(Baothanhhoa.vn) - Kiện đòi tài sản là một trong những tranh chấp khá phổ biến tại các tòa án, đặc biệt là kiện đòi quyền sử dụng đất (QSDĐ). Câu chuyện kiện đòi QSDĐ của một trường hợp người cao tuổi được trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong số đó.

Kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất

Kiện đòi tài sản là một trong những tranh chấp khá phổ biến tại các tòa án, đặc biệt là kiện đòi quyền sử dụng đất (QSDĐ). Câu chuyện kiện đòi QSDĐ của một trường hợp người cao tuổi được trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong số đó.

Kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đấtTGVPL Lê Thị Phượng giải thích các quy định về hoạt động TGPL cho người khuyết tật tại hội nghị truyền thông về TGPL (ảnh minh họa). Ảnh: V.H

Cho mượn đất không giấy tờ

Hai cụ Ngô Thọ Sinh và Ngô Thọ Chèo vốn có quan hệ họ hàng thân thiết. Hai nhà lại là xóm giềng sống tại 2 thửa đất giáp nhau tại xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa. Gia đình cụ Sinh có khu đất do ông cha để lại, sử dụng ổn định từ trước năm 1980. Theo Bản đồ 299, khu đất có diện tích 1.218m2; theo bản đồ địa chính năm 1994, khu đất có diện tích 1.120m2. Năm 2004, cụ Sinh được UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận QSDĐ với diện tích 1.120m2.

Trên khu đất của gia đình cụ Sinh ở, phía Tây có một nhà thờ lâu đời do ông cha xây dựng để lại, phía sau nhà thờ còn thừa ra một khoảng đất rộng khoảng 2m, dài 16m (tổng diện tích 32m2). Giáp phía Tây đất của nhà cụ Sinh là gia đình cụ Chèo. Do thời điểm cụ Chèo xây nhà, con đường thôn đi qua nhà cụ Chèo quá nhỏ, không mở được cổng vào nhà nên cụ Chèo xin mượn phần đất của gia đình cụ Sinh ở phía sau nhà thờ để mở lối đi ra đường thôn. Lúc cho mượn đất, hai bên không có giấy tờ gì mà giao hẹn bằng miệng chỉ cho mượn khu đất này đến khi gia đình cụ Chèo mở lối đi khác thì trả lại.

Năm 1996, cụ Chèo mất. Con trai cụ Chèo là ông Ngô Thọ Lợi tiếp tục sinh sống trên diện tích đất cụ Chèo để lại. Năm 2019, ông Lợi làm lại nhà và mở một ngõ đi mới. Phía Tây khu đất, ông Lợi dùng gạch xây bịt ngõ đi đã mượn của nhà cụ Sinh mà không trả lại đất như đã thỏa thuận trước đây. Gia đình cụ Sinh nhiều lần yêu cầu ông Lợi trả lại diện tích đất trước đây cụ Chèo đã mượn, nhưng ông Lợi không đồng ý.

Nhiều lần đòi trả đất không thành, gia đình cụ Sinh làm đơn gửi chính quyền địa phương yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai song các buổi hòa giải không thành. Trong quá trình hòa giải, cụ Sinh mới vỡ lẽ khi biết đất của gia đình ông Lợi đang ở đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ từ năm 2012 với diện tích 260m2. Và khi cấp giấy, phần đất mà trước đây gia đình cụ Sinh cho gia đình cụ Chèo mượn để mở lối đi cũng được cấp vào giấy chứng nhận. Sau khi xảy ra tranh chấp, kết quả đo đạc thể hiện phần đất gia đình cụ Chèo đã mượn của gia đình cụ Sinh trước đây có diện tích 24,2m2.

Ông Lợi cho rằng diện tích đất mà bố ông để lại cho ông, gia đình không tranh chấp, lấn chiếm đất với hộ khác. Việc gia đình cụ Sinh cho rằng gia đình ông mượn đất và buộc phải trả lại 24,2m2 là không có căn cứ, không có giấy tờ chứng minh.

Không đòi được lại đất, gia đình cụ Sinh gửi đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc. Là người cao tuổi, thuộc đối tượng được TGPL miễn phí, cụ Sinh gửi đơn yêu cầu Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh phân công trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) tham gia tư vấn, hỗ trợ, trợ giúp ông trong vụ án dân sự kiện đòi tài sản này.

