(Baothanhhoa.vn) - Với 74 xã đã thoát diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) - nhưng thực chất vẫn còn rất khó khăn - điều cần nhất lúc này có lẽ là một cơ chế riêng, hay một “hàng rào kỹ thuật” làm điểm tựa, giúp họ thực sự đứng vững trên đôi chân để có một khởi đầu mới...

Giảm nghèo hay câu chuyện “con kiến leo cành đa...” (Bài cuối): Cần “hàng rào kỹ thuật” làm điểm tựa

Với 74 xã đã thoát diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) - nhưng thực chất vẫn còn rất khó khăn - điều cần nhất lúc này có lẽ là một cơ chế riêng, hay một “hàng rào kỹ thuật” làm điểm tựa, giúp họ thực sự đứng vững trên đôi chân để có một khởi đầu mới...

Giảm nghèo hay câu chuyện “con kiến leo cành đa...” (Bài cuối): Cần “hàng rào kỹ thuật” làm điểm tựaChương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cho đoàn viên, thanh niên và học sinh năm 2023 tại Mường Lát. Ảnh: P.V

Vừa chờ chính sách...

Nhận thức rằng, sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa nói chung, kết quả của công cuộc giảm nghèo nói riêng, là kết tinh từ sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu không ngơi nghỉ của các dân tộc anh em đang sinh sống trên dải đất này. Bởi vậy, đề cao công tác dân tộc và coi trọng sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, luôn được tỉnh Thanh Hóa xác định là một nguyên tắc quan trọng. Minh chứng là năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) xây dựng “Cơ chế, chính sách hỗ trợ các xã ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN (giai đoạn 2016-2020), nhưng không thuộc diện ĐBKK (giai đoạn 2021-2025), phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững”, để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và trình HĐND tỉnh phê duyệt theo quy định.

Ban Dân tộc đã thẳng thắn chỉ rõ: Mặc dù 74 xã không còn thuộc diện ĐBKK giai đoạn 2021-2025, nhưng so với các xã ĐBKK giai đoạn 2021-2025 không có sự chênh lệch nhiều về trình độ phát triển kinh tế - xã hội; vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Do vậy, nếu “Trung ương và tỉnh chưa có cơ chế, chính sách riêng cho các xã khi thoát khỏi diện ĐBKK, dẫn đến nguy cơ các xã này lại rơi vào tình trạng ĐBKK là rất cao”. Trên cơ sở đó, dự thảo chính sách của Ban Dân tộc tập trung vào 3 nhóm chính sách chủ yếu, bao gồm: chính sách về giáo dục và đào tạo; chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng. Dự kiến, tổng nhu cầu vốn hỗ trợ là 1.011 tỷ đồng (bình quân 337 tỷ đồng/năm); nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh.

Tuy nhiên, đến ngày 18-5-2023 Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã có Tờ trình số 190/TTr-BCS, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chưa ban hành “Cơ chế, chính sách hỗ trợ các xã ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN (giai đoạn 2016-2020) nhưng không thuộc diện ĐBKK (giai đoạn 2021-2025), phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững”.

Về nguyên nhân tạm dừng ban hành chính sách này được Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lý giải rằng: Thứ nhất, hiện Chính phủ đang giao Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng một số cơ chế, chính sách về giáo dục - đào tạo vùng đồng bào DTTS&MN, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo; chính sách thu hút và sử dụng người tài trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp, trong đó có nội dung về cán bộ, công chức, viên chức người DTTS&MN.

Trong khi đó, về cơ bản, các chính sách mà Ban Dân tộc đề xuất tỉnh ban hành áp dụng cho các xã thoát khỏi diện ĐBKK giai đoạn 2016-2020, nay không còn thuộc diện ĐBKK giai đoạn 2021-2025 (chính sách giáo dục; chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, người lao động; chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng), đều thuộc nội dung hỗ trợ của 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đang triển khai trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025).

Ngoài ra, theo tổng hợp, đề xuất của Ban Dân tộc, thì nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ là khoảng 1.011 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn ngân sách tỉnh còn hạn hẹp; mặt khác, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết số 1/2021/UBTVQH, ngày 1-9-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2022, trong thời kỳ ổn định ngân sách không ban hành chính sách mới, làm tăng chi ngân sách khi chưa có nguồn tài chính đảm bảo. Do đó, việc bố trí ngân sách địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ trên là rất khó khăn.

Trên tinh thần đó, tại hội nghị ngày 24-5-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã kết luận: Thống nhất chưa ban hành “Cơ chế, chính sách hỗ trợ các xã ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN (giai đoạn 2016-2020) nhưng không thuộc diện ĐBKK (giai đoạn 2021-2025), phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững”; và đưa nội dung này ra ngoài chương trình công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2023 (tại mục 30, Chương trình số 40-CTr/TU, ngày 10-1-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy), theo đề nghị của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tại Tờ trình số 190/TTr-BCS, ngày 18-5-2023.

...

