Khi làng nghề bắt nhịp kinh tế thị trường
Huyện Nga Sơn hiện có 4 nghề truyền thống ở 23 làng nghề, gồm 20 làng nghề dệt chiếu cói, 1 làng nghề mây tre đan, 2 làng nghề nấu rượu. Các cơ sở sản xuất đã chủ động đầu tư công nghệ, phát triển đa dạng về chủng loại, mẫu mã, bao bì và nhạy bén chuyển đổi trong hình thức hoạt động để bắt nhịp với sự phát triển của thị trường.
Các sản phẩm mỹ nghệ từ cói của Công ty TNHH Sản xuất thơng mại và xuất khẩu Cói Xanh, xã Nga Liên được tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các nghề truyền thống là dệt chiếu cói, nghề mây tre đan, thủ công mỹ nghệ và nấu rượu cùng tồn tại, đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân trong huyện. Tại xã Nga Liên, người dân đã sống, lớn lên, mưu sinh cùng nghề dệt chiếu cói. Đã có một thời, tưởng chừng nghề bị mai một khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, đời sống Nhân dân gặp khó khăn. Song nhờ những trợ lực của Nhà nước, sự năng động, nhạy bén, thích ứng với xu hướng của thị trường, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn đã “chắp cánh” cho sản phẩm truyền thống bay xa. Gia đình chị Nguyễn Thị Huyền, thôn 1, xã Nga Liên ngoài làm nông còn xem dệt chiếu cói là nghề chính mang lại nguồn thu nhập cho gia đình. Nhận thấy xu hướng chung của thị trường giai đoạn mới thiên về sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc, nguyên liệu tự nhiên nên bên cạnh dệt chiếu cói truyền thống, gia đình chị Huyền đã nghiên cứu phát triển đồ thủ công mỹ nghệ.
Chị Huyền, cho biết: "Chúng tôi luôn xác định nghề đan truyền thống và nguyên liệu cói của Nga Sơn chính là tiềm năng lớn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, khi nhận thấy thị trường có nhu cầu lớn về các sản phẩm quà lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ từ cói, chúng tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và kết nối với nhiều đơn vị trung gian để du nhập về địa phương. Đến nay, sau nhiều năm nỗ lực tìm kiếm thị trường, gia đình tôi đã thành lập được doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói, bèo tây cho người dân địa phương và các xã lân cận".
Được biết, năm 2017, chị Huyền thành lập Công ty TNHH Sản xuất thương mại và xuất khẩu Cói Xanh để trực tiếp sản xuất, gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, với một số mặt hàng chủ lực như: gương trang trí cói xanh, bình hoa cói xanh, khay, đĩa từ cói, bèo tây... Tháng 11/2022, sản phẩm gương trang trí cói xanh đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và xuất khẩu Cói Xanh đã chủ động tham gia vào các trang thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác tiêu thụ. Đến nay, các sản phẩm của công ty đã xuất khẩu trực tiếp đi một số nước, như Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc..., tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 50 lao động.
Thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nga Sơn cho thấy, trên địa bàn huyện có khoảng 15.000 hộ, cơ sở sản xuất các sản phẩm nông thôn, chủ yếu là nghề dệt chiếu, đan lát. Những năm gần đây, các cơ sở không đợi khách hàng tìm đến mà chủ động đưa sản phẩm của làng nghề tiếp cận, chinh phục người tiêu dùng thông qua việc tích cực tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ; quảng bá và bán hàng trực tuyến trên trang website của đơn vị và các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, tích cực tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn của tỉnh, huyện về áp dụng chuyển đổi số để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm làng nghề có quy mô ở huyện đầu tư hạ tầng và nhân lực để phục vụ kinh doanh trực tuyến (bán hàng online); các thông tin về sản phẩm đều được mã hóa để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, tra cứu trên nền tảng công nghệ số. Tiêu biểu, như: Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang (thị trấn Nga Sơn), Công ty TNHH Ngân Khương (xóm 5, xã Nga Thanh), Công ty CP Sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh (xóm 8, xã Nga An)... cũng đã chủ động tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế để tìm bạn hàng, tìm hiểu nhu cầu để thay đổi sản phẩm cho phù hợp. Riêng Công ty CP Sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh đã ký hợp đồng thành công xuất khẩu một số sản phẩm từ cói trực tiếp sang Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Nhờ sự nỗ lực, tích cực của các cơ sở sản xuất, làng nghề, năm 2023, tổng doanh thu sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cói và hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn huyện Nga Sơn đạt khoảng 80 tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân địa phương.
Để tiếp sức cho làng nghề, nghề truyền thống phát triển, huyện Nga Sơn đã xây dựng 3 cụm công nghiệp, làng nghề liên xã, với tổng diện tích hơn 60ha, nhằm tạo điều kiện về quỹ đất cho các cơ sở mở rộng quy mô sản xuất. Cùng với đó, giai đoạn 2021-2025, huyện Nga Sơn đã và đang phối hợp với các đơn vị đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề, nghề truyền thống. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Phấn đấu đến năm 2025, mỗi xã có ít nhất một làng nghề, một sản phẩm OCOP.
Bài và ảnh: Lê Hòa
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:44:00
Prudential và CarePlus ký kết hợp tác chiến lược, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tầm soát cho khách hàng
-
2024-11-21 15:51:00
13 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
-
2024-01-27 14:44:00
Thu hút các doanh nghiệp chế biến lâm sản
Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng trồng mới
Bản tin tài chính sáng 27/1: Giá vàng tăng, dầu và USD đi xuống
Liên minh HTX tỉnh tặng quà cho thành viên có hoàn cảnh khó khăn
Thanh Hoá có thêm 17 xã được công nhận NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu
Nguồn vốn Quỹ TDND Thống Nhất tăng hơn 49 tỷ đồng sau một nhiệm kỳ
Thực hiện các biện pháp phòng chống rét trong nuôi trồng thủy sản
Đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp tết
Sản xuất công nghiệp nỗ lực vượt khó
Bản tin tài chính sáng 26/1: Giá vàng đi ngang, USD hồi phục