(Baothanhhoa.vn) - Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Làng cổ Đông Sơn là cơ sở quan trọng cho công tác bảo tồn, phát huy và là nguồn tài nguyên quý để phát triển du lịch, tạo điểm nhấn cho ngành công nghiệp không khói của TP Thanh Hóa. Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Làng cổ Đông Sơn (gọi tắt là đề án) gắn với phát triển du lịch được xem là giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu trên.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Làng cổ Đông Sơn gắn với phát triển du lịch

Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Làng cổ Đông Sơn là cơ sở quan trọng cho công tác bảo tồn, phát huy và là nguồn tài nguyên quý để phát triển du lịch, tạo điểm nhấn cho ngành công nghiệp không khói của TP Thanh Hóa. Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Làng cổ Đông Sơn (gọi tắt là đề án) gắn với phát triển du lịch được xem là giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu trên.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Làng cổ Đông Sơn gắn với phát triển du lịchLễ hội Đền thờ Đức Thánh cả Lê Uy - Đức Thánh lưỡng Trần Khát Chân được tổ chức vào ngày 2 và 3 tháng 3 âm lịch hằng năm tại Làng cổ Đông Sơn.

Làng cổ Đông Sơn có hàng ngàn năm lịch sử, tên tuổi của làng gắn với Di chỉ khảo cổ học, nơi phát hiện nền văn hóa - văn minh Đông Sơn nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Đây là làng quê được thiên nhiên ưu ái cho một vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên vô cùng đặc biệt. Bốn bên quanh làng được bao quanh bởi những dãy núi, dòng sông uốn lượn nhấp nhô tạo nên vẻ đẹp sơn kỳ thủy tú. Đặc biệt, Làng cổ Đông Sơn là làng quê hội đủ các thiết chế về văn hóa truyền thống của làng quê đồng bằng Bắc Trung bộ; tại làng có cơ sở thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng như chùa Đông Sơn (chùa Phạm Thông), đình Trung, đền thờ Đức Thánh Cả, miếu Đệ Nhị, phủ Mẫu, văn chỉ, võ chỉ, nhà thờ các dòng họ...

Đặc biệt hơn, trên vị trí đất của làng lại được chọn đặt Văn Miếu hàng tỉnh, hằng năm tổ chức tế lễ để tôn cao đạo học vốn có của vùng đất xứ Thanh. Mỗi một di tích gắn với những lễ hội truyền thống với những truyền thuyết, giai thoại, tục ngữ, ca dao ca ngợi về hình thế núi sông, công lao đức độ của nhân vật được thờ tự, góp thêm cho mỹ tục thuần phong của làng. Hàng năm, vào ngày 2 và 3/3 âm lịch, UBND phường Hàm Rồng duy trì tổ chức lễ hội Đền thờ Đức Thánh cả Lê Uy - Đức Thánh lưỡng Trần Khát Chân. Đây cũng là lễ hội văn hóa truyền thống quan trọng và lớn nhất trong năm của người dân ở Làng cổ Đông Sơn đã gắn bó lâu đời với cuộc sống người dân nơi đây.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh và thời gian nhưng Làng cổ Đông Sơn vẫn cơ bản gìn giữ được những giá trị văn hóa vật chất mang đậm tinh hoa văn hóa của một làng quê điển hình của miền Bắc Trung bộ. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa, TP Thanh Hóa và phường Hàm Rồng đã có nhiều quan tâm tới việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Làng cổ Đông Sơn. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Hàm Rồng, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa tại Quyết định số 396/QĐ-TTg ngày 5/3/2013, trong đó có Làng cổ Đông Sơn. Tuy vậy việc đầu tư xây dựng các công trình dân sinh trong làng ngày càng tăng do nhu cầu ổn định và phát triển kinh tế và dân số tăng cao nên có nhiều ảnh hưởng tới việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa làng cổ. Các di chỉ khảo cổ, công trình di tích và cảnh quan thiên nhiên chưa được quan tâm đúng mức đối với việc bảo vệ và đầu tư giữ gìn; các công trình kiến trúc cổ đang dần xuống cấp, một số công trình đầu tư xây dựng mới phá vỡ cảnh quan và giá trị các di tích, danh lam thắng cảnh...

