(Baothanhhoa.vn) - Có những sự im lặng được cho là vàng. Nhưng cũng có những sự im lặng mà đằng sau nó là nước mắt và vô số tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần. Sự im lặng ấy xuất phát từ tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã và đang gây ra nhiều nỗi đau, sự sợ hãi và ám ảnh dai dẳng cho nhiều thế hệ. Phá bỏ sự im lặng đáng sợ này cần được đặt ra một cách cấp thiết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25-11: Phá bỏ sự im lặng!

Có những sự im lặng được cho là vàng. Nhưng cũng có những sự im lặng mà đằng sau nó là nước mắt và vô số tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần. Sự im lặng ấy xuất phát từ tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã và đang gây ra nhiều nỗi đau, sự sợ hãi và ám ảnh dai dẳng cho nhiều thế hệ. Phá bỏ sự im lặng đáng sợ này cần được đặt ra một cách cấp thiết.

Phụ nữ dân tộc Mông (huyện Mường Lát) trong một phiên chợ.

Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979 của Liên hợp quốc, nhấn mạnh rằng, sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ vi phạm các nguyên tắc bình đẳng về các quyền và tôn trọng nhân phẩm; đồng thời, là một trở ngại với sự tham gia của phụ nữ, trên cơ sở bình đẳng với đàn ông, vào đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội và chính trị của quốc gia; làm ảnh hưởng tới sự thịnh vượng của xã hội và gia đình và gây nhiều khó khăn cho sự phát triển đầy đủ các khả năng tiềm tàng của phụ nữ trong việc phục vụ đất nước và loài người. Xuất phát từ lẽ đó mà xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử, bất công, nhất là tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, đã và luôn được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đặt ra. Cũng do đó mà ngày 25-11 hằng năm được chọn là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, với hy vọng nhiều hoạt động thiết thực sẽ góp phần thay đổi nhận thức của mỗi người, đặc biệt là nam giới về vấn đề nan giải này.

Trên bình diện chung, khi xã hội ngày càng phát triển thì vai trò, địa vị của người phụ nữ càng được mở rộng và khẳng định cả về phạm vi và mức độ, từ gia đình đến xã hội. Tuy nhiên, sự đóng góp lớn lao của phụ nữ trong việc xây dựng nên cái tế bào hạnh phúc mang tên gia đình và vào sự phát triển của xã hội, không phải ở đâu và lúc nào cũng được công nhận đầy đủ. Bởi, trong thực tế, sự phân biệt đối xử, đặc biệt là tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái - hình thức đối xử cực đoan nhất - vẫn đang tồn tại. Thậm chí, ở nhiều nơi, nó trở thành một vấn đề xã hội gây nhức nhối, khiến cho nhiều nỗ lực thực hiện chính sách bình đẳng giới trở nên khó khăn. Đáng lên án hơn là tình trạng bạo lực đối với phụ nữ phần lớn xảy ra ngay trong gia đình, dưới mái nhà, nơi vẫn được gọi là tổ ấm và là nơi an toàn nhất đối với mỗi thành viên. Đồng thời, đối tượng thực hiện các hành vi bạo hành là người thân và thường là chồng, là cha của họ.

Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực gia đình của Tổng cục Thống kê được tiến hành cách đây vài năm, cho thấy: Ở Việt Nam, cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình, thì có 1 người từng bị chồng bạo hành về thể xác hoặc tình dục; 58% phụ nữ thừa nhận từng bị một loại hình bạo lực trong đời; 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công hoặc người có thẩm quyền; 60% phụ nữ bị bạo lực không nắm được Luật Phòng chống bạo lực gia đình... Đối với tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính riêng năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 1.136 vụ bạo lực gia đình dưới nhiều hình thức, cả thể chất lẫn tinh thần, với mức độ nghiêm trọng khác nhau và nạn nhân bị bạo lực chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gái. Đó là những con số đáng báo động về thực trạng và nguy cơ tiềm tàng bị bạo lực gia đình ở những thời điểm khác nhau trong cuộc sống của nhiều phụ nữ. Đặc biệt, hoàn cảnh sống càng nghèo khổ, phụ nữ càng có ít cơ hội được chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, việc làm, thu nhập và các nhu cầu khác. Và do đó, họ càng có nhiều nguy cơ bị phân biệt đối xử, bị bạo hành và là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi xung đột xảy ra.

