Hội nghị thượng đỉnh SCO 2024: Cơ hội để Nga thúc đẩy không gian Đại Á - Âu
Từ ngày 3-4/7, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được tổ chức tại Astana. Đây là một trong những sự kiện quan trọng, được cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý.
SCO là cơ chế hợp tác đa phương ngày càng có sức hút mạnh mẽ
Trong 23 năm kể từ khi SCO thành lập, các nước thành viên luôn tuân thủ “tinh thần Thượng Hải”, thúc đẩy hợp tác dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng, tôn trọng sự đa dạng của các nền văn hoá và mong muốn phát triển chung. Những kết quả đạt được đã khẳng định vai trò quốc tế quan trọng của SCO, là cầu nối hợp tác, gắn kết hữu nghị trong khu vực.
Việc ngày càng nhiều nước quan tâm gia nhập cho thấy sức hút rất lớn của SCO. Trước hết, SCO cho thấy rằng, họ có tiềm năng lớn về kinh tế, năng lượng và quân sự, cũng như sức mạnh chung. Theo Ngân hàng Thế giới đến năm 2023, tỷ trọng tổng hợp của các nước thành viên SCO trong GDP toàn cầu chiếm 32,4% (26,6% trong số đó là GDP của Trung Quốc và Ấn Độ). Ngày 14/6, Tổng Thư ký SCO Zhang Ming cho biết, các quốc gia thành viên SCO cùng nhau chiếm hơn 40% dân số thế giới, hơn 1⁄4 lãnh thổ thế giới và 1⁄4 GDP toàn cầu.
Tờ RBC dẫn nhận định của chuyên gia Li Ruisi, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Nga, Đông Âu và Trung Á của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và phương Tây với Nga và Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng thì SCO - với tiếng nói độc lập của mình cộng với vai trò và ảnh hưởng vượt trội của Nga và Trung Quốc trong tổ chức - đang được xem là công cụ đối trọng quan trọng với trật tự thế giới hiện hành do Mỹ và phương Tây chi phối. SCO tập hợp các quốc gia có các nền văn hóa và văn minh khác nhau, với những chính sách đối ngoại và mô hình phát triển quốc gia riêng biệt. Nhưng khối này đã gắn kết được các nước không có nhiều điểm chung với mục tiêu thúc đẩy hợp tác nhiều mặt thông qua bảo đảm an ninh khu vực và tiến tới thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề mang tính toàn cầu.
Theo chuyên gia Li Ruisi, hợp tác thực tế trong nhiều lĩnh vực đã gây dựng vai trò, ảnh hưởng to lớn cho SCO, giúp các quốc gia thành viên loại bỏ những tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột địa chính trị. Với việc ngày càng nhiều nước quan tâm gia nhập SCO, sự bổ sung về kinh tế và tiềm năng hợp tác khu vực trong khuôn khổ tổ chức này sẽ được tăng cường hơn nữa.
Hướng tới xây dựng mô hình an ninh mới
Hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 24 diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra những yêu cầu, thách thức mới đối với mô hình hợp tác của SCO. Hơn nữa, việc Belarus chính thức trở thành thành viên của nhóm ngày càng cho thấy SCO như một cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả, đóng vai trò trọng yếu tại khu vực Á - Âu.
Trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cho biết, trong vai trò Chủ tịch SCO năm 2024, Kazakhstan đề xuất một mô hình an ninh mới. Ông kêu gọi một đối thoại toàn cầu cởi mở và trung thực để áp dụng mô hình an ninh mới này, nhấn mạnh sự cần thiết của một môi trường kinh tế công bằng, bền vững và các biện pháp bảo vệ môi trường toàn cầu. Tuyên bố này thể hiện cam kết của Kazakhstan trong việc nâng cao hiệu quả của SCO như một cơ chế hợp tác đa phương, tăng cường khả năng đối phó với các thách thức và mối đe dọa chung, tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, chủ nghĩa ly khai và bạo lực cực đoan. Đề xuất mô hình an ninh mới cũng phản ánh mong muốn của Kazakhstan trong việc tái định hình các mối quan hệ quốc tế dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và chủ nghĩa đa phương, phù hợp với sáng kiến “Thế giới đoàn kết vì hòa bình và hòa hợp” mà nước này đã đưa ra trước đó. Đây cũng là một phần của nỗ lực nhằm tăng cường sự ổn định và an ninh khu vực, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và hợp tác văn hóa.
Theo Izvestia, chuyên gia Botakoz Elshibek từ Kazakhstan cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh SCO 2024 là cơ hội để các bên thúc đẩy các cơ chế hợp tác hiện có, đồng thời đưa ra các sáng kiến, mô hình mới nhằm làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị, kinh tế giữa các nước thành viên. Nhờ hoạt động tích cực của SCO, các quốc gia trong khu vực có thể sử dụng tiềm năng kinh tế của mình hiệu quả hơn và cùng nhau vượt qua những thách thức của toàn cầu hóa.
