(Baothanhhoa.vn) - Xã hội thường trao cho thầy giáo, cô giáo những mỹ từ như “kỹ sư tâm hồn”, “người đưa đò thầm lặng”..., nhưng phía sau sự nhiệt huyết, tận tâm trên bục giảng họ vẫn chỉ là những người thường như chúng ta, vẫn ngày đêm lo toan cho gia đình và cuộc sống, thậm chí vì cái nghề cao quý ấy mà họ đã phải đánh đổi rất nhiều.

Phía sau bục giảng...

Xã hội thường trao cho thầy giáo, cô giáo những mỹ từ như “kỹ sư tâm hồn”, “người đưa đò thầm lặng”..., nhưng phía sau sự nhiệt huyết, tận tâm trên bục giảng họ vẫn chỉ là những người thường như chúng ta, vẫn ngày đêm lo toan cho gia đình và cuộc sống, thậm chí vì cái nghề cao quý ấy mà họ đã phải đánh đổi rất nhiều.

Phía sau bục giảng...

Dù rất yêu thương các em học sinh Mường Lát, cô Thủy vẫn mong được về gần gia đình để hoàn thành nghĩa vụ làm con dâu, làm vợ, làm mẹ.

Đêm mùa đông trên đất cổng trời xã Trung Lý (Mường Lát), mưa phùn và lạnh. Trong căn phòng công vụ của giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) bán trú THCS Trung Lý, cô giáo Lê Thị Tuyết Mai đếm từng giờ chờ trời sáng để chở con gái xuống bệnh viện huyện, khám bệnh. Đứa trẻ hơn 1 tuổi sốt cao, quấy khóc, thi thoảng xuất hiện những cơn co giật. Lo lắng, mẹ chồng cô chạy sang nhưng tất cả đều bối rối vì không ai biết nguyên nhân. Trong khi, bệnh viện quá xa, cách hơn 20 km. Cầu cứu nhà một người dân địa phương, cũng là nơi ở của vợ chồng người bảo vệ trường. “Lấy nắm lá này giã cho nó uống”, người phụ nữ sốt sắng. Hơn nửa giờ sau, đứa trẻ chìm vào giấc ngủ, trả lại mảng rừng khuya yên ắng. Cô Mai nắm tay mẹ chồng, nước mắt trào ra.

Cô Mai và chồng - thầy Tào Quang Đạo đều là giáo viên cắm bản. Họ nên duyên vì cùng quê xã Hoằng Lý (Hoằng Hóa). Năm 2007, họ kết hôn. Khi đó, cô Mai đang là giáo viên Trường PTDT bán trú THCS Trung Lý còn thầy Đạo là giáo viên Trường Tiểu học Thành Sơn (xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa). Một tuần sau ngày cưới, đôi vợ chồng hăm hở ngược ngàn với 2 ngã rẽ và mong ước một ngày về gần, vợ chồng sáng đưa nhau đi dạy, chiều đón nhau về cùng ăn tối.

Một năm sau ngày cưới, cô Mai đón đứa con đầu lòng. Sáu tháng tuổi, đứa trẻ cùng mẹ và bà nội ngược ngàn. Ba mẹ con bà cháu cứ lầm lũi chăm sóc nhau trong căn nhà công vụ rộng hơn 10m2. Niềm vui duy nhất của họ suốt tuần, chỉ là tối thứ sáu, hoặc sáng sớm thứ bảy cuối tháng, khi bóng dáng và tiếng ì ạch quen thuộc của thầy Đạo trên con xe máy cà tàng xuất hiện trước cổng Trường PTDT bán trú THCS Trung Lý. “Bao giờ nhà mình mới được gần nhau nhỉ?”. Thầy Đạo hiểu câu hỏi tu từ của vợ, nhưng chưa bao giờ có thể trả lời rõ ràng.

Con trai 18 tháng tuổi, mẹ chồng bàn với cô đưa cháu về huyện Hoằng Hóa để ông bà chăm sóc. Ngày trở lại trường sau khi đưa con về xuôi, cô Mai khóc hết nước mắt. Những ngày sau đó cô như người trên mây. Nỗi nhớ chồng trước đó, giờ tăng lên gấp đôi. Tám năm sau, kịch bản tương tự lại diễn ra khi cô Mai sinh đứa con thứ 2. Chỉ khác, căn nhà công vụ chật chội hơn vì ngoài mẹ chồng còn có thêm thầy Đạo. Năm 2012, thầy Đạo chuyển về Trường Tiểu học Hiền Kiệt (xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa) công tác. Vì muốn gần vợ con, mỗi ngày thầy đi xe máy hơn 20 km từ Trung Lý về Hiền Kiệt và ngược lại. Mãi đến năm 2017, thầy Đạo mới “chính thức” được đưa đón vợ đi làm khi về công tác tại Trường Tiểu học Trung Lý 1.

