(Baothanhhoa.vn) - Nằm trên đỉnh núi quanh năm mây phủ là điểm trường Sài Khao, thuộc Trường Tiểu học Tây Tiến, xã Mường Lý (Mường Lát). Cuộc sống của đồng bào nơi đây vô cùng khắc nghiệt, bởi vậy con đường tìm đến cái chữ của học sinh cũng rất gian nan.

Sự học của những đứa trẻ Sài Khao

Nằm trên đỉnh núi quanh năm mây phủ là điểm trường Sài Khao, thuộc Trường Tiểu học Tây Tiến, xã Mường Lý (Mường Lát). Cuộc sống của đồng bào nơi đây vô cùng khắc nghiệt, bởi vậy con đường tìm đến cái chữ của học sinh cũng rất gian nan.

Sự học của những đứa trẻ Sài Khao

Thầy và trò ở điểm trường Sài Khao, thuộc Trường Tiểu học Tây Tiến say sưa trên từng trang sách.

Vẫn lắm gian truân

Từ thành phố, phải vượt chặng đường dài hơn 300 km mới đến huyện Mường Lát, tiếp tục “phượt” gần 2 tiếng đồng hồ quăng quật bằng xe máy trên cung đường hình sin, lởm chởm đất đá, chúng tôi mới leo đến bản Sài Khao, khi tai đã ù đặc, mắt đã hoa lên. Sài Khao hiện ra với những nếp nhà gỗ nằm vắt ngang triền núi, khép nép như người dân nơi đây khi gặp người lạ. Họ sống khép kín, an phận, hài lòng với những gì mình có. Năm nào mưa thuận gió hòa thì bà con ấm cái bụng, còn năm nào hạn hán thì mất mùa, đứt bữa. Vì đường sá đi lại khó khăn, chưa có điện, sóng điện thoại và những hủ tục lạc hậu vẫn đeo bám nên cái nghèo, cái đói vẫn hiện diện nơi đây từ năm này qua năm khác.

Trước đây, tên của bản gọi theo khe suối là suối Sài Khao (tiếng Thái), dịch ra tiếng Việt là suối Cát Trắng. Đây vốn là nơi cheo leo, cách trở, trước là địa bàn cư trú của đồng bào Thái, Dao. Sau năm 1945, vì điều kiện chiến tranh, khó khăn về lương thực, thực phẩm, nguồn nước nên đồng bào Thái, Dao di cư sang các vùng khác. Sài Khao vì thế mà vắng bóng người. Từ năm 1991, bản Sài Khao mới tiếp nhận đồng bào Mông từ Sơn La về. Ban đầu, chỉ mới vài hộ dân với gần chục nhân khẩu, đến nay, Sài Khao đã có 90 hộ với 552 nhân khẩu. Hơn 30 năm sinh cơ lập nghiệp, khai hoang trồng trọt và chăn nuôi, đồng bào Mông nơi đây đang và sẽ từng ngày dựng nên một Sài Khao mới.

Điểm trường Sài Khao nằm chênh vênh trên quả đồi với lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Ở nơi này, ngày ngày, tiếng trống trường rộn rã vang lên và tiếng học sinh đọc bài trở thành âm thanh quen thuộc, xua đi sự tĩnh lặng hoang vu của chốn núi rừng. Cuối giờ chiều nhưng bên trong lớp học, thầy giáo trẻ Vi Văn Phúc và lũ trẻ chụm đầu vào nhau trên từng cuốn sách, thầy chỉ tay đến đâu, lũ trẻ đọc theo đến đấy như đàn chim tập hót. Những tia nắng cuối ngày lọt qua song cửa sổ chiếu vào trong lớp thành những vệt dài lênh láng mặt bàn và làm vàng thêm mái tóc đỏ hoe như râu ngô của lũ trẻ nhà nghèo. Nhìn đám học trò đang say sưa học bài, thầy Phúc tâm sự: “Học trò nghèo vùng cao đã thiếu đủ thứ, gia đình cũng ít quan tâm đến việc học, nếu còn thiếu đi tình thương của thầy cô thì tương lai các em sẽ ra sao? Giống như ở mảnh đất khát này, gieo hạt ngô xuống nếu không chịu khó vun gốc, nhặt cỏ, thì bắp ngô làm sao có hạt. Nghĩ vậy, nên thầy cô nào cũng cố gắng bám bản vì thương học trò”.

Hành trình gieo chữ trên non đối với các thầy cô giáo cắm bản có lẽ đó là nỗi trăn trở bởi các em học sinh đều sống trong hoang dại, tất cả đều là con nhà nghèo, cơm vẫn chưa đủ ăn, áo vẫn chưa đủ mặc. Nhiều đồng bào vẫn chưa hiểu được sự quan trọng của việc học hành, bởi từ trước tới nay, không chỉ riêng người Mông, mà hầu hết người dân tộc thiểu số vùng cao đều có quan niệm giống nhau rằng, không có cái chữ vẫn sống, không có cơm ăn mới chết. Thầy Phúc tâm sự: “Cuộc sống du canh, du cư, đứa trẻ mới chào đời đã phải theo mẹ lên nương rẫy. Gia đình nào đẻ được nhiều con coi như là giàu có vì sẽ có thêm nhân lực lên rừng khai thác gỗ, bắt thú rừng về ăn... Cuộc sống như thế đối với họ mới là vui vẻ. Chính vì vậy mà cái đói, cái nghèo, lạc hậu vẫn như chiếc vòng “kim cô” bao đời kiếp đeo riết lấy họ”.

