(Baothanhhoa.vn) - Cùng nhau lao động, thầy Phạm Văn Mùi và cô Vũ Thị Loan đang miệt mài "gieo chữ" và trao yêu thương chốn cao sơn. Những việc làm của họ thầm lặng, vô hình góp phần mang nắng ấm về cho vùng đất khó...

Gieo “mầm xuân” trên đá

Cùng nhau lao động, thầy Phạm Văn Mùi và cô Vũ Thị Loan đang miệt mài “gieo chữ” và trao yêu thương chốn cao sơn. Những việc làm của họ thầm lặng, vô hình góp phần mang nắng ấm về cho vùng đất khó...

Gieo “mầm xuân” trên đáNhững đứa trẻ ở điểm trường mầm non Khu Cánh Cộng.

Sáng sớm, sương mù đặc quánh trên đỉnh Pù Hu. Điểm trường mầm non khu Cánh Cộng, xã Trung Lý, huyện Mường Lát nép mình bên hông núi. Gió lạnh luồn qua khe cửa khiến ánh sáng lờ mờ từ chiếc bóng đèn trong góc phòng cũng “run lẩy bẩy”. Với tay tắt chuông đồng hồ báo thức, cô Loan lay thầy Mùi đang cuộn tròn trong chiếc chăn: “Dậy thôi! Nay đầu tuần làm lễ chào cờ, phải chuẩn bị nhiều lắm đấy”. Thầy Mùi quê ở Cẩm Thủy là giáo viên Trường Tiểu học Trung Lý 2, dạy lớp ghép 1-2 và 3-4 ở khu Cá Giáng. Còn cô Loan quê ở huyện Thiệu Hóa là giáo viên Trường Mầm non Trung Lý, phụ trách lớp mầm non từ 3-5 tuổi khu Cánh Cộng. Không chỉ là đồng nghiệp, họ còn là vợ chồng.

Vợ chồng thầy Mùi, cô Loan có cô con gái nhỏ 5 tuổi, mang cái tên rất đẹp: Phạm Thị Mỹ Duyên. Con là trái ngọt sau hành trình dài mong ngóng và tìm kiếm của đôi vợ chồng trẻ. Duyên sắp lên tiểu học. Để chuẩn bị cho con gái những kiến thức cơ bản, mỗi sáng thầy Mùi đưa con gái đến lớp mình dạy để học cùng các anh chị. Không phải chịu cảnh xa bố mẹ từ nhỏ như nhiều đứa trẻ con giáo viên vùng cao khác, Duyên lớn lên trong cảnh thiếu thốn đủ bề về vật chất và chăm sóc y tế. Có lẽ vì thế, Duyên khó nuôi và rất hay ốm vặt như lời chị Loan.

6h sáng, gia đình nhỏ ngồi quây bên chiếc bàn học sinh để ăn sáng. Thi thoảng, tiếng cô Loan nhắc con gái ăn nhanh phá vỡ khoảng trời tĩnh mịch. 7h sáng, thầy Mùi dẫn con gái lên đầu dốc mở cửa lớp học, sắp xếp lại bàn ghế. Vì cơ sở vật chất khu Cá Giáng đang xuống cấp nên các em học sinh tiểu học ở bản phải mượn lớp học ở khu Cánh Cộng. Nhờ thế mà đường đến lớp của 2 bố con ngắn hơn rất nhiều. 7h30, thầy Mùi bắt đầu những bài giảng đầu tiên thì cô Loan vẫn tất bật đón những đứa trẻ đến lớp.

8h30, toàn bộ 16 đứa trẻ bắt đầu vào giờ học chính thức. Cô Loan bắt nhịp hát: “Hai vây xinh xinh (làm động tác vẫy vẫy như bơi) cá vàng bơi ở đâu?”. Các em đồng thanh: “Cá vàng bơi trong bể nước”... Lớp học cứ thế rộn tiếng cười, tiếng hát. Những tiếng hát còn ngọng nghịu, nhưng rất tròn, giòn tan.

Bản Cánh Cộng là nơi định cư lâu đời của 64 hộ đồng bào dân tộc Mông. Cánh Cộng xa tít tắp và biệt lập với thế giới bên ngoài, trừ sắn, ngô và khoảng 40 con gia súc, mọi thứ đều phải gùi cõng từ ngoài vào. Nói chung, cuộc sống người dân Cánh Cộng đều giống nhau, đó là nghèo. Ngoài 2 hộ thoát nghèo để trở thành cận nghèo, 62 hộ dân còn lại đều là hộ nghèo.

Thông thường, cuối hè, trước thềm năm học mới, cô Loan và các đồng nghiệp sẽ đi một lượt các bản điều tra phổ cập. Nhưng hầu như chẳng gặp được ai, phụ huynh bồng bế con đi làm, bỏ lại những căn nhà “trống hoác”, theo đúng nghĩa đen.

Nằm biệt lập bên kia sông Mã, ở bản Tà Cóm, Cá Giáng, Cánh Cộng... mạng internet chưa tới, sóng điện thoại lúc được lúc mất. Để duy trì liên lạc khi có việc cần, cô Loan lưu lại hơn chục số điện thoại của phụ huynh và trưởng bản, nhưng phần nhiều trong những cuộc gọi cô nhận về thông báo thuê bao không liên lạc được từ nhà mạng.

Gieo “mầm xuân” trên đáBữa cơm buổi trưa của các em được đựng trong túi bóng.

Khi năm học mới bắt đầu, cô Loan nhớ mặt hầu hết các phụ huynh của lớp, trong đó có cả chủ nhân của căn nhà trống huơ trống hoác cô ghé thăm bữa nọ. Ông bố người Mông cõng con xuống lớp vì không có xe và không biết đi xe máy. Nhìn 2 bố con chân tay, áo quần đều đã phủ đỏ bụi đường lại thấy thương. Cô Loan dắt tay thằng bé con vào lớp. Đến trưa, nhìn ra sân vẫn thấy ông bố lấp ló ngoài cổng. Hỏi, ông bố mới giải thích: "Nhà xa, tôi đợi để đón con luôn. Chứ về nhà rồi quay lại cũng mất nửa ngày". Hôm sau, cô giáo Loan gặp vợ anh, một người phụ nữ dân tộc Mông. Cả 2 vợ chồng đều không biết đi xe đạp, xe máy và như nhiều phụ huynh ở Cánh Cộng, họ cũng không biết chữ. Nhiều năm qua, vợ chồng thay nhau cõng con từ trên núi xuống lớp mầm non rồi lại ngồi vạ vật, đợi con tan học để đón về.

Gần 6h chiều, trời đã tối. Trong phòng học còn lại của điểm trường mầm non Khu Cánh Cộng cũng là tổ ấm của gia đình cô Loan le lói ánh điện, cô dắt ba đứa trẻ ra sau phòng rửa chân tay, mặt mũi, rồi lại đưa chúng lên ngồi ngoan trên ghế giữa phòng. Nồi sắn luộc sôi ùng ục trên bếp, cô Loan vớt những khúc sắn ra rổ. Con gái cô lấy hai miếng đưa cho hai em là học trò của mẹ. Chúng ăn ngấu nghiến. Hai đứa trẻ sống trên đỉnh núi xa nhất, cách điểm trường 4km đường rừng. Những công việc này đáng ra là của bố mẹ chúng, nhưng 10 năm cắm bản, cô Loan đã quen với việc phụ huynh đón muộn hoặc quên không đón con. Đôi khi những đứa trẻ sẽ tự đi bộ về, nhưng vào những hôm mưa gió, lũ quét hay đơn giản là “cảm thấy bất an”, cô sẽ giữ những đứa trẻ lại, cố gắng liên lạc với phụ huynh và đợi họ đến đón con.

Tiện nói đến chuyện ăn, ngủ của các cháu ở điểm trường mầm non Khu Cánh Cộng, đây là một trong số 11/14 khu thuộc Trường Mầm non Trung Lý chưa có tổ chức ăn bán trú. Giấc ngủ của các em cũng rất tạm bợ, chiếu trải dưới nền gạch, không gối cũng chẳng giường. Ngày học hai buổi, học sinh phải mang theo túi cơm trắng hoặc trộn lẫn cả đậu và rau. Số có thìa mang theo thì ăn thìa, số nào không có hoặc đánh rơi dọc đường phải ăn bốc. Cô Loan kể có em đi học bố mẹ không chuẩn bị cơm. Ngồi trong lớp người cứ lả đi, tưởng ốm, cô hoảng quá hỏi: “Con sao thế?”. Cậu học sinh chỉ nói mỗi câu: “Đói”. Cô chạy sang phòng xúc cơm nguội trộn xì dầu cho ăn, xong đi ngủ, chiều dậy tỉnh như sáo.

Vùng cao còn bộn bề khó khăn, những đứa trẻ trên non cũng vì thế mà chịu không ít thiệt thòi, nhưng những thầy cô giáo như cô Loan, thầy Mùi và lớp học nhỏ nơi lưng núi đã trở thành hy vọng duy nhất của những cặp vợ chồng người Mông vào một cuộc sống khác, tươi sáng hơn cho con cái họ. Nên dù nắng mưa, họ vẫn đều đặn đưa con xuống trường.

Cô Loan ước có căn bếp nhỏ, ít đồ bếp để cho bọn trẻ ăn bán trú, để những ông bố, bà mẹ ở xa không còn phải dậy từ 5h sáng cõng con xuống trường, rồi thấp thỏm ngồi ở đường đợi tới trưa con tan học. Nhưng nhìn lại, mình cô sao thể xoay xở được, có bếp, có đồ dùng ai sẽ giúp cô trông trẻ để nấu cơm... Thực trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất ở các điểm trường nơi vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn tồn tại bao năm vẫn chưa thể giải quyết. Những giáo viên cắm bản như cô Loan không thể làm gì nhiều, ngoài việc dạy học và chăm sóc bọn trẻ khi cha mẹ chúng đến đón muộn, cho chúng ăn khi chúng đói.

Tháng 9/2023, điện lưới quốc gia đã phủ kín 6 bản: Cò Cài, Tà Cóm, Cá Giáng, Cánh Cộng, Pá Búa, Lìn. Những con đường bê tông cũng đang về các bản; bóng dáng cây cầu bắc qua sông Mã xuất hiện trong những dự án, kế hoạch, gieo vào lòng người dân nơi đây những “hạt mầm”.

Khó khăn còn nhiều nhưng cũng nhiều hy vọng, bởi nơi đây có những con người đang lặng lẽ ươm gieo hy vọng mỗi ngày...

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]