(Baothanhhoa.vn) - Chia sẻ về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết sơ bộ dự thảo phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025, theo đó dự kiến Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhiều giáo viên, học sinh đã đồng tình, ủng hộ phương án này.

Khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Chia sẻ về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết sơ bộ dự thảo phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025, theo đó dự kiến Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhiều giáo viên, học sinh đã đồng tình, ủng hộ phương án này.

Khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPTCô Lương Thị Hạnh, Tổ trưởng tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân Trường THPT Hoằng Hóa 4 ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy môn Lịch sử.

Môn học lưu giữ gốc rễ của một quốc gia

“Từ trước đến nay có rất nhiều lý do để học sinh không chọn thi môn sử, như học ngành khối C ra trường cơ hội tìm kiếm việc làm khó; học sử phải nhớ những sự kiện, những mốc thời gian trong quá khứ và yêu cầu phải chính xác... Có những em thi học sinh giỏi môn sử đạt giải cao cấp tỉnh nhưng khi đi thi đại học lại lựa chọn môn khác. Điều đó cũng làm cho những người “chèo đò” như chúng tôi rất tiếc. Bởi, lịch sử chứa đựng những bài học quý báu, lưu giữ gốc rễ của một quốc gia. Hiểu biết về lịch sử không chỉ giúp mỗi người gìn giữ văn hóa dân tộc, mà còn tiếp thu những bài học kinh nghiệm thiết thực, làm giàu vốn sống, vậy mà ít học sinh đam mê học lịch sử”, cô Lương Thị Hạnh, Tổ trưởng tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân Trường THPT Hoằng Hóa 4 chia sẻ.

Cô Hạnh cho biết thêm, cô rất vui khi Bộ GD&ĐT bổ sung môn Lịch sử thành môn học bắt buộc. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của môn Lịch sử. Vấn đề này đặt ra trách nhiệm của giáo viên dạy sử sẽ cao hơn, nhưng các thầy, cô giáo dạy sử sẽ nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin, trình chiếu những sự kiện một cách sinh động nhất để học sinh không thấy nhàm chán.

Cùng chung suy nghĩ, thầy Như Hiển (Trường Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga) cho rằng, phương án dự kiến của Bộ GD&ĐT đưa ra hoàn toàn đúng đắn. Bởi, môn Lịch sử phải có một vị thế xứng đáng trong chương trình giáo dục phổ thông, đúng với vị trí, chức năng và nhiệm vụ quan trọng của nó là đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân cách, đạo đức con người, bồi đắp tính dân tộc và lòng yêu nước. Không có một đất nước có nền giáo dục tiên tiến nào lại bỏ môn Lịch sử hoặc coi môn Lịch sử là môn phụ, môn lựa chọn. Đưa môn Lịch sử thành môn học bắt buộc thì phải gắn liền với bắt buộc thi. Có như vậy các em mới tập trung học môn Lịch sử như môn Toán, Văn, Ngoại ngữ.

Chờ đợi phương án chính thức

Thực hiện Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT, ngày 3-8-2022 sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, ngày 26-12-2018 (gọi tắt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018), bổ sung môn Lịch sử thành môn học bắt buộc, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã và đang đầu tư trang thiết bị dạy và học môn Lịch sử, đồng thời cũng đang chờ đợi phương án chính thức để bố trí, sắp xếp thời gian dạy và học cho học sinh.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoằng Hóa 4 cho biết: Dạy học môn Lịch sử theo chương trình mới được nhà trường triển khai theo đúng tinh thần Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT. Giáo viên môn Lịch sử tham gia các lớp tập huấn về sách giáo khoa; thống nhất nội dung, chương trình, kế hoạch giáo dục và kế hoạch bài dạy. Thầy cô cũng chủ động hoàn thành các kế hoạch cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện của nhà trường và đã được ban giám hiệu phê duyệt. Trường cũng đã trang bị 12 ti vi cho khối 10 để giáo viên môn Lịch sử ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học tốt hơn, đáp ứng phương án đưa môn Lịch sử thành môn thi tốt nghiệp.

