Bảo đảm cung ứng nông sản dịp cuối năm
Thời điểm cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng hàng hóa nông sản của người dân tăng từ 15 đến 20% so với thường lệ. Do đó, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã và đang khuyến khích, hướng dẫn người dân tăng cường sản xuất, chủ động liên kết tiêu thụ nông sản, góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu cho thị trường tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.
HTX Nông nghiệp sinh thái Happy Farm, xã Đông Tiến (Đông Sơn) đẩy mạnh sản xuất cho thị trường dịp tết.
Ngay từ đầu tháng 12/2023, HTX Nông nghiệp sinh thái Happy Farm, xã Đông Tiến (Đông Sơn) đã chủ động xuống giống nhiều loại rau màu, như: cải ngọt, cải cúc, các loại rau gia vị. Đồng thời, tiếp tục chăm bón những diện tích rau màu đang có sẵn để bảo đảm có sản phẩm đưa ra thị trường đúng thời điểm cuối năm, khi nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao. Ông Thiều Khắc Nhuần, giám đốc HTX, cho biết: "Với kinh nghiệm qua nhiều năm sản xuất, HTX nắm rõ thời gian gieo trồng, sinh trưởng của từng loại cây trồng. Đồng thời, nắm vững quy trình chăm sóc để cây trồng thu hoạch kịp thời vào dịp cuối năm. Do đó, HTX đã xây dựng lịch gieo trồng, phân chia vùng sản xuất và thực hiện xen canh các loại cây trồng để luôn có sản phẩm thu hoạch. Hiện tại, với hơn 6 ha chuyên canh rau an toàn, mỗi ngày HTX cung ứng ra thị trường khoảng 0,7 tấn rau an toàn các loại. Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, khả năng cung ứng của HTX dự kiến tăng 1,5 đến 2 lần".
Thay vì trồng đào, quất cảnh như hàng trăm hộ khác trong vùng, ông Nguyễn Văn Phương, ở thôn 3, xã Xuân Du (Như Thanh) đã lựa chọn mở rộng diện tích trồng hoa, rau màu. Ông đã lựa chọn, nhập về những giống mới đa dạng sắc màu để cung ứng cho thị trường dịp tết. Ông Phương cho biết: "Mặc dù ở địa phương có truyền thống trồng đào cảnh, song từ năm 2021, gia đình tôi đã lựa chọn hướng phát triển riêng. Với diện tích sản xuất sẵn có, chúng tôi chỉ trồng khoảng 100 gốc đào, còn lại là mở rộng diện tích trồng rau và hoa. Sự thay đổi trên vừa phù hợp với điều kiện nguồn nhân lực của gia đình, vừa phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường. Chính vì vậy, với hơn 1 mẫu trồng hoa và 5 sào su hào, súp lơ, bắp cải thì đợt giáp tết, gia đình tôi cung ứng cho thị trường khoảng 6 vạn cây hoa và khoảng 3 tấn rau. Do nguồn cung của địa phương chưa nhiều nên gần như chúng tôi không phải tìm địa chỉ tiêu thụ mà người tiêu dùng và thương lái tự tìm đến đặt hàng.
Được biết, ngoài đổi mới trong sản xuất trồng trọt, gia đình ông Nguyễn Văn Phương còn nuôi khoảng 1.000 con gà thả vườn, dự kiến cung ứng cho thị trường từ 1,8 - 2 tấn gà thương phẩm. Với sự linh hoạt, đa dạng trong sản xuất, nhất là ở dịp cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường tăng cao, doanh thu của gia đình ông luôn bảo đảm, đạt khoảng 600 triệu đồng/năm.
Để bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, ngay từ tháng 11/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch nông, lâm, thủy sản đúng thời vụ, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cục bộ. Trước mắt là tập trung chăm sóc, thu hoạch nhanh, gọn diện tích cây trồng vụ đông, tích cực sản xuất vụ đông muộn. Đồng thời, chủ động kiểm soát, ngăn chặn các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Sở giao các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa nông sản, thực phẩm, nhất là hàng hóa thiết yếu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Trên cơ sở đánh giá năng lực sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự ước có khả năng cung ứng khoảng 965.000 tấn nông sản, thực phẩm các loại. Trong đó, lúa gạo khoảng 320.000 tấn; rau, củ 386.000 tấn; trái cây khoảng 83.000 tấn; thịt lợn 43.000 tấn; thịt gia cầm 18.000 tấn; thịt trâu, bò 10.000 tấn; cá 33.000 tấn, tôm 2.500 tấn, các loại thủy sản khác 34.000 tấn... Ngoài ra, trứng gia cầm đạt khoảng 82 triệu quả và 11.000 lít sữa.
Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, cùng với việc thúc đẩy sản xuất, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, HTX, những cơ sở sản xuất quy mô lớn... thiết lập nhiều kênh phân phối, kết nối tiêu thụ nông sản. Đây là việc làm thiết thực, không chỉ bảo đảm nguồn cung nông sản, góp phần bình ổn giá trên thị trường, mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.
Bài và ảnh: Lê Hòa
{name} - {time}
-
2024-11-28 15:28:00
Ngân hàng bị phạt tới 500 triệu đồng nếu ép khách mua bảo hiểm
-
2024-11-28 15:20:00
Nhiều đường bay đã ‘cháy’ vé trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
-
2024-01-12 22:07:00
Sự trở lại hoành tráng của chiến dịch “Love Connection”, Vietjet tặng 50 cặp đôi Ấn Độ vé bay miễn phí khắp Việt Nam
Vinamilk “bội thu” giải thưởng phát triển bền vững
Tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nhận thức, ưu tiên dùng hàng sản xuất trong tỉnh, trong nước
Vietcombank Nghi Sơn khai trương Phòng giao dịch Hoằng Hóa
Tăng cường xúc tiến đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ
Bay thẳng Hà Nội - Điện Biên dễ dàng cùng Vietjet
Sôi động thị trường hàng hóa phục vụ tết
Sản lượng điện thương phẩm của Công ty Điện lực Thanh Hóa tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023
Giá xăng RON95-III có giá mới là 21.935 đồng/lít
7 doanh nghiệp được xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc