(Baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây, Trung Đông như một chảo lửa với các cuộc giao tranh, xung đột quân sự đẫm máu. Khi cuộc xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza đang bế tắc thì lại nổi lên nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon. 

Israel bên bờ vực chiến tranh toàn diện với Hezbollah

Thời gian gần đây, Trung Đông như một chảo lửa với các cuộc giao tranh, xung đột quân sự đẫm máu. Khi cuộc xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza đang bế tắc thì lại nổi lên nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon.

Israel bên bờ vực chiến tranh toàn diện với Hezbollah

Nguyên nhân của cuộc xung đột ở Gaza và cuộc xung đột này sẽ đi đến đâu?

Xung đột Israel-Palestine là cuộc đối đầu kéo dài giữa người Israel và người Palestine bắt đầu từ giữa thế kỷ XX. Nguyên nhân chính là tranh chấp lãnh thổ, quyền tự quyết, tình trạng của Jerusalem và vấn đề người tị nạn Palestine. Ngày 7/10/2023 trở thành một ngày bi thảm khác trong lịch sử đối đầu. Cuộc tấn công vào Israel của các nhóm Palestine đã dẫn đến giao tranh kéo dài ở Dải Gaza - tiếp tục leo thang gần 9 tháng qua. Thậm chí, nguy cơ cuộc xung đột này lan rộng sang Bờ Tây và Lebanon đang ngày càng hiện hữu.

Sự phản kháng mạnh mẽ của người Palestine kéo theo những hoạt động quân sự cứng rắn của Chính quyền Israel. Hàng nghìn người Palestine chết mỗi năm do các hoạt động quân sự của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), nhưng đến nay vẫn chưa có phản ứng đáng kể nào từ cộng đồng quốc tế. Chính phủ Israel do Thủ tướng Benjamin Netanyahu lãnh đạo chưa sẵn sàng cho những thỏa hiệp, không chấp nhận việc thành lập một nhà nước Ả Rập Palestine. Trong khi đó, cuộc kháng chiến của người Palestine bị chia rẽ: các đại diện chính của họ - Fatah và Hamas - đang xung đột với nhau và không thể hợp lực để giải quyết xung đột.

Theo các chuyên gia thuộc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC), có một số lý do giải thích cho sự leo thang mới nhất. Thủ tướng Benjamin Netanyahu trở lại nắm quyền trong bối cảnh khủng hoảng chính trị và khó khăn kinh tế của Israel trầm trọng hơn bởi cải cách tư pháp và các cuộc biểu tình. Trong khi đó ở Palestine, phong trào Hamas đang trở nên phổ biến hơn đối với người Palestine, còn đảng Fatah do Tổng thống Mahmoud Abbas dẫn dắt mất uy tín do cáo buộc tham nhũng và không thể đảm bảo an ninh, phúc lợi cho người dân. Hamas đang thực hiện các bước đi theo chủ nghĩa dân túy để thỏa mãn nguyện vọng của những người theo chủ nghĩa dân tộc, những người cực đoan tôn giáo và giới trẻ. Chính phủ cực hữu của Israel không muốn thảo luận về việc thành lập một nhà nước Ả Rập Palestine; ngược lại, quan điểm của Hamas về một giải pháp mạnh mẽ cho cuộc xung đột đã tạo được tiếng vang lớn.

Các yếu tố bên ngoài cũng có tác động lớn đến cuộc xung đột quân sự Israel-Hamas. Các cường quốc phần lớn đang bận rộn với các vấn đề của riêng họ, khiến Israel phải tự mình giải quyết. Việc xung đột ngày càng sâu sắc không thể bỏ qua những mâu thuẫn kéo dài giữa Israel và Iran. Tất cả những điều này đã khiến cuộc xung đột leo thang và kéo dài hơn bình thường, thậm chí nhiều người còn so sánh với cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973.

Chính quyền Israel đặt mục tiêu tiêu diệt Hamas nhanh chóng, nhưng rõ ràng cuộc chiến trên thực địa phức tạp hơn họ nghĩ. Mặc dù suy yếu đáng kể, nhưng phong trào Hamas vẫn chưa biến mất; nhiều người coi phong trào này là lực lượng truyền tải nguyện vọng của người Palestine và tư tưởng sẽ khó có thể bị xóa bỏ hoàn toàn. Ngược lại, chính quyền Israel, bằng hành động quân sự cứng rắn, đã khiến hình ảnh của nhà nước Do Thái trong mắt cộng đồng thế giới càng trở nên cực đoan hơn, dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ không chỉ ở các nước Hồi giáo mà còn ở phương Tây, vốn được xem là đồng minh của Israel. Thủ tướng Netanyahu không thể giành được chiến thắng nhanh chóng và ngày càng khiến dư luận trong nước chia rẽ sâu sắc hơn. Theo các chuyên gia, ông Netanyahu hiểu được tình thế của mình và đang tìm kiếm những cơ hội từ các cuộc xung đột mới.

Hezbollah là “nước cờ” để Thủ tướng Netanyahu duy trì quyền lực?

Thời gian gần đây, chính quyền Israel không che giấu khả năng tiến hành các hoạt động quân sự ở biên giới phía Bắc của mình. Kể từ khi xung đột Palestine-Israel leo thang và bắt đầu chiến dịch trên bộ của IDF ở Gaza, đã có nhiều báo cáo lặp đi lặp lại rằng lực lượng Hezbollah ở Lebanon có thể trở thành một trong những bên tham gia tiềm năng trong cuộc đối đầu công khai với Israel.