Về phương án dự kiến của Bộ GD&ĐT, tôi hoàn toàn đồng ý. Vì có đưa môn Lịch sử vào thành môn thi bắt buộc thì học sinh mới chịu học. Bởi, thực trạng hiện nay của học sinh là học gì thi đó nên các em chưa chú trọng học môn Lịch sử. Hầu hết các nhà trường đều mong mỏi quyết định chính thức của Bộ GD&ĐT để nhà trường có phương án bố trí, sắp xếp giáo viên dạy và học.

Thạc sĩ Vũ Ngọc Liêm, Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc chia sẻ: “Bộ GD&ĐT đang dự kiến đưa môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dù có ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng theo tôi thay vì đi tìm câu trả lời hợp lý hay không hợp lý, thuận lợi hay khó khăn, khó hay dễ, thì những người làm chuyên môn nên tiếp cận công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy để lôi cuốn học sinh học môn Lịch sử. Đừng để mỗi tiết học Lịch sử các em thấy nhàm chán, nặng nề, khi đó các em sẽ học đối phó, thậm chí có em lẩn tránh, cố tình hiểu sai lịch sử. Còn nếu có phương pháp dạy cuốn hút học sinh thì tự bản thân các em sẽ thấy được cái hay, cái đẹp, sẽ yêu thích và đam mê học sử. Đây cũng là cơ hội, song cũng là thách thức đối với đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử”.

“Còn đối với dự kiến phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra nên có quyết định sớm để các trường bố trí thời gian cho học sinh học tập, ôn thi tốt nghiệp THPT”, Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc nói.

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học

Trao đổi với chúng tôi về Thông tư số 13 cũng như dự kiến phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT, PGS, TS Trần Văn Thức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 13, Sở GD&ĐT đã ban hành Công văn số 2197/SGDĐT-GDTrH, ngày 18-8-2022 về việc tập huấn cho toàn bộ cán bộ quản lý thuộc chuyên ngành Lịch sử, giáo viên dạy học môn Lịch sử cấp THPT với số lượng 350 người thực hiện điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử cấp THPT từ 70 tiết xuống 52 tiết cho phù hợp với thời lượng môn học được quy định tại Thông tư 13, cắt bỏ những nội dung chuyên sâu cho phù hợp với học sinh đại trà. Sau tập huấn, Sở GD&ĐT tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo các nhà trường hướng dẫn các tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch môn học phần bắt buộc 52 tiết phù hợp với tình hình cụ thể của đơn vị. Việc tổ chức dạy học môn Lịch sử cấp THPT ở các nhà trường cũng đang được triển khai nghiêm túc và hiệu quả. Tuy nhiên, thiết bị dạy học nói chung và môn Lịch sử nói riêng ở các nhà trường còn thiếu, rất khó khăn cho giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Một số ít giáo viên có tư tưởng chần chừ, ngại đổi mới, năng lực ngoại ngữ, tin học còn hạn chế ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học.

Về phương án môn Lịch sử có trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 hay không, theo PGS, TS Trần Văn Thức: "Còn phụ thuộc rất nhiều vào việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là của giáo viên môn Lịch sử cấp THPT trên phạm vi cả nước. Song, theo quan điểm của cá nhân tôi môn học nào cũng quan trọng, đều hướng đến mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất người học. Riêng môn Lịch sử có nhiều lợi thế trong việc giáo dục lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, tính nhân văn... cho học sinh phổ thông. Trong giai đoạn hiện nay, những phẩm chất đó càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bác Hồ đã từng nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Do đó, môn Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là phù hợp với lộ trình đổi mới GD&ĐT”.