Con trai lớn ở dưới quê với ông nội, thi thoảng được bố đón lên Mường Lát chơi với mẹ và em gái. Đứa trẻ 8 tuổi thời gian ở với bố mẹ chỉ tính bằng tháng, cậu chàng nũng nịu lúc nào cũng muốn được mẹ ôm ấp, yêu thương. Tuy nhiên, con gái nhỏ chỉ ở cùng mẹ 14 tháng. Điều kiện sống thiếu thốn cùng khí hậu khắc nghiệt, đứa trẻ yếu ớt thường xuyên đau ốm. Thương con, chị Mai đành ngậm ngùi xa con sớm. Gia đình 4 người cứ chia đôi xẻ nửa như vậy. Hai đứa trẻ lớn lên nhưng chỉ nghe giọng bố, mẹ nhiều, ít khi gặp mặt. “Với công việc, tôi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng lại là một người mẹ tồi. Cả 2 đứa con đều không thể chăm sóc", cô Mai chua xót.

Cũng vào một buổi tối mùa đông cách đây 2 năm, trời khô ráo nhưng rét buốt. Cô giáo Lý Thị Thủy vừa soạn giáo án vừa chăm sóc cậu con trai nhỏ trong ngôi nhà công vụ Trường THPT Mường Lát. Chồng cô - thầy Phạm Đức Anh xuất hiện trước bậc cửa, đặt bịch cái ba lô vải xuống đất rồi ùa đến ôm lấy con trai khi khắp áo quần, chân tay thầy còn lấm lem bùn đất. Những cuộc hội ngộ bất ngờ như thế của gia đình nhỏ này không hiếm. Bởi, thầy Đức Anh làm công tác đoàn khá bận, thời gian không cố định nên hễ rảnh là thầy lao đi gặp vợ con, nhiều khi không kịp thông báo.

Học chung Trường Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, cô gái quê Yên Bái sau khi tốt nghiệp, ưng lòng theo bạn trai về huyện Bá Thước lập nghiệp, chấp nhận xa quê gần 400 km. Kết hôn năm 2011, trong khi chồng đã ổn định ở Trường THCS & THPT Bá Thước thì mãi năm 2020 cô Thủy mới bắt đầu đi làm cách nhà gần 150 km. Chờ đợi suốt 9 năm, cô giáo trẻ khóc, cười như một đứa trẻ khi biết mình sẽ trở thành cô giáo dạy môn công nghệ tại Trường THPT Mường Lát.

Phía sau bục giảng...Cô Lê Thị Tuyết Mai (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh cùng Ban giám hiệu và đồng nghiệp Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Lý.

Mang theo cậu con trai chưa đầy 3 tuổi, cô Thủy ra đi với mong muốn sẽ sớm về gần. 2 mẹ con ăn ngủ tại nhà công vụ, cuối tháng mới về thăm bố và ông bà. Cô nhớ, lần đầu tiên rơi nước mắt là từ một điều rất nhỏ nhặt. Ngày vợ chồng còn ở gần, đi đâu cô cũng được chồng chở đi, đèo cao vực thẳm gì cô cũng chỉ bám chặt lấy lưng chồng là sẽ bình yên đi đến nơi về đến chốn. Giờ cô không chỉ phải tự cầm lái, mà sau lưng còn con nhỏ. Thời gian đầu đi chưa quen, trời mưa đường trơn trượt 2 mẹ con ngã rách đầu gối. Cuối tuần, nghĩ đến đoạn đường núi về quê thăm bố mẹ chồng, cô Thủy vừa sốt ruột muốn đi, vừa sợ hãi, ngại về. Nhưng chỉ ít tháng sau, cũng con đường ấy, người ta không còn gặp cảnh cô giáo trẻ địu con đứng khóc cạnh xe máy nữa. Giờ, cô thuộc từng gốc cây, đoạn dốc, tháng nào cũng về tất bật lo toan cho gia đình nhà chồng.

