Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 31: Đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024
Sáng 4/7, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã được tổ chức.
Toàn cảnh hội nghị.
Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; dự thảo nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới và một số nội dung quan trọng khác.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng của Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Các đồng chí chủ trì hội nghị.
Tập trung làm rõ những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 31 để thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, quyết định nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới và một số nội dung quan trọng khác.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh ta bước vào năm 2024 - năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị khóa XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 với nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra và đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Nổi bật là: Kinh tế tăng trưởng cao và khá đồng đều trong các khu vực; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 11,5%, đứng thứ 3 cả nước và đứng đầu trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước (cả nước là 6,42%). Các lĩnh vực sản xuất đều có bước phát triển, nhiều chỉ tiêu chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ.
Văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, giáo dục mũi nhọn duy trì trong nhóm dẫn đầu cả nước. An sinh xã hội được chăm lo, đời sống Nhân dân được cải thiện. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm và có nhiều đổi mới; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên; đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong cả hệ thống chính trị, trong Nhân dân tiếp tục được củng cố và tăng cường.
Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn những hạn chế, một số vấn đề đang là những khó khăn, thách thức lớn, nhất là 8 nhóm hạn chế, yếu kém được nêu trong báo cáo, đáng chú ý là: Kinh tế tăng trưởng cao, nhưng tốc độ tăng trưởng quý II thấp hơn quý I. Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị phát triển chậm; hiệu quả chăn nuôi thấp. Chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp mới; khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp truyền thống thấp, sản lượng sản xuất có xu hướng giảm...
Những hạn chế, yếu kém nêu trên đã và đang làm cản trở sự phát triển đi lên của tỉnh; có những hạn chế, yếu kém mới phát sinh, cũng có nhiều nội dung đã tồn tại kéo dài từ các năm trước để lại.
Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Trọng Hưng đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ báo cáo do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chuẩn bị và xuất phát từ tình hình thực tiễn của tỉnh, cũng như từ các ngành, lĩnh vực, địa bàn nơi công tác để tham gia thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình 6 tháng đầu năm 2024. Đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra từ đầu năm, chỉ rõ những kết quả, thành tích nổi bật đã đạt được, nhất là những yếu tố tích cực, yếu tố mới xuất hiện; bên cạnh đó phân tích, làm rõ những hạn chế, yếu kém, đặc biệt là các nhóm hạn chế, yếu kém đã được nêu trong báo cáo đã đầy đủ và đánh giá đúng mức hay chưa. Có cần bổ sung thêm hạn chế, yếu kém nào không. Trong quá trình thảo luận tập trung phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của những thành công, hạn chế, yếu kém, nhất là nguyên nhân chủ quan và những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định: Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tăng tốc, bứt phá để về đích, quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025. Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là rất phấn khởi, song đây mới chỉ là kết quả bước đầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh ta trong quý III và 6 tháng còn lại của năm 2024 còn rất lớn.
Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra trong quý III và 6 tháng cuối năm 2024, quyết tâm phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 11% trở lên. Theo đó, cần nắm bắt kịp thời thời cơ, thuận lợi, thấy hết những khó khăn, thách thức; từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ tại địa phương, cơ quan, đơn vị, các đại biểu tham gia cụ thể vào 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm được nêu trong báo cáo, bảo đảm sát với thực tiễn, có tính khả thi cao. Trong đó, cần tập trung phân tích, làm rõ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh; các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chuyển tiếp và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để khởi công các dự án mới theo kế hoạch; các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát huy tối đa công suất, tăng sản lượng, nâng cao giá trị sản xuất... góp phần hoàn thành và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Cùng với nội dung nêu trên, tại hội nghị này, chúng ta cũng sẽ xem xét các báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công; tình hình thu, chi ngân sách và tình hình thu hút đầu tư, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư lớn, trọng điểm 6 tháng đầu năm 2024.
Về dự thảo nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nêu rõ: Như chúng ta đều biết, văn hóa giữ vị trí đặc biệt và có vai trò rất quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc và cả nhân loại; là động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội; kích thích sự sáng tạo và đánh thức những năng lực tiềm ẩn của con người.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất luôn đề cao vai trò của văn hóa, Người khẳng định “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Trong bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 do cố Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã chỉ rõ “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động. Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa" và chủ trương phát triển văn hoá theo ba hướng: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hoá còn thì Dân tộc còn"... Những nội dung trên mang tính định hướng sâu sắc, thể hiện tinh thần “khai phóng” và là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn cách mạng mới.
