(Baothanhhoa.vn) - Khi tình nguyện đến xã biên giới Pù Nhi (Mường Lát) dạy chữ, cha con thầy giáo Nguyễn Xuân Trạc đã mang theo một trái tim sẵn sàng hy sinh thầm lặng để cho con chữ được nảy mầm, sinh sôi trên vùng đất khó.

Cha truyền con nối gieo chữ vùng cao

Khi tình nguyện đến xã biên giới Pù Nhi (Mường Lát) dạy chữ, cha con thầy giáo Nguyễn Xuân Trạc đã mang theo một trái tim sẵn sàng hy sinh thầm lặng để cho con chữ được nảy mầm, sinh sôi trên vùng đất khó.

Cha truyền con nối gieo chữ vùng cao

Thầy giáo Nguyễn Xuân Trạc (hàng đầu, thứ 3 từ trái qua) trong buổi gặp mặt thế hệ các giáo viên đầu tiên “cắm bản”, tổ chức tại Hà Nội.

Cha mở đường cõng chữ lên non

Từ TP Thanh Hóa, vượt 250 km trên những con đường quanh co, uốn lượn, với vô số khúc cua tay áo cùng những đèo dốc nguy hiểm, chúng tôi đã đặt chân tới xã Pù Nhi vào một ngày nắng hanh hao. Những cơn gió miền biên viễn ràn rạt thổi qua, áp vào da người bỏng rát. Trước kia, vùng đất này được biết đến như một nơi hoang biệt, xa xôi diệu vợi: đói nghèo, lạc hậu đeo đẳng người dân. Nhưng giờ đây, khung cảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là những con đường bê tông dải đến tận bản. Những ngôi nhà mái tôn, mái ngói đỏ tươi cho thấy, Mường Lát đang dần “thay da đổi thịt”.

Đến Pù Nhi lần này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Lâu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư huyện Mường Lát. Trong câu chuyện của “thanh xuân”, “tuổi trẻ”, ông Pó nhắc nhiều tới thầy giáo Nguyễn Xuân Trạc. “Thời gian lùi xa, nhiều điều đã đổi thay nhưng một điều mà thế hệ hôm nay luôn ghi nhận đó là thầy giáo Nguyễn Xuân Trạc - người đặt viên gạch hồng đầu tiên, góp phần xây dựng sự nghiệp giáo dục - đào tạo của huyện Quan Hóa, Mường Lát nói chung và đồng bào người Mông nói riêng. Ông thực sự là tấm gương sáng để thế hệ hôm nay biết ơn và tiếp nối”, ông Lâu Minh Pó khẳng định.

Gần 60 năm trước, năm 1963, đi theo tiếng gọi của Trung ương Đảng và Bác Hồ “đem ánh sáng văn hóa lên miền núi” để “miền núi tiến kịp miền xuôi”, thầy giáo Nguyễn Xuân Trạc đang dạy học ở thị trấn Hậu Lộc (huyện Hậu Lộc) đã tình nguyện lên dạy học ở Pù Nhi, Quan Hóa (lúc đó chưa tách huyện). Đây là nơi xa và hẻo lánh nhất tỉnh, hơn 60% người dân nơi đây là đồng bào dân tộc Mông, không ai biết chữ và nhiệm vụ của thầy là phải tự tìm lấy trò, tự dựng trường để dạy học.

Bắt đầu từ con số không, không bảng đen, phấn trắng, không bàn ghế, lớp học..., thầy Trạc tự tay gạt những nắm đất đầu tiên đặt nền móng cho lớp học đơn sơ, rồi cũng chính thầy lợp từng mái tranh, đập từng thân tre xếp ra làm mặt bàn, chặt gỗ làm chân... Năm 1963, Trường Phổ thông Cơ sở cấp 1+2 được thành lập ở trung tâm xã Pù Nhi, Lâu Minh Pó trở thành thế hệ học sinh đầu tiên của trường cùng 5 người bạn khác. Năm học ấy, họ không phải những người duy nhất “xé rừng tìm chữ”, thầy Trạc đã vận động được 10 đứa trẻ người Mông đi học nhưng con số vơi dần sau mỗi kỳ nghỉ hè, nghỉ tết. Để gọi học trò đến lớp, thầy không quản đường sá xa xôi đến tận bản, vào từng nhà vận động. Thầy mở từng lớp nhỏ, ban ngày dạy lớp phổ thông, ban đêm dạy lớp xóa mù chữ.

