(Baothanhhoa.vn) - Mấy năm trước về quê thấy cả nhà chú tôi vào làm ở khu công nghiệp. Chú làm bảo vệ, con trai, con gái đều làm công nhân, mỗi thím ở nhà lo cơm nước. Thím bảo cũng còn sức, nhưng đi cả thì chẳng ai trông nom nhà cửa, lo cơm nước cả.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực dụng với đồng ruộng!

Mấy năm trước về quê thấy cả nhà chú tôi vào làm ở khu công nghiệp. Chú làm bảo vệ, con trai, con gái đều làm công nhân, mỗi thím ở nhà lo cơm nước. Thím bảo cũng còn sức, nhưng đi cả thì chẳng ai trông nom nhà cửa, lo cơm nước cả.

Thực dụng với đồng ruộng!

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Tiền phong)

Tôi hỏi còn đồng áng thì thế nào, ai lo? Tỉnh queo, thím bảo tao bỏ hết rồi. Mấy bố con em nó làm công nhân nếu tăng ca thì mỗi tháng cũng được trên dưới 20 triệu đồng. Cả nhà làm một mẫu lúa mỗi vụ thử hỏi lời lãi được bao nhiêu. Làng mình tiếng là bờ xôi, ruộng mật, nhưng bây giờ cái gì cũng phải thuê mượn cả. Từ lúc hạt mầm xuống ruộng đến khi hạt thóc về nhà cái gì cũng phải chi tiền cả. Dân làng ta bỏ ruộng nhiều rồi đấy.

Câu chuyện thím kể làm tôi thêm cồn cào. Đọc trên báo biết từ mấy năm trước nữa đã có chuyện nông dân bỏ ruộng, nhưng buồn hơn là tình trạng này ngày một nhiều hơn, mà lại có cả ở làng mình. Những cánh đồng làng đã nuôi lớn biết bao thế hệ người, thế mà giờ người làng lại bạc bẽo với ruộng đồng đến thế sao.

Bẵng đi một hồi, lần này về quê, bên mâm cơm rượu, cao hứng chú nói: Tao sắp có tiền rồi. Theo cách nhẩm của chú mỗi sào ruộng chú sẽ có khoảng mấy chục triệu tiền dự án bồi thường và với gần một mẫu, số tiền thu về không hề nhỏ.

Nhưng rồi chú thoáng buồn cho biết việc đòi lại những sào ruộng mà chú đã cho đi ấy có chút vướng mắc. Những gia đình đang canh tác trên ruộng của gia đình chú lâu nay nộp thuế nông nghiệp thay chú, họ nói rằng ruộng ấy giờ không phải cứ nói lấy lại là lấy được. Lúc không cần ruộng thì nài nỉ họ làm, giờ nghe tin có dự án về cánh đồng làng thì đòi lại.

Vẫn biết câu chuyện đòi và trả ruộng mà chú kể có chút cảm tính, bởi dù ai đó đóng thuế nông nghiệp thay nhà chú, thì ruộng đã được chia, trên sổ bộ vẫn mang tên gia đình chú. Nhà nước có thu hồi để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, thì phải làm việc với nhà chú chứ lý nào lại làm việc với người mượn ruộng. Việc ấy gác lại không bàn đến. Điều đáng phàn nàn qua câu chuyện của chú chính là sự tính toán, bon chen. Những thửa ruộng bỏ hoang rồi dễ dàng tống khứ đi không cần biết sẽ như thế nào, có vi phạm hay không, nhưng khi nhìn thấy lợi thì ai cũng muốn giành về phần mình. Nhà chú đòi lại ruộng là đương nhiên. Nhưng người được cho mượn ruộng cũng cố dây dưa để hy vọng kiếm chác được gì từ việc bồi thường giải phóng mặt bằng thì thật là khó để mà chấp nhận.

Ruộng đất là tài nguyên quan trọng của quốc gia, là tư liệu lao động tối quan trọng của nông dân, thế nhưng qua câu chuyện của chú, tôi thấy nó đang bị rẻ rúng, xem thường và chỉ trở nên có giá trị khi có một sự biến động liên quan đến lợi ích của những người liên quan. Lẽ nào lại bạc bẽo và thực dụng như thế?

Hạnh Nhiên


Hạnh Nhiên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]