Thanh Hóa quê hương thân yêu của chúng ta là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, luôn giữ vai trò trọng yếu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, trong những năm qua, Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng và yêu cầu của tỉnh. Phát triển văn hóa, con người chưa có định hướng lớn đồng bộ và mang tính dài hạn; chưa khai thác và phát huy tốt sức mạnh của cộng đồng trong xây dựng và phát triển văn hóa trở thành ý chí, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại; xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa, con người trở thành động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; đến năm 2045 là tỉnh phát triển toàn diện và “kiểu mẫu” của cả nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới.
Trên cơ sở chuẩn bị của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận 3 lần và thống nhất chủ trương trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết “Về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới”. Dự thảo Nghị quyết đã gửi xin ý kiến các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất. Đã có 11 đồng chí tham gia góp ý trực tiếp vào dự thảo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý, xác đáng để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Xét thấy, đây là nội dung hết sức quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định tiếp tục báo cáo xin ý kiến các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về dự thảo nội dung Nghị quyết tại hội nghị lần này. Các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết; tập trung vào phần quan điểm, mục tiêu chung của Nghị quyết đã đầy đủ chưa. Các chỉ tiêu chủ yếu có phù hợp hay không. Cần bổ sung, thay thế chỉ tiêu nào không. Phần nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã tương xứng để thực hiện thắng lợi quan điểm, mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu hay chưa?
Kinh tế tăng trưởng cao và khá đồng đều trên các lĩnh vực
6 tháng đầu năm 2024 dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn giữ vững ổn định và tiếp tục phát triển. Kinh tế tăng trưởng cao và khá đồng đều trên các lĩnh vực; nhiều chỉ tiêu tăng cao so với cùng kỳ.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 11,5%, xếp thứ 3 cả nước và đứng đầu nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Trong đó, nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 3,4%; công nghiệp - xây dựng tăng 17,9%; dịch vụ tăng 7,2%; thuế sản phẩm tăng 3,6% so với cùng kỳ.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản phát triển khá toàn diện. Năng suất lúa vụ Đông Xuân đạt cao nhất từ trước đến nay; sản lượng lương thực đạt 893 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ; đã chuyển đổi 772,4 ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, đã trồng được 6.100 ha rừng tập trung; sản lượng thuỷ sản tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm, có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM, 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có thêm 34 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, nâng tổng số sản phẩm OCOP cấp tỉnh lên 497 sản phẩm.
Sản xuất công nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vẫn tăng trưởng mạnh; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ước tăng 15,8% so với cùng kỳ; có 17/18 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng. Hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi; toàn tỉnh ước đón 9,78 triệu lượt khách, tăng 16,1%; doanh thu du lịch ước đạt 19.848,5 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước tăng cao so với dự toán và so với cùng kỳ, ước đạt 27.348 tỷ đồng, bằng 76,9% dự toán và tăng 29,6% so với cùng kỳ. Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 65.885 tỷ đồng, bằng 48,8% kế hoạch, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng, đã thu hút được 59 dự án đầu tư trực tiếp (12 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 10.905 tỷ đồng và 177,5 triệu USD; so với cùng kỳ, tăng 78,8% về số dự án và tăng 25,3% về số vốn đăng ký...
Văn hoá - xã hội chuyển biến tiến bộ; đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, có sức lan toả mạnh, được Nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, giáo dục mũi nhọn duy trì trong nhóm dẫn đầu cả nước. An sinh xã hội được chăm lo, đời sống Nhân dân được cải thiện. Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh được tổ chức triển khai đồng bộ, sâu rộng, huy động được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tham gia.
Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực; hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch thuộc thẩm quyền của tỉnh tiếp tục được bổ sung, sửa đổi, ban hành mới, ngày càng hoàn thiện; nhiều khó khăn, vướng mắc được tập trung chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển.
Thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo động lực phát triển
Dưới sự điều hành của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lại Thế Nguyên, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng gợi mở trong phần phát biểu khai mạc.
Các ý kiến thảo luận tại hội nghị đều đồng tình với báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 của Tỉnh ủy.
Phân tích, đánh giá từng nội dung, các đại biểu cho rằng: Những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm thể hiện rõ sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ngay từ đầu năm. Đó cũng là kết quả của sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.
Trong phần thảo luận, các đại biểu cũng nêu bật những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế liên quan đến nhiều vấn đề như công tác lập, trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 cấp huyện; công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư; hoạt động thu ngân sách nhà nước; tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các dự án xử lý chất thải rắn; phát triển nhà ở cho công nhân...
