(Baothanhhoa.vn) - Cùng với những nỗ lực trong việc chuyển đổi sinh kế, tạo việc làm cho bà con các dân tộc trên địa bàn huyện Mường Lát, thời gian qua, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang được các cấp chính quyền địa phương chú trọng. Đây được xem là hướng đi mới, hiệu quả trong công tác giảm nghèo nhanh, bền vững, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiều hộ dân huyện vùng biên thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Cùng với những nỗ lực trong việc chuyển đổi sinh kế, tạo việc làm cho bà con các dân tộc trên địa bàn huyện Mường Lát, thời gian qua, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang được các cấp chính quyền địa phương chú trọng. Đây được xem là hướng đi mới, hiệu quả trong công tác giảm nghèo nhanh, bền vững, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiều hộ dân huyện vùng biên thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động

Chương trình xuất khẩu lao động đang tạo sự khởi sắc cho nhiều địa phương huyện Mường Lát. Trong ảnh: Một góc bản Pùng, xã Quang Chiểu (Mường Lát).

Hiệu quả “kép” từ XKLĐ

Nhiều năm quanh quẩn với vài sào ruộng cùng đàn gà, đàn vịt,... gia đình ông Vi Văn Khoa, ở khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát không tìm được hướng thoát nghèo. Năm 2019, được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phổ biến về chương trình cho vay vốn đi XKLĐ cùng một số chính sách ưu đãi hỗ trợ, người con cả của ông Khoa là Vi Văn Khanh (SN 1998) đã xin gia đình “xuất ngoại” với ước mơ thoát được nghèo. Thấy quyết tâm của con trai cả, ông Khoa đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 85 triệu đồng lo chi phí cho con đi XKLĐ. Sau gần 3 năm sang Đài Loan làm việc, anh Khanh không chỉ trả hết nợ ngân hàng, giúp gia đình thoát được hộ nghèo, anh còn tích góp khoản tiền gửi lại ngân hàng chính sách xã hội làm vốn. Dự định sau khi trở về, anh Khanh sẽ mở một cửa hàng vật liệu xây dựng để kinh doanh...

Từ thành công của người con cả, con thứ hai của ông Khoa là Vi Văn Khang (SN 1999) cũng lựa chọn con đường XKLĐ làm hướng đi thoát nghèo. Cuối năm 2021, anh Khang đi XKLĐ sang Đài Loan, làm việc trong nhà máy sản xuất giày dép, với thu nhập dao động từ 20 - 25 triệu đồng/tháng. Dù thời gian đi XKLĐ chưa được 1 năm, nhưng với mức thu nhập ổn định, anh Khang đã tích góp gửi tiền về trả hết nợ ngân hàng, giúp gia đình sửa sang lại nhà cửa.

Tương tự, trường hợp gia đình anh Lò Văn Liệu, ở bản Pùng, xã Quang Chiểu dù có hoàn cảnh hết sức éo le, bản thân anh Liệu thuộc đối tượng hưởng chế độ tàn tật, không có khả năng lao động. Những tưởng gia đình anh sẽ mãi là hộ nghèo, nhưng sau khi được tư vấn của cán bộ ngân hàng về các chương trình tín dụng, hai vợ chồng mạnh dạn vay 52 triệu đồng cùng với vốn vay từ anh em người nhà, chị Pẹn (vợ anh Liệu) đi XKLĐ sang Đài Loan. Anh Liệu cho biết: “Nhận thức rõ việc Nhà nước trao cơ hội vay vốn ngân hàng chính sách đi xuất khẩu, gia đình đã làm hồ sơ vay với mong muốn có cơ may thoát nghèo, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Hơn 1 năm đi làm, vợ tôi đã có tiền gửi về cho 3 bố con trả hết nợ ngân hàng, có tiền tích cóp”.

Bà Mai Thị Hường, công chức văn hóa xã hội thị trấn Mường Lát, cho biết: Với mong muốn có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, những năm gần đây, XKLĐ trở thành một “phong trào thoát nghèo” trên địa bàn thị trấn. Tính đến đầu tháng 12-2022, thị trấn Mường Lát có 60 người đi XKLĐ sang các thị trường như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Trong đó, thị trường Đài Loan chiếm hơn 60%, đây được đánh giá là thị trường phù hợp với người lao động, mức chi phí đi thấp, thu nhập ổn định từ 15 - 25 triệu đồng/tháng/người.