PGS, TS Trần Văn Thức cho biết thêm, nếu phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi, môn Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc, thời gian tới Sở GD&ĐT sẽ có những giải pháp cụ thể, phù hợp để chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý. Trong đó, cần có những giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng môn học; phải tạo được những động lực mới để giáo viên lịch sử tâm huyết với nghề, với môn học và cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giáo viên môn Lịch sử cấp THPT trên cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, phẩm chất nhà giáo để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học; phải tổ chức dạy học thật nghiêm túc, khoa học, hiệu quả để học sinh thật sự yêu thích môn Lịch sử, hiểu biết và trân trọng các giá trị lịch sử. Tiếp tục chỉ đạo các nhà trường tăng cường mua sắm thiết bị dạy học môn Lịch sử (theo danh mục của Bộ GD&ĐT), tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện hiệu quả chương trình và sách giáo khoa mới. Tổ chức ôn tập, định kỳ khảo sát, đánh giá kết quả học tập của học sinh, trên cơ sở đó xây dựng các giải pháp phù hợp để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

NGƯT Th.s Hoàng Văn Huân, Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, TP Sầm Sơn: Thế hệ trẻ phải biết được thăng trầm của đất nước

Khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Việc Bộ GD&ĐT đưa môn Lịch sử vào học và thi bắt buộc là hoàn toàn phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Bởi, người Việt Nam luôn tự hào về lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc với truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, kiên nhẫn và sáng tạo. Đó chính là sức mạnh tiềm ẩn, nét độc đáo, “hồn thiêng sông núi” của dân tộc Việt Nam. Tất cả đều hấp dẫn, lí thú, vậy mà nó đang có nguy cơ ngày càng mờ nhạt với mọi người, nhất là lớp học sinh, sinh viên ngày nay. Và trên thực tế, đã có những bạn trẻ có thể do thiếu thông tin, thiếu chính kiến, thiếu bản lĩnh hùa theo, chia sẻ, bình luận tiêu cực về lịch sử đất nước trên mạng xã hội. Thậm chí, có bạn quên đi mình sinh ra và lớn lên ở đâu, quên đi truyền thống đạo lý của người Việt Nam, quay lưng lại phản bội Tổ quốc, phản bội Nhân dân... Vì vậy, việc đưa môn Lịch sử thành môn học và thi bắt buộc trong các nhà trường hiện nay là bài học đạo đức nhắc nhở thế hệ trẻ chúng ta không bao giờ quên truyền thống dân tộc dù đó là ai, làm nghề gì. Mọi người luôn nhớ rằng “Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”.

Tôi mong rằng quyết định đưa môn Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần được nhanh chóng thực hiện để khuyến khích học sinh học sử. Thế hệ trẻ phải biết được thăng trầm của đất nước, sự hy sinh vất vả của thế hệ cha ông. Đồng thời, phải am hiểu, tường tận lịch sử thế giới để các em vững bước trên đường hội nhập.

Nguyễn Thị Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Xương: Đang là băn khoăn, trăn trở và thử thách của giáo viên bộ môn Lịch sử

Khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Việc học sinh chưa yêu thích môn Lịch sử, không hứng thú trong học tập cũng là nỗi băn khoăn, trăn trở và thử thách của đội ngũ giáo viên dạy bộ môn Lịch sử từ trước đến nay. Mặc dù sách giáo khoa mới lớp 10 đã khắc phục được phần nào sự nặng nề, hàn lâm của kiến thức môn học, đồng thời giáo viên đã ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, như cho các em xem video, tư liệu, hình ảnh trực quan... nhưng vì chương trình trong sách giáo khoa chưa có điểm nhấn, khiến học sinh khó nhớ, dẫn đến học sinh không thích học. Để môn Lịch sử thực sự là một môn học có sức truyền cảm, hấp dẫn người học, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu viết sách giáo khoa theo chủ đề để học sinh tìm hiểu, được đánh giá sử liệu, nêu quan điểm về chủ đề lịch sử được đề cập. Ngoài ra, thực hiện phương pháp dạy học gắn liền với thực tế tạo hứng thú học tập cho học sinh “mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”, giúp các em càng thêm yêu quê hương, đất nước, tự hào về truyền thống dân tộc... giúp cải thiện chất lượng giảng dạy ngày một tốt hơn. Tôi nghĩ rằng, nếu tiếp cận theo hướng này học sinh sẽ hứng thú hơn, chủ động tìm hiểu Lịch sử. Lúc đó có đưa vào môn thi bắt buộc thì các em không bị áp lực.