Chính sách ra đời từ cuộc sống và đến lượt nó, chính sách lại trở thành “lời giải”, thành “chìa khóa” cho những “nan đề”, những “nút thắt” mà cuộc sống đặt ra. Tuy nhiên, có đôi khi giữa chính sách và cuộc sống vẫn có “độ trễ” nhất định, hoặc chưa thể có điểm giao, xuất phát từ nhiều nguyên do bất khả kháng. Vì liên quan đến nhiều chính sách, nhiều bộ, ngành và nguồn kinh phí lớn, nên hiện tỉnh Thanh Hóa vẫn phải chờ quy định, hướng dẫn của Trung ương; do đó huyện phải chờ tỉnh và không cách nào khác, 74 xã đã thoát diện ĐBKK - nhưng thực chất vẫn đang rất khó khăn - cũng đang mỏi mòn... chờ chính sách.

... vừa tự thân vận động

Với 74 xã thoát khỏi diện ĐBKK, ban đầu đó có thể là “thành tích” để các địa phương tự hào. Nhưng khi đi vào thực tế, đứng trước thực trạng đời sống còn hết sức khó khăn của người dân, đã buộc cấp ủy, chính quyền các địa phương không thể không nhìn thẳng vào thực chất công tác giảm nghèo.

Giảm nghèo hay câu chuyện “con kiến leo cành đa...” (Bài cuối): Cần “hàng rào kỹ thuật” làm điểm tựaMô hình chăn nuôi bò ở xã Nam Động (Quan Hóa).

Thách thức đặt ra với những xã thoát khỏi diện ĐBKK lúc này là không nhỏ. Song, theo Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa Nguyễn Đức Dũng, thì cái khó đầu tiên cần nhắc đến và cần nhấn mạnh, đó là người dân đã trải qua một quãng thời gian dài được thụ hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước. Bây giờ chính sách thay đổi, hỗ trợ bị cắt giảm; trong khi tinh thần, nội lực, khát vọng vươn lên của một bộ phận người dân là chưa có, bản thân họ vẫn luôn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Với một huyện nghèo, ngân sách địa phương chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh như Quan Hóa, quả thật là khó chồng thêm khó. Nhưng trong cái khó buộc phải... ló cái khôn. Đồng thời, trong khi chờ cơ chế, chính sách mới, huyện Quan Hóa đã tổ chức đánh giá thực trạng các xã thoát diện ĐBKK, để có cái nhìn tổng thể, toàn diện và có kế hoạch “ứng phó”.

Ông Dũng cho biết thêm: Trước hết, lãnh đạo từ huyện đến cơ sở phải thống nhất nhận thức rằng, chính sách nào cũng chỉ thực hiện trong một giai đoạn. Nếu chính sách càng kéo dài, càng tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại cho người dân. Do đó, bản thân người dân cũng cần xác định rõ, khi chính sách không còn, muốn tồn tại và vươn lên, phải dựa vào chính mình.

Từ quan điểm, nhận thức đó, cùng với việc tranh thủ sự quan tâm của tỉnh thông qua việc triển khai các Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, XDNTM, gắn với xây dựng các mô hình sinh kế, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Hóa đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 28-6-2022 về phát triển các mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2023. Với quan điểm chung là chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp truyền thống nhỏ lẻ, sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung, chất lượng, sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao, gắn với thị trường tiêu thụ ổn định. Đồng thời, lấy doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác giữ vai trò nòng cốt, làm cầu nối, dẫn dắt để phát triển chuỗi giá trị, hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ, liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...

Có thể nói, dù mới được triển khai và mang lại kết quả bước đầu, song với Nghị quyết số 05-NQ/HU đã phần nào cho thấy quyết tâm và kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thay đổi tư duy trông chờ ỷ lại, bằng tinh thần tự thân vận động, cũng như khơi dậy khát vọng vươn lên, thoát khỏi “gông cùm” đói nghèo lạc hậu của người dân nơi đây.

Lời kết...

Có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng là cần thiết; song, về lâu dài, việc dựng nên một “hàng rào kỹ thuật” dựa trên các mô hình kinh tế, tạo ra sinh kế và việc làm bền vững, hiệu quả cho người dân 74 xã thoát diện ĐBKK, mới càng cần thiết và cấp thiết hơn cả. Trong chiến lược giảm nghèo giai đoạn mới, thay vì giảm nghèo theo diện rộng trước đây, xu hướng sẽ chuyển sang giảm nghèo theo chiều sâu; trong đó, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các “lõi nghèo” và nhất là đầu tư vào con người (với các chính sách về giáo dục - đào tạo, việc làm...).

Nhằm thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững theo mọi chiều và mọi nơi ở Việt Nam, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã khuyến cáo 3 nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến việc tạo việc làm hiệu quả; cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội có chất lượng; và mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội. Bởi theo UNDP, các giải pháp này không chỉ giúp người nghèo ứng phó tốt hơn với các “cú sốc” bên ngoài; mà còn là định hướng tương lai cho tăng trưởng bền vững.

Những sự gợi “ý trên”, thiết nghĩ cũng là một kênh đáng để tham khảo đối với Thanh Hóa. Bởi, Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể cho giai đoạn 2026-2030; trong đó, đến năm 2030 có 100% đơn vị cấp huyện, 100% số xã đạt chuẩn NTM. Đây là nhiệm vụ rất lớn, rất nặng nề và càng cần có quyết tâm, nỗ lực, nguồn lực lớn gấp bội. Đặc biệt, với chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn mới hiện nay, đòi hỏi công tác giảm nghèo phải đi vào thực chất, chiều sâu và hiệu quả, chứ không phải giảm nhanh một cách cơ học nhưng kém bền vững.

Nhóm Phóng viên

Tin liên quan:


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]