Trong điều kiện giảng dạy khó khăn, để dạy học “đến nơi, đến chốn”, thầy và học trò phải lấy lá chuối rừng, bỏ sống giữa làm giấy viết. Bảng lớp ghép bằng mảnh ván hiếm hoi, trộn nhọ nồi với bồ hóng và lá khoai để sơn bảng đen viết cho rõ chữ. Vận động dân xẻ gỗ đóng bàn hộp và ghế băng thay bàn ghế tre vầu. Mỗi dịp nghỉ tết, nghỉ hè về xuôi, thầy lại tìm tranh ảnh trên báo cắt ra đem lên mở “triển lãm” cho dân, cho học trò xem. Rồi, để mở rộng tầm mắt cho học trò, giúp các em tự tin hơn, thầy Trạc tổ chức cho con em trong bản đi thực tế nhiều nơi ở miền xuôi, có lần ra cả Hà Nội. Được đi đây đó, mở mang tri thức, không những các em thích thú, mà cả các bậc phụ huynh cũng phấn khởi.

Chỉ qua một mùa nương, lớp học đã dần ổn định, tiếng mõ ngày ngày đã vang lên báo giờ lên lớp. Học sinh đến trường được thầy dạy cho biết chữ, tập hát, múa, biểu diễn văn nghệ, tập thể dục, thể thao. Các em còn được thầy hướng dẫn tăng gia sản xuất, tự túc trồng lúa, khoai, sắn... Trong những năm tháng khó khăn đó, lúc cái đói, cái rét và cả bệnh sốt rét rừng hoành hành thì lớp học do thầy Trạc đứng lớp vẫn vang đều tiếng trẻ học bài.

Không chỉ giúp cho hàng ngàn đồng bào dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết, thầy Trạc còn lặn lội đưa học sinh của mình, trong đó có ông Lâu Minh Pó, xuống tận Trường Sư phạm 7+2 ở huyện Cẩm Thủy học để về làm nòng cốt, gây dựng đội ngũ giáo dục cho huyện... Ông Pó nhớ lại: Tốt nghiệp, tôi tính đi theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ nhưng lời thầy Trạc đã đánh thẳng vào tâm can, trở thành bước ngoặt lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi. Thầy nói: “Pù Nhi còn nghèo, người Mông cần ánh sáng của tri thức, các em phải tiếp tục đi học lấy kiến thức về thay thầy truyền dạy cho dân bản”. Nghe lời thầy, tôi ra trường công tác trong ngành giáo dục huyện nhà gần 20 năm thì chuyển sang công tác khác, qua nhiều vị trí đến khi nghỉ hưu”. Ngoài ông Pó, rất nhiều lứa học sinh của thầy Trạc nay đã trưởng thành, trở thành những cán bộ ưu tú, mẫn cán của hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện. Được biết, hơn 30% cán bộ, công chức huyện Mường Lát trưởng thành từ mái trường Pù Nhi.

Gắn bó với mảnh đất, con người nơi đây, hễ trong bản có người đau ốm, thầy Trạc đều đến thăm hỏi, tìm bác sĩ tư vấn mua thuốc cho uống chứ không để người dân mời thầy mo đến cúng, bái như trước. Thầy cũng là người xóa bỏ hủ tục nuôi tóc dài của đồng bào Mông từ bao đời. Thầy dạy đồng bào cắt tóc; giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng bệnh về da, tiêu hóa; ngủ bỏ màn tránh bệnh sốt xuất huyết... Kính mến và quý trọng thầy, đồng bào nơi đây gọi thầy với cái tên trìu mến Hơ Lão Trạc để khẳng định rằng thầy là người thân, người con của bản làng.

Con tiếp bước gieo mầm xanh hy vọng

Thấm thoắt đã 60 năm kể từ ngày thầy Nguyễn Xuân Trạc tình nguyện rời xa quê hương, xa người thân, gác lại hạnh phúc riêng tư mang theo “Ngọn cờ đỏ của Ðảng cắm lên những ngọn núi cao nhất” như lời của nhà thơ Tố Hữu. Pù Nhi từ một xã mù chữ, “trắng” về giáo dục, nay đã hoàn thành tốt việc xóa mù chữ; quy mô trường lớp học ngày càng phát triển, các em nhỏ đều được đến trường.

Cha truyền con nối gieo chữ vùng cao

Cô giáo Nguyễn Thị Hưng kế tục sự nghiệp giáo dục của cha ở xã Pù Nhi.

Và người thầy đáng kính cũng đã thanh thản về với Bác cách đây gần 20 năm, mang theo hành trang là hai danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước phong tặng: Anh hùng Lao động và Nhà giáo Nhân dân. Thế hệ con cháu của thầy vẫn đang kế tục sự nghiệp giáo dục trên mảnh đất biên cương còn bộn bề khó khăn này.