Cậu con trai khi ấy gần ba tuổi, được cô Thủy gửi vào nhà trẻ. Cả ngày quay cuồng với bài giảng, giáo án, cuối ngày lại một tay chăm sóc con trai. Con ốm, con đau, thầy Đức Anh chỉ biết khi con đã hết bệnh. Đó có lẽ là lý do khiến đôi vợ chồng chưa tính việc sinh con tiếp theo, khi cậu con trai đã lên lớp 1. Bởi, phụ nữ dù có rèn luyện được sự mạnh mẽ nhưng không có nghĩa họ không cần người đàn ông của mình ở bên.

Mỗi lần nhìn vợ vất vả chạy ngược chạy xuông, thầy Đức Anh nhủ lòng “nhất định sẽ không để vợ vất vả thêm nữa”, nhưng lời hứa ấy thầy vẫn đành nợ lại. Thầy thương vợ, nhưng không được chọn nơi công tác, nên chẳng biết làm gì hơn. Gặp nhau, 2 vợ chồng chỉ nói toàn chuyện vui, cô Thủy cũng không bao giờ cất lời than thở, nhưng thầy tự hiểu, trách mình “lôi con gái người ta lên tận đây mà không lo được”.

Mấy năm trước, Trường THPT Mường Lát có 2 cô giáo viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục. Lý do được đưa ra là do điều kiện gia đình xa cách, đồng lương quá eo hẹp nên tìm con đường khác... Mỗi năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát lại có thêm những lá đơn xin chuyển về xuôi. Số liệu thống kê từ Phòng Nội vụ huyện Mường Lát, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện Mường Lát có 78 cán bộ, công chức, viên chức xin chuyển công tác. Trong số đó, có tới 67 công chức, viên chức trong ngành giáo dục. Điều này đã dẫn đến thực tế thiếu cán bộ quản lý và giáo viên ở các trường học.

Dành trọn vẹn tình yêu thương cho học trò miền biên viễn, song cô Mai cũng thừa nhận trong lòng cũng muốn hồi hương. “Ở đâu cũng là dạy học. Nhưng ai mà không mong muốn được gần gia đình, được tận tay chăm sóc các con”, cô nói và cho biết, đã có không ít lần cô tặc lưỡi nghĩ đến việc xin nghỉ dạy học tìm sinh kế mới, lý do cũng chẳng có gì to tát. “Cảnh ly tán này khiến em mệt mỏi, mình kết thúc nó đi anh”, cô Mai đem ý định nói với chồng. Thầy Đạo không giấu được hụt hẫng, nhưng nhìn đôi mắt trũng, lấm tấm những vết nhăn đến sớm, anh nén lòng, an ủi vợ: “Em đã vất vả rồi”. Một bên là gia đình con cái; một bên công việc và học trò, cô Mai chưa tìm ra câu trả lời, nhưng bao năm nay cô chưa rời đi, coi như thay lời đáp.

Mười lăm năm trước, lũ trẻ người Mông do cô chủ nhiệm những ngày đầu lên non, không đứa nào nói rõ tiếng phổ thông và làm đúng phép nhân chia trong phạm vi 100. Hôm nay, trong số chúng, có đứa đã là đồng nghiệp của cô, làm cán bộ địa phương, có đứa tốt nghiệp cao đẳng, vươn ra trong và ngoài nước. Mưu sinh có trăm nghề, trăm nẻo, các thầy cô đã chọn nghề giáo, chọn non cao họ xem đó là sứ mệnh. Gác lại những bộn bề của cuộc sống, vợ chồng cô Mai, vợ chồng cô Thủy vẫn không nản lòng, bền bỉ đứng lớp, mang tình yêu đến dạy dỗ, để những đứa trẻ có thể đi bao xa chúng muốn.

Hy vọng, các thầy cô giáo sẽ sớm được xem xét nguyện vọng để vơi bớt khó khăn trong cuộc sống, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp dạy học. “Ở lâu đất cũng hóa tâm hồn, Mường Lát xa xôi, nghèo nàn, lạc hậu... cái gì cũng thiếu chỉ có tình cảm giữa người với người thì lúc nào cũng sẵn. Mình vất vả thêm một chút, tương lai của những đứa trẻ nơi đây sẽ sáng hơn một chút. Cứ nghĩ như thế, bản thân sẽ tự thấy trách nhiệm mà phấn đấu vượt qua”, cô Mai bộc bạch.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]