Bà Lê Thị Thanh, Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng, cho biết: Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Làng cổ Đông Sơn sẽ là tiền đề quan trọng để bảo tồn các văn hóa vật thể và phi vật thể và nhằm kéo dài thời gian tồn tại, đảm bảo gìn giữ được tối đa các yếu tố gốc, bao gồm: cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ học, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật và lễ hội truyền thống, tục lệ, phong tục tập quán của làng. Đồng thời tái hiện hình ảnh của một làng cổ vốn có lịch sử văn hóa lâu đời, phát huy giá trị di sản góp phần giáo dục truyền thống và giá trị lịch sử, văn hóa, phát triển kinh tế, du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Đề án là cơ sở pháp lý để địa phương có cơ sở quản lý, đầu tư xây dựng và bảo tồn, thu hút đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đông Sơn. Đây cũng là nguyện vọng tha thiết của người dân Làng cổ Đông Sơn. Bên cạnh lễ hội truyền thống Đền thờ Đức Thánh cả Lê Uy - Đức Thánh lưỡng Trần Khát Chân, từ năm 2023, TP Thanh Hóa và phường Hàm Rồng đã tổ chức chương trình “Tết xưa làng cổ” nhằm tiếp tục hiện thực hóa công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản và cũng là cơ sở để đẩy mạnh phát triển du lịch tại Làng cổ Đông Sơn.

Theo nội dung cơ bản, đề án xác định rõ địa thế của làng được ứng dụng theo nguyên lý phong thủy “tiền thủy, hậu sơn - tả thanh long, hữu bạch hổ”. Cấu trúc làng tuân thủ theo nguyên tắc lựa trọn truyền thống trong binh pháp “khó công - dễ thủ”. Kết cấu đường làng bố cục theo hình xương cá, bao gồm đường chính ở giữa chạy theo hướng Bắc Nam, nối với trục chính là các ngõ, tên các ngõ cũng được đặt theo nhân phẩm của con người trong triết lý Nho giáo: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng... Các nhà cổ, cấu trúc làng cổ và các di tích được bảo tồn, gìn giữ. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các cơ sở vật chất khác cũng được đầu tư, tôn tạo đồng bộ, cảnh quan chung của làng được cải thiện. Các lễ hội, lễ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp khác được phục dựng, tái hiện.

Đề án cũng sẽ đánh giá đúng thực trạng làng cổ Đông Sơn ngày nay, đã đi sâu đánh giá, làm rõ rất nhiều khía cạnh về lịch sử, văn hóa, các công trình kiến trúc, tập quán sinh hoạt của làng qua các thời kỳ cho đến hiện tại. Trên cơ sở đó, đưa ra phân tích, dự báo về tương lai phát triển đó là việc bảo tồn phải phát huy giá trị của di sản, đồng thời tìm hướng giải quyết xung đột giữa thực trạng hiện hữu và định hướng phát triển. Từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể đối với việc quy hoạch, phân khu trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy tác dụng của từng lĩnh vực di sản một cách có hiệu quả.

Bà Phạm Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, cho biết: Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa gắn với phát triển du lịch được thực hiện sẽ tạo cơ sở cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Làng cổ Đông Sơn; góp phần tôn vinh nét văn hóa truyền thống, làm đẹp thêm quê hương, đất nước, một vùng quê cổ kính lâu đời của xứ Thanh, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo người dân trong làng và các xã vùng phụ cận. Qua đó, tạo nên một điểm đến văn hóa, tâm linh, du lịch, vui chơi giải trí cho Nhân dân TP Thanh Hóa và du khách thập phương. Hiện nay, TP Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa và các ngành, đơn vị hoàn thiện hồ sơ đề án để đề án chính thức được triển khai. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Làng cổ Đông Sơn, đồng thời góp phần chuyển đổi kinh tế địa phương, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Hơn hết, Làng cổ Đông Sơn sẽ là điểm nhấn quan trọng trong bản đồ du lịch của TP Thanh Hóa nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]