Trong ngôi nhà cách cổng Trường Tiểu học Pù Nhi chừng 50m, chị Nguyễn Thị Hưng, con gái út của thầy, cũng là một giáo viên cắm bản, kể về mối lương duyên của gia đình với mảnh đất Pù Nhi. Năm 1985, thầy Trạc khuyên con trai là anh Nguyễn Xuân Thảo lên Pù Nhi dạy học. Nối bước cha, anh Thảo cũng ngược rừng cõng chữ lên non. Ðược 11 năm, anh Thảo bị bệnh sốt rét nên xin chuyển về Hậu Lộc, quê nhà. Cũng năm đó (1995), chị Nguyễn Thị Hưng tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Thanh Hóa. Cha và anh trai đều là những giáo viên cắm bản nhưng tuyệt nhiên chị chưa từng nghe ai nói về những khó khăn, vất vả của một giáo viên vùng cao. Khi biết con gái có ý định “ngược núi”, thầy động viên con: “Con cứ lên Quan Hóa đi, ở trên đó cũng có nhiều cái hay lắm đấy, nhất là về mặt tình cảm của bà con dân tộc thiểu số đối với thầy, cô giáo!...”. “Lúc ấy tôi không thể hình dung nổi những khó khăn vất vả của giáo viên công tác ở vùng cao, vùng sâu xa xôi, mà chỉ nghĩ đơn giản là bố và anh làm được nên mình cũng có thể làm được. Lên đến huyện, các bác cán bộ hỏi tôi thích về trường nào để sắp xếp, kể cả trường trung tâm vì khi ấy bố đang công tác ở phòng giáo dục. Không hiểu sao, tôi vẫn đề xuất đi Pù Nhi, nơi bố và anh đã từng sống và làm việc...”, chị Hưng nhớ lại.

Ngày chị lên nhận công tác, hành trang mang theo chỉ có giáo án và mấy bộ đồ. Chị cứ thế “cuốc bộ”, vừa đi vừa hỏi đường, hỏi cả chục lượt mà câu trả lời lúc nào cũng là đi thêm một đoạn nữa”. Sau bốn ngày, ba đêm (đêm vào nhà dân nghỉ), chị cũng đến được điểm trường. Tận mắt chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn của bà con nơi đây; không điện lưới, giao thông cách trở, nhiều hủ tục..., chị Hưng hiểu hơn về cuộc sống của bố và anh. Tình thương biến thành sức mạnh, chị càng quyết tâm với sự lựa chọn của mình, nối gót cha, anh đem tri thức thắp sáng bản làng.

Cũng trong những ngày khó khăn ấy, có một thầy giáo người Thọ Xuân nói năng có duyên, thường động viên Hưng mỗi khi cô buồn, nhớ mẹ và gia đình. Rồi tình yêu đến, năm 1998 họ kết hôn trong sự chúc phúc của bà con dân bản, bạn bè đồng nghiệp và đặc biệt là người cha đáng kính - thầy giáo Nguyễn Xuân Trạc. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi những đứa trẻ ra đời. Tuy thiếu thốn đủ bề nhưng sự yêu thương, thấu hiểu đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống và phấn đấu ngày càng tốt hơn cho con đường đã chọn - đem trí tuệ, sức lực của tuổi trẻ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và xây dựng quê hương thứ hai - Mường Lát. Để giờ đây, không chỉ ở huyện, trung tâm xã mà ngay cả ở những nơi vùng sâu, xa, trường lớp cũng đã và đang được đầu tư xây dựng khang trang, cảnh quan, môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp chào đón các thế hệ học sinh tới trường.

Hiện nay, các thầy, cô giáo miền xuôi lên miền núi công tác không còn vất vả như trước. Trường lớp đã khang trang; hầu hết các trường đều có khu tập thể cho các thầy, cô xa nhà; giao thông đi lại thuận tiện; bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc. Các thầy, cô giáo có trình độ cao lên miền núi công tác còn được hưởng trợ cấp thu hút của tỉnh. Tất cả những điều đó đã giúp các thầy, cô yên tâm công tác và có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc đầu tư cho công tác giảng dạy. Tin tưởng rằng, trên cơ sở kế thừa, phát huy truyền thống cao quý của những người giáo viên “xung phong” ngày ấy, mỗi “chuyến đò” của ngày hôm nay và trong tương lai sẽ đều là những chuyến “đò đầy” chở những yêu thương, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò vùng cao đến với chân trời tri thức.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]