(Baothanhhoa.vn) - Tháng 11 tri ân, chúng tôi tìm đến Trường Mầm non Thanh Lâm (Như Xuân) để tìm gặp những “chàng ngự lâm” vẫn đang ngày ngày hăng say, nhiệt huyết với nghề “gõ đầu trẻ”.

Lời ca từ Thanh Lâm

Tháng 11 tri ân, chúng tôi tìm đến Trường Mầm non Thanh Lâm (Như Xuân) để tìm gặp những “chàng ngự lâm” vẫn đang ngày ngày hăng say, nhiệt huyết với nghề “gõ đầu trẻ”.

Lời ca từ Thanh LâmGóc chợ quê tại Trường Mầm non Thanh Lâm, nơi các bé khám phá những trò chơi dân gian, tìm hiểu về trang phục, dụng cụ lao động của dân tộc mình.

Bông hoa lạ giữa vườn hoa

Ngược ngàn đúng ngày gió bấc tràn về dải đất miền Trung, những cơn mưa chợt đến chợt đi vào buổi sáng khiến con đường dẫn vào xã Thanh Lâm thay một chiếc áo sẫm màu. Được biết, xã Thanh Lâm mới có đường đi ô tô vài năm nay, còn trước đây, đi vào xã những hôm trời mưa thì cực không thể thấu. Cùng với con đường, cuộc sống của người dân dân tộc Thái nơi đây đang bừng lên những gam màu mới. Thấp thoáng trong diện mạo mới của bản làng có bóng dáng của những thầy, cô giáo vẫn ngày ngày lặng lẽ “lái con đò tri thức” thắp nên niềm tin, hy vọng về một tương lai tươi sáng cho người dân và mảnh đất “6 Thanh” còn bộn bề khó nhọc này.

Gần trưa, sương mù tan dần dưới ánh mặt trời, bầu không khí trong lành, hơi se lạnh. Trường Mầm non Thanh Lâm nằm yên bình giữa những cánh rừng. Đây là một trong những ngôi trường rất đặc biệt khi có 2 thầy giáo đang tham gia công tác giảng dạy, chăm sóc những đứa trẻ mầm non. Tranh thủ lúc học sinh ngủ, các thầy, cô giáo cũng vội vã ăn cơm ngay tại lớp để trông nom trẻ. “Các con còn nhỏ, mình không thể lơ là dù chỉ giây phút”, cô giáo Lô Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Lâm chia sẻ. Người trông nom học sinh, người tranh thủ sửa sang lại “Góc truyền thống địa phương”, “Góc vui chơi” trong khuôn viên trường. Nơi đó có các gian hàng về sản vật địa phương, trang phục dân tộc, dụng dụ sản xuất... Tất cả đều được trang trí sặc sỡ, bắt mắt.

Quan sát mọi người làm việc, tôi đặc biệt chú ý đến một người thầy giáo. Anh khuân vác những vật nặng từ ngoài vào trong, lại lôi những bịch rác lớn từ trong ra ngoài, rồi trèo lên thang treo những bông hoa lên cao, xong xuôi lại ngồi xếp bằng cắt hoa, dán giấy... Vừa làm mọi người vừa trò chuyện vui vẻ, các cô trêu thầy “gươm lạc giữa rừng hoa”, thầy chỉ cười rồi chăm chú, tỉ mẩn cắt từng chiếc lá nhỏ dán lên hàng rào trông rất đáng yêu. Cộng thêm nụ cười hiền và giọng nói ấm áp, ấn tượng của tôi về người thầy này rất đặc biệt. Thật sự, nếu không gặp anh trong khuôn viên nhỏ xinh này, nếu không có lời giới thiệu của Hiệu trưởng Thuận, không ai nghĩ anh Lô Văn Chuyển là giáo viên mầm non - chủ nhiệm lớp trẻ 4 - 5 tuổi. Đồng hành cùng thầy Chuyển dưới mái Trường Mầm non Thanh Lâm còn có thầy Lang Thành Phần, Lục Văn Thịnh. Tuy nhiên, thầy Lang Thành Phần đã nghỉ hưu cách đây 2 năm, thầy Lục Văn Thịnh ốm nên chúng tôi không có cơ hội diện kiến.

