(Baothanhhoa.vn) - Chiến tranh đã lùi xa hơn 46 năm, song nỗi đau da cam vẫn dai dẳng, nhức nhối. Nhiều phụ nữ không có được hạnh phúc làm vợ, làm mẹ; nhiều nạn nhân đang từng ngày, từng giờ quằn quại, vật vã, đau đớn vì những căn bệnh quái ác do chất độc da cam/dioxin gây ra, trong đó có cả thế hệ thứ 3, thứ 4 sinh ra trong thời bình. Họ đang rất cần tình yêu thương và trách nhiệm của toàn xã hội bằng những hành động, việc làm thiết thực.

Xoa dịu nỗi đau da cam – lương tâm và trách nhiệm của xã hội

Chiến tranh đã lùi xa hơn 46 năm, song nỗi đau da cam vẫn dai dẳng, nhức nhối. Nhiều phụ nữ không có được hạnh phúc làm vợ, làm mẹ; nhiều nạn nhân đang từng ngày, từng giờ quằn quại, vật vã, đau đớn vì những căn bệnh quái ác do chất độc da cam/dioxin gây ra, trong đó có cả thế hệ thứ 3, thứ 4 sinh ra trong thời bình. Họ đang rất cần tình yêu thương và trách nhiệm của toàn xã hội bằng những hành động, việc làm thiết thực.

Xoa dịu nỗi đau da cam – lương tâm và trách nhiệm của xã hộiĐại diện lãnh đạo huyện Thường Xuân và Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh trao tiền hỗ trợ làm nhà tình nghĩa cho NNDC Lê Văn Giang ở xã Thọ Thanh (Thường Xuân), tháng 7-2021.

Từ những con số buồn

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, dấu tích của một thời máu lửa chiến tranh khốc liệt cũng dần phai mờ theo năm tháng. Thế nhưng, có những câu chuyện, những nỗi đau mà độ lùi của thời gian càng dài, chúng ta càng nhận biết được tác hại ghê gớm của nó, đó là chất độc da cam/dioxin. Thanh Hóa có 24.500 người tham gia kháng chiến và con đẻ, cháu của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin; 10.439 hộ có từ 1 đến 6 nạn nhân da cam (NNDC), trong đó 8.583 người là nạn nhân trực tiếp, 5.342 là nạn nhân gián tiếp. Từ năm 2000 đến nay, tỉnh đã xác nhận trên 18.200 người là NNDC. Cũng thời gian đó, có 4.805 NNDC đã chết do bệnh tật từ chất độc da cam gây ra. Trong đó, có 1.121 người là con của người tham gia kháng chiến là NNDC. Bình quân hàng năm có từ 120 – 170 NNDC chết do chất độc da cam/dioxin. Ngoài ra còn có gần 300 người vợ, người mẹ đã âm thầm chịu đựng suốt 35 - 45 năm qua chăm sóc chồng, con. Nhiều người trong số họ chưa đêm nào được yên giấc ngủ, nhiều gia đình vì lo thuốc thang, chữa bệnh mà kiệt quệ kinh tế, trở nên nghèo túng.

Với bà Hoàng Thị Gấm ở phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, sinh được 4 người con thì 3 đứa là NNDC, trong đó 2 đứa nằm liệt giường, ăn uống, sinh hoạt tại chỗ, 1 đứa không được như những người bình thường khác. Để thuốc thang, chạy chữa cho các con, của cải, đồ đạc trong nhà dần cạn kiệt rồi lâm vào cảnh nghèo túng. Nỗi đau chồng chất khi người con trai thứ 2 qua đời, ông Sanh chồng bà cũng là NNDC sau một thời gian dài ốm yếu cộng nỗi đau mất con cũng bỏ bà ra đi mãi mãi. Nay đã ngoài 70 tuổi, cái tuổi đáng nhẽ được sống vui vầy bên con cháu, nhưng bà Gấm vẫn phải đêm ngày chăm sóc, phục vụ các con.

Cùng gia cảnh như bà Gấm, bà Nguyễn Thị Vân ở phường Ba Đình, TP Thanh Hóa đã phải ngậm ngùi chia tay giảng đường để đằng đằng suốt 35 năm qua bón từng thìa cơm, thìa cháo cho chồng và 3 người con là NNDC. Ở những thời điểm khốn khó nhất, bà Vân bữa đói bữa no, nhưng riêng chồng và các con thì bà luôn lo toan chu tất. Vậy mà căn bệnh quái ác khiến chồng và con trai bà phải ra đi mãi mãi khi tuổi đời còn quá trẻ. Không có việc làm, không có đất canh tác, mọi chi tiêu đều nhìn vào tiền trợ cấp NNDC của 2 con.