Thực tế, Israel tăng cường sự hiện diện quân sự dọc biên giới phía Bắc, với hàng chục nghìn quân nhân và quân dự bị đồn trú ở đó. Theo ABC News, con số sau này có thể lên tới 60 nghìn người. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Galant lưu ý rằng, quân đội Israel đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao và có thể sớm bắt đầu các hoạt động quân sự dọc biên giới với Lebanon.

Khi giao tranh ở Rafah ở phía Nam Dải Gaza suy yếu, giới phân tích chính trị-quân sự cho rằng trọng tâm chính của IDF sẽ chuyển sang miền Nam Lebanon. Ngày 19/6, Israel đưa ra tối hậu thư yêu cầu Lebanon gây áp lực lên Hezbollah để các chiến binh của họ rút qua sông Litani trước ngày 24/6, nếu không sẽ bắt đầu một chiến dịch quân sự. Ngoại trưởng Israel Israel Katz, viết trên mạng xã hội rằng, Israel sắp đưa ra quyết định liên quan đến Lebanon. Theo Ngoại trưởng Israel Katz, trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện, Hezbollah sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn và Lebanon phải đối mặt với thiệt hại nặng nề.

Theo RBC, mục tiêu của Thủ tướng Israel Netanyahu là nhằm “đẩy nóng” tình hình, hướng lái dư luận ra khỏi những khó khăn, thách thức mà ông phải đối mặt trong nước. Hiện nay, uy tín của Thủ tướng Netanyahu sụt giảm nghiêm trọng. Các cuộc thăm dò cho thấy trong trường hợp bầu cử sớm, ông Netanyahu nhiều khả năng sẽ mất chức, nhường chỗ cho các lực lượng ôn hòa sẵn sàng hòa giải với người Palestine. Kịch bản này rõ ràng là không thể chấp nhận được với Thủ tướng Netanyahu; bởi lẽ, nó không chỉ kết thúc sự nghiệp chính trị của ông, mà còn khiến ông phải đối mặt với các thủ tục pháp lý liên quan đến chiến dịch quân sự ở Gaza. Sự sống còn của Chính phủ Netanyahu phụ thuộc vào khả năng tìm ra quốc gia và kẻ thù mới để đoàn kết dân tộc. Cuộc xung đột với Lebanon có thể đoàn kết người Israel và tạo cơ hội cho chính quyền cầm cự, vì Hamas không còn phù hợp với vai trò này nữa.

Cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah là điều khó tránh khỏi

Ngay từ đầu, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã không hài lòng với quyết định tiến hành chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza. Trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine diễn ra khó lường, xu hướng cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt với Trung Quốc và đặc biệt cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút, Tổng thống Biden không muốn bị sa lầy vào một cuộc xung đột mới ở Trung Đông. Tuy nhiên, ở góc độ Thủ tướng Netanyahu, ông tự tin rằng Mỹ sẽ ủng hộ và đứng về phía Israel nếu kịch bản một cuộc chiến với Hezbollah xảy ra bởi những quy ước đồng minh giữa hai nước.

Nhiều ý kiến dự đoán, một cuộc xung đột toàn diện giữa IDF và Hezbollah sẽ sớm bắt đầu, nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào và khi nào cuộc xung đột này sẽ kết thúc? Theo The New York Times, trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện, Hezbollah có thể sẽ là đối thủ nặng ký hơn đối với Israel, nếu so với phong trào Hamas của Palestine. Các chuyên gia đánh giá, các thành viên Hezbollah được huấn luyện và có tính kỷ luật cao, không giống như nhiều nhóm vũ trang nổi dậy khác. Việc tham gia cuộc nội chiến ở Syria đã giúp nhiều tay súng Hezbollah có kinh nghiệm chiến đấu trên thực địa và phần lớn kho vũ khí của họ vẫn còn nguyên vẹn như tuyên bố gần đây của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah.

Có giả định cho rằng, cuộc xung đột toàn diện Israel-Hezbollah sẽ là cuộc chiến kéo dài, đối đầu về khí tài, khả năng công nghiệp quốc phòng và công tác hậu cần. Do đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã có chuyến thăm Mỹ vào ngày 23/6 để tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ Washington, vì Israel rõ ràng không có đủ nguồn lực để tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện với Hezbollah.

Izvestia dẫn nhận định của nhà phương Đông học, chuyên gia Andrey Ontikov nhấn mạnh, cuộc xung đột Israel và Hezbollah sẽ kéo theo sự vào cuộc của các nước lớn trong và ngoài khu vực. Sau cái chết của Tổng thống Raisi và sự xuất hiện của chính quyền mới, sự kiềm chế của Iran có thể giảm bớt và không loại trừ khả năng Tehran sẽ tham gia vào cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah (trực tiếp hay gián tiếp). Khi đó, Mỹ cũng khó đứng ngoài cuộc chiến. Trong trường hợp này, khu vực sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh toàn diện, có thể gây ra hậu quả thảm khốc trên quy mô toàn cầu. Chỉ các cường quốc thế giới mới có thể ngăn chặn chiến tranh, nhưng xu hướng đối đầu, cạnh tranh giữa các nước lớn hiện nay không cho phép họ đạt được thỏa hiệp. Theo đó, cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah là điều khó tránh khỏi.

Hùng Anh (CTV)


Hùng Anh (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]