(Baothanhhoa.vn) - Ngót 10 năm rong ruổi trong Nam, ngoài Bắc đã giúp anh Bùi Văn Hải, chàng trai tốt nghiệp Trường Trung cấp Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa có một sự nghiệp tương đối vững chắc với khoản thu nhập mơ ước. Ấy thế mà, anh lại bỏ phố về quê thuê đất trồng mướp, đào ao nuôi ốc... trước sự ngỡ ngàng của bạn bè, đồng nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bỏ nghề viết lách về quê nuôi ốc nhồi, thu tiền tỷ mỗi năm

Ngót 10 năm rong ruổi trong Nam, ngoài Bắc đã giúp anh Bùi Văn Hải, chàng trai tốt nghiệp Trường Trung cấp Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa có một sự nghiệp tương đối vững chắc với khoản thu nhập mơ ước. Ấy thế mà, anh lại bỏ phố về quê thuê đất trồng mướp, đào ao nuôi ốc... trước sự ngỡ ngàng của bạn bè, đồng nghiệp.

Bỏ nghề viết lách về quê nuôi ốc nhồi, thu tiền tỷ mỗi năm

Trang trại nuôi ốc nhồi của anh Bùi Văn Hải.

Từng bị mọi người coi là “gã khùng điên”

Một ngày giữa tháng 3, chúng tôi đến thăm gia trại của anh Bùi Văn Hải nằm cuối Khu phố Phong Lượng, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương. Anh đon đả đón khách, dẫn khách đi xem hoa cỏ, ốc giống... Ở ông chủ gia trại này có cái gì đó khá kỳ lạ, không chân lấm tay bùn, không bẽn lẽn ngại ngùng, mà là hình ảnh một thanh niên nhanh nhẹn, tràn đầy năng lượng. Anh chăm chỉ, có hoài bão, biết khẳng định bản thân, khao khát vươn lên thoát nghèo với những suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống.

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa, anh Hải xin vào cộng tác cho Đài Phát thanh huyện Thường Xuân. Anh bảo, thời gian làm báo là những tháng ngày đẹp nhất của tuổi trẻ. Anh được trải nghiệm qua những khó khăn, vất vả trong mỗi chuyến đi, những hoàn cảnh tác nghiệp khác nhau, càng đi nhiều, vốn sống càng dày, sự trải nghiệm càng lớn và cuộc sống nhờ đó mà có nhiều màu sắc hơn. Tuy nhiên, gần 4 năm theo đuổi đam mê nhưng số lương ít ỏi của nghề báo chỉ đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, không tích cóp được bất kỳ đồng nào khiến anh phải lựa chọn giữa đam mê và tương lai. Cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên chàng thanh niên trẻ, anh quyết định bỏ nghề vào Nam lập nghiệp. Anh cùng những người bạn mở công ty vệ sĩ và hoạt động rất hiệu quả.

Mọi người ai cũng nghĩ cái ghế phó giám đốc công ty sẽ níu giữ anh. Nhưng không, nhịp điệu cuộc sống xô bồ khiến anh cảm thấy gò bó, ngột ngạt. Mỗi khi mệt mỏi nhất, anh nhớ mảnh vườn nhà đầy gió và nắng; nhớ tiếng gà gáy sớm mai; nhớ cả mùi đất nồng lên sau mỗi cơn mưa lớn. Và với một người có cá tính mạnh mẽ, có thể đánh đổi những thứ mình đang có để làm những điều mà mình đang ấp ủ, đam mê từ trước thì dù công việc đang rất tốt sau 8 năm gắn bó, anh Hải vẫn bỏ ngang trở về với đồng đất quê hương. “Nơi tôi sinh ra là vùng đất thuần nông, mỗi lần về quê thấy người dân trong làng chân lấm, tay bùn, làm rất nhiều nhưng thu lại chẳng được bao nhiêu. Cùng đó, dưới tác động của công nghiệp hóa, khiến ngày càng ít người thiết tha với sản xuất nông nghiệp, những người trẻ lựa chọn đi làm công nhân, chỉ còn người già ở nhà gắn với ruộng đồng. Nhìn những diện tích đất bãi trước kia là cả cánh đồng xanh ngút ngát giờ vụ trồng, vụ bỏ mà tôi thấy tiếc. Hơn nữa, nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm sạch ngày càng tăng nhưng người nông dân nơi đây cũng chỉ quen với sản xuất thuần túy... Chính vì thế, tôi quyết định về quê khởi nghiệp nuôi, trồng thực phẩm an toàn”, anh Hải giải thích.