Với xã Quang Chiểu, địa phương được đánh giá có phong trào đi XKLĐ sôi nổi nhất của huyện Mường Lát. Năm 2022, trên địa bàn xã có 94 người đi XKLĐ, trong đó thị trường Đài Loan 42 lao động, Nhật Bản 25 lao động, Hàn Quốc 23 lao động, Liên bang Nga 4 lao động. Đặc biệt, nhiều gia đình có 2 đến 3 con em đều đi XKLĐ trở nên khá giả. Ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, cho biết: Toàn xã có 1.244 hộ, hơn 6 nghìn nhân khẩu, trong đó có tới gần 3 nghìn người trong độ tuổi lao động. Đây được xem là lợi thế về nguồn nhân lực góp phần giúp địa phương thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, người dân đi XKLĐ là một trong những giải pháp mang lại những hiệu quả “kép”. Không chỉ góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống, đóng góp xây dựng quê hương, mà đây còn là nguồn nhân lực có chất lượng, có khả năng làm ăn kinh tế, sau khi đi XKLĐ trở về sẽ thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại tại địa phương, giải quyết được nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo và hạn chế các tệ nạn xã hội...

Nhiều chính sách hỗ trợ đi XKLĐ

Ông Nguyễn Đức Thượng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Lát, cho biết: Tổng dư nợ vốn vay ưu đãi dành cho chương trình XKLĐ trên địa bàn huyện Mường Lát đến tháng 12-2022 đạt 12.389 triệu đồng, với 248 lao động còn dư nợ. Trong đó, một số địa phương có dư nợ tín dụng chương trình cao, như: xã Quang Chiểu dư nợ tín dụng đạt hơn 5 tỷ đồng; thị trấn Mường Lát dư nợ tín dụng đạt hơn 3 tỷ đồng; xã Mường Chanh dư nợ gần 2 tỷ đồng... Với nguồn vốn vay XKLĐ đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện thoát nghèo bền vững. Qua rà soát năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 47,71% (năm 2021 là 56,18%); hộ cận nghèo giảm còn 17,63% (năm 2021 là 12,64%).

Ông Trương Văn Bình, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Lát, nhận định: Chương trình XKLĐ được xem là một trong những hướng đi hiệu quả trong công tác giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi huyện Mường Lát. Để đẩy mạnh chương trình này, tại Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2021. Mỗi lao động sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng. Ngoài ra, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 24 tháng, tính từ ngày thoát nghèo), hộ cận nghèo và hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số khi đi lao động XKLĐ sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong vòng 24 tháng.

Gần đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 15/2022/TT-BTC ngày 4-3-2022 quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, hướng dẫn các mức hỗ trợ cụ thể, như: đào tạo ngoại ngữ hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo 50 nghìn đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo 400 nghìn đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền trang cấp đồ dùng cá nhân (quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép...) ở mức 600 nghìn đồng/người.

Ngoài ra, người dân tộc thiểu số còn được hỗ trợ tiền đi lại (1 lượt đi và về) khi tham gia đào tạo với mức 200 nghìn đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú cách địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên; mức 300 nghìn đồng/người/khóa học đối với người lao động cư trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cách địa điểm đào tạo từ 10 km trở lên; chi phí khám sức khỏe trước khi đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ tối đa là 750 nghìn đồng/người. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số khi đi làm việc ở nước ngoài còn được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cùng với đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 6-9-2022 hướng dẫn thực hiện nội dung về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Theo đó, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, các thủ tục khi đi nước ngoài làm việc.

Bên cạnh những chính sách ưu đãi cho chương trình XKLĐ, với huyện Mường Lát cũng còn một số khó khăn như: nhận thức, tập quán của người dân ngại di chuyển, không muốn rời bỏ quê hương, bản làng để đi làm ăn, sinh sống xa nhà, nhiều người không muốn tham gia XKLĐ; đội ngũ cán bộ chuyên trách về việc làm, XKLĐ kiêm nhiệm thiếu về số lượng, dẫn đến việc tuyên truyền, tư vấn cho người lao động không đạt yêu cầu. Nhiều đơn vị công ty môi giới tự ý đấu nối thông qua các cộng tác viên tuyển dụng lao động không thông qua xã, huyện; chưa có trung tâm dạy tiếng, tổ chức thi cử tại huyện khiến người lao động phải ra Hà Nội, hoặc xuống thành phố học tiếng, thi cử tốn kém. Ngoài ra, một số ít doanh nghiệp vẫn còn tình trạng chưa quan tâm đến người lao động và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động khi sang lao động tại nước sở tại...

Thời gian tới, để đẩy mạnh chương trình XKLĐ, ngoài việc tập trung nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động XKLĐ, huyện cũng sẽ tích cực hơn nữa trong việc chủ động đấu mối, phối hợp với các doanh nghiệp trong lĩnh vực XKLĐ để người dân có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp, nâng cao hiệu quả trong công tác XKLĐ.

Bài và ảnh: Đình Giang


Bài và ảnh: Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]