Gian nan thử sức

Hiểu được tâm lý đó, thầy Phúc và các thầy cô giáo vùng cao phải đến tận nhà để vận động cha mẹ cho con em đi học. Thường xuyên dạy phụ đạo cho các em vào cuối buổi chiều để củng cố thêm kiến thức và theo kịp chương trình học. Họ muốn, học trò của mình hiểu rằng, học sẽ giúp các em biết tính toán làm sao cái nương này trồng được nhiều ngô hơn, cánh rừng kia không được chặt gỗ đem bán để giữ nguồn nước cho bản làng; học để biết tại sao con suối kia lại bị cạn, con trâu, con bò tại sao lại bị chết; học để biết đối nhân xử thế; học để thấy cuộc sống còn bao điều thú vị. Và tất nhiên, để làm được điều này không hề đơn giản, bởi việc tích cóp từng hạt ngô, từng gốc sắn, bán cả đàn vật nuôi để đổi lấy sách vở cho con là một việc lớn, cần có cái tâm mới làm được.

Cùng với thầy Phúc, Sài Khao còn có 3 giáo viên tiểu học và hai giáo viên mầm non. Cái khó của các cháu mầm non là chưa biết tiếng Việt, các cô giáo mầm non vừa dạy chữ, vừa dạy các em nói tiếng Việt. Đối với học sinh tiểu học, các thầy giáo phải dạy những kỹ năng cơ bản về tính toán, làm văn, chính tả nhưng việc truyền đạt bị hạn chế vì trên này đồ dùng học tập của học sinh vẫn còn thiếu. Cái gì cũng phải dạy “chay”, đồ dùng giảng dạy cho giáo viên cũng thiếu. “Dạy trừu tượng lắm, ví dụ như là cái xe máy, mình thấy trong bức tranh mình hỏi học sinh nhưng các em lại không biết. Nếu mình chỉ ra sân, cái xe máy đang dựng đó thì các em lại biết. Nhiều khi mình còn phải mang cả đồ vật lên lớp để cung cấp từ ngữ cho các em”, thầy Phúc giải thích.

Còn với các em học sinh THCS, để đến được Trường THCS Mường Lý các em phải vượt qua quãng đường gần 30 km xuống trung tâm xã. Nhiều em đi bộ từ sáng sớm tới tối mịt mới đến nơi, các em phải mang cơm ăn dọc đường, kèm theo đó là sự nguy hiểm luôn rình rập. Đi đường rừng các em sẽ phải bước qua những hòn đá gồ ghề lởm chởm. Dưới các tán cây là vô số muỗi, vắt đang chầu chực. Nhiều hôm các em còn phải đối mặt với rắn hổ mang, rết...

Nếu để ý, một điều dễ nhận thấy, cuộc sống trên núi cao đã ảnh hưởng rất nhiều đến những đứa trẻ nơi đây. Chúng thường ít biểu lộ cảm xúc, ít khi lên tiếng bày tỏ chính kiến hay sự bất đồng với người khác. Thái độ ấy có lẽ bắt nguồn từ thói quen cúi đầu khi đi, chỉ thích nhìn xuống để ngắm vạn vật cho rõ hơn, nhất là khi sống trong mây quanh năm, mờ mờ tỏ tỏ. Vì thế, đối với các thầy, cô cắm bản nơi đây, dạy học không chỉ là dạy cho con trẻ biết được mặt chữ, biết tính toán, mà còn dạy cho chúng biết biểu lộ cảm xúc, biết gần gũi người khác. Có được điều này là do các em nhận lại được sự ân cần yêu thương của thầy, cô giáo. Từ đó các em sẽ nhận biết được thế giới bên ngoài, sau này các em lớn lên sẽ ấp ủ riêng cho mình những ước mơ, hoài bão... Chẳng biết những hoài bão của các em có đạt được hay không, nhưng một điều chắc chắn rằng, những con chữ xuất phát bằng tình yêu thương gieo xuống sẽ có ngày nảy mầm, dù có không vươn cao vạm vỡ thì cũng hóa kiếp làm phù sa cho đất thêm màu mỡ.

Với nỗ lực, tấm lòng của các thầy cô giáo, đến nay điểm trường Sài Khao đã duy trì được trên 90% học sinh đến lớp. Trong ngày khai trường, các bậc phụ huynh học sinh đã chủ động đưa con em đến trường nhập học. Không những vậy, các thầy cô còn hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi rồi đưa các em xuống núi, theo học tiếp THCS (lớp bán trú dân nuôi) tại Trường THCS Mường Lý. Cùng với đó, nhiều hủ tục lạc hậu của người dân dần được xóa bỏ. Sài Khao chưa có điều kiện để phát triển kinh tế nhưng người dân đã từng bước biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cho cây ngô, cây sắn. Khi có người bị ốm, họ đã đưa xuống bệnh viện để uống thuốc chữa bệnh chứ không mời thầy về cúng như trước đây...

Theo thầy giáo Nguyễn Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Tiến, do là điểm trường đặc biệt nên các thầy cô giáo vùng cao chỉ mong các cấp, ngành quan tâm hơn nữa đến các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt nghèo khó như điểm trường Sài Khao. Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào nơi đây cải thiện cuộc sống. Một cuộc sống êm ấm, đủ ăn, đủ mặc, đủ tiền mua sách thì các em học sinh mới thêm yêu trường, yêu lớp, ham cái chữ, quý trọng bạn bè và thầy cô. “Dù nét chữ của các em còn kém xa so với học sinh ở vùng thấp, tính toán còn chậm, phát âm chưa chuẩn và không nhanh nhẹn nhưng cơ bản các em đã biết đọc, biết viết và mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Hiện giờ có nhiều em đã chủ động bắt chuyện với thầy giáo, đó là một tín hiệu đáng mừng”, thầy Hùng bày tỏ.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]