Các đại biểu cũng dự báo tình hình tác động đến sự phát triển của tỉnh và nêu lên những giải pháp cần tập trung ưu tiên để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực. Đồng thời thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024, tạo động lực để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
Quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy trí tuệ, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng vào các nội dung do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chuẩn bị.
Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Trọng Hưng phát biểu kết luận hội nghị.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy một lần nữa nhấn mạnh những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024; đồng thời chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém; yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cũng nêu bật những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh rút ra trong thời gian qua đó là: Phải gìn giữ và tiếp tục tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, trong từng cơ quan, đơn vị, đoàn kết trong Đảng, trong cả hệ thống chính trị và đoàn kết toàn dân. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.
Các cấp, các ngành, các địa phương tích cực, chủ động giải quyết công việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ, không đùn đẩy, không né tránh. Đồng thời phải nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, bảo đảm đúng vai, thuộc bài, đặt mục tiêu vì sự phát triển bền vững của tỉnh lên trên hết và trước hết.
Bên cạnh việc phát huy tối đa nội lực, tinh thần tự lực, tự cường phải tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của cấp trên. Phải làm tốt công tác dân vận, đặc biệt là dân vận chính quyền, phải tranh thủ được sự ủng hộ của Nhân dân, phải làm cho dân tin, từ đó tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tăng tốc để về đích, giữ vai trò then chốt quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Mặc dù kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là rất phấn khởi, song so với yêu cầu nhiệm vụ của năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020-2025, công việc sắp tới còn rất gian nan, nhiều khó khăn, thách thức, do đó không được say sưa với thắng lợi, không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế, phải kiên định mục tiêu đề ra với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.
Toàn cảnh hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cũng nêu rõ các nhóm nhiệm vụ quan trọng triển khai trong thời gian tới và yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể trong tỉnh phải tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Đề nghị từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu thực hiện và lãnh đạo tổ chức thực hiện thật tốt các nội dung đã được Hội nghị quyết nghị, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Tăng cường các giải pháp thu hút đầu tư Quyền Cục trưởng Cục thống kê tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Mạnh Hiệp 6 tháng đầu năm 2024, hầu hết các chỉ tiêu phát triển của tỉnh đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Có được kết quả trên là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Trong đó, nhiều doanh nghiệp, dự án, cơ sở sản xuất đã có mức tăng trưởng tương đối tốt, nhất là đã có tín hiệu vui từ sự phục hồi, phát triển của các doanh nghiệp may, giày da. 6 tháng cuối năm 2024, dự báo tình hình kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi; cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng từng bước hoàn thiện; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện... Để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển, nhất là nhằm đạt mục tiêu về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) trên địa bàn, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời đẩy nhanh các dự án chuyển tiếp trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp sản xuất may, giày da; xi măng. Song song với đó, cần tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thu hút, quản lý đầu tư của các cấp, các ngành, các đơn vị trong tỉnh; luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, hành động vì doanh nghiệp để có thêm các dự án thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. |
Quản lý, điều hành ngân sách nhà nước đảm bảo hiệu quả, linh hoạt Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa Ngô Đình Hùng Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) trong điều kiện thuận lợi, tiếp nối thành quả nhiều năm liên tiếp nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số thu NSNN cao của cả nước và đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ. 6 tháng đầu năm, tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 27.348 tỷ đồng, bằng 76,9% so với dự toán, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2023. Với mục tiêu phấn đấu năm 2024 tăng thu 10% so với năm 2023 theo chỉ tiêu đã đề ra tại kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 được HĐND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết số 174/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 - tương đương với số thu còn phải thực hiện trong 6 tháng cuối năm là 20.275 tỷ đồng, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và triển khai hiệu quả các dự án công nghiệp đưa vào hoạt động, các dự án lớn, trọng điểm dự kiến khởi công trong năm 2024, các dự án công trình giao thông có tính kết nối liên vùng. Đồng thời, tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp tạo thuận lợi cho phát triển thương mại, xuất nhập khẩu và những mặt hàng, doanh nghiệp có khả năng rủi ro cao về thuế, nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời để hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2024 ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, khu vực thu, từng sắc thuế, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất, để có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời, dự báo thu hàng tháng, hàng quý sát đúng với thực tế phát sinh. Thường xuyên rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, sắc thuế còn dư địa để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý thu hiệu quả, thích hợp, chống thất thu NSNN. Trong đó, thực hiện các biện pháp quản lý, khai thác tăng thu đối với một số lĩnh vực có dư địa như: tài nguyên khoáng sản, bất động sản, vận tải, các doanh nghiệp đầu tư mới đi vào hoạt động... gắn với triển khai công tác quản lý, điều hành NSNN đảm bảo hiệu quả, linh hoạt. |
