(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa sở hữu một hệ thống di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) phong phú và đa dạng với nhiều di sản đã vượt ra ngoài giới hạn địa lý và không gian sinh hoạt của một cộng đồng, trở thành DSVHPVT quốc gia. Đây chính là niềm tự hào và cũng đặt ra trách nhiệm cho các địa phương, người dân trong việc chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị để di sản ngày càng khẳng định được sức sống trong cộng đồng.

Khẳng định sức sống của di sản văn hóa phi vật thể sau khi được vinh danh

Thanh Hóa sở hữu một hệ thống di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) phong phú và đa dạng với nhiều di sản đã vượt ra ngoài giới hạn địa lý và không gian sinh hoạt của một cộng đồng, trở thành DSVHPVT quốc gia. Đây chính là niềm tự hào và cũng đặt ra trách nhiệm cho các địa phương, người dân trong việc chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị để di sản ngày càng khẳng định được sức sống trong cộng đồng.

Khẳng định sức sống của di sản văn hóa phi vật thể sau khi được vinh danhĐội hát sắc bùa của người Mường (Ngọc Lặc).

Ai đã từng đến Ngọc Lặc một lần, được hòa mình vào những lời ca, điệu múa trong tiếng cồng chiêng giục giã của lễ hội Pồn Pôông, hay những làn điệu xường giao duyên đằm thắm, những câu hát sắc bùa vui tươi, phấn khởi... chắc hẳn sẽ mãi lưu luyến với vùng đất này. Nói đến hát sắc bùa không thể không nhắc đến Nghệ nhân Ưu tú Phạm Vũ Vượng, thôn Thuận Hòa, xã Quang Trung. "Hát sắc bùa là một loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của người Mường, có từ rất lâu đời được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nếu như trước đây, hát sắc bùa chỉ có trong các lễ hội, ngày tết, thì từ sau khi được vinh danh là DSVHPVT quốc gia, hát sắc bùa dường như đã trở thành một phong trào, được hát trong những ngày lễ, hay các hoạt động văn nghệ của địa phương, đám cưới, mừng sinh nhật, mừng thọ, xông đất đầu năm... Đội hát sắc bùa đi đến đâu, làng xóm râm ran, không khí vui tươi, sảng khoái đến đó. Các điệu hát sắc bùa rất phong phú, như điệu mở cổng, giao đất, chúc năm mới... vừa đáp ứng được nguyện vọng, ước mơ, tình cảm của người nghe, người xem, lại vừa kết nối mối quan hệ giữa người với người, với thiên nhiên và với môi trường xã hội. Hiện tại, đội văn nghệ hát sắc bùa trong huyện cũng ngày càng thu hút được nhiều thành viên tham gia, độ tuổi cũng dần được trẻ hóa và thường xuyên tập luyện nhằm đem lời ca, tiếng hát làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Cùng với đó, lớp nghệ nhân chúng tôi cũng thường xuyên truyền dạy hát sắc bùa cho học sinh tại các trường học trong huyện nhằm tiếp tục trao truyền di sản cho thế hệ sau" - Nghệ nhân Ưu tú Phạm Vũ Vượng, chia sẻ.

Hiếm có vùng đất nào như Ngọc Lặc mà chỉ nhắc đến thôi cũng đủ cho người ta liên tưởng đến “kho” DSVHPVT hết sức đa dạng và giàu giá trị. Trong đó, phải kể đến hệ thống các di sản đã được công nhận là DSVHPVT quốc gia như, trò diễn Pồn Pôông, nghệ thuật diễn xướng xường giao duyên, nghệ thuật trình diễn dân gian hát sắc bùa, tập quán xã hội và tín ngưỡng nghi lễ nhảng chập đáo (Tết nhảy) của người Dao quần chẹt; tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường (chung của dân tộc Mường 11 huyện miền núi trong tỉnh). Mỗi một di sản đều mang trong mình những nét riêng biệt, độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Để rồi, khi các di sản ấy hòa cùng dòng chảy phát triển của lịch sử, sẽ tạo thành bức tranh văn hóa các dân tộc đa sắc màu. Những năm qua, để các di sản sau khi được vinh danh ngày càng lan tỏa và khẳng định được sức sống trong cộng đồng, huyện đã thực hiện nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo.

