần 300 tỷ đồng... Cái khôn ngoan sử dụng biển làm giàu của ngư dân xứ Thanh cứ theo xu thế hội nhập, theo thời gian mà dày thêm. Cắm lưới, neo sào, chặn sóng nuôi hải sản, với những giống mới và kỹ thuật thâm canh liên tục được cải tiến. Những tỷ phú mới nổi ở vùng quê biển có nhiều tên những chủ trại ngao, sò, ốc hương, tôm, cua, cá đặc sản. Ông Hiệp ở xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) từ chỗ chỉ nuôi tôm sú, đã mạnh dạn xen canh thêm cua, cá rô phi và rau câu, thu nhập mỗi năm gần 1 tỷ đồng, tăng hiệu quả gần 30% so với trước. Ở xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) có mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới, nhà bạt của ông chủ trẻ Hải, doanh thu hàng tỷ đồng, từ chuyển đổi 3 ha đất làm muối. Với 81 doanh nghiệp và hơn 1.000 cơ sở nghề chế biến nước mắm, ngao, tôm, mực, hải sản đông lạnh và khô... đạt doanh thu hàng năm gần 2.000 tỷ đồng. Riêng các doanh nghiệp ở thị xã Nghi Sơn, mỗi năm sản xuất gần 35.000 tấn chả cá, hải sản đông lạnh, hải sản khô, bột cá, cá hấp, sứa... phục vụ thị trường trong nước và các thị trường Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ... Thương hiệu mắm tôm Hậu Lộc, nước mắm Do Xuyên (Nghi Sơn) là một niềm tự hào xứ Thanh. Giờ đây, khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản góp công chính, nâng tỷ trọng ngành thủy sản lên 23% trong cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh.

“Ngày xưa, biển không có sóng vỗ bờ...” (1), tôi nghe bài ca vang lên trên phố biển Hải Tiến, thật lãng mạn, với tuyên ngôn đầy nghịch lý. Nhưng sự có lý lại ở giai điệu biển với cát trắng xõa xượi dưới ánh mặt trời, suốt quanh năm sóng vỗ, luôn luôn tạo khoái cảm tinh khôi. Du lịch nghỉ dưỡng biển, thương hiệu mạnh của du lịch Thanh Hóa ngày nay - đóng góp phần lớn vào tổng thu từ du lịch, với 14.526 tỷ đồng năm 2019 (tăng 37% so với năm 2018). Dĩ vãng khơi dậy những ngày xưa lang thang dọc bãi cát rộng ngút ngàn, với rừng phi lao đu đưa theo nhịp sóng ở xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa) năm nào. Hôm nay, Khu du lịch Hải Tiến nổi danh, chiếm cứ suốt một vệt biển 4 xã: Hoằng Tiến, Hoằng Hải, Hoằng Thanh và Hoằng Trường với những khách sạn đầy đủ tiện ích, có cả bể bơi, khu giải trí, thể thao. Còn phố biển Sầm Sơn với bãi tắm thoai thoải, kéo dài gần chục cây số, hội tụ quần thể sông, biển, núi, rừng, cảnh trí độc đáo, liên tục khoác “áo mới”: quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái hiện đại của Tập đoàn FLC, những khu resort, những đường phố xanh, những khách sạn, trung tâm thương mại sầm uất và các đại lộ kết nối với Quốc lộ 1A, 45, 47, với TP Thanh Hóa, các loại phương tiện giao thông đa dạng. Thế nên, du khách đến biển Sầm Sơn tăng mức cao, năm 2019, tới 4,95 triệu lượt khách (tăng 15,5%), tổng thu đạt 4.600 tỷ đồng, tăng 25,68% so với năm trước, đang dần trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia... Đất Thanh cũng đang hình thành một Sầm Sơn mới - Khu du lịch biển Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn). Chiều dài bờ cát biển Hải Hòa dài gần 4 km, rộng 200 - 300m, sóng êm, gió lặng. Các cơ sở lưu trú, ẩm thực, dịch vụ hiện đại mọc lên bên những mái lá làng chài. Cùng với Hải Hòa, khu du lịch bán đảo Nghi Sơn, với bãi tắm đẹp, bãi Đông, với những núi, những di tích từ đời xưa truyền lại... đang tạo nên sức hút du lịch của thị xã Nghi Sơn.

