(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa có 11 huyện miền núi với 1.551 thôn, bản, khu phố; toàn vùng có 7 dân tộc chính cùng sinh sống là: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú, với tổng dân số gần 1 triệu người.

Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở các huyện miền núi

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi với 1.551 thôn, bản, khu phố; toàn vùng có 7 dân tộc chính cùng sinh sống là: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú, với tổng dân số gần 1 triệu người.

Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở các huyện miền núiHạ tầng giao thông ở bản Bo Hiềng, xã Na Mèo (Quan Sơn) được đầu tư tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế - xã hội, XDNTM, giảm nghèo bền vững.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai thực hiện các chương trình, chính sách của Trung ương, của tỉnh, như: Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX) và các chương trình, dự án, chính sách dân tộc khác, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững gắn với XDNTM, các cấp ủy, chính quyền huyện miền núi luôn xác định việc huy động nguồn lực là rất quan trọng. Chính vì vậy, ngoài các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ XDNTM, đối với các huyện miền núi, hàng năm, các huyện đã dành một phần ngân sách để hỗ trợ XDNTM, hỗ trợ phát triển sản xuất, tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa thôn, xây dựng mô hình phát triển sản xuất, nhà sạch - vườn đẹp, tổ chức hướng dẫn cho người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, có ý chí vươn lên thoát nghèo. Trong gần 3 năm qua, từ nguồn lực ngân sách của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã huy động và phân bổ được gần 350 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển để hỗ trợ 11 huyện miền núi xây dựng 177 công trình kết cấu hạ tầng và gần 200 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp Trung ương để hỗ trợ các huyện miền núi phát triển sản xuất, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản phẩm OCOP theo các bộ tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tại các xã, thôn, bản.

Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG XDNTM và lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các xã khu vực miền núi từng bước được đầu tư; sản xuất nông nghiệp có bước phát triển, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch tích cực; tập quán canh tác, tư duy sản xuất truyền thống, khép kín của bà con Nhân dân đã dần được thay đổi, việc chuyển giao, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất đã được thực hiện, hình thành tư duy sản xuất hàng hóa, có giá trị kinh tế cao hơn, từ đó giải quyết tốt việc làm, tăng thu nhập; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện, người nghèo được tiếp cận thuận lợi và đầy đủ hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc được giữ gìn, phát huy; phong tục, tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi được đảm bảo, an ninh biên giới được ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các nguồn lực XDNTM ở các huyện miền núi vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục như: sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế ở một số khâu, lĩnh vực; chưa phát triển được nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của vùng; phát triển chăn nuôi đại gia súc chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng, tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp còn thấp. Sản xuất công nghiệp truyền thống vẫn là chủ yếu; sức cạnh tranh của các sản phẩm còn thấp; chưa phát triển được sản phẩm công nghiệp chủ lực có hàm lượng công nghệ cao. Phát triển tiểu thủ công nghiệp còn thiếu bền vững, hoạt động kinh doanh chủ yếu dưới hình thức kinh tế hộ, sản xuất nhỏ lẻ, khả năng cạnh tranh kém. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng miền núi tuy đã được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển... Kết quả XDNTM của các huyện miền núi còn rất thấp so với mặt bằng chung của toàn tỉnh (tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh đến nay là 352/465 xã, đạt 75,79%, trong khi đó, vùng miền núi có 61/163 xã đạt chuẩn, đạt 37%), bình quân tiêu chí toàn khu vực miền núi mới đạt 15,6 tiêu chí/xã (toàn tỉnh đạt 17,73 tiêu chí/xã). Hiện nay, khu vực miền núi Thanh Hóa còn 65 xã đạt dưới 15 tiêu chí; huyện Mường Lát “trắng” xã NTM.

Trong bộ tiêu chí NTM các cấp độ và mức độ giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều chỉ tiêu mới, mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí được quy định cao hơn với bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020, như: tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ; cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP; tỷ lệ người dân có sổ khám chữa bệnh điện tử; sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa; gắn mã địa chỉ cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên nền tảng bản đồ số quốc gia; tỷ lệ nghèo đa chiều...; đây là những chỉ tiêu, tiêu chí mà tất cả các xã miền núi đều gặp khó khăn khi triển khai thực hiện để đạt chuẩn. Chính vì vậy trong 102 xã thuộc các huyện miền núi, hầu hết các xã không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn (khu vực III, nhưng thực tế, các xã này đang còn rất khó khăn, vị trí địa lý, địa hình không thuận lợi, dân cư không tập trung, có nhiều tiêu chí chưa đạt chuẩn; một số xã thuộc các huyện nghèo, tỷ lệ nghèo đa chiều đang ở mức cao, từ 42,17% đến trên 70%, có xã tỷ lệ hộ nghèo còn trên 80% như xã Xuân Lộc (Thường Xuân), xã Yên Khương (Lang Chánh)... Việc ứng dụng khám chữa bệnh từ xa; gắn mã địa chỉ cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên nền tảng bản đồ số quốc gia đối với các xã miền núi là rất khó thực hiện.

Để phát triển kinh tế - xã hội gắn với XDNTM, trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền các huyện miền núi tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về nội dung thực hiện các chương trình MTQG, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc ở khu vực miền núi trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu của chương trình. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG, để tiếp tục tạo chuyển biến rõ nét, thực chất, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Nhất là thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Bài và ảnh: Minh Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]