Nga chủ trương thúc đẩy cấu trúc an ninh chung Á - Âu
Theo Trợ lý chính sách đối ngoại Yury Ushakov, chương trình của Tổng thống Nga Putin “bao gồm một loạt cuộc tiếp xúc song phương rất quan trọng” vì Moscow coi Hội nghị thượng đỉnh SCO là cơ hội tốt để đàm phán với các nhà lãnh đạo tham dự cuộc họp. Trước những sự kiện nghi thức chính, Tổng thống Putin gặp các nhà lãnh đạo Kazakhstan, Azerbaijan và Mông Cổ, cũng như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhà lãnh đạo Nga cũng dự kiến sẽ hội đàm với Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif.
Theo tờ RBC, chuyên gia nghiên cứu Trung Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ông Andrei Grozin nhận định, Tổng thống Putin xem Hội nghị thượng đỉnh SCO như một dịp để thúc đẩy hợp tác với các đồng minh, đối tác nhằm xây dựng một khu vực Á-Âu hoà bình, ổn định. Từ nhiều năm qua, Tổng thống Putin ưu tiên tăng cường quan hệ kinh tế và quốc phòng với các nước Đông Âu và Trung Á, từ Belarus ở phía Tây tới Kyrgyzstan ở phía Đông. Nga hiện vẫn duy trì các căn cứ quân sự ở Trung Á và Nam Caucasus, những nơi Nga có ràng buộc thương mại, văn hóa sâu sắc. Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng, thậm chí hỗn loạn liên tục xảy ra xung quanh biên giới nước Nga, mới đây nhất là cuộc xung đột giữa Armenia-Azerbaijan khiến Armenia ngả theo phương Tây, tranh chấp lãnh thổ Tajikistan-Kyrgyzstan luôn âm ỉ khiến Nga nhận thức được những thay đổi nhanh chóng theo chiều hướng bất lợi với Nga ở khu vực này. Do đó, thông qua Hội nghị thượng đỉnh SCO lần này, Nga muốn thắt chặt hợp tác với các nước khu vực, từ đó giữ chân đồng minh, đối tác trước sự lôi kéo của phương Tây.
Bên cạnh đó, hợp tác thương mại, năng lượng với các nước thành viên SCO sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước, giúp Nga từng bước giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các gói cấm vận của phương Tây. Mới đây nhất, ngày 24/6, Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, nhắm vào đội tàu của Moscow vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) qua châu Âu cũng như một số công ty. Các chuyên gia lưu ý rằng, gói trừng phạt thứ 14 của EU chống lại Nga có một số điểm mới, đặc biệt là mở rộng phạm vi hành động ngoài lãnh thổ Nga. Gói trừng phạt này có thể sẽ tác động không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu LNG, song Nga hoàn toàn có thể xem Trung Quốc như là một thị trường thay thế tiềm năng. Do nhu cầu mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế phục hồi và quá trình khử carbon trong ngành công nghiệp, nhập khẩu LNG của Trung Quốc có thể đạt mức kỷ lục trong năm 2024. Chuyên gia cao cấp Zhang Yaoyu, người phụ trách về LNG và năng lượng mới của PetroChina International thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc cho biết, Trung Quốc - nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới, đang có kế hoạch mua khoảng 80 triệu tấn LNG trong năm nay, do nhu cầu từ các ngành công nghiệp và thương mại ngày càng gia tăng.
Hùng Anh
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:07:00
Nga thay đổi học thuyết hạt nhân: Đòn “nắn gân” có sức nặng
-
2024-11-21 09:14:00
COP29: Các quốc gia giàu có cam kết không xây mới nhà máy điện than
-
2024-07-03 08:38:00
Chuyển động quân sự đáng chú ý ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Rạn nứt lớn trong chính trường Pháp sau kết quả vòng bầu cử sớm
Bầu cử Tổng thống Iran: Tìm hy vọng giữa thách thức
Nguy cơ leo thang “cuộc chiến” thương mại mới giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu
Giải thích làn sóng gia nhập BRICS tại Đông Nam Á
Liên minh châu Âu tiếp tục siết chặt cấm vận vào ngành năng lượng của Nga
Trung Quốc và Malaysia thắt chặt quan hệ với một hiệp định kinh tế mới
Việc Nga và Triều Tiên ngày càng xích lại gần nhau khiến phương Tây lo ngại?
Chuyến thăm của Tổng thống Putin tạo nền tảng mới thúc đẩy quan hệ Nga - Việt
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Thụy Sĩ : Kết quả và triển vọng có thể mang lại