(Baothanhhoa.vn) - Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khẳng định, trẻ em phải được sống và học tập trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Thế nhưng, vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhiều trẻ em buộc phải nghỉ học giữa chừng để đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Tương lai của các em chưa biết sẽ ra sao nếu không được học hành...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng trẻ em phải lao động sớm

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng trẻ em phải lao động sớm

Tham gia các diễn đàn trẻ em là cơ hội để trẻ phát triển toàn diện. Ảnh: Trần Hằng

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khẳng định, trẻ em phải được sống và học tập trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Thế nhưng, vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhiều trẻ em buộc phải nghỉ học giữa chừng để đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Tương lai của các em chưa biết sẽ ra sao nếu không được học hành...

Mưu sinh vì nghèo

Những ngày cuối tháng 5, thời điểm này rất đông khách du lịch tìm đến Khu du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) và cũng là thời điểm những đứa trẻ gác lại bút sách để bắt đầu những ngày kiếm sống. L.V.T., xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa), 10 tuổi nhưng trông em chỉ như đứa trẻ học lớp 2. Khuôn mặt đen nhẻm, thân hình gầy guộc, mái tóc vàng hoe. Ngày nào cũng vậy, T. thức dậy lúc 5 giờ sáng, chờ thuyền vào để giúp bố, mẹ bán cá, bán tôm cho khách du lịch. T. chỉ được học hết lớp 3, vì nghỉ học nhiều, nên kiến thức ở trường em không nhớ được bao nhiêu. Mặc dù cũng muốn đi học như các bạn, nhưng nhà nghèo, mẹ ốm đau liên miên, em muốn kiếm tiền giúp bố mẹ và nuôi các em.

Cùng hoàn cảnh như T., H.T.N., xã Trí Nang (Lang Chánh) phải lên rừng đào măng, bắt dế... bán lấy tiền phụ mẹ lo cho các em. Gạt mấy sợi tóc vàng hoe đang lòa xòa trước mặt, N. cho biết: “Em năm nay 12 tuổi, nhà có 4 chị em, em là lớn nhất, nên em phải đi làm giúp bố mẹ. Mẹ chuẩn bị sinh em bé, bố suốt ngày uống rượu và chửi mắng”. Cũng như mọi ngày, sáng hôm đó, N. lại cùng em gái vượt hơn 5 km đường rừng để ra chợ bán măng. Khi được hỏi về trường lớp, N. nghẹn ngào, đôi mắt ngấn lệ: “Em thích được đi học như mấy bạn trong bản, được cô giáo dạy chữ, nhưng em không đi lên rừng đào măng, bắt dế thì mẹ và các em không có gạo để ăn”.

Buổi chiều cuối tuần, tại chợ Đồn, xã Yên Mỹ (Nông Cống), một cô bé trạc 12-13 tuổi đang nghiêng người vì rổ chanh nặng bên hông, “sành sỏi” và “chuyên nghiệp” mời chào, nài nỉ người đi qua: “Cô ơi, mua giúp cháu cân chanh. Chanh quê ngon lắm cô ạ, cô mua giúp cháu đi, mở hàng giúp cháu, cháu không bán đắt cho cô đâu...”. May mắn hơn T. và N., L.T.L. (tên cô bé) vẫn được đến trường. L. bộc bạch: “Nhà nhiều chanh nên năm nào hè cháu cũng đi bán để kiếm thêm tiền mua đồ dùng cho năm học mới. Nếu may mắn thì ngày cũng kiếm được tiền trăm, nhưng cũng có những hôm chỉ được 10 nghìn”.

Tình trạng trẻ lao động sớm không chỉ ở các vùng quê, tại các quán ăn sáng, cafe, cây xăng, quảng trường... trên địa bàn TP Thanh Hóa. Hình ảnh các em nhỏ lang thang đánh giầy, bán dạo tăm bông, bút, kẹo cao su... hay phục vụ bàn cho các quán ăn, cafe... vẫn diễn ra khá phổ biến. Theo tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn đến trẻ em lao động sớm chủ yếu là do kinh tế gia đình nghèo khó, thu nhập thấp. Ngoài ra, do nhận thức và hiểu biết của người sử dụng lao động và chính bản thân các em còn hạn chế nên việc vi phạm còn bị xem là bình thường. Thực tế, nhiều gia đình hám lợi trước mắt nên ép buộc con nghỉ học, đi làm. Mặt khác, nhiều phụ huynh còn quan niệm phải cho con em mình làm việc sớm để “nên người”, giúp gia đình bớt khó khăn. Một số trường hợp khác do học lực kém, thích kiếm tiền nên tự nguyện kiếm việc làm khi tuổi còn nhỏ. Trong khi đó, một số chủ sử dụng lao động cố tình vi phạm vì lợi nhuận, chi phí nhân công rẻ, dễ sai khiến...

