(Baothanhhoa.vn) - Có hiệu lực thi hành sau đây đúng 1 tháng, Nghị định số 06/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức được hy vọng sẽ tạo ra một sự khách quan, công bằng hơn, tuyển dụng được đội ngũ công chức đảm bảo các quy định, góp phần từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ công chức.

Từng bước nâng cao chất lượng công chức

Có hiệu lực thi hành sau đây đúng 1 tháng, Nghị định số 06/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức được hy vọng sẽ tạo ra một sự khách quan, công bằng hơn, tuyển dụng được đội ngũ công chức đảm bảo các quy định, góp phần từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ công chức.

Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, còn đánh giá phẩm chất, nhân cách, thái độ tiếp cận công việc của các ứng viên. Kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật, tránh việc cố ý thu hẹp phạm vi người được thông tin nhằm mục đích vụ lợi. Nội dung kiểm định tập trung vào việc đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn; hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan Nhà nước; quản lý hành chính Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức, đạo đức công vụ; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử...

Đáng nói là, nghị định tạo ra một thể chế khách quan, với việc tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào tách khỏi hội đồng thi tuyển, chỉ duy nhất Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức; cơ quan tuyển dụng công chức có nhu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức lập danh sách thí sinh gửi Bộ Nội vụ để tổ chức kiểm định. Quy định này tránh được tình trạng một hội đồng thi tuyển vừa thi tuyển chuyên môn, vừa thi tuyển kiến thức chung, được ví như là “lấy tay nọ bỏ vào tay kia”.

Việc tuyển dụng công chức lâu nay ở một số ngành, địa phương dù đã có những đổi mới, thí sinh dự thi tuyển bên cạnh việc thi chuyên môn, đã thực hiện bài thi kiến thức chung. Dù vậy, theo phản ánh của nhiều người, nội dung thi tuyển công chức dù tương đối toàn diện nhưng lại chưa kiểm tra được toàn diện kỹ năng của người dự tuyển. Sau khi thí sinh trúng tuyển, bổ nhiệm vào ngạch công chức, nhiều người đã rất lúng túng trong xử lý công việc, phải mất thời gian dài mới có thể bắt nhịp. Chưa kể có hội đồng thi tuyển ưu ái trong thi kiến thức chung, chỉ chú trọng phần thi chuyên môn, nghiệp vụ với quan niệm đây mới là nhiệm vụ quan trọng cần phải có, các kiến thức khác vừa làm vừa bổ sung.

Với yêu cầu đặt ra ngày càng cao cho nền hành chính công vụ hiện nay, công chức không đơn thuần chỉ làm chuyên môn. Họ còn phải làm nhiều việc liên quan đến công tác phối hợp với các ngành khác, lĩnh vực khác. Để làm tốt nhiệm vụ, họ cần có phông kiến thức rộng, nhất là hiểu biết về hệ thống chính trị, pháp luật, lịch sử, văn hóa...

Nghị định số 06/2023/NĐ-CP sau khi ban hành đem đến sự phấn khởi cho nhiều ứng viên. Người dự tuyển tin rằng thực hiện nghiêm các quy định trong nghị định sẽ đem đến sự khách quan, công bằng, tuyển dụng được người có hiểu biết rộng, làm việc tốt hơn sau khi trúng tuyển.

Thái Minh


Thái Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]