(Baothanhhoa.vn) - Bò vàng Thanh Hóa là giống bò lâu đời của địa phương, thuộc một trong những giống bò quý của Việt Nam và đã được Nhà nước đưa vào danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn và phát triển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn bền vững gen bò vàng Thanh Hóa

Bò vàng Thanh Hóa là giống bò lâu đời của địa phương, thuộc một trong những giống bò quý của Việt Nam và đã được Nhà nước đưa vào danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn và phát triển.

Giống bò vàng Thanh Hóa được nuôi tại gia đình ông Lê Hữu Thắng, xã Tân Trường (Tĩnh Gia).

Giống bò vàng chủ yếu được nuôi tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, với tầm vóc nhỏ hơn so với các giống bò ngoại. Khối lượng mỗi con bò trưởng thành chỉ đạt từ 160kg/con đến 220kg/con. Tuy nhiên, với nhiều ưu điểm, như: Dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, khả năng kháng bệnh cao, mắn đẻ, chất lượng thịt thơm ngon, mềm... nên được nhiều người ưa chuộng. Nhưng, những năm gần đây, số lượng bò vàng đang có xu hướng giảm mạnh. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 7-2018, tổng đàn bò hiện có trên địa bàn tỉnh khoảng 253.800 con, trong đó tỷ lệ bò vàng Thanh Hóa chỉ chiếm khoảng 30% (tính cả bò vàng lai với giống bò ngoại). Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do những năm gần đây, mô hình nuôi nhốt trở nên phổ biến ở các hộ dân khiến con đực và con cái xa dòng ít có cơ hội gặp nhau, điều này dẫn đến sự thoái hóa giống bò vàng. Bên cạnh đó, áp lực của cơ chế thị trường chạy theo năng suất cao nên các chương trình, dự án cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn bò đã làm tăng tỷ lệ bò lai Zebu - giống bò lai có tầm vóc lớn, năng suất cao hơn. Vì vậy, bò vàng giống đực có tầm vóc nhỏ hơn dần bị tận diệt và có nguy cơ không còn nguồn gen thuần chủng. Xu thế cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng đã làm giảm số lượng bò cày kéo; bên cạnh đó, quá trình chọn lọc ngược đang diễn ra ở hầu hết các hộ chăn nuôi, tức là những con bò đực có thể trạng lớn, tiêu biểu của giống bò vàng thì người dân đem bán hoặc giết thịt, những con bò đực nhỏ, kém chất lượng thì được giữ lại để cày kéo và làm giống... Trước thực trạng trên, việc xây dựng kế hoạch, tìm ra giải pháp phù hợp để bảo tồn nguồn gen bò vàng Thanh Hóa nhằm góp phần ổn định đa dạng sinh học là việc làm vô cùng cần thiết.

Ngày 25-11-2014, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4139/QĐ-UBND về việc phê duyệt Danh mục các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh năm 2014, giai đoạn 2014-2020, tỉnh Thanh Hóa, trong đó, vấn đề xây dựng, phát triển vùng nuôi, bảo tồn nguồn gen bò vàng Thanh Hóa là một trong hai nhiệm vụ cần thực hiện. Được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa đã ký hợp đồng số 330/2015/HĐKHCN-ĐTKHCN ngày 20-5-2015 với Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi Thanh Hóa (trung tâm NCƯDKHKT chăn nuôi) thực hiện Đề tài: “Xây dựng vùng chăn nuôi, bảo tồn nguồn gen bò vàng Thanh Hóa”, thời gian thực hiện từ tháng 5-2015 đến tháng 5-2018.

Để thực hiện đề tài, Trung tâm NCƯDKHKT chăn nuôi đã xây dựng vùng nuôi bảo tồn giống bò vàng Thanh Hóa tại các xã: Trường Lâm và Tân Trường (Tĩnh Gia), bằng phương pháp bảo tồn tại chỗ. Bước đầu triển khai thực hiện, trung tâm đã tuyển chọn được 50 con bò vàng Thanh Hóa (trong đó có 46 con cái và 4 con đực giống) của 31 hộ gia đình. Số bò được chọn làm giống có đặc điểm ngoại hình, các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật đặc trưng của giống bò vàng Thanh Hóa theo quy định tại Atlat vật nuôi, như: Thân hình chữ nhật dài, đầu bò cái thanh hơn đầu bò đực, sừng ngắn, trán phẳng hoặc hơi lõm, bò đực mõm ngắn hơn bò cái, mạch máu nổi rõ trên mặt, mắt to nhanh nhẹn. Bò đực có u, bò cái không có u, lưng hông thẳng, hơi rộng; bắp thịt nở nang; mông hơi xuôi, ngắn và lép. Bốn chân cứng cáp, thanh tú, hai chân trước thẳng, hai chân sau ở một số con có chạm kheo. Màu sắc lông da vàng tươi, da mỏng, lông mịn dài...