Là phụ nữ phải biết hy sinh, biết chịu đựng, biết im lặng cho gia đình “trong ấm ngoài êm”... Cái quan niệm ấy đã ăn sâu bén rễ trong cả cộng đồng và nhận thức của cả 2 giới. Để rồi, nó được mặc nhiên thừa nhận như một phần tính cách, nghĩa vụ, bổn phận, thậm chí là lẽ sống của người phụ nữ. Bởi vậy mà, kể cả khi bị bạo hành trong thời gian dài, nhiều người vẫn âm thầm chịu đựng như một “lẽ đương nhiên”; hoặc cố tình giấu giếm sợ mọi người chê cười vì “xấu chàng hổ ai”; hoặc lo sợ sẽ bạo hành nặng nề hơn nếu dám lên tiếng cầu xin sự giúp đỡ. Cuộc đời người phụ nữ được phản chiếu qua hình ảnh người đàn ông của họ. Do đó có thể hình dung, một người chồng ưa dùng nắm đấm để giải quyết các xung đột trong gia đình, hay dùng lời nói lăng mạ, sỉ nhục với vợ mình, thì cuộc sống của phụ nữ khó có thể hạnh phúc, nếu không muốn nói là như địa ngục. Tình trạng bạo hành luôn đáng lên án, nhưng còn đáng sợ hơn cả tiếng chửi rủa, đánh đập là sự im lặng, thờ ơ của cộng đồng làng xóm khi cho rằng vợ chồng đánh chửi nhau là “việc trong nhà”. Thậm chí, vợ bị chồng đánh đập là “đáng” vì dám cãi chồng, không nghe lời, không chịu nhún nhường...

Định kiến về giới khi quan niệm đàn ông là trụ cột gia đình nên có nhiều quyền hành, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” và những bất công trong đối xử với nam và nữ, được xem là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái hiện nay. Cùng với đó là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bạo lực là tình trạng lạm dụng bia rượu; bất đồng quan điểm trong cuộc sống, công việc, nuôi dạy con cái; xung đột lợi ích kinh tế và khó dung hòa các mối quan hệ trong gia đình, ngoài xã hội... Tình trạng bạo lực đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, lâu dài, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ và cơ chế hữu hiệu, nhằm bảo vệ quyền lợi, sức khỏe, tính mạng và nhân phẩm của phụ nữ. Có một thực tế hiện nay là bạo lực gia đình đang trở thành nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã có 30.192/33.063 vụ ly hôn xuất phát từ nguyên nhân bạo lực thể xác, bạo lực về tinh thần và bạo lực về tình dục trong gia đình. Khi những sự hòa giải không mang lại tác dụng trước người đàn ông không thích nói chuyện bằng lý, không xem trọng tình và coi vợ như vật sở hữu, có quyền được đánh đập, mắng chửi, răn dạy; hay khi luật pháp vẫn đứng bên ngoài những ngôi nhà cửa đóng im ỉm vì bạo hành; thì cũng dễ hiểu khi ly hôn – dù đôi khi là sự trốn chạy hay một cuộc đào thoát tình thế - với nhiều phụ nữ bị bạo hành, đây vẫn là giải pháp giúp họ thoát khỏi cuộc sống địa ngục.

Cũng vì lẽ đó mà giải quyết tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trước hết phải bắt đầu từ gia đình. Theo đó, Luật Phòng chống bạo lực gia đình (năm 2007) và Luật Bình đẳng giới (năm 2006) ra đời được hy vọng sẽ tạo ra những “tấm lá chắn” hữu hiệu, bảo vệ phụ nữ trước những tác nhân gây hại đến sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, hạnh phúc, quyền lợi... của họ. Nhiều chính sách đã được thực thi và do đó, nhiều nạn nhân bị bạo lực đã được tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ. Tuy nhiên, sự khác biệt về điều kiện xã hội, trình độ dân trí, phong tục tập quán, định kiến giới, bất bình đẳng giới... giữa các vùng miền, các tầng lớp nhân dân; đồng thời, nhận thức và sự quan tâm chưa đúng mức của cấp ủy, chính quyền một số địa phương đến lĩnh vực gia đình nói chung, công tác phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng, đã và đang khiến cho việc triển khai các văn bản pháp luật này trong thực tế, chưa thật hiệu quả. Đáng nói hơn, sự im lặng của gia đình, cộng đồng và chính người trong cuộc đã khiến cho việc áp dụng các giải pháp hòa giải hay can thiệp từ luật pháp cũng trở nên khó khăn. Đó là chưa kể, chúng ta đang nghiêng hơn về tuyên truyền, nặng hơn về tình cảm khi giải quyết vấn đề có tính “nội bộ gia đình” này; trong khi, đây rõ ràng là hành vi trái pháp luật.

Phá bỏ im lặng bằng sự mạnh dạn lên tiếng của các nạn nhân; sự tham gia quyết liệt từ cộng đồng; sự can thiệp hữu hiệu từ các cơ chế pháp lý sẽ tạo nên tổng hòa các tác nhân – giải pháp, nhằm hạn chế tình trạng bạo lực đối với phụ nữ hiện nay. Cùng với đó là cần thay đổi quan niệm truyền thống về vai trò và quyền lực của nam giới và phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, xem đây là yếu tố cơ bản và cần thiết để đạt được bình đẳng giới. Đồng thời, để có thể duy trì và thực thi được cái “trật tự mới” này, nhất thiết phải dựa trên cán cân của công lý và sự công bằng trong xã hội.


Bài và ảnh: Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]