(Baothanhhoa.vn) - Thay vì thói quen trồng đủ các loại cây lưu niên khiến các khu vườn rậm rạp và không năng suất, nhiều hộ gia đình ở thị xã Nghi Sơn đã mạnh dạn chặt hạ, cải tạo vườn nhà. Với cách làm đột phá và sự cần mẫn, nhiều nông dân đã biến vườn nhà thành những mô hình sản xuất năng động, cho thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Biến vườn nhà thành những mô hình sản xuất hiệu quả

Thay vì thói quen trồng đủ các loại cây lưu niên khiến các khu vườn rậm rạp và không năng suất, nhiều hộ gia đình ở thị xã Nghi Sơn đã mạnh dạn chặt hạ, cải tạo vườn nhà. Với cách làm đột phá và sự cần mẫn, nhiều nông dân đã biến vườn nhà thành những mô hình sản xuất năng động, cho thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Biến vườn nhà thành những mô hình sản xuất hiệu quảCác đàn ong mật, cây đinh lăng, cây ăn quả tại khu vườn của gia đình ông Hoàng Văn Chính, xã Thanh Sơn (thị xã Nghi Sơn).

Thăm vườn gia đình ông Hoàng Văn Chính, thôn Xuân Sơn, xã Thanh Sơn (thị xã Nghi Sơn), việc bố trí các lọai cây trồng theo từng khu đã cho thấy tư duy đổi mới trong sản xuất của chủ hộ. Ngay ngõ dẫn vào nhà và đường vào vườn, người thăm vườn được đi dưới những giàn mướp, giàn bầu và hoa thiên lý mát rượi. Mùa nào thức ấy, các loài cây dây leo vẫn thay nhau gối lứa, phủ màu xanh quanh năm.

Trong vườn, đủ các loại cây trái như hồng xiêm, na, bưởi Diễn luôn trĩu quả. Nắm bắt được xu thế thị trường, ông Chính đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nên đưa cây đinh lăng vào canh tác đem lại nguồn thu chính. Các loại cây cảnh như mẫu đơn, quất cảnh... được trồng trong các chậu nhựa nên dễ dàng di chuyển đến các vị trí phù hợp, được bón phân và tưới hàng ngày, dễ dàng chăm sóc, thu hoạch so với trồng trực tiếp ngoài đất.

Dưới những tán cây, hàng chục đàn ong vẫn sinh sôi không ngừng nhờ nguồn phấn hoa trong vườn và khu vực. Mỗi năm, ông Chính khai thác mật, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng. Tận dụng phụ phẩm cây trồng từ vườn, cách đây 2 năm, chủ vườn đã mua từ miền Nam 2 đôi giống chuột lang về nuôi và nhân đàn. Trong các lồng lưới sắt, loài gặm nhấm này liên tục sinh sản, hiện gia đình đang bán con giống với giá từ 100 đến 150 nghìn đồng mỗi con. Đánh giá bước đầu, đây là giống vật nuôi mới, có tiềm năng, dễ nuôi vì thức ăn là các loại củ quả, rau màu dư thừa, các loại phế phẩm nông nghiệp không mất tiền mua.

Theo ông Hoàng Văn Chính, hằng năm, các giàn thiên lý cho thu hoạch kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10, mỗi tháng bán hoa cho thu nhập trung bình khoảng 3 triệu đồng. Với hàng nghìn gốc đinh lăng trong vườn, hằng ngày được các thương lái đến mua lá với giá 20 nghìn đồng/kg lá tươi và 100 nghìn đồng/kg lá khô. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán khoảng 3 tạ lá đinh lăng.

Với tổng diện tích hơn 1.200m2, gia đình ông Chính còn xây dựng cả nhà kho cất dụng cụ làm vườn, cất giữ sản phẩm sản xuất từ vườn, xây bể chứa nước và các công trình khác. Tuy diện tích trồng cây chỉ còn gần 600m2, nhưng với bàn tay cần mẫn, kinh nghiệm sản xuất tự đúc kết của mình, lão nông Hoàng Văn Chính đã trồng các loại cây theo hàng lối, ngăn nắp, thể hiện tư duy đổi mới. Đáng nói, sản phẩm cây trồng tại vườn được ông chăm sóc theo hướng hữu cơ, không dùng phân hóa học mà tận dụng vỏ trái cây, phụ phẩm cây trồng, tưới enzyme để ngâm ủ lấy nước tưới cây, phần mùn làm phân bón. Hướng sản xuất đa canh, đa con, đa thời vụ đã giúp chủ vườn tận dụng được sản phẩm trồng trọt cho chăn nuôi, chất thải chăn nuôi cho trồng trọt theo chu trình khép kín. Chỉ tận dụng sức lao động của những thành viên trong gia đình, mỗi năm gia đình ông Chính cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Từ cách làm và sự sáng tạo, vườn gia đình ông Hoàng Văn Chính đã được xã Thanh Sơn chọn làm vườn mẫu theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cách làm năng động của ông cũng góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của nhiều hộ dân địa phương.

Tại thôn Hồng Phong, xã Định Hải, vườn nhà của ông Mai Trọng Sơn được quy hoạch, thiết kế hài hòa giữa vùng sản xuất với không gian sống và giải trí của gia đình. Đây được coi là điển hình trong thực hiện mô hình nhà sạch, vườn đẹp, môi trường sống trong lành ở địa phương. Gia đình có 4 nhân khẩu nhưng 2 người con công tác xa, chỉ 2 ông bà là lao động chính nhưng sự dẻo dai và có cách làm khoa học nên vẫn duy trì sản xuất quanh năm.

Dưới các tán cây lớn, ông bố trí ghế đá, nhà chòi thành khuôn viên thư giãn. Đằng sau nhà là vườn chè xanh nhiều năm tuổi, mỗi năm cho thu nhập trên dưới 10 triệu đồng. Đáng nói, trong cả trồng trọt và chăn nuôi, ông không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như thức ăn công nghiệp, mà dùng các chế phẩm sinh học để trừ sâu bệnh và tạo những loại phân bón hữu cơ bón cho cây trồng. Theo hạch toán của gia đình, hàng năm, tổng thu nhập từ khu vườn có thể đạt 1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại thị xã Nghi Sơn, cho biết: Những năm gần đây, Hội Làm vườn và Trang trại thị xã đã phát động phong trào nông dân cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây hàng hóa gắn với áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Đến nay, toàn thị xã có hơn 100 vườn đã thành công trong thay thế cây trồng cũ, đưa các loại cây mới vào sản xuất, cho lợi nhuận từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm. Thời gian gần đây, hội đang tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn cho các chủ vườn sản xuất theo hướng hữu cơ, dùng enzyme ủ cỏ cây, sản phẩm củ quả thừa thành phân bón. Hiện, nhiều chủ vườn đã dùng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, lắp đặt hệ thống tưới tự động, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]