(Baothanhhoa.vn) - Để nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức cho học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những năm qua ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), từng bước đưa pháp luật đi vào thực chất, hiệu quả.

Đưa pháp luật vào học đường

Để nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức cho học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những năm qua ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), từng bước đưa pháp luật đi vào thực chất, hiệu quả.

Đưa pháp luật vào học đườngHọc sinh Trường THCS Lý Tự Trọng tham gia buổi sinh hoạt theo chủ điểm "Trải nghiệm kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và thoát hiểm”.

“Mềm hóa” quy định pháp luật

“Cô có biết để thoát hiểm khỏi đám cháy cần phải làm gì không? Trước tiên tìm đồ vật bằng vải để che miệng, mũi, sau đó cúi người thấp nhất có thể, đi men theo tường tìm lối ra thoát hiểm... Đấy là cách mà các chú Công an phường Đông Sơn nói cho các cháu nghe sáng nay tại buổi sinh hoạt theo chủ điểm “Trải nghiệm kỹ năng phòng cháy chữa cháy và thoát hiểm”. Ngoài ra, các chú nói là mỗi nhà cần trang bị phương tiện chữa cháy, bình chữa cháy để tự chữa cháy khi có sự cố cháy nổ xảy ra; không nên làm chuồng cọp, lồng sắt ở ban công...” – cháu Lê Minh Vũ, học sinh lớp 6A, Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Thanh Hóa hào hứng nói với tôi.

Cháu Vũ còn cho biết thêm “Thỉnh thoảng nhà trường tổ chức những buổi tuyên truyền pháp luật theo chủ đề, chủ điểm cháu thấy rất bổ ích. Vì qua những buổi tuyên truyền như thế, các cháu được xem những đoạn phim tư liệu về tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, cách nhận biết các chất gây nghiện, cách sử dụng bình cứu hỏa...”.

“Cháu rất háo hức đến thứ 2 đầu tuần. Vì vào giờ chào cờ, các cháu thường được xem những tiểu phẩm do các bạn học sinh trong trường biểu diễn. Nội dung các tiểu phẩm liên quan đến các quy định của pháp luật nhưng được lồng ghép vào câu chuyện, tình huống cụ thể nên rất dễ hiểu, dễ nhớ” - cháu Lê Thị Lan Anh, học sinh Trường THPT Hoằng Hóa 4 cho biết.

Trao đổi với chúng tôi về việc đưa công tác tuyên truyền, PBGDPL vào trường học, thạc sĩ Nguyễn Quang Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoằng Hóa 4, cho biết: Xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để hình thành nhân cách các em học sinh nên ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, giao cho các tổ bộ môn phụ trách tuyên truyền theo từng chủ đề, chủ điểm, sân khấu hóa... vào buổi sáng chào cờ đầu tuần. Qua đó, nhận thức pháp luật trong học sinh được nâng lên, tình trạng bạo lực học đường giảm rõ rệt, ý thức tham gia giao thông của các em cũng tốt hơn...”.

Ngày càng đi vào thực chất

Không chỉ tại Trường THPT Hoằng Hóa 4 mà trong những năm qua, để đưa công tác PBGPDL tại trường học ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, ngành GD&ĐT tỉnh đã thực hiện việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên môn giáo dục công dân, giáo viên và giảng viên môn pháp luật. Đến nay, toàn ngành có hơn 200 giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Sở GD&ĐT. Lực lượng này thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn theo chuyên đề, bồi dưỡng kiến thức pháp luật; thường xuyên tích hợp nội dung PBGDPL vào các phong trào thi đua, các hội thi; cung cấp nguồn tư liệu tham khảo về pháp luật, đặc biệt tài liệu điện tử.

Ngành cũng phối hợp tốt với các ngành: tư pháp, công an, lao động - thương binh và xã hội, văn hóa - thể thao và du lịch, giao thông - vận tải (thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh), Tỉnh đoàn.... triển khai các hoạt động PBGDPL trong nhà trường. Điển hình như, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội cho học sinh đang học tập tại các trường THPT trên địa bàn; phối hợp với công an tổ chức cuộc thi “giao thông học đường ”; phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức các hoạt động tư vấn học đường, giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; tổ chức tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền cho thành viên câu lạc bộ “Thanh niên xung kích phòng, chống ma túy, tội phạm; phòng chống mua bán người” ở một số huyện như Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân. Phối hợp với cơ quan thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh cấp phát tài liệu “em học và thực hành kỹ năng an toàn giao thông”... Riêng năm 2022, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội (tệ nạn ma túy, tệ nạn mại dâm) cho học sinh 10 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Hội thi đã thu hút trên 10 nghìn học sinh và trên 700 cán bộ, giáo viên tham gia và cổ vũ. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình truyền thông giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, văn hoá ứng xử trong gia đình tại các trường THPT. Kết quả đã chọn cử 28 đội thi tham gia chương trình cấp tỉnh đạt 1 giải nhất, 3 giải nhì, 9 giải ba và 15 giải khuyến khích...

Ngoài ra, các nhà trường còn tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên; tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, cuộc thi “Rung chuông vàng”, cuộc thi “Thiết kế áp phích tuyên truyền”, các hội thi năng khiếu trên cơ sở tự nguyện của nhà trường, phụ huynh và học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và nội dung học tập của học sinh trung học; chú trọng đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn giáo dục công dân, tăng cường ra đề theo hướng “mở” để học sinh liên hệ, phân tích, bình luận, biểu đạt chính kiến và định hướng hành vi của mình, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện; giúp học sinh tránh được các tệ nạn xã hội...

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, việc triển khai chương trình công tác PBGDPL trong nhà trường đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh trong toàn ngành về vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội; hình thành ý thức, thói quen tuân thủ pháp luật cho các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bài và ảnh: Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]