(Baothanhhoa.vn) - Cách TP Thanh Hóa khoảng 12km về phía Tây, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) nổi tiếng với nghề đúc đồng của làng Chè hay còn gọi là Trà Đông. Những năm gần đây việc phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch được địa phương đặc biệt chú trọng, góp phần tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Xã Thiệu Trung gắn phát triển làng nghề truyền thống với du lịch

Cách TP Thanh Hóa khoảng 12km về phía Tây, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) nổi tiếng với nghề đúc đồng của làng Chè hay còn gọi là Trà Đông. Những năm gần đây việc phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch được địa phương đặc biệt chú trọng, góp phần tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Xã Thiệu Trung gắn phát triển làng nghề truyền thống với du lịchGian hàng trưng bày của cơ sở đúc đồng truyền thống Đông Sơn Chè Đông thu hút người dân và du khách đến tham quan, mua sắm.

Đến làng Trà Đông, giữa khói bụi than lửa, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh các nghệ nhân đúc đồng nhẫn nại, tỉ mẩn khắc từng nét hoa văn lên khuôn đúc. Dưới bàn tay khéo léo và tài hoa, các nghệ nhân đã sản xuất những sản phẩm truyền thống như trống đồng, tượng nhân vật lịch sử, lư hương, chuông cổ...

Với tình yêu và niềm đam mê, những người thợ đúc đồng làng Trà Đông đã mày mò, nghiên cứu, đúc thành công trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống với nhiều kích cỡ khác nhau, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao. Những chiếc trống đồng, đồ đồng làng Trà Đông đã vượt ra khỏi “lũy tre làng”, mang theo niềm tự hào của người dân “Kẻ Chè”, góp phần làm nên diện mạo mới cho làng nghề.

Hiện toàn xã có 32 hộ đăng ký vào làng nghề đúc đồng truyền thống, thủ công mỹ nghệ để sản xuất, kinh doanh. Nghề đúc đồng truyền thống đã tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương. Đến nay, xã Thiệu Trung đã có một số sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao như: Trống đồng Bảy Tuyên, tranh đồng cá chép trông trăng Bảy Tuyên, trống đồng Toàn Linh và trống đồng Quý Châu.

Xác định phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xã Thiệu Trung đã và đang khẩn trương thực hiện một số kế hoạch như xây dựng lộ trình tham quan; kết nối tuyến, điểm du lịch; hướng dẫn du khách tham quan tham gia trực tiếp vào một số công đoạn sản xuất, hoàn thiện sản phẩm; hình thành dịch vụ ăn uống, lưu trú; tổ chức các trò chơi dân gian... Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị nghề truyền thống; có ý thức bảo vệ thương hiệu bằng việc lưu dấu thương hiệu trên sản phẩm; hướng tới 100% các cơ sở sản xuất đúc đồng truyền thống có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu, Giám đốc Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Đông Sơn Chè Đông chia sẻ: Thời gian tới, cùng với việc sản xuất các sản phẩm đồng thủ công theo phương thức truyền thống, một số cơ sở sẽ áp dụng công nghệ trong một số công đoạn sản xuất nhằm đẩy nhanh tiến độ và giảm giá thành sản phẩm, phù hợp làm quà lưu niệm. Đồng thời tiến hành quy hoạch lại khu sản xuất, khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm, điểm tái hiện quy trình sản xuất đồ đồng truyền thống. Như vậy, không chỉ phục vụ tốt nhu cầu tham quan, tìm hiểu, mua sắm của khách du lịch, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản cho thế hệ sau.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hộ dân làng nghề đã đóng góp, xây dựng trung tâm giới thiệu và quảng bá sản phẩm làng nghề đúc đồng truyền thống, đồng thời thành lập ban quản lý. Trung tâm được đặt ở vị trí thuận lợi, ngay đầu trục đường chính dẫn vào trung tâm xã. Tại đây, các mặt hàng được bài trí hết sức đa dạng, thuận lợi cho du khách tham quan. Bên cạnh đó, khách du lịch khi đến với làng nghề còn có thể trải nghiệm, tham gia vào một số công đoạn chế tác ra các sản phẩm như trống đồng, tranh đồng, chiêng đồng, tượng đồng, đồ thờ... Có thể thấy, đây là động thái tích cực mà rất ít làng nghề trên địa bàn tỉnh có thể làm được.

Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung Trần Ngọc Tùng cho biết: Những năm gần đây nghề đúc đồng làng Trà Đông ngày càng phát triển, thu hút đông đảo khách đoàn và khách lẻ trong nước đến tham quan, mua sắm. Xác định việc phát triển du lịch làng nghề đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nghề truyền thống; do vậy trong quá trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ trong làng nghề vươn lên phát triển sản xuất. Đến nay, cơ sở hạ tầng khu vực làng nghề đã được đầu tư cơ bản, giao thông thuận tiện. Bên cạnh đó, địa phương còn chú trọng định hướng cho các hộ ứng dụng công nghệ trong một số khâu sản xuất, với giá thành phù hợp làm quà lưu niệm. Trong đó, tập trung sản xuất các sản phẩm lưu niệm mang đậm dấu ấn văn hóa của địa phương.

Cũng theo ông Trần Ngọc Tùng, để làng nghề sớm trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, các sản phẩm truyền thống của làng nghề ngày càng đến gần hơn với khách hàng cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các cấp, ngành trong việc ứng dụng công nghệ sản xuất; ưu tiên nguồn kinh phí để quảng bá sản phẩm trên các kênh thông tin; đưa sản phẩm truyền thống của làng nghề đến gần hơn với các sàn giao dịch trực tuyến...

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]