Phát sinh tranh chấp

Người được TGPL là nguyên đơn trong vụ án dân sự kiện đòi tài sản là QSDĐ. Quá trình giải quyết vụ án, người được TGPL là cụ Sinh năm nay đã ngoài 90 tuổi, TGVPL đã hướng dẫn gia đình hoàn thiện các thủ tục người đại diện ủy quyền cho cụ Sinh; hoàn thiện đơn khởi kiện cùng toàn bộ hồ sơ khởi kiện tại Tòa án Nhân dân TP Thanh Hóa. Sau đó, do bổ sung nội dung khởi kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ nên vụ việc đã chuyển thẩm quyền do Tòa án Nhân dân tỉnh thụ lý, giải quyết. Mặc dù, đây chỉ là tranh chấp một diện tích đất rất nhỏ (24,2m2 đất) nhưng vụ án đã kéo dài gần 2 năm và trải qua 2 lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm tại Tòa án Nhân dân tỉnh và Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Trong vụ án này, TGVPL đã luôn theo sát, đồng hành cùng người được TGPL, từ những phiên hòa giải tại Tòa án Nhân dân tỉnh đến những buổi đi xác minh, thẩm định tại chỗ vị trí đất đang tranh chấp. Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, không đồng ý với phán quyết của tòa án, phía bị đơn đã kháng cáo lên cấp phúc thẩm, TGVPL tiếp tục đồng hành cùng người đại diện ủy quyền cho cụ Sinh, tham gia phiên tòa phúc thẩm tại Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Để giải quyết vụ án, đơn vị có thẩm quyền tiến hành đo hiện trạng sử dụng thực tế. Theo đó, đất của gia đình cụ Sinh có diện tích 1.141,6m2 (tăng 21,6m2 so với giấy chứng nhận QSDĐ được cấp). Đất của hộ ông Lợi đang sử dụng 299,9m2 (tăng 39,9m2 so với giấy chứng nhận QSDĐ), trong đó có 15,6m2 đất ngõ đi đang có tranh chấp. Diện tích đang tranh chấp là 24,2m2 chia làm 2 phần: diện tích ngõ trước đây nhà ông Lợi làm ngõ đi 15,6m2; diện tích giáp ranh giữa 2 hộ là 8,6m2.

Trên diện tích 15,6m2 hiện nay có 2 bức tường gạch do ông Lợi xây với giá trị khoảng 5 triệu đồng. Phần diện tích này không nằm trong giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho cụ Sinh cũng như giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho ông Lợi. Trên phần diện tích 8,6m2 giáp hai hộ, gia đình ông Lợi đã xây dựng một phần khu nhà bếp khép kín, tường bao quanh khu nhà kiên cố của ông Lợi. Phần diện tích này nằm trong giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho ông Lợi năm 2012.

Về phần diện tích biến động, chính quyền địa phương cho biết, đất của hai hộ dân trong vụ án đều có nguồn gốc là của ông cha để lại, không có chuyển nhượng, mua bán thêm, không có tranh chấp với các hộ khác. Việc đo đạc tăng giảm diện tích do nhiều nguyên nhân như: trước đây đo bằng phương pháp thủ công, hiện nay đo bằng máy nên có chênh lệch diện tích; trước đây bờ rào là cây cối, bây giờ xây tường rào làm tăng thêm diện tích.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý, Bản đồ 299 thể hiện ranh giới giữa hai hộ là một đường thẳng nối liền, không có ngõ đi. Trên giấy chứng nhận QSDĐ cấp cho hộ ông Lợi cũng không thể hiện diện tích làm ngõ đi đang có tranh chấp. Ở thời điểm được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, gia đình ông Lợi không thắc mắc gì về giấy chứng nhận đã được cấp. Điều này càng có cơ sở khẳng định phần đất đang có tranh chấp này thuộc quyền sở hữu của gia đình cụ Sinh.

Căn cứ vào hồ sơ, phân tích tình tiết trong vụ án, TGVPL đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn trả lại đất có diện tích đất đã mượn.

Tại bản án sơ thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh quyết định chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của gia đình cụ Sinh, buộc ông Lợi phải trả lại cho cụ Sinh diện tích 15,6m2 đất; cụ Sinh phải thanh toán lại cho ông Lợi 5 triệu đồng là số tiền ông Lợi đã bỏ ra để xây tường. Cụ Sinh được sử dụng 15,6m2 đất và sở hữu tài sản gắn liền với diện tích đất ông Lợi trả lại và có nghĩa vụ đăng ký quyền sử dụng diện tích đất này theo quy định của pháp luật. Tòa án cũng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Sinh liên quan đến việc trả lại 8,6m2 đất; không chấp nhận yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho ông Lợi năm 2012.

Không đồng ý việc trả lại đất, ông Lợi tiếp tục có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm mà Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã giữ nguyên quyết định tại bản án sơ thẩm.

Vụ án tranh chấp kiện đòi QSDĐ khép lại với một bản án công bằng, khách quan, hợp lý, hợp tình. Từ vụ án này cho thấy, đối với tài sản là đất đai, việc cho mượn, cho tặng giữa các bên liên quan cần có giấy tờ rõ ràng, có cơ sở pháp lý để hạn chế phát sinh tranh chấp về sau này, đồng thời phòng tránh những mâu thuẫn không đáng có giữa người thân quen, họ hàng bởi thứ mất đi lớn nhất trong những vụ án như thế này chính là tình cảm, tình thân, tình nghĩa xóm giềng.

TGVPL Lê Thị Phượng

Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]