(Baothanhhoa.vn) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế dịch vụ của tỉnh, phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển của đất nước. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức xác định “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”. Cho thấy, du lịch đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhân Ngày Du lịch Việt Nam (9-7):

Du lịch Thanh Hóa từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong phát triển kinh tế - xã hội

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế dịch vụ của tỉnh, phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển của đất nước. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức xác định “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”. Cho thấy, du lịch đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Du lịch Thanh Hóa từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong phát triển kinh tế - xã hộiChương trình famtrip Thanh Hóa - Phú Quốc do Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hãng Hàng không Vietnam Airlines tổ chức vào tháng 4-2022. Ảnh: Lê Anh

Từ những thành tựu nổi bật

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đến nay các sản phẩm du lịch của Thanh Hóa đã được hình thành rõ nét, phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự.

Điển hình là sản phẩm du lịch biển, với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư quy mô, đồng bộ các dự án hạ tầng tại Khu Du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)... đã kích cầu, tạo đột phá về thu hút nguồn vốn các dự án lớn. Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như: tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - đảo Nẹ, du lịch dù bay, làng bích họa, khai trương tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại Sầm Sơn... từng bước đánh dấu bước phát triển đột phá của du lịch biển xứ Thanh.

Cùng với sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh cũng ngày càng được chú trọng phát huy giá trị. Nhiều điểm đến thu hút lượng lớn du khách hàng năm như: Di tích lịch sử Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), đền Bà Triệu (Hậu Lộc), Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa)...

Đặc biệt, trong những năm gần đây, sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng ngày càng chứng minh được sức hút đối với du khách, dần khẳng định là sản phẩm thế mạnh của du lịch Thanh Hóa. Với việc ưu tiên đầu tư các điểm đến du lịch mới, hạ tầng, nhân lực, tổ chức các dịch vụ, kết nối các tour, tuyến du lịch... đã hình thành nên các khu, điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn như: bản Năng Cát (Lang Chánh); Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước); bản Hang (Quan Hóa); bản Ngọc (Cẩm Thủy); bản Ngàm (Quan Sơn)...

Ngoài ra, nhiều sản phẩm du lịch bổ trợ cũng được các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, đưa vào công bố phục vụ khách du lịch như: “Ngược xuôi sông Mã”, tuyến du lịch làng cổ Đông Sơn, trải nghiệm du lịch đồng quê, du lịch động Tiên Sơn - Hàm Rồng (TP Thanh Hóa); khu Du lịch động Kim Sơn (Vĩnh Lộc); khu Nông trại Golden Cow (Thường Xuân); Nông trại Queen Farm (Quảng Xương); Làng du lịch Yên Trung (Yên Định)... bước đầu thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đạt 7,4%/năm, tổng thu du lịch tăng trưởng 18,1%/năm.

Cùng với việc đẩy mạnh và xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch, hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng du lịch nói riêng được đặc biệt quan tâm. Trong đó, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư các tuyến trung tâm và kết nối đến các khu, điểm du lịch có tiềm năng, làm đòn bẩy thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm như: Đường nối Cảng Hàng không Thọ Xuân với Khu Kinh tế Nghi Sơn; Đại lộ Nam sông Mã; tuyến đường nối các huyện phía Tây Thanh Hóa; dự án đường từ Quốc lộ 1A nối với Khu Du lịch Hải Tiến, Hải Hòa, Bến En, Lam Kinh... Đặc biệt, việc kết nối Cảng Hàng không Thọ Xuân với các địa phương thuộc 4 khu vực trọng điểm phát triển của du lịch Việt Nam, góp phần hình thành nên các tour nội địa hấp dẫn, thu hút dòng khách “tiềm năng” đến với Thanh Hóa.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), các chỉ tiêu phát triển du lịch Thanh Hóa trong những năm gần đây luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đón được 38,5 triệu lượt khách, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011-2015; tổng thu du lịch giai đoạn 2016-2020 đạt trên 49 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần so với giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,9%/năm. Tính đến năm 2019, Thanh Hóa xếp thứ 4 cả nước về lượt khách du lịch (sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quảng Ninh); xếp thứ 10 cả nước về tổng thu du lịch (sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Thuận, Quảng Nam).

Riêng 6 tháng đầu năm 2022, các chỉ tiêu du lịch Thanh Hóa đều tăng cao và vượt so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, toàn tỉnh đón được gần 7,4 triệu lượt khách, tăng 151,2% (gấp 2,51 lần) so với cùng kỳ năm 2021; đạt 74% so với kế hoạch năm 2022; tổng thu du lịch đạt gần 13 nghìn tỷ đồng, tăng 191,8% (gấp 2,91 lần) so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 72,1% kế hoạch năm 2022.

Đến đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội

Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Vương Thị Hải Yến cho biết: Ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, được chú trọng đầu tư phát triển và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Phát triển du lịch góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan. Cụ thể, đóng góp của du lịch vào GRDP toàn tỉnh năm 2019 đạt khoảng 10% (trong đó đóng góp trực tiếp khoảng 4,3%, đóng góp gián tiếp khoảng 5,7%). Bên cạnh đó, về đóng góp xã hội, du lịch góp phần thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, tạo nhiều việc làm cho các ngành nghề liên quan, mang lại thu nhập thường xuyên cho người lao động tại nhiều vùng, miền khác nhau. Với tổng số lao động trực tiếp trong ngành du lịch khoảng 40.600 lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong bối cảnh hiện nay, du lịch Thanh Hóa đã, đang bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, như: Thiếu hụt nhân lực quản lý và lao động ngành du lịch hậu COVID-19, nhất là tại các khách sạn, nhà hàng mới khai trương và đi vào hoạt động; đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ. Mặt khác, lượng lớn khách du lịch tập trung trong cùng một thời điểm và cùng một địa điểm có thể gây những khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng dịch vụ...

Nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; với nền móng vững chắc, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp giữa các địa phương và các cấp, các ngành trong tỉnh, du lịch Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực phấn đấu phát triển nhanh, bền vững, đóng góp tích cực, hiệu quả cho nền kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, du lịch Thanh Hóa là ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm các địa phương có ngành du lịch phát triển của cả nước.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa cũng đã đề ra các đột phá chiến lược mang tính then chốt như: Tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện, khai thác tốt hệ thống hạ tầng du lịch gắn với hạ tầng giao thông đồng bộ; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của du lịch; mở rộng không gian phát triển du lịch liên kết thị trường trong nước, quốc tế để tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách, chú trọng phát triển du lịch toàn diện cả thị trường nội địa và quốc tế; đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực du lịch; bảo đảm môi trường du lịch an toàn, hấp dẫn, văn minh...

Lê Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]