Tiếp tục thực hiện linh hoạt các giải pháp tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều giữ vị trí cao. Đây là kỳ 6 tháng có thành tích tốt nhất, thành công nhất trong những năm gần đây. Trong 3 khu vực kinh tế, khu vực đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng là công nghiệp tiếp đến là dịch vụ, xây dựng, nông nghiệp... Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa Có 2 nguyên nhân chính góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024. Một là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, tìm kiếm thị trường, đưa sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ. Hai là sự đồng hành của các cấp, các ngành và các địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao. Cùng với đó là công tác phân cấp, phân quyền tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các tổ công tác kiểm tra, giám sát, sau kiểm tra, sau kết luận đã có nhiều chuyển biến tích cực... Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa, 6 tháng cuối năm 2024 sẽ có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Do vậy, đồng chí kiến nghị một số giải pháp cần tập trung thực hiện để đạt và vượt mục tiêu, kế hoach đề ra như: Tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng, trong đó có việc duy trì các dự án sản xuất điện, các dự án may mặc, giày da... Trong lĩnh vực dịch vụ cần tập trung khai thác hiệu quả các dịch vụ mới, nhất là các dịch vụ tại Khu du lịch Sầm Sơn, Khu du lịch Hải Tiến (Hoằng Hóa). Cùng với đó tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trực tiếp, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án lớn, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu tăng thu, vượt thu, nhất là thu từ xuất nhập khẩu. |
Sản xuất nông nghiệp bảo đảm tốc độ tăng trưởng Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường Trong 6 tháng, sản xuất nông nghiệp có nhiều thuận lợi nên bảo đảm được tốc độ tăng trưởng. Diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng đều tăng. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như lúa, mía, sắn được giá; nuôi trồng và khai thác hải sản tăng khá; diện tích gỗ rừng trồng khai thác tăng cao; xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tích cực. Để đạt được tốc độ tăng trưởng như mục tiêu đề ra, các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm chỉ đạo bảo đảm diện tích gieo trồng vụ hè thu và vụ đông, xuống giống khung thời vụ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai. Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo quy định. Bảo đảm an ninh rừng, đẩy mạnh công tác trồng rừng, khai thác diện tích rừng trồng đạt thành thục đáp ứng các đơn hàng của nhà máy, doanh nghiệp. Đẩy mạnh tiến độ xây dựng xã, huyện nông thôn mới và quan tâm đến sản phẩm OCOP được công nhận. Đối với đất bãi bồi sông Mã, ngành nông nghiệp đề xuất 3 loại cây trồng phù hợp là cây na, ổi, chuối. Ngành nông nghiệp đề nghị huyện Bá Thước và Cẩm Thủy quan tâm, khảo sát để xây dựng vùng trồng tập trung từ 10ha trở lên. Ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật cho các huyện. Để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, đề nghị tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách hỗ trợ ngư dân khi tham gia khai thác tại vùng khơi để ngư dân yên tâm bám biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. |
Cần thiết ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Nguyên Hồng Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, luôn giữ vai trò trọng yếu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Phát huy truyền thống văn hiến và các giá trị mạch nguồn văn hóa tốt đẹp của quê hương; trong những năm qua, Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy vậy, công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa nhìn chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, kỳ vọng và yêu cầu của tỉnh. Để tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới là hết sức ý nghĩa và quan trọng; thể hiện quyết tâm chính trị, sự ưu tiên cho lĩnh vực xây dựng văn hóa, con người xứ Thanh. Trên cơ sở những nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết, các cấp, các ngành, địa phương đơn vị cần tiếp tục quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai từng mục tiêu, từng nhiệm vụ được đưa ra tại Nghị quyết này. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá nhằm xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trên địa bàn. Dành nguồn lực đầu tư cho văn hóa; tăng mức đầu tư, hỗ trợ của NSNN đồng thời kêu gọi sự vào cuộc tích cực, chủ động của Nhân dân cho hoạt động văn hóa. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng, sản phẩm văn hóa; tiếp tục chú trọng xây dựng hoàn thiện hệ thống các thiết chế văn hóa tạo điều kiện cho người dân có môi trường tham gia sinh hoạt văn hóa, nuôi dưỡng sự phát triển văn hóa cộng đồng, từng bước bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của tỉnh phục vụ cho hoạt động và phát triển du lịch. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trên lĩnh vực văn hóa; kết hợp giữa xây và chống, giữa tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục với xử lý theo quy định của pháp luật và các quy định của tổ chức Đảng. |
Thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo lao động, tư vấn nghề nghiệp, việc làm Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vũ Thị Hương. 6 tháng đầu năm 2024, vấn đề lao động, việc làm tiếp tục được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm triển khai đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của doanh nghiệp trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động. Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình lực lượng lao động đã ổn định trở lại như giai đoạn trước dịch COVID-19. Theo đó, toàn tỉnh có khoảng 60 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động, với số lao động cần tuyển là 25.000 người. Ngành lao động đã cung cấp thông tin thị trường lao động cho trên 100.000 lượt người; tổ chức 15 phiên giao dịch, ngày hội việc làm với 230 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 8.150 lượt người lao động tham gia tuyển dụng; kết nối việc làm thành công cho 1.195 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài và học nghề. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 30.600 lao động, đạt 52,8% kế hoạch năm và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đã đưa 5.976 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 99,6% kế hoạch năm, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đứng đầu cả nước. Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024, trong những tháng còn lại của năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp với các ban, sở ngành, các cơ quan, đơn vị và địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực của ngành. Trong đó, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo lao động, công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp năm 2024; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tốt công tác tuyển sinh đảm bảo theo kế hoạch; tăng cường đào tạo nghề cho người lao động để đáp ứng yêu cầu lao động trong thời gian tới. Đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình việc làm của người lao động trong các doanh nghiệp, để có các giải pháp hỗ trợ tuyển dụng lao động phục vụ sản xuất kinh doanh. |
Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thiệu Hóa Nguyễn Văn Biện Với quyết tâm lớn, nỗ lực cao, hành động quyết liêt, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh đạt kết quả cao, toàn diện trên các lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tỉnh đã triển khai hiệu quả nhiều nhiệm vụ quan trọng, nổi bật là công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua địa bàn tỉnh. Để tiếp tục tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, của huyện Thiệu Hóa nói riêng, đề nghị tỉnh quan tâm bố trí nguồn lực để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư trong điều kiện nguồn lực của huyện có hạn; khai thông các thủ tục thu hút đầu tư; đồng thời quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống Nhân dân. |
Triệu Sơn có nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch đề ra Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn Lê Văn Tuấn Trong 6 tháng đầu năm, huyện Triệu Sơn có nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch đề ra, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. Nổi bật như thu NSNN đạt 94,7% dự toán tỉnh giao, gấp 3 lần so với cùng kỳ; huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 2.867 tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư tăng cao so với cùng kỳ, trong 6 tháng có 7 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 1.154 tỷ đồng, tăng 6 dự án so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tăng 14,5%. Trong nông nghiệp, huyện tích cực chỉ đạo tích tụ đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng chuỗi liên kết trong chế biến... nên sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt kết quả khá toàn diện. Chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập huyện vào năm 2025, Triệu Sơn đã phát động các phong trào thi đua sâu rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các lớp Nhân dân chung tay xây dựng huyện nông thôn mới. Trong công tác cán bộ, huyện Triệu Sơn hiện nay còn dư 47 công chức cấp xã sau sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021. Trong năm 2024, Triệu Sơn sẽ tiến hành sáp nhập 4 xã thành 2 xã theo kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2030. Huyện đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách vận động số cán bộ, công chức còn ít năm công tác về hưu trước tuổi để thuận tiện cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức sáp sau sáp nhâp. |
Nhóm PV
- 2024-11-05 09:02:00
Như Xuân: Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho gần 1.000 cán bộ chủ chốt
- 2024-11-05 08:00:00
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 5/11/2024
- 2024-07-04 12:21:00
Khởi động chương trình Cà phê doanh nhân Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hoá
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, tham gia thảo luận tích cực, tâm huyết, có trọng tâm, trọng điểm
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 4/7/2024
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 4/7
Điểm nóng 4/7: Vay 270 triệu, Tòa xử phải trả 4 tỷ, người dân ‘cầu cứu’ đoàn Đại biểu Quốc hội
[Bản tin 18h]: Ngày 8/7, khai mạc Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII
HĐND huyện Hậu Lộc quyết nghị 3 nghị quyết quan trọng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nghe báo cáo việc đề nghị ban hành Quyết định phân cấp và giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi
Phiên họp thứ 27, Thường trực HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026
6 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam