(Baothanhhoa.vn) - Là một tỉnh có nguồn tài nguyên phong phú, nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ với những nét văn hóa đặc sắc... mang đến cho du lịch xứ Thanh có những sản phẩm đặc trưng riêng. Cùng với đó, Thanh Hóa thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, đây là tiền đề cơ bản để biến giấc mơ du lịch 4 mùa thành hiện thực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Biến “giấc mơ” du lịch 4 mùa thành hiện thực

Là một tỉnh có nguồn tài nguyên phong phú, nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ với những nét văn hóa đặc sắc... mang đến cho du lịch xứ Thanh có những sản phẩm đặc trưng riêng. Cùng với đó, Thanh Hóa thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, đây là tiền đề cơ bản để biến giấc mơ du lịch 4 mùa thành hiện thực.

Biến “giấc mơ” du lịch 4 mùa thành hiện thực

Pù Luông là điểm đến hấp dẫn với những ai ưa thích khám phá.

Tiềm năng và thách thức

Thanh Hóa có 102 km đường bờ biển, là nơi hội tụ đầy đủ tiềm năng của ba vùng kinh tế: Miền núi, trung du, đồng bằng ven biển; nguồn tài nguyên phong phú bao gồm tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản; với vị trí cửa ngõ hành lang kinh tế Đông - Tây, Côn Minh - Hải Phòng và là trục giao lưu nối liền Bắc bộ với Trung bộ, Nam bộ; có hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường thủy và đường hàng không.

Đường bờ biển dài, đã tạo cho xứ Thanh một loạt các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng như: Sầm Sơn, Quảng Lợi (huyện Quảng Xương); Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia); Hòn Mê, Hòn Nẹ, đảo Nghi Sơn... Bên cạnh đó, hệ thống hang động đẹp gắn với các truyền thuyết, di tích lịch sử văn hoá như động Từ Thức (huyện Nga Sơn), động Long Quang, động Tiên Sơn (TP Thanh Hoá), động Hồ Công, động Tiên Sơn (huyện Vĩnh Lộc), động Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia); động Bàn Bù hay còn gọi là hang Ngán (huyện Ngọc Lặc), hang Con Moong (Thạch Thành), động Cây Đăng (Cẩm Thủy), Lò Cao kháng chiến ở khu vực Bến En và những khu rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi như Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, Bến En... là những điểm du lịch kỳ thú ngày càng hấp dẫn du khách đến với du lịch mạo hiểm ở Thanh Hóa.

Ngoài ra, còn có 1.535 di tích lịch sử, văn hóa danh lam, thắng cảnh với 833 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 1 Di sản Thế giới (Thành Nhà Hồ); 3 Di tích Quốc gia đặc biệt (Khu di tích Đền Bà Triệu, huyện Hậu Lộc; Khu di tích Lam Kinh, huyện Thọ Xuân và hang Con Moong, huyện Thạch Thành); 142 di tích quốc gia; 687 di tích cấp tỉnh. Đây còn là nơi sinh tụ của 6 dân tộc thiểu số, mà mỗi tộc người mang một sắc thái riêng, tạo nên bức tranh lung linh đa sắc mầu của văn hóa xứ Thanh.

Biến “giấc mơ” du lịch 4 mùa thành hiện thực

Bến En là một điểm đến không thể bỏ qua đối với du lịch xứ Thanh.

Song song với đó là hệ thống văn hóa phi vật thể cũng rất đa dạng và đặc sắc, từ các loại hình nghệ thuật, các điệu hò trên sông Mã đến các làn điệu dân ca, dân vũ (hò sông Mã, hát sẩm xoan, múa đèn Đông Anh, trò diễn Xuân Phả, múa sặp, múa xoè...); những lễ hội (Bà Triệu, Lam Kinh, Sòng Sơn, Hàn Sơn...), ẩm thực (chè Lam Phủ Quảng, bánh gai Tứ Trụ, bưởi Luận Văn, báo Sâm, nem chua, dừa, cá mè sông Mực, nước mắm Do Xuyên...), làng nghề truyền thống (đúc đồng, đá Nhồi, dệt thổ cẩm, chiếu cói Nga Sơn...), phong tục tập quán của 7 tộc người anh em: Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ và Khơ Mú...

Hiện xu hướng, nhu cầu du lịch trong nước và quốc tế tăng cao; đặc biệt là khách du lịch quốc tế có xu thế dần chuyển dịch sang du lịch khu vực Đông Nam Á, tạo ra một nguồn khách dồi dào trong tương lai cho các quốc gia, điểm đến du lịch của khu vực, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội cho Thanh Hóa tăng cường quảng bá, thu hút khách du lịch. Bên cạnh những thuận lợi đó, du lịch xứ Thanh vẫn đứng trước những thách thức như: Sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước trong khu vực và trên thế giới, trong khi khả năng cạnh tranh của ta còn nhiều hạn chế; tính thời vụ, thời tiết khắc nghiệt, tác động của biến đổi khí hậu là thách thức lớn đối với du lịch; hệ thống sản phẩm du lịch dần được hình thành nhưng vẫn còn đơn điệu, chưa có những sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao, hầu hết mới chỉ tập trung khai thác sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, chậm khai thác sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, sản phẩm du lịch sinh thái; trong khi nhận thức xã hội về ngành kinh tế du lịch của toàn dân vẫn còn hạn chế; bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có chất lượng cao; công tác bảo tồn, phát triển các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch; công tác tuyên truyền quảng bá và xúc tiến phát triển du lịch; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao... đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn trong khi ngân sách của tỉnh hạn chế, phải cân đối cho nhiều mục tiêu phát triển.

Hướng tới du lịch 4 mùa

Đứng giữa dòng người đang đổ về thành phố biển trong kỳ nghỉ lễ, ông Lê Anh Nam, Phó trưởng phòng, Phòng văn hóa và thông tin TP Sầm Sơn, chia sẻ: “Để xóa bỏ tình trạng chặt chém, xin ăn, chèn ép khách... Sầm Sơn đã thực hiện đổi mới quyết liệt trong công tác quản lý Nhà nước; đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch; cải thiện môi trường du lịch; phát huy những giá trị truyền thống, các sản phẩm du lịch vốn có của địa phương; thu hút đầu tư... Mặt khác, phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, đăng cai tổ chức một số các hoạt động thể dục thể thao, các chương trình nghệ thuật... mang tầm quốc gia. Đồng thời, đưa ra một số quy định chặt chẽ đối với những hộ kinh doanh; công bố số điện thoại đường dây nóng của Chủ tịch UBND thành phố cũng như các đầu ngành để người dân có thể phản ánh trực tiếp nếu bị ép giá, chặt chém... Đó là một trong những biện pháp giúp du lịch Sầm Sơn đã xóa bỏ được tính thời vụ và phấn đấu trở thành trọng điểm du lịch quốc gia”,.

Là một huyện vùng cao biên giới, bà Hà Thị Mai – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quan Sơn, cho biết: “Huyện đã xác định du lịch sinh thái cộng đồng là đòn bẩy giúp người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, sau khi tour du lịch Quan Sơn (Thanh Hóa) - Viêng Xay (Hủa Phăn, Lào) được công bố, sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư, đồng thời thu hút du khách trong và ngoài nước”.

Để biến “giấc mơ” du lịch 4 mùa thành hiện thực, tỉnh đã chú trọng đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý Nhà nước về du lịch được quan tâm thực hiện; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng, bồi dưỡng kiến thức về du lịch, văn hóa giao tiếp, du lịch bền vững cho người lao động trong các doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm.

Mặt khác, tỉnh xác định thu hút đầu tư du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, như: Kêu gọi các dự án, các đối tác, nhà đầu tư... Đồng thời, xác định sản phẩm du lịch mũi nhọn là sản phẩm du lịch biển đảo; sản phẩm du lịch có thế mạnh là sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch văn hóa tâm linh. Trên cơ sở đó việc hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch được tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo phát triển.