Sau khi xây dựng mô hình nuôi và chọn giống, Trung tâm NCƯDKHKT chăn nuôi đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho người dân kỹ thuật trồng cỏ làm thức ăn cho bò, diện tích trồng cỏ được quy hoạch là 1,2 ha, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; hướng dẫn cải tiến, nâng cấp chuồng trại đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho 31 hộ tham gia và đề nghị các hộ chủ động nguồn nhân lực để chăm sóc, nuôi dưỡng bò cái và bê sinh ra có hiệu quả. Hỗ trợ cỏ VA 06 làm giống và phân lân, phân Ure bảo đảm chất lượng để bón cho cỏ. Bấm số tai cho bò cái nền, đực giống, lập sổ theo dõi các chỉ tiêu chính của đàn bò và sinh trưởng cỏ VA06. Hỗ trợ vắc-xin tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng và lở mồm, long móng cho bò. Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và biện pháp phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi bò vàng cho các cán bộ thú y xã và hộ dân tham gia bảo tồn giống bò này. Đồng thời, lập sổ theo dõi, ghép đôi phối giống cho 46 bò cái có chửa 100% và theo dõi sinh trưởng, phát triển của bê con được sinh ra. Bên cạnh đó, trung tâm đã cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát tại 31 hộ dân 2 xã để hướng dẫn, động viên, quán triệt các hộ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc bò.

Kết quả thu được sau 3 năm thực hiện bảo tồn giống bò vàng là 46 con bò mẹ đều sinh, trong đó có 4 con đã sinh lần 2. Tổng số bê sinh ra là 50 con (28 bê cái, 22 bê đực), sức khỏe bê khỏe mạnh, phát triển tốt.

Trao đổi với ông Lê Trần Thái, Phó Giám đốc Trung tâm NCƯDKHKT chăn nuôi, chúng tôi được biết: Điều kiện thuận lợi nhất khi thực hiện việc bảo tồn nguồn gen bò vàng Thanh Hóa là nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của người dân, bởi giống bò này phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương cũng như cách thức nuôi dưỡng của người dân nơi đây. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp nhiều hạn chế, như: Địa bàn xây dựng mô hình nuôi bảo tồn giống bò vàng cách xa trung tâm, nguồn kinh phí hạn hẹp. Đặc biệt, việc tìm bò đực thuần chủng rất khó. Dù vậy, những người tham gia bảo tồn giống bò vàng đã từng bước khắc phục khó khăn và gặt hái những thành quả nhất định. Ông Thái chia sẻ: “Những kết quả đạt được đã minh chứng cho sự nỗ lực của chúng tôi cũng như 31 hộ dân tham gia hoạt động bảo tồn giống bò vàng trong 3 năm qua. Tuy nhiên, mục tiêu cần hướng tới là bảo tồn bền vững nguồn gen bò vàng Thanh Hóa. Dù trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để hoàn thành tốt mục tiêu bằng những giải pháp cụ thể”. Một số giải pháp mà Trung tâm NCƯDKHKT chăn nuôi đã đề xuất với UBND tỉnh, như: Tiếp tục theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của 50 con bê con. Đồng thời, thực hiện bảo tồn tại chỗ, tuyển chọn bò vàng bảo đảm tiêu chuẩn giống đưa về nuôi dưỡng tại trung tâm giống vật nuôi của tỉnh như Trung tâm NCƯDKHKT chăn nuôi, hoặc các khu bảo tồn thiên nhiên, như: Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Pù Hu... Áp dụng phương pháp bảo tồn chuyển chỗ: Sử dụng bò đực giống đạt tiêu chuẩn cấp 1, có tuổi đời từ 2 đến 4 năm tuổi để huấn luyện, khai thác sản xuất tinh đông lạnh phục vụ cho công tác bảo tồn và phối giống; sử dụng phôi bò vàng bảo quản trong phòng thí nghiệm, ứng dụng công nghệ cấy truyền hợp tử để tạo phôi bò vàng dạng cọng rạ bảo quản trong ni tơ lỏng.

Việc bảo tồn nguồn gen bò vàng Thanh Hóa bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Song, để bảo tồn bền vững giống vật nuôi bản địa quý này, thời gian tới, cần sự chung tay của các sở, ngành có liên quan của tỉnh, chính quyền địa phương và các hộ chăn nuôi.


Bài và ảnh: Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]