(Baothanhhoa.vn) - Để nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài đội ngũ giáo viên đóng vai trò “nòng cốt” thì cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là yếu tố trợ lực giúp cho hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao, tạo hứng thú cho học sinh và góp phần đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên, tại Thanh Hóa trang thiết bị phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 vì nhiều nguyên nhân chưa được trang cấp kịp thời. Thực tế này đòi hỏi các nhà trường phải linh hoạt thích ứng.

Trường học linh hoạt thích ứng với việc thiếu trang thiết bị dạy học

Để nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài đội ngũ giáo viên đóng vai trò “nòng cốt” thì cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học là yếu tố trợ lực giúp cho hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao, tạo hứng thú cho học sinh và góp phần đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên, tại Thanh Hóa trang thiết bị phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 vì nhiều nguyên nhân chưa được trang cấp kịp thời. Thực tế này đòi hỏi các nhà trường phải linh hoạt thích ứng.

Trường học linh hoạt thích ứng với việc thiếu trang thiết bị dạy họcCô Lê Thị Giang, giáo viên dạy lớp 3C Trường Tiểu học Phú Nhuận (Như Thanh) trong giờ dạy học môn Tiếng Việt.

Thực hiện CTGDPT 2018 đối với lớp 6, 7, trong năm học 2022-2023 đối với lớp 6, Trường THCS Yến Sơn (Hà Trung) đã được cấp trang thiết bị dạy học vào tháng 12-2022. Còn đối với lớp 7, nhà trường vẫn chưa được cấp phát các trang thiết bị dạy học. Hiệu trưởng Trường THCS Yến Sơn Lê Thị Hương chia sẻ: Dù trang thiết bị được cấp chậm nhưng nhà trường đã linh động bằng nhiều cách để giảng dạy, tạo hứng thú học tập cho học sinh và giáo viên như: phân công chuyên môn đúng chuyên ngành đào tạo; thực hiện nghiêm việc bồi dưỡng chuyên môn theo các mô đun; tận dụng tối đa trang thiết bị dạy học hiện có, sử dụng trang thiết bị cũ đang còn phù hợp để giảng dạy; mua sắm tivi, máy chiếu đủ cho 13/13 lớp học để giáo viên khai thác nguồn học liệu trên mạng internet... Ngoài ra, để đảm bảo yêu cầu dạy học, các thầy cô còn phải làm tranh ảnh, đồ dùng, mẫu vật... để tránh tình trạng dạy chay, học chay. Tuy nhiên, điều này chỉ khắc phục được phần nào “khoảng trống” do thiếu trang thiết bị dạy học.

“Bên cạnh việc chậm được cấp trang thiết bị dạy học thì việc giáo viên chậm được bồi dưỡng các môn tích hợp; tình trạng 1 môn 3 thầy, 3 vở vẫn còn... là những khó khăn của nhà trường khi thực hiện CTGDPT 2018”, cô Lê Thị Hương chia sẻ thêm.

Cũng trong tình trạng tương tự, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đang linh động tìm các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị dạy học theo chương trình mới. Cô Lê Thị Giang, giáo viên dạy lớp 3C Trường Tiểu học Phú Nhuận (Như Thanh) cho biết: Mặc dù nhà trường đã được huyện đầu tư tivi thông minh, bảng tương tác thông minh... tuy nhiên theo yêu cầu của CTGDPT 2018 phải có các trang thiết bị dạy học đi kèm vì tất cả các nội dung dạy học của chương trình đều chủ yếu được biên soạn theo hướng các mô hình hóa. Do đó, nếu không có trang thiết bị sẽ ảnh hưởng đến việc giảng dạy trên lớp của giáo viên cũng như việc phát triển tư duy, khả năng nhận biết ở mức độ cao hơn của học sinh.

"Hiện tại, chúng tôi đang khắc phục bằng cách tự soạn bài giảng bằng

powerpoint hoặc sử dụng học liệu sẵn có trên mạng internet. Chúng tôi rất mong sớm được trang cấp trang thiết bị để giảm tải bớt công việc mà giáo viên phải chuẩn bị ở nhà”, cô Giang nói.

Thiếu và chậm trang bị thiết bị dạy học không còn là vấn đề mới nên hầu hết các trường đã thích ứng và chủ động tháo gỡ theo nhiều cách để đảm bảo triển khai dạy học chương trình mới đạt hiệu quả. Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Như Thanh Trịnh Minh Lâm chia sẻ: Ngay khi chuẩn bị bước vào thực hiện CTGDPT 2018, Phòng GD&ĐT đã chủ động tham mưu cho UBND huyện tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường. Ngoài phòng học, các phòng chức năng... Phòng còn tham mưu cho huyện đầu tư cho tất cả các lớp thực hiện chương trình mới đều được lắp đặt 1 tivi thông minh. Ngoài nguồn lực đầu tư từ huyện, các nhà trường cũng chủ động trong công tác xã hội hóa để lắp đặt mỗi lớp học 1 tivi thông minh.

Để đón đầu xu thế dạy học trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện Đề án 03 của UBND huyện Như Thanh về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện huyện Như Thanh giai đoạn 2021-2025, tất cả các trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện cũng được cấp 1 phòng máy vi tính trị giá 260 triệu đồng/phòng. Tính tới tháng 11-2022 huyện đã trang cấp 12 phòng máy tính cho 12 trường THCS với tổng trị giá hơn 3,1 tỷ đồng. Tivi được cấp cho các trường tiểu học, THCS năm 2021 là 102 tivi (20 triệu đồng/tivi) với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng; năm 2022 là 94 tivi (23 triệu đồng/tivi) với tổng trị giá hơn 2,1 tỷ đồng. Lắp 54 bảng tương tác thông minh cho Trường Tiểu học Phú Nhuận và tiểu học thị trấn với tổng kinh phí trên 4,5 tỷ đồng... Qua đó, hỗ trợ các nhà trường đảm bảo dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới, đặc biệt là dạy học Tiếng Anh, Tin học bắt buộc đối với lớp 3. Ngoài ra, phòng GD&ĐT Như Thanh cũng yêu cầu giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác học liệu điện tử như tranh, ảnh, bản đồ, các thí nghiệm ảo...; khuyến khích giáo viên làm đồ dùng dạy học hàng năm để tăng cường về số lượng và chất lượng...

Dù đã được khắc phục bằng nhiều cách khác nhau, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng việc chậm được trang cấp các trang thiết bị dạy học sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy, học theo chương trình sách giáo khoa mới. Do đó, các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh việc mua sắm, trang cấp trang thiết bị dạy học, để việc dạy, học của các nhà trường “chạm” tới mục tiêu phát huy tối đa năng lực cơ sở vật chất và người học.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]