Công cuộc đổi mới đánh thức tiềm lực quê nghèo Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), có lợi thế vùng biển Nghi Sơn mức nước sâu... Nhớ năm 2002, bến số 1 Cảng Nghi Sơn, vừa xây, vắng hoe. Nhìn con tàu trống huếch, chơi vơi, đang cập cảng, mấy chàng thủy thủ nhe miệng cười phô hàm răng trắng, có người bảo bến này thả hoa đăng thì tuyệt, ngầm ý chê trách, kiểu như, làm gì có bò mà lại làm chuồng vội thế. Bẵng chốc, ngày 19-2-2013, con tàu Mega Grace, trọng tải 47.046 tấn của Hàn Quốc, cập bến để chở gỗ dăm. Ngày 8-5-2019, tàu container của hãng tàu Pháp hàng đầu thế giới, CMA-CGM, cập cảng. Giờ đây, Cảng Nghi Sơn đã có 21 bến, trong đó có 2 cầu cảng tổng hợp và khu hậu cần cho tàu trọng tải lớn tới 70.000 DWT, 3 cầu có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng tới 60.000 DWT, 4 cầu cảng tổng hợp và dịch vụ hậu cần quốc tế cho các tàu container đến 3.500 TEU. Cảng chuyên dụng cho tàu container sắp sửa triển khai. Câu chuyện Cảng nước sâu Nghi Sơn cuốn tôi từ khi Nhà máy Xi măng Nghi Sơn chuẩn bị ra đời. Nhiều ý kiến từ cấp nọ, ngành kia muốn đặt Xi măng Nghi Sơn ở Hoàng Mai (Nghệ An) bên cạnh, vì là vùng nguyên liệu. Nhưng biển nước sâu Nghi Sơn là đắc địa giữ chân người Nhật. Rồi từ xi măng, đến Lọc hóa dầu Nghi Sơn..., cảng nước sâu là dữ kiện quan trọng trong bài toán kinh tế để những tài phiệt rút hầu bao. Nghi Sơn, với địa lợi, nhân hòa đã nằm trong chủ đích chiến lược kinh tế biển của các thế hệ lãnh đạo trong tỉnh đã từ rất lâu. Khi đất nước thoát cấm vận, kinh tế bắt đầu phát triển, hội nhập, thay vì trọng tâm “lúa, lang, lợn, lạc, luồng” thời bao cấp, thuần nông, át chủ kinh tế “Tứ Sơn” đã được Thanh Hóa “lật bài”. Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) đi sau Khu Công nghiệp (KCN) Lễ Môn, nhưng bài học từ KCN Lễ Môn rất đặc hiệu. Đến nay, Cảng Lễ Môn cũng đã được đầu tư xây dựng nâng cấp, đón lượng hàng hóa thông quan đạt trên 400 nghìn tấn mỗi năm.

Cảng Nghi Sơn, KKTNS càng hiện đại, tiện ích, càng tăng hấp lực đầu tư. Chỉ mấy năm, từ 2006, khi KKT được thành lập, ngân sách eo hẹp, nhưng Thanh Hóa đã gồng lên, chịu cả những mất mát, nhom góp, vay vốn, hoàn thành giải phóng hàng chục nghìn ha, di dời mấy nghìn hộ dân, tạo quỹ đất sạch, vận động góp vốn xây dựng hạ tầng... đón những “đại bàng” muôn phương. Giờ đây, những nhà máy, công trường, trung tâm dịch vụ lớn, các siêu dự án đang dần đưa Nghi Sơn thành một “vua” hóa dầu, xi măng, điện lực, sắt thép, đưa huyện Tĩnh Gia trở nên thị xã Nghi Sơn hiện đại như hôm nay. Nghi Sơn đã ăn ra, làm nên và cùng các KCN đưa tổng giá trị sản xuất, kinh doanh trong 5 năm qua đạt gần 577.034 tỷ đồng, tăng 30% so với chỉ tiêu, thành cột trụ nâng đỡ nền kinh tế. KKTNS đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mở rộng lên 106.000 ha và trở thành cụm đô thị công nghiệp, dịch vụ, du lịch đồng bộ và hiện đại quan trọng của quốc gia..

