(Baothanhhoa.vn) - Vùng nông thôn, miền núi, đi đâu, chỗ nào cũng thấy những đồi cọ mọc lên xanh tốt và những đám lau trùng điệp. Từ bao đời nay, cây cọ, cây lau đã trở nên thân thuộc với những người dân quê cần cù, lam lũ... Chúng là loại cây của tự nhiên, phục vụ con người một cách tự nhiên. Cả 2 giống cây này đều không phải thuần dưỡng, cải tạo và chăm sóc, chỉ cần bỏ công thu hoạch là có thể tăng thu nhập lúc nông nhàn.

Nương nhờ bông lau, lá cọ

Vùng nông thôn, miền núi, đi đâu, chỗ nào cũng thấy những đồi cọ mọc lên xanh tốt và những đám lau trùng điệp. Từ bao đời nay, cây cọ, cây lau đã trở nên thân thuộc với những người dân quê cần cù, lam lũ... Chúng là loại cây của tự nhiên, phục vụ con người một cách tự nhiên. Cả 2 giống cây này đều không phải thuần dưỡng, cải tạo và chăm sóc, chỉ cần bỏ công thu hoạch là có thể tăng thu nhập lúc nông nhàn.

Nương nhờ bông lau, lá cọLá cọ sau khi khai thác về được sơ chế, phơi khô xuất bán đi nhiều nơi trong và ngoài nước để làm chổi, quạt trang trí nhà hàng, quán ăn... Ảnh: Tiến Đông

Nghề trèo cọ chặt lá

Ở tỉnh ta, cây cọ mọc phân bố nhiều ở các huyện miền núi xứ Thanh. Trước đây cuộc sống còn gian khó, mọi nhà thiếu thốn thì cây cọ phát huy tối đa tác dụng. Lá cọ dùng để lợp nhà, khâu nón; thân cọ làm cột nhà, máng nước, máng lợn, chõ đồ xôi; cuống cọ làm rui mè, lạt buộc, rào dậu hoặc để đan rọ lợn, lồng gà, mành rèm; còn quả cọ dùng để đồ xôi...

Cuộc sống đổi thay từng ngày, những mái nhà lá cọ thưa dần. Những rừng cọ đang ngày càng thưa thớt và ít dần đi, thay vào đó là những loại cây khác, hoặc những khu dân cư. Nhưng dù có thế, cây cọ vẫn ở đó và lặng lẽ phát huy tác dụng của mình theo cách này hay cách khác. Vì thế, nghề trèo cọ khai thác lá vẫn còn đất sống.

Ngồi dưới gốc cọ nghỉ ngơi, anh Tào Văn Chung, thôn Điền Giang, xã Điền Lư (Bá Thước), cho chúng tôi xem bàn chân của mình với nhì nhằng vết sạn chai. Anh tặc lưỡi: “Mới vài năm thôi mà người đầy thương tích. Chỗ nào cũng nham nhở sẹo ngang, sẹo dọc như ruộng mùa khô. Trước đây cọ rất sẵn, đi đâu cũng gặp nhưng do quá trình khai hoang phục hóa nên không còn đất cho cây cọ mọc nữa. Vì thế, công việc của chúng tôi thường xuyên phải di chuyển từ vùng này qua vùng khác, vùng sau sẽ phải đi xa hơn vùng trước. Vừa rồi, chúng tôi “lập chốt” hái lá cọ bên xã Điền Quang, khi cọ bên đó đã vãn, bèn chuyển qua xã Điền Hạ. Mỗi chuyến đi như thế kéo dài khoảng vài ngày, đến lúc chất đầy một xe lá cọ thì đánh về”.

Nghề chặt lá cọ là nghề cực nhọc và phải luôn đối mặt với những hiểm nguy, như gãy thang, bị ong, kiến đốt... Họ chỉ có một con dao sắc, cái thang tre và lòng dũng cảm. “Bây giờ, ở các vùng quê đâu có thiếu việc mà phải “đánh đu” với những thân cây cọ?” - nghe tôi hỏi thế, anh Nguyễn Văn Hưng - một “chiến hữu”, cùng quê với anh Chung, khẽ cười: “Ai chả muốn an nhàn, nhưng ông trời đâu có chiều lòng người?...”. Nói rồi, anh Hưng buông một tiếng thở dài khiến tôi không dám hỏi tiếp, mà chỉ ngầm hiểu rằng, những người như anh đều có những hoàn cảnh khó khăn riêng. Dẫu sao thì trèo cọ cũng mang lại thu nhập cao ở xứ này. So với làm nông, chặt lá cọ có thể cho thu nhập gấp 2, 3 lần. Cụ thể, mỗi người một ngày có thể chặt được 350 - 400 lá tươi, giá bốc lên xe là 2.000 đồng/lá. Nếu thời tiết thuận lợi, lá cọ tươi mang về được sơ chế, phơi khô có thể bán giá gấp đôi hoặc gấp ba.

