(Baothanhhoa.vn) - Tròn 6 thập kỷ hình thành cũng là chừng ấy thời gian, ngôi trường mang tên Anh hùng dân tộc Lê Lợi đã tích lũy, vun đắp nên nền móng vững chắc cho phát triển. Từ đó, nhà trường khẳng định vị thế của một đơn vị giáo dục có bề dày lịch sử và giàu thành tích.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trường THPT Lê Lợi: Hành trình khẳng định vị thế và chất lượng giáo dục

Tròn 6 thập kỷ hình thành cũng là chừng ấy thời gian, ngôi trường mang tên Anh hùng dân tộc Lê Lợi đã tích lũy, vun đắp nên nền móng vững chắc cho phát triển. Từ đó, nhà trường khẳng định vị thế của một đơn vị giáo dục có bề dày lịch sử và giàu thành tích.

Trường THPT Lê Lợi: Hành trình khẳng định vị thế và chất lượng giáo dục

Trường THPT Lê Lợi - (Ảnh nhà trường cung cấp)

Được “phôi thai” thành lập từ tháng 9 năm 1959 (sau khi tách ra từ Trường phổ thông cấp III Lam Sơn), Trường phổ thông cấp III Thọ Xuân đã thêm một lần tách, đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tế và hoàn cảnh lịch sử. Bấy giờ, dù chiến tranh ác liệt, song sự nghiệp giáo dục ở miền Bắc vẫn phát triển mạnh. Số con em miền Nam tập kết ra Bắc ngày một đông. Vậy nên, theo đề nghị của Ủy ban hành chính Thọ Xuân và xét đề nghị của Trưởng Ty giáo dục, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 464-TCHC/QĐ ngày 9-3-1967, cho Trường phổ thông cấp III Thọ Xuân đổi tên thành Trường phổ thông cấp III Thọ Xuân 1. Đồng thời, tách ra một phân hiệu đặt tại xã Phú Yên, lấy tên là Trường phổ thông cấp III Thọ Xuân 2 (tiền thân của Trường THPT Lê Hoàn ngày nay). Đến năm 1985, nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định đổi tên trường thành Trường PTTH Lê Lợi (nay là THPT Lê Lợi).

Trường THPT Lê Lợi: Hành trình khẳng định vị thế và chất lượng giáo dục

Khuôn viên trường THPT Lê Lợi - (Ảnh nhà trường cung cấp)

Sự nghiệp trồng người – như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn - là sự nghiệp trăm năm. Vun một gốc cây trong đất cằn đã khó, giáo dục, đào tạo nên một thế hệ người trong hoàn cảnh chiến tranh càng khó gấp bội phần. Nhớ lại năm học đầu tiên sau khi thành lập, nhà trường chỉ có 1 lớp 10 và 1 lớp 9 (học sinh chuyển từ Trường phổ thông cấp III Lam Sơn về); đồng thời, tuyển sinh mới được 4 lớp 8. Gian khổ, thiếu thốn mọi mặt, thế nhưng thầy và trò nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, với 45/51 học sinh lớp 10 đậu đại học. Trong đó, một số học sinh xuất sắc được chọn đi học đại học tại Liên Xô, Bungaria. Sang năm học thứ 2, được sự giúp đỡ của Sư đoàn 330 và nhân dân trong vùng, nhà trường đã xây dựng được 12 phòng học ở thị trấn Thọ Xuân, trong đó có cả phòng thí nghiệm và phòng họp chuyên môn.

Trường THPT Lê Lợi: Hành trình khẳng định vị thế và chất lượng giáo dục

Toàn cảnh trường THPT Lê Lợi (Ảnh nhà trường cung cấp)

Năm học 1965 - 1966, để đảm bảo sự an toàn cho thầy và trò, duy trì hoạt động dạy và học, nhà trường phải sơ tán về 2 khu vực: khu A đóng tại xã Xuân Hòa và Thọ Nguyên, khu B đóng tại xã Phú Yên. Việc tổ chức trường lớp học tập, ăn ở cho thầy và trò nơi sơ tán gặp muôn vàn khó khăn. Song, được sự cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân và chính quyền địa phương, thầy và trò nhà trường vẫn giữ vững phong trào thi đua “Dạy tốt – học tốt”. Trong những năm học này, nhà trường thường được chọn là nơi tổ chức tập huấn các đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh Thanh Hóa tham gia dự thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Trong đó, học sinh của Trường phổ thông cấp III Thọ Xuân và Trường phổ thông cấp III Lam Sơn là nòng cốt của các đội tuyển dự thi. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương học sinh xuất sắc, đạt giải học sinh giỏi toàn miền Bắc và cấp tỉnh.

Trường THPT Lê Lợi: Hành trình khẳng định vị thế và chất lượng giáo dục

Khoảnh khắc cô trò gặp nhau - (Ảnh Phapluatplus.vn)

Trưởng thành trong gian khó, thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ, lại qua nhiều lần thay đổi địa điểm đặt trường, song thầy và trò Trường THPT Lê Lợi luôn không ngừng nỗ lực, để vun đắp nên bề dày truyền thống đáng tự hào, cùng chất lượng giáo dục đã được “kiểm chứng” qua từng thời kỳ. Đặc biệt, vinh dự được lấy tên gọi của Anh hùng dân tộc Lê Lợi để làm danh xưng, càng thôi thúc thầy và trò nhà trường không ngừng đổi mới, nỗ lực thi đua dạy tốt, học tốt và phấn đấu đạt được nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, nhất là chất lượng mũi nhọn. Trong những năm qua, ban giám hiệu nhà trường đã tập trung chỉ đạo đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, tích cực áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, quan tâm phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh. Trong đó, nhiều thầy, cô giáo đã gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm dạy học hiện đại để nâng cao chất lượng giảng dạy. Đồng thời, kiên trì đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá để hạn chế lối học vẹt, học tủ, cũng như có nhiều sáng tạo trong công tác quản lý... Qua đó, chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và đỗ vào các trường đại học năm sau cao hơn năm trước. Bình quân hàng năm đỗ tốt nghiệp THPT từ 95 - 100%, đỗ đại học từ 70 - 90%. Đặc biệt, có nhiều em đỗ thủ khoa các trường đại học với số điểm cao. Nhà trường luôn nằm trong tốp 10 trường THPT có chất lượng tốt của tỉnh Thanh Hóa và trong tốp 200 trường có kết quả thi đại học cao nhất toàn quốc.

Trường THPT Lê Lợi: Hành trình khẳng định vị thế và chất lượng giáo dục

Đại diện ban giám hiệu nhà trường trao phần thưởng cho các em học sinh đạt giải nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, năm học 2018-2019.

Nền giáo dục Việt Nam đang đổi mới mạnh mẽ, với tư duy mới là chuyển từ dạy chữ sang dạy người, từ coi trọng trang bị tri thức sang hình thành năng lực người học. Muốn vậy, nhà giáo không chỉ cần chuyên môn mà cần rèn luyện, tu dưỡng cả về đạo đức, lối sống, tác phong và cái tâm trong sáng. Nói cách khác, để tiếp tục sự nghiệp trồng người, thì người thầy cần vận dụng cả chữ “tâm” và chữ “đạo” của mình. Xuất phát từ yêu cầu có tính tất yếu đó, cùng với nâng cao chất lượng giảng dạy, ban giám hiệu nhà trường đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên vững về chuyên môn, nghiệp vụ, tận tụy, tận tâm với nghề và các hoạt động giáo dục. Đồng thời, thực hiện phương châm “Giáo dục văn hóa kết hợp với lao động sản xuất”, “Học đi đôi với hành”. Đến nay, 100% cán bộ, giáo viên đạt trình độ chuẩn trở lên, trong đó có 33,5% cán bộ, giáo viên đạt trình độ trên chuẩn; 5 người đang theo học sau đại học và 1 người đang làm nghiên cứu sinh; 2 người được công nhận giáo viên giỏi quốc gia; 30 người được công nhận là giáo viên giỏi cấp tỉnh... Có thể khẳng định, số lượng và chất lượng đội ngũ là một điểm mạnh, nhằm tạo bước đột phá về chất lượng dạy và học của nhà trường trong giai đoạn mới.

Trường THPT Lê Lợi: Hành trình khẳng định vị thế và chất lượng giáo dục

Trải qua 6 thập kỷ hình thành và phát triển, gắn với không ít biến cố thăng trầm lịch sử, các thế hệ thầy và trò Trường THPT Lê Lợi đã gặt hái được nhiều thành tích tự hào, cùng với diện mạo mới khang trang, hiện đại. Từ vài phòng học tranh tre tạm bợ thời chiến những năm đầu thành lập, đến nay, nhà trường đã có một khuôn viên rộng 23.350m2, được bố trí đẹp mắt và phù hợp. Các dãy nhà học cao tầng, các phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng được trang bị hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục hiện nay. Từ ngôi trường này, lớp lớp thế hệ học sinh đã trưởng thành, nhiều tấm gương học sinh xuất sắc đã làm rạng danh đất học xứ Thanh. Họ là nhà khoa học, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, doanh nhân giỏi... đã và đang đóng góp tài năng, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước.

Trường THPT Lê Lợi: Hành trình khẳng định vị thế và chất lượng giáo dục

Trường THPT Lê Lợi: Hành trình khẳng định vị thế và chất lượng giáo dục

Với vị thế và chất lượng giáo dục đã được khẳng định, Trường THPT Lê Lợi vinh dự được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1999), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2009), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2014). Đồng thời, nhà trường được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và cờ thi đua. Nhiều cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh và đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Năm 2013 nhà trường được công nhận là Trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Năm 2018, đảng bộ nhà trường được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen đơn vị trong sạch, vững mạnh xuất sắc tiêu biểu 5 năm liên tục (2014 – 2018).

Trường THPT Lê Lợi: Hành trình khẳng định vị thế và chất lượng giáo dục

Trường THPT Lê Lợi (Thọ Xuân) được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua vì đã có thành tích xuất sắc trong năm học 2017-2018.

Nắm sứ mệnh cao cả trong sự nghiệp trồng người, đến hôm nay, có thể tự hào khẳng định, ngôi trường mang tên Anh hùng dân tộc Lê Lợi là cái nôi giáo dục và chắp cánh tương lai cho nhiều thế hệ học trò. Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhất là để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, bằng niềm tin, sự quyết tâm và nỗ lực vượt khó; đồng thời, dựa trên nền tảng vững chắc được gây dựng và vun đắp trong suốt 60 năm qua, thầy và trò nhà trường quyết tâm giữ gìn và phát huy truyền thống, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, xứng đáng với sự kỳ vọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân tin tưởng gửi gắm.

Bài và ảnh: Duy Sơn


Bài Và Ảnh: Duy Sơn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]