(Baothanhhoa.vn) - Nhiều năm gắn bó với những học trò khiếm thị tại Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa, cô giáo Lương Thị Yến luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc cho những học trò của mình.

“Mẹ hiền” của trẻ khuyết tật

Nhiều năm gắn bó với những học trò khiếm thị tại Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa, cô giáo Lương Thị Yến luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc cho những học trò của mình.

“Mẹ hiền” của trẻ khuyết tậtCô giáo Lương Thị Yến cùng các em học sinh lớp 1.

Cô Yến, sinh năm 1989, tốt nghiệp Trường Đại học Hồng Đức, khoa Sư phạm Vật lý. Thời gian đầu khi mới về công tác tại Hội Người mù tỉnh, chứng kiến những khó khăn, vất vả của các em học sinh khiếm thị khiến cô tự thấy muốn gắn bó, dành tình yêu thương, gieo mầm tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn, giúp các em tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Được giao nhiệm vụ làm chủ nhiệm lớp 1 với 5 học sinh, đều là những học sinh lần đầu vào hội nên ít nhiều sẽ khó khăn, vất vả hơn những lớp khác. Chia sẻ về nghề, cô tâm sự: Hội Người mù tỉnh hiện có 40 học sinh, nhiều em không chỉ khiếm thị, mà còn khiếm thính, khuyết tật vận động... nên rất khó để tiếp thu, nghe lời giáo viên. Để dạy các em đòi hỏi những người thầy, người cô phải có tấm lòng nhân ái, sự kiên trì, nỗ lực, cố gắng gấp nhiều lần so với giáo viên ở những ngôi trường bình thường khác.

Đa số các em học sinh khi đến hội chưa được can thiệp sớm, dù ở lứa tuổi nào khi đến lớp các em vẫn rất ngây ngô, thiếu kỹ năng học tập, giao tiếp... Bởi khi ở nhà, đa phần các em được gia đình chăm sóc, chưa quen với môi trường tập thể nên không tránh khỏi những va chạm, bất hòa với các bạn. Do đó, giáo viên phải quan tâm, giúp đỡ các em. Ngoài việc dạy các em kiến thức phổ thông, giáo viên còn phải dạy các em định hướng khi di chuyển, phục hồi chức năng, hướng dẫn cách vệ sinh cá nhân, điều chỉnh, uốn nắn hành vi cho các em...

Bên cạnh là giáo viên chủ nhiệm lớp 1, cô còn được giao nhiệm vụ giáo vụ, quản lý học sinh nên có điều kiện tiếp xúc với tất cả học sinh trong hội và có nhiều kỷ niệm với các em. Cô Yến chia sẻ: Những kỷ niệm với các em như có lần cô cố ý đi thật nhẹ nhàng qua các em học sinh của mình xem các em có phát hiện ra cô hay không, nhưng tất cả đều đồng thanh “Con chào cô Yến”. Các con hài hước giải thích rằng: “Con chỉ cần ngửi thấy mùi hương là đã nhận ra cô ngay”. Rồi những lần nhận được tin nhắn, cuộc gọi của các em học sinh đã tốt nghiệp ra trường... cũng khiến cho cô vui và thêm yêu thương, gắn bó với những mảnh đời kém may mắn nơi đây.

“Với thầy, cô giáo giảng dạy tại hội, việc được trực tiếp dạy học, giáo dục, chăm sóc các em, tận tay chỉ dạy các em học chữ, rèn thói quen tốt, tự tay đơm từng chiếc khuy áo bị rơi hay chải tóc cho các em, ai nấy đều cảm thấy vui vì bản thân mình đã làm được những việc có ý nghĩa. Và hơn hết, hạnh phúc nhất là khi được nhìn thấy các em biết đọc, biết viết, dần hòa nhập với cộng đồng, tự tin và có ước mơ, hy vọng về một tương lai tươi sáng”, cô Yến chia sẻ.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, bản thân cô đã không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Thường xuyên nghiên cứu tài liệu, sách tham khảo, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để tìm phương pháp mới nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, phù hợp với học sinh khiếm thị. Phát huy tinh thần tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ, cô Yến luôn tham gia đầy đủ các lớp học do các cấp tổ chức, học tập thông qua ti vi, báo chí... để vận dụng vào công việc của mình, đảm bảo không lạc hậu về thông tin, phương pháp. Cô cũng luôn thực hiện tốt nếp sống văn minh, rèn luyện phẩm chất đạo đức, có lối sống giản dị, trong sáng, lành mạnh, gương mẫu trước học trò, hết lòng vì học sinh thân yêu. Đồng thời khích lệ, giúp đỡ, động viên học sinh tham gia đầy đủ các phong trào, các cuộc thi có hiệu quả cao. Năm 2021 lớp cô Yến có 2 học sinh giành giải Nhì tại Hội thi đọc nhanh, viết nhanh do Tỉnh hội tổ chức; 3 học sinh tham gia các tiết mục văn nghệ do Hội Người mù Việt Nam tổ chức và giành 1 giải vàng, 2 giải bạc...

Công tác trong môi trường đặc thù, các em học sinh phải sống xa nhà, thiệt thòi về đôi mắt, đa phần gia đình các em lại có hoàn cảnh khó khăn... cô Yến và các thầy cô trong hội luôn tự nhắc nhở bản thân mình không chỉ là người thầy, người cô tâm huyết với nghề, mà còn là người bạn, người chị, người mẹ của các em, động viên các em mỗi khi nhớ nhà, chăm sóc khi đau ốm, chia sẻ cùng các em những vui buồn trong cuộc sống. Với họ, hạnh phúc là khi được cho đi để được nhận lại yêu thương và gắn bó.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]