Nhưng dẫu vậy, đó mới chỉ là chặng đầu. Để CNH, HĐH nền kinh tế, sức biển Thanh Hóa cần được khai phá, tận dụng mạnh mẽ gấp bội. Lĩnh vực hải sản, với trên 10,6% đất ven biển, với mặt nước rộng dài, hệ sinh vật biển phong phú, vẫn dư lợi thế tăng trưởng bằng con đường hiện đại hóa phương tiện khai thác, chế biến cùng với áp dụng công nghệ cao, chuyển đổi diện tích canh tác nông, diêm nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng hải, thủy sản. Vẻ đẹp riêng quyến rũ, lại có trên hai chục đảo có đảo lớn, như đảo Mê, đảo Nẹ, có đảo nhỏ, xanh bốn mùa, kề liền sát bờ. Lại có những mũi đá nhô độc đáo ở cửa Lạch Trường, Lạch Bạng, Nghi Sơn, là địa lợi cho xứ Thanh mở mang du lịch sinh thái biển. Nhưng quan trọng là phải tăng cường dịch vụ hậu cần.

Rồi đây, sẽ có cầu tàu, nối Hòn Mê - cách bờ 11 km, liền lại. Sẽ có các khu nghỉ dưỡng, kết hợp ẩm thực, giải trí, thể thao và khám phá hải đảo. Biển sẽ cùng núi rừng hùng vĩ phía Tây, những cung đường đầy sản vật độc đáo của đồng bằng ven sông Mã, sông Chu, những di tích, danh thắng nổi tiếng lâu đời, hội tụ thành địa chỉ xứ Thanh không thể thiếu trong hành trình của du khách muôn nơi.

Giao thông biển, chính là hạ tầng đi đầu thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh Thanh thời gian qua. Các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế Việt Nam, vận tải đang chiếm trên một nửa chi phí logistics, mà logistics lại “ăn” khoảng 20% GDP. Với Thanh Hóa, chi phí logistics tuy còn cao, nhưng tương lai sẽ dễ “ăn điểm” hơn vì nhờ vị trí, địa hình biển, nếu phát triển hệ thống cảng, kho, bãi, dịch vụ hậu cần. Đất Thanh liền kề Lào, một quốc gia không có biển, lại nằm ở cực Nam vùng Tây Bắc, vốn núi cao, đèo sâu, đang khát thông thương đại dương. Lại là cầu nối liền Bắc bộ và Trung bộ, có hệ thống giao thông đa dạng, về đường bộ, có Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ ven biển; đường sắt Bắc - Nam; đường hàng không (Sân bay Thọ Xuân); đường sông (sông Mã và nhiều sông, kênh đào lớn) và đường biển (các Cảng Nghi Sơn, Lễ Môn). Cảng nước sâu Nghi Sơn - có thể nạo vét để đón tàu tải trọng 100.000 DWT và bến Hòn Mê có thể đón phương tiện tới 400.000 DWT, Cảng Lễ Môn, cũng còn tiềm năng mở rộng công suất. Và các cảng: Quảng Châu (TP Sầm Sơn), Quảng Nham (Quảng Xương), đang hình thành bến cảng loại 2, cùng với 5 cửa sông, trải đều ở các huyện, thị xã ven biển. Sẽ có ga đường sắt trung chuyển tại khu vực Nghi Sơn, sẽ có thêm đường ven biển chạy qua các địa phương ven biển từ Nga Sơn đến Nghi Sơn nối với các địa phương ven biển... Hệ thống giao thông sông - biển kết nối với đường bộ, đường sắt, hàng không đó rất thuận tiện cho các loại phương tiện, các loại hình vận tải, đẩy mạnh lưu thông. Biển xứ Thanh “mặt tiền” đã rộng, tựa thế núi cao, rừng sâu và kề cận là khu đồng bằng đủ lớn, “công, thủ” đều lợi hại. Nằm trong diện mạo tứ giác kinh tế phát triển khu vực phía Bắc (cùng với Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Nội, một mặt trận kinh tế biển đã được bài trí Thanh Hóa đang dốc lực để dâng lên sức biển, tạo sức bật nhanh. Chắc chắn “quê hương Thanh Hóa mình đây” (2) dăm năm nữa thôi sẽ thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thỏa khát vọng từ bao đời.

(1) Lời bài hát “Chuyện tình của biển” của nhạc sĩ Thanh Tùng.

(2) Lời bài hát “Khúc tình ca Thanh Hóa” của nhạc sĩ Nguyễn Trọng.

Ghi chép của Vân Điệp


Ghi chép của Vân Điệp

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]