(Baothanhhoa.vn) - Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, mỗi vụ sản xuất, toàn tỉnh có tới 7.200 – 9.000 ha sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, tập trung ở các huyện: Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hà Trung, Tĩnh Gia và thị xã Bỉm Sơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyển đổi sản xuất trên vùng đất nhiễm mặn

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, mỗi vụ sản xuất, toàn tỉnh có tới 7.200 – 9.000 ha sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, tập trung ở các huyện: Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hà Trung, Tĩnh Gia và thị xã Bỉm Sơn.

Do đất nhiễm mặn, xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng rau màu.

Ông Lê Minh Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết: Qua nhiều năm thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng xâm nhập mặn tại các địa phương ven biển cho thấy, việc khắc phục tình trạng thông qua các giải pháp của công trình tưới, tiêu chỉ là tạm thời. Bởi lẽ, muốn chủ động khắc phục tình trạng này thì các công trình phải được đầu tư đồng bộ, nhất là các công trình đầu mối. Tuy nhiên, hiện tại hệ thống công trình thủy lợi đã và đang xuống cấp, nên năng lực tưới, tiêu, ngăn mặn hạn chế. Vì vậy Chi cục Thủy lợi đã khuyến cáo chính quyền các địa phương, trên cơ sở đánh giá tình trạng xâm nhập mặn, chủ động thực hiện các giải pháp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đối tượng sản xuất phù hợp với điều kiện của những vùng đất bị nhiễm mặn.

Trên cơ sở đó, những năm qua, nhiều địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp về chuyển đổi sản xuất trên vùng đất nhiễm mặn. Tại huyện Hậu Lộc, mỗi năm có khoảng 2.000 đến 2.500 ha đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn. Để phát triển sản xuất cho vùng nhiễm mặn, nhất là diện tích đang trồng lúa, huyện Hậu Lộc đã lựa chọn và sử dụng các loại giống có khả năng chịu mặn như: Nhị ưu 838, Bắc Thơm số 7, Nam Dương 99 đưa vào gieo cấy thay cho các giống lúa thông thường; thu hút, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án phục vụ công tác thau chua, rửa mặn; đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất... Đối với những diện tích đang trồng lúa có độ nhiễm mặn cao, ảnh hưởng đến năng suất, huyện thực hiện chuyển đổi sang trồng các loại cây màu hàng hóa có khả năng chịu hạn như: Ớt chỉ thiên, khoai tây, lạc, dưa lê... và chuyển đổi sang xây dựng trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản.

Đối với huyện Nga Sơn, nhiều năm nay, diện tích sản xuất nông nghiệp của 6 xã: Nga Tân, Nga Tiến, Nga Thủy, Nga Điền, Nga Phú, Nga Thái luôn trong tình trạng thiếu nước tưới do tình trạng xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Mỗi vụ, toàn huyện có tới gần 4.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn, chiếm tới hơn 80% tổng diện tích đất sản xuất. Do vậy, thực hiện có hiệu quả các giải pháp khắc phục tình trạng nhiễm mặn cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp luôn được huyện đặt lên hàng đầu. Theo đó, từ năm 2013, huyện Nga Sơn đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2030”, trong đó tập trung cho vùng đất nhiễm mặn. Để khuyến khích việc chuyển đổi, huyện đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ thực hiện cải tạo đất nhiễm mặn cho các địa phương, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất; hỗ trợ 6,3 triệu đồng/1ha cho các hộ dân thực hiện chuyển đổi diện tích trồng cói, trồng lúa sang trồng các giống lúa chịu hạn; tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất, hệ thống hạ tầng cho các hộ đầu tư thực hiện chuyển đổi diện tích trồng cói sang xây dựng phát triển trang trại tổng hợp và nuôi trồng thủy sản... Thực hiện đề án, đến nay, toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi được khoảng hơn 500 ha đất trồng cói, lúa sang trồng lúa chịu hạn, chịu mặn, nuôi trồng thủy sản và phát triển trang trại.

Tại các xã có diện tích chuyển đổi sang trồng các giống lúa có khả năng chịu mặn, chịu hạn, năng suất đã tăng từ 58,43 tạ/ha/vụ lên 65 tạ/ha/vụ. Những diện tích chuyển sang làm trang trại chăn nuôi, có quy mô từ 200 đến 500 con lợn thịt, bình quân cho thu lãi 300 đến 500 triệu đồng/trang trại. Đối với diện tích chuyển sang nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyên canh, công nghiệp, lãi bình quân đạt từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/vụ. Thậm chí, có nơi đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp, thu lãi từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng/ha/vụ.

Từ hiệu quả kinh tế đem lại, nên không chỉ có huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, mà các địa phương trong tỉnh có diện tích bị nhiễm mặn, như: Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa đang rà soát, quy hoạch, trên cơ sở đó, lựa chọn những mô hình, đối tượng phù hợp để chuyển đổi, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.


Bài và ảnh: T.X

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]