Các doanh nghiệp du lịch được khuyến khích, tạo điều kiện để đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô sản phẩm, dịch vụ du lịch biển; trật tự kỷ cương, môi trường du lịch thường xuyên được kiểm tra, chấn chỉnh; công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh du lịch biển thông qua việc tập trung truyền thông, tổ chức các hoạt động, sự kiện thu hút khách du lịch như Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Lễ hội du lịch biển Hải Tiến... Khu du lịch biển Hải Tiến đã được chính quyền địa phương tập trung, quyết liệt trong việc huy động các nguồn lực đầu tư, bổ sung dịch vụ, sản phẩm, quảng bá nên có tốc độ phát triển khá nhanh so với một số khu du lịch biển khác. Một số khu, điểm du lịch biển mới đang dần hình thành, bước đầu thu hút sự quan tâm của khách du lịch đang được đưa vào quản lý như: Bãi Đông Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia), các khu ven biển huyện Quảng Xương.

Tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng và triển khai Đề án khai thác, phát huy giá trị tại Khu di sản thế giới Thành Nhà Hồ, Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh; Đề án nghiên cứu phục dựng và phát huy giá trị các lễ hội, các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc phục vụ phát triển du lịch...; phê duyệt danh mục và triển khai các dự án đầu tư tu bổ tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, tập trung xây dựng và triển khai đề án phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng. Trên cơ sở đó, đã hình thành các điểm đến, các tuyến du lịch và tạo nên sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch như: Du lịch cộng đồng làng Năng Cát (huyện Lang Chánh), bản Hiêu, bản Đôn, Kho Mường (huyện Bá Thước), bản Hang (huyện Quan Hóa), bản Ngọc (huyện Cẩm Thủy)... Ngoài ra, việc xây dựng các sản phẩm du lịch bổ trợ khác cũng được quan tâm triển khai, như: Đã hình thành sản phẩm du lịch “Ngược xuôi sông Mã”, tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - Đảo Nẹ... bước đầu thu hút sự quan tâm của khách du lịch.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong giai đoạn 2016 – 2018, toàn tỉnh đón được 21.527.000 lượt khách du lịch (trong đó, khách quốc tế ước đạt 573.800 lượt), tốc độ tăng trưởng bình quân 14,3%/năm, cao hơn so với bình quân chung của cả nước (12,9%/năm); doanh thu đạt khoảng 24.923 tỷ đồng. Riêng năm 2018, ước đón được 8.250.000 lượt khách (khách lưu trú chiếm 6.558.000 lượt khách), tăng 17,8% so với năm 2017 (trong đó khách quốc tế 230.300 lượt khách, tăng 21,8% so với năm 2017; phục vụ: 15.020.000 ngày khách, tăng 19,8% so với năm 2017 (trong đó khách quốc tế đạt: 669.000 ngày khách, tăng 20,9% so với năm 2017); tổng thu du lịch đạt hơn 10.625 tỷ đồng, tăng 32,7% so với năm 2017. Hết năm 2018, toàn tỉnh có 785 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó, có 287 khách sạn được xếp hạng từ 1-5 sao; có tổng số 30.150 phòng, trong đó, có 14.550 phòng khách sạn 1-5 sao.

Bà Nguyễn Thị Hoài, Phòng Quản lý du lịch, Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Theo “Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa 2019-2020”, trong thời gian tới, phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch; huy động các nguồn lực tạo đột phá về đầu tư du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng tăng khả năng cạnh tranh, chuyên nghiệp, an toàn, văn minh, thân thiện, đậm bản sắc văn hóa xứ Thanh; ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mới; phát triển nguồn nhân lực du lịch; thực hiện chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và quốc tế; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường du lịch, an ninh trật tự xã hội...

Năm 2019, Thanh Hóa phấn đấu đón 9.500.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 298.000 lượt khách. Tổng doanh thu đạt 14.500 tỷ đồng; 830 cơ sở lưu trú với 34.000 phòng; có 33.500 lao động du lịch, trong đó, lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, tập trung chiếm 78,8%; năm 2020 Thanh Hóa phấn đấu đón được 11.200.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 400.000 lượt khách.

Bài và ảnh: Hoài Thu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]