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Không thể phủ nhận lao động trẻ em góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, giúp nâng cao ý thức lao động, tự lập vươn lên. Tuy nhiên, điều đó chỉ dừng lại ở mức độ phù hợp với độ tuổi, sức khỏe của các em chứ không phải như một lao động thực thụ. Trẻ lang thang, lao động sớm không chỉ ảnh hưởng đến trật tự xã hội mà trước hết, việc các em sớm phải lao vào cuộc sống mưu sinh ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất cũng như tinh thần của trẻ. Bên cạnh đó, việc trẻ lao động sớm đã vô tình đẩy các em trở thành “mồi ngon” của tệ nạn xã hội vì đây là lứa tuổi dễ bị tổn thương và gặp nhiều rủi ro. Chưa kể, trong một số môi trường làm việc không an toàn, các em có thể bị bắt nạt, bóc lột sức lao động. Hơn nữa, các em không còn thời gian học tập, vui chơi, giải trí, nguy cơ bỏ học cao, chậm phát triển trí tuệ, thiếu tự tin, khó hòa nhập xã hội... dễ dẫn đến khuyết tật, sa ngã.

Theo thống kê, hiện cả nước vẫn còn 9,6% số trẻ em phải lao động sớm, gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân các em, gia đình và xã hội. Sử dụng lao động trẻ là điều khá phổ biến, từ thành thị tới nông thôn, tập trung nhiều nhất ở các làng nghề. Đáng lo hơn, 75% lao động trẻ em hiện có nguy cơ phải làm việc trong các ngành, nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên. Vì làm việc với thời gian kéo dài, bình quân khoảng 42 giờ/tuần, nhiều trẻ em đã phải nghỉ học. Kết quả khảo sát cho thấy, trong số lao động trẻ em, ước tính có 52% đã thôi học và 2,8% chưa bao giờ đi học. Tại tỉnh ta, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, mặc dù đã có nhiều giải pháp tuyên truyền cũng như giám sát từ phía cơ sở, nhưng tình trạng sử dụng lao động trẻ em vẫn còn tồn tại. Tuy vẫn chưa có số liệu chính thức, nhưng ước trên địa bàn toàn tỉnh có hàng trăm trẻ em phải lao động sớm. Cũng theo ông Thụ, để giải quyết dứt điểm tình trạng trẻ lao động sớm là rất khó khăn. Bởi, hầu hết những trẻ khi đã bỏ học đi lao động đều được gia đình đồng tình nên khi đến hỏi để tìm các biện pháp hỗ trợ, các gia đình thường trả lời không biết trẻ đi làm ở đâu và không liên lạc được lâu nay. Cũng có nhiều trẻ được hỗ trợ đưa về nhưng để giữ trẻ ở lại thì rất khó, nguyên nhân là do đa số trẻ lao động sớm thường học kém, thích được tự do và được quyết định mọi vấn đề. Để có số liệu chính thức về số trẻ em lao động sớm, hiện Sở LĐTB&XH yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát, báo cáo trong thời gian sớm nhất để có văn bản báo cáo UBND tỉnh. Hiện đã có trên 30% huyện, thị xã, thành phố có văn bản báo cáo, nhưng đa số các huyện đều không có tình trạng trẻ em bỏ học, lao động sớm.

Để hạn chế tình trạng trẻ em lao động sớm, những năm qua, các ban, sở, ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh tăng cường thực hiện tốt Luật Trẻ em; lồng ghép việc thực hiện nội dung của chương trình trong hoạt động của hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Cùng với đó, các ngành đã triển khai có hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo; cải thiện điều kiện, môi trường lao động phù hợp tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức; giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm nhằm hỗ trợ trẻ em và gia đình cải thiện cuộc sống. Là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực trẻ em, Sở LĐTB&XH đã phối hợp với các ngành, tổ chức đoàn thể, chính quyền các cấp thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, các chính sách về y tế, giáo dục, học bổng, hỗ trợ vốn thông qua các nguồn lực vận động đã góp phần không nhỏ tạo điều kiện cho trẻ đến trường, không rơi vào tình trạng lang thang, lao động sớm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; tăng cường hoạt động truyền thông, giáo dục về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; vận động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân thực hiện chương trình để thực hiện tốt chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Trần Hằng


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]