(Baothanhhoa.vn) - Để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa những thiệt hại do dịch bệnh gây nên, đảm bảo an toàn sức khỏe cho Nhân dân, Thanh Hóa đã tăng cường triển khai những biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh.

Không để bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm

Để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa những thiệt hại do dịch bệnh gây nên, đảm bảo an toàn sức khỏe cho Nhân dân, Thanh Hóa đã tăng cường triển khai những biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh.

Không để bùng phát dịch bệnh truyền nhiễmThị trấn Mường Lát phun hóa chất khử khuẩn tại khu vực nhà bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu.

Mới đây, ngày 4/8 bệnh nhân nữ 17 tuổi, mang thai tháng thứ 8, thường trú tại khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát với các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cách ly điều trị, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Ngày 5/8, kết quả chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, chuyển tuyến điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Đáp ứng công tác phòng chống dịch, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát phối hợp với tổ công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện tốt giám sát, điều tra dịch tễ; chẩn đoán, phát hiện sớm, kịp thời các trường hợp nghi ngờ, điều tra xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm; khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng, khống chế dịch bệnh; tiến hành phun hóa chất xử lý môi trường tại nhà bệnh nhân và khu vực xung quanh. Tiến hành rà soát, lập danh sách 23 người tiếp xúc gần với bệnh nhân, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo quy định. Tổ chức tổng dọn vệ sinh môi trường và phun thuốc khử khuẩn tại những nơi tập trung đông người. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn huyện; đặc biệt tuyên truyền rõ tác dụng của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo đủ mũi và đúng lịch... Tại Bệnh viện Đa khoa huyện đã bố trí khu vực riêng điều trị ca nghi bạch hầu; chuẩn bị đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, cơ số thuốc kháng sinh điều trị triệu chứng bệnh, thuốc trợ lực, hóa chất tiêu độc, khử trùng... để sẵn sàng tổ chức thu dung cách ly, điều trị kịp thời ca nghi nhiễm bạch hầu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Mai Xuân Giang cho biết, để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, huyện đã họp chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên; yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh bạch hầu theo chỉ đạo của cấp trên, ngành y tế, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trên địa bàn toàn huyện; yêu cầu các xã, thị trấn kiện toàn ban chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền để người dân nắm bắt tình hình dịch bệnh, rà soát đối tượng tiêm chủng để kiến nghị cấp bổ sung vắc-xin, tiếp tục tiêm cho các đối tượng.

Đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn huyện Mường Lát đang được kiểm soát, sức khỏe của ca bệnh bạch hầu ổn định. Cùng với tổ chức khoanh vùng, giám sát ổ dịch bạch hầu trên địa bàn huyện Mường Lát, ngành y tế tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống giám sát tại các tuyến, phát hiện sớm trường hợp mắc mới, ổ dịch mới trong cộng đồng, đồng thời nâng cao năng lực xét nghiệm phát hiện sớm tác nhân gây bệnh. Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các hoạt động giám sát trọng điểm để kịp thời phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát; chuẩn bị đủ trang thiết bị, hóa chất, vật tư phòng chống dịch; thực hiện duy trì và tăng cường hoạt động của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ tỉnh đến các xã, phường... bảo đảm các bệnh truyền nhiễm đều được khoanh vùng, giám sát dịch tễ, điều trị bệnh kịp thời, không để bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, lũy kế đến hết tuần 29 năm 2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 102 ca mắc COVID-19; 75 ca mắc, nghi mắc sốt xuất huyết dengua; 21 ca nghi mắc sởi, 1 ca mắc và tử vong do bệnh dại; 131 ca tay chân miệng; 22 ca nghi viêm não do vi-rút; 2 ca viêm màng não do nhiễm mô cầu; 45 ca mắc, nghi mắc ho gà; 20 ca liệt mềm cấp nghi bại liệt; 5 ca viêm gan B; 2 ca sốt rét ngoại lai... Về cơ bản, tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát. Tuy nhiên, với thời tiết nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi làm gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh; các dịch bệnh phòng được bằng vắc-xin tiếp tục ghi nhận và gia tăng, đặc biệt là bệnh ho gà ghi nhận rải rác các trường hợp nghi ho gà tại địa phương và có xu hướng gia tăng...

Để phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các chuyên gia y tế khuyến cáo, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, mỗi người dân cần tích cực tham gia bằng những hành động, việc làm thiết thực, nhất là thực hiện tiêm chủng cho con em và bản thân đối với những bệnh có thể phòng được bằng vắc-xin tiêm chủng và thực hiện tốt những khuyến cáo của ngành y tế, trong đó chú ý vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; tổ chức khơi thông cống, rãnh, phát quang bụi rậm, diệt bọ gậy và vệ sinh môi trường xung quanh nơi sinh sống. Nếu nghi bị bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế nơi gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]