Phạm Thị Yến, (TP Thanh Hóa): Cần thay đổi phương pháp dạy học để lôi cuốn học sinh

Khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Nghe thông tin Bộ GD&ĐT đưa môn Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc, con trai tôi đang lo lắng phải sắp xếp thời gian để đi học thêm môn Lịch sử vì lâu nay cháu chỉ tập trung học môn Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh và Văn để thi tốt nghiệp. Giờ có thêm Lịch sử là môn bắt buộc sẽ khiến cháu phải phân bổ lại thời gian học tập. Cháu lo lắng không nhớ được các mốc lịch sử vì lâu nay học môn này rất khô khan, nhàm chán. Tôi hoàn toàn ủng hộ dự kiến phương án của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, đề nghị các thầy, cô dạy môn Lịch sử cần thay đổi phương pháp dạy học để lôi cuốn học sinh. Thay vì đọc chép, bắt học sinh học thuộc thì trình chiếu cho các con xem video về các trận đánh, học dưới dạng bản đồ, làm sao cho học sinh hứng thú, từ hứng thú mới đi đến đam mê, khơi gợi trí tò mò của học sinh tìm hiểu về bài học đó. Khi ra đề thi, Bộ GD&ĐT nên chọn cấu trúc nhẹ nhàng để học sinh không phải học nhồi thêm mấy trăm trang sách, thay vào đó là nắm bắt được kiến thức cơ bản để các con bước vào kỳ thi không bị áp lực.

Lê Thị Lan Anh, Học sinh 12A10, Trường THPT Hoằng Hóa 4: Chủ động tìm hiểu các giai đoạn lịch sử trên các trang thông tin đại chúng

Khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Em rất thích học môn Lịch sử, chính vì thích học nên ngoài việc học ở lớp theo chương trình sách giáo khoa, em còn chủ động tìm hiểu thông tin về những giai đoạn lịch sử mình yêu thích trên các trang thông tin đại chúng, các hình thức như phim, sử diễn họa animation, infographic, video tóm tắt. Song, cũng cần chắt lọc, đối chiếu thông tin các nguồn để đảm bảo tính chính xác của kiến thức. Cũng chính từ cách học trên mà em đã đoạt giải ba trong kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử THPT cấp tỉnh năm 2022-2023.

Khi nghe Bộ GD&ĐT có phương án đưa môn Lịch sử vào thi tốt nghiệp, em hoàn toàn đồng ý vì điều này sẽ giúp học sinh hiểu rõ về lịch sử nước nhà hơn, củng cố tinh thần yêu nước. Vì hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các thế lực thù địch đang lợi dụng những phương tiện thông tin đại chúng, nhất là internet để tuyên truyền, xuyên tạc, bôi đen, bóp méo lịch sử dân tộc, nếu như môn Lịch sử không được đối xử và lựa chọn đúng với vị trí, vai trò của nó, không trở thành môn học và thi bắt buộc cho học sinh thì rất nguy hại cho quốc gia, dân tộc, vô tình tiếp tay cho kẻ thù. Nhất là nhiều bạn trẻ có xu hướng quan tâm nhiều đến văn hóa, ngôn ngữ nước ngoài mà quên đi việc trau dồi, tìm hiểu lịch sử, văn hóa cội nguồn, trở thành một công dân toàn cầu mang trong mình sứ mệnh đưa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Bài và ảnh: Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]