Đặc biệt đi cùng các anh còn có 2 người phụ nữ, họ phụ trách công tác hậu cần dưới mặt đất. Lá cọ sau khi được anh Hưng và anh Chung chặt xuống, 2 người phụ nữ sẽ nhặt và xếp gọn vào một chỗ hoặc chất luôn lên xe. Chị Tào Thị Tâm, thôn Điền Giang, xã Điền Lư, chia sẻ: “Vài năm trước, cây trồng chủ đạo của thôn là mía nhưng mía ế ẩm không bán được, đầu ra bấp bênh khiến cuộc sống người dân địa phương rất chật vật. Thấy những người dưới xuôi lên đây hái lá cọ chở về đó bán, chúng tôi cũng làm theo. Ban đầu là nhập cho họ nhưng tiền công không đáng kể. Sau đó, thấy nghề này có thể phát triển hơn nữa, mấy anh em trong nhà bắt tay nhau cùng làm. Ngoài tổ chức cho người nhà khai thác, tôi sẽ đứng ra thu mua của những người dân tại địa phương và tìm đầu ra phân phối. Nhờ thứ lá tưởng như không còn giá trị sử dụng ở thời hiện tại lại mang đến thu nhập ổn định cho đại gia đình chúng tôi và rất nhiều người dân khác tại địa phương”.

Cứu cánh lúc nông nhàn

Ngoài duy trì nghề khai thác, thu mua, phân phối lá cọ, đến mùa hoa lau, gia đình chị Tâm từ già trẻ, lớn bé lại đi dọc 2 bờ sông Mã khai thác bông lau để cung cấp cho các cơ sở làm chổi. Chỉ riêng huyện Hoằng Hóa hiện nay có đến hàng chục cơ sở chuyên sản xuất chổi có quy mô, cung cấp hàng cho thị trường khắp cả nước, thậm chí là xuất khẩu đi nước ngoài nên nhu cầu bông lau nguyên liệu là rất lớn. Khác với cọ có thể khai thác quanh năm, hoa lau chỉ có theo mùa, thường rộ và cuối thu - đầu đông nên bông lau khai thác được bao nhiêu thương lái đều thu mua hết, đem về xử lý để dùng dần.

Bông lau tươi có giá từ 3.500 - 4.000 đồng/kg, bông đã phơi khô 20.000 - 25.000 đồng/kg. Một người hái giỏi có thể kiếm được 40 - 50 kg bông lau tươi mỗi ngày. Chị Tâm chia sẻ: “Hái bông lau không cần vốn đầu tư, chỉ cần siêng năng là có tiền. Đồ nghề là cây móc sắt tự chế dài khoảng 2m, một cái túi đeo bên hông làm từ bao xi măng cắt ra. Cứ vậy len lỏi giữa các đám lau khi nào đầy túi thì ra bờ đê cho người khác rải ra phơi. Chiều tối gom hết lên xe chở về kho”.

Vừa ôm bó bông lau về cân bán cho chị Tâm, chị Cao Thị Lài, thôn Điền Giang, xã Điền Lư, cho biết thêm: “Cứ mỗi mùa bông lau, tôi có thể kiếm được 10 - 20 triệu đồng, đem gửi tiết kiệm. Qua 3, 4 mùa bông lau, tôi đã mua xe máy cho con trai đi học đại học xa nhà”.

Được biết, cách đây 2 năm, khi con trai lớn của chị Lài vào học đại học nông nghiệp Hà Nội cũng là lúc chồng chị lâm bệnh, không lao động nặng được. Để có tiền cho các con đi học, chữa bệnh cho chồng, chị chạy vạy khắp nơi, làm đủ nghề để kiếm sống. Nghe mọi người nói nghề hái lá cọ, bông lau tuy nặng nhọc nhưng được cái nhiều việc, thu nhập lại khá nên chị quyết định nhập nghề. Sau mấy năm dành dụm, chị cũng cơ bản trả hết nợ. Con trai đầu của chị đã ra trường, kiếm được việc làm nên cũng phụ giúp mẹ nuôi em ăn học. Giờ, tuy gia cảnh đã đỡ phần nào, nhưng chị vẫn tiếp tục theo nghề với mong muốn có chút vốn dắt lưng khi hai vợ chồng không còn nhiều sức khỏe...

Không biết chồng và các con của chị Lài sẽ nghĩ gì khi nghe được tâm sự của chị - người vợ, người mẹ tần tảo. Còn với chúng tôi, những việc làm đó không hề là “điều bình thường” như lời chị nói. Bởi một lẽ đơn giản, những bước chân của chị trải dài trên chặng đường mưu sinh chính là tấm lòng của người làm mẹ muốn “trải thảm đỏ” cho các con mình bước vào cổng trường đại học; là tấm lòng của người mẹ dưới vai trò của người cha muốn chở che, vun đắp cho mái ấm gia đình. Những gì mà chị mang lại cho người thân từ cái nghề nhọc nhằn này, theo tôi, đó là tình yêu và tương lai. Sự thành công của con cái là “quả ngọt” dành cho những con người hiền lành, chân chất đang mải miết đi tìm kế sinh nhai cho tổ ấm của mình.

Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]