Lời ca từ Thanh LâmLớp học của thầy Chuyển luôn sôi nổi nhờ phương pháp dạy thông minh, gần gũi.

14h chiều, những đứa trẻ thức dậy sau giấc ngủ trưa. Các thầy cô ai về lớp nấy thực hiện công việc của mình. Dù là đàn ông nhưng từ việc chải tóc, tết tóc, cho ăn, vệ sinh cá nhân cho từng trẻ, vốn ai cũng nghĩ chỉ những cô giáo mới làm được thì thầy Chuyển làm rất thành thục. Thầy Chuyển bộc bạch: “Mình có 2 cô con gái nên những việc như thế này mình làm suốt”.

Hôm ấy có tiết nhìn tranh đoán nghề nghiệp, thầy Chuyển cho các em học sinh giới thiệu nghề nghiệp của bố mẹ mình qua những bức tranh. Các bé rất hào hứng, xúm xít lại gần thầy chỉ trỏ. “Bố con là chú bộ đội”, “mẹ con là công nhân”... Thầy hỏi các con có yêu bố mẹ mình không? Có muốn trở thành bộ đội, cô giáo, bác sĩ trong tương lai? Những đứa trẻ đồng thanh hô “có ạ!”. Với lối dẫn dắt thông minh, bài học của thầy rất thu hút và tạo được niềm hứng thú cho trẻ. Kết thúc giờ học, thầy và trẻ lại sôi nổi với bài hát “Bố là tất cả”. Nhạc bật lên, thầy vừa hát vừa múa minh họa, trẻ cũng tíu tít làm theo như đàn gà con. Những động tác của thầy mặc dù không được mềm mại như các cô, nhưng chất chứa trong đó là tình cảm dành cho trẻ và niềm say mê với nghề.

Vì yêu thương mà gắn bó

Từ khi có lớp mầm non ở địa phương đã có sự xuất hiện của các thầy nên người dân nơi đây không lấy gì làm xa lạ. Họ biết các thầy từ tấm bé: tính cách, gia đình... Có lẽ vì thế mà hơn 30 năm qua, lớp lớp những đứa trẻ vùng cao này dưới bài tay chăm sóc của các thầy mà lớn lên. Thậm chí nhiều gia đình, bố mẹ và con đều là học sinh của thầy. Những năm gần đây, trường lớp được đầu tư, nhân sự cũng được bổ sung nên lớp thầy có thêm 1 cô giáo. Với những công việc có phần tế nhị, thông thường giáo viên nữ sẽ đảm nhận.

Lời ca từ Thanh LâmLà phái mạnh trong môi trường toàn phái yếu, thầy Chuyển không nề hà những công việc nặng nhọc như dựng nhà...

Nhắc đến những khó khăn vất vả, thậm chí bi hài trong nghề thì rất nhiều nhưng “ông thầy” dạy mầm non cũng có những lợi thế nhất định. Trong lớp, trong trường, những việc cần sức “đàn ông” như bê bàn ghế, lau dọn, tháo cánh quạt, sửa chữa đồ đạc đã có... “thầy ơi”. Có lẽ chính vì môi trường toàn nữ giới ấy đã khiến họ luôn cố gắng “sống đúng bản lĩnh thực sự của người đàn ông”. Chưa kể, đối với trẻ nhỏ, nhất là các bé trai, việc hiện diện vai trò của một người đàn ông mạnh mẽ, hào hiệp, gánh vác những việc nặng và không ngại những việc tỉ mỉ... hình thành cho các em một hình mẫu đẹp. “Có trường hợp gia đình không có hoặc có ít nam giới, khi đến trường, trẻ lại chỉ tiếp xúc với cô giáo. Đặc biệt với những bé trai, sẽ không được tiếp xúc nhiều với hình mẫu nam. Như vậy sẽ không tốt cho trẻ. Nếu trường học có nam giáo viên, giống như trẻ sống trong ngôi nhà có cả bố lẫn mẹ”, thầy Chuyển chia sẻ.