Ông Phạm Đình Cường, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Lặc, chia sẻ: "Những năm qua, các di sản văn hóa sau khi được vinh danh đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh trong việc làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương. Đồng thời, đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn tinh hoa văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong huyện. Ngoài ra, các DSVHPVT quốc gia còn là nguồn tài nguyên nhân văn quan trọng đóng góp vào việc thúc đẩy du lịch của huyện phát triển, tạo sức hấp dẫn du khách đến tham quan. Bởi vậy, huyện sẽ tiếp tục quan tâm đến việc tạo thêm “đất diễn” để các di sản ngày càng lan tỏa trong đời sống cộng đồng thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, đưa di sản đi biểu diễn ở khắp các nơi cả trong và ngoài tỉnh. Quan tâm đến đời sống các nghệ nhân, những người nắm giữ và trao truyền di sản cho lớp kế cận. Đồng thời, gắn việc phát huy giá trị các di sản với phát triển du lịch".

Tại huyện Thiệu Hóa, nghề đúc đồng truyền thống làng Chè (Trà Đông), xã Thiệu Trung được công nhận là DSVHPVT quốc gia, đã khẳng định được giá trị trong đời sống cộng đồng. Với bàn tay khéo léo tài hoa và trí thông minh, các nghệ nhân ở đây đã sáng tạo ra những sản phẩm đồ đồng truyền thống đa dạng, phong phú như: trống đồng, tượng nhân vật lịch sử, lư hương, chiêng, đồ thờ, tranh đồng, đồ gia dụng bằng đồng... Các sản phẩm cũng ngày càng tinh xảo nên đã dần vượt ra khỏi lũy tre làng, không những vươn khắp thị trường trong nước, nhiều sản phẩm còn xuất khẩu sang Hoa Kỳ và một số nước qua các công ty trung gian. Không chỉ vậy, từ nhiều năm nay làng nghề đúc đồng còn đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch của xã phát triển, thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm quá trình sản xuất. Ngoài ra, các nghệ nhân cũng đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm đồ đồng nhỏ, gọn để phục vụ du khách đến mua sắm đồ lưu niệm. Từ đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều di sản được đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia, như, trò Xuân Phả (Thọ Xuân); lễ hội Trò Chiềng (Yên Định); lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy (Như Thanh); trò diễn dân gian Ngũ trò Viên Khê (Đông Sơn); lễ hội Cầu Ngư (Hậu Lộc); lễ hội đền Độc Cước (TP Sầm Sơn); lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa); lễ hội đền Mưng (Nông Cống)... Mỗi một di sản là một “công trình văn hóa” được “xây” nên từ bàn tay và khối óc của Nhân dân lao động và lấy cảm hứng từ cuộc sống hằng ngày. Song, tất cả đã được thử thách qua thời gian, được chắt lọc và bồi đắp qua nhiều thế hệ, để vượt ra ngoài giới hạn địa lý và không gian sinh hoạt của một cộng đồng và trở thành tài sản chung của cả dân tộc. Đặc biệt, sau khi được vinh danh, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của các di sản ngày càng được các cấp, ngành, các địa phương và Nhân dân quan tâm thực hiện một cách có lộ trình cụ thể, rõ ràng, khoa học, có hiệu quả. Trong đó, chú trọng đến việc đưa di sản vào đời sống, kết nối di sản với phát triển du lịch. Chính sách đãi ngộ và tôn vinh các nghệ nhân văn hóa dân gian cũng được quan tâm thực hiện tốt... Từ đó, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cho muôn đời sau.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]