Bất hạnh hơn là bà Đặng Thị Bích Hồ ở phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa. Gia đình có 4 khẩu thì cả 4 đều là NNDC. 2 người con, đứa thì bị bệnh tâm thần, bệnh tim mạch, không nhận biết được hành vi của mình; đứa thì bị động kinh, liệt nửa người. Ông Thành chồng bà sau nhiều năm “lấy bệnh viện là nhà”, đã mất năm 2018. Bà Hồ chia sẻ: Bản thân là NNDC nhưng tôi phải cố sống để chăm sóc cho 2 con. Tôi chỉ sợ sau này mất đi không biết 2 đứa nhỏ sẽ ra sao, chỉ biết cậy nhờ vào Đảng, Nhà nước và xã hội.

Đến sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị

Thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền và các địa phương trong tỉnh đã quan tâm hơn đến việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học dioxin và có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nạn nhân và gia đình NNDC. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự giúp đỡ, sẻ chia của Ủy ban MTTQ, của các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh, Hội NNCĐDC/dioxin Thanh Hóa đã thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ NNDC và góp phần vào cuộc đấu tranh đòi công lý cho các NNDC Việt Nam. Hội NNCĐDC/dioxin các cấp trở thành cầu nối giữa hội với cấp ủy, chính quyền, giữa NNDC với các tổ chức hội; trở thành ngôi nhà chung để NNDC giữ niềm tin, đặt hy vọng, giải bày, đề nghị, kiến nghị với Đảng và Nhà nước về chính sách đối với người có công.

Ông Phạm Quang Thư, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: Với phương châm “Đoàn kết – Nghĩa tình – Trách nhiệm vì NNDC”, trong suốt 15 năm kể từ khi thành lập đến nay tỉnh hội đã tập trung vào các nhiệm vụ then chốt là chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và xóa nhà tranh tre dột nát cho nạn nhân là đối tượng trực tiếp. Từ các nguồn lực vận động, tỉnh hội đã xây dựng được 180 nhà tình nghĩa trị giá 7 tỷ 200 triệu đồng; hỗ trợ vốn phát triển kinh tế hộ cho 300 hộ; 500 NNDC được cung cấp xe lăn, xe bại não; 500 cháu, con của NNDC được hỗ trợ khuyến học, khuyến tài; 2.900 NNDC được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; 310 NNDC được đi xông hơi, giải độc, đi điều dưỡng phục hồi chức năng; 13.750 lượt NNDC được thăm hỏi, tặng quà từ các nguồn ủng hộ của các nhà hảo tâm; 90 NNDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nuôi dưỡng, phục hồi chức năng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công của tỉnh.

Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam” do Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động có sức lan tỏa mạnh mẽ. Cùng với sự đồng cảm và chia sẻ, hội NNCĐDC/dioxin các cấp và NNDC đã nhận được sự giúp đỡ bằng tiền và vật chất của các tổ chức chính trị xã hội, các nhà hảo tâm. Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, nhưng vào dịp Tết Canh Tý 2020, Tết Tân Sửu 2021 và Ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam 10-8, bằng lương tâm và trách nhiệm, nhiều người con quê hương Thanh Hóa đang công tác ở TP Hồ Chí Minh đã ủng hộ với số tiền trên 500 triệu đồng để mua xe lăn, tặng quà tết cho các NNDC. Nhiều tập thể, cá nhân trong tỉnh, trong nước và các tổ chức phi chính phủ, kiều bào ở nước ngoài đã ủng hộ tiền mặt hoặc bằng quà với số tiền hàng trăm triệu đồng để thăm hỏi, tặng quà cho NNDC... Ông Phạm Quang Thư cho biết thêm: Nhờ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước cùng sự chung tay góp sức của cộng đồng, đến nay 100% hộ NNDC thuộc đối tượng người có công đều có nhà ở vững bền, không còn phải ở nhà tranh tre dột nát. Từ các nguồn lực hỗ trợ đã tạo điều kiện cho nhiều NNDC, gia đình NNDC có thêm động lực phấn đấu vượt qua khó khăn, bệnh tật, hòa nhập xã hội để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]