Đến với nghề giáo viên mầm non, thầy Chuyển gói gọn trong một chữ duyên. Thầy thích nghề giáo nhưng 4 chữ “thầy giáo mầm non” thật sự xa vời, thậm chí chưa một lần mảy may xuất hiện. Ấy vậy mà nghề chọn người, hơn 30 năm dưới mái nhà Thanh Lâm, từ ngày đi dạy với “lương” trả bằng gạo, cho đến nay là hơn 10 triệu đồng/tháng, thầy Chuyển vẫn miệt mài với lũ trẻ. Thầy bảo, gần nửa đời người cống hiến cho sự nghiệp trồng người, thầy chưa biết đến bông hoa to, món quà nhỏ từ phụ huynh nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) là như thế nào. Nhưng với thầy và các đồng nghiệp, ngày nào cũng là ngày 20/11, cũng được yêu thương, đùm bọc và trân trọng. Đồng bào dân tộc nơi đây không quan tâm đến những ngày lễ ngành, lễ nghề, nhưng họ biết cô giáo Thuận thích ăn ngô luộc, gia đình thầy giáo Chuyển sắp có việc lớn. Đến mùa, họ mang sang cho các thầy cô giáo bắp ngô, củ khoai luộc, nắm rau rừng... Trường học cần dọn dẹp, sửa sang, họ đều có mặt. Ra đường gặp nhau tất cả như người thân: thăm hỏi, động viên. Những cái cúi đầu hay những lời chào ấy chính là nguồn động lực để những người giáo viên yêu nghề và tâm huyết với nghề.

Lời ca từ Thanh Lâm... đến cuốc đất trồng rau.

16h30, phụ huynh bắt đầu đến đón trẻ. Sau khi giao học sinh cho bố mẹ, ông bà, các thầy cô lại tất bật dọn dẹp bàn ghế, chăn màn... để chuẩn bị cho ngày học tiếp theo. 17h, họ mới kết thúc một ngày làm việc. Giờ học ở Trường Mầm non Thanh Lâm kết thúc sớm hơn ở những vùng khác, đặc biệt là vào mùa đông. Bởi thời điểm này sương mù đã bắt đầu bủa vây những con đường làng.

Chia tay các giáo viên Trường Mầm non Thanh Lâm khi mây mù bắt đầu giăng mắc trên những con đường, cánh rừng. Trong những ngôi nhà dân ánh đèn đã bật sáng, lòng tôi dâng lên những cảm xúc bồi hồi. Radio trên xe cũng bất ngờ phát bài hát “Bài ca người giáo viên Nhân dân” của nhạc sĩ Hoàng Vân: “Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi/ Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương/ Có những bài ca nghe rạo rực lòng người/ Bài ca ấy, loài hoa ấy, đẹp như em - người giáo viên Nhân dân...”. Những ca từ trong bài thật đẹp, thật hay. Lại nghĩ đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta sẽ là một rừng hoa đẹp”. Ở vùng xa, vùng khó khăn thiếu thốn như Thanh Lâm, những người làm công tác giáo dục xứng đáng với lời ca ấy - là những bông hoa đẹp nhất, đáng trân trọng nhất.

Ngày hiến chương Nhà giáo Việt Nam (20/11) đang đến gần, kính chúc các thầy cô chân cứng đá mềm, bình an và hạnh phúc, có thật nhiều niềm vui trong công việc và luôn giữ lửa đam mê nhiệt huyết với nghề giáo.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]