Dùng những đồng vốn ít ỏi tích góp được, anh Hải thuê lại một khu đất trống để cải tạo trồng mướp hữu cơ. Những ngày tháng 6, trời nắng như đổ lửa, cả cánh đồng nứt nẻ, đất cứng như đá. Người dân địa phương lắc đầu ngán ngẩm vì cho rằng kế hoạch của chàng trai trẻ quá viển vông: “Ôi dào, nơi việc nhẹ lương cao, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu” thì không làm, lại quay về với cái nghề trăm năm của ông, bà, cha mẹ...”. Bố mẹ thì thương con vất vả nhưng khuyên con không được đành bất lực nhìn con đâm đầu vào chỗ khó. Nhưng với anh Hải, thứ anh mang về không phải là kiến thức làm nông, mà chính là tinh thần đã được tôi luyện. “Tôi cứ bình thản đối mặt, tin chắc mảnh đất này rồi cũng sẽ nở hoa như sa mạc”, anh Hải nói.

Ngày ngày xoay trần với đất, nước; đêm lại hì hục tìm đọc tài liệu trồng trọt, chăm sóc. Những kiến thức thời trên giảng đường và ngày đi làm tất cả đều được anh Hải xếp gọn lại. Anh bảo: “Cũng có lúc, mình cảm thấy bất lực, nhưng lòng tự ái lại khiến anh cố gắng làm tiếp”. Cải tạo đất đến đâu anh bón phân, trồng cây tới đấy. Chỉ sau vài ngày ngoảnh đi ngoảnh lại những cây mướp mỏng manh đã đâm chồi. Cần mẫn ủ phân vi sinh, sáng sớm đã dậy vặt ngọn, chiều nào cũng kéo nước tưới. Tuy nhiên, thành công không đến một cách dễ dàng như anh tưởng. Vụ đầu tiên, lượng phân không đủ, thiếu nước nên quả nhỏ, sâu, chỉ lọc được một ít để dùng. Sau đó, anh quyết định lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt để tiết kiệm thời gian và công sức.

Và sự cố gắng, quyết tâm của anh đã được trả công xứng đáng khi một trang trại nho nhỏ nhưng quy củ và khoa học dần dần được thành hình.

Thành công với mô hình nuôi ốc nhồi

Bài toán trồng cây gì đã ổn, anh lại trăn trở với câu hỏi nuôi con gì. Trong lúc chưa biết bắt đầu từ đâu thì một lần tình cờ, anh ra Hà Nội gặp gỡ bạn bè. Bữa nhậu hôm ấy có món ốc om chuối đậu và anh Hải đã rất bất ngờ khi biết giá của nồi ốc ấy. Trong suy nghĩ của một anh nông dân có khoảng thời gian dài gắn bó với đồng ruộng, ốc nhồi là một cái gì đó rất bình dân và rẻ tiền mà không biết rằng, những năm gần đây, thị trường du lịch, ẩm thực đồng quê lên ngôi và con ốc nhồi cũng vì thế mà “lên đời”. Bản năng nhạy bén, anh suy luận, loại ốc này không hiếm nhưng chỉ có theo mùa và nếu bắt tự nhiên thì sản lượng không đáng kể, không thể mang lại kinh tế. Trong khi, thị trường tiêu thụ ốc nhồi rất lớn. Nghĩ vậy, anh Hải âm thầm tìm tòi thông tin về con vật này. Năm 2013, anh bỏ ra hơn 1 triệu đồng mua ốc nhồi của bà con bắt tự nhiên thả xuống ao nuôi cá nhà mình. Ban đầu, anh Hải thu được tín hiệu khá khả quan khi từ 5 - 6kg trứng ấp ban đầu nở được hơn 5 vạn ốc con. Thế nhưng, ốc lớn bằng ngón tay thì bị chết. Không nản chí, anh Hải lựa chọn cẩn thận những con ốc to, khỏe để đưa vào thả nuôi. Cùng với đó, anh tăng cường tìm hiểu kiến thức, học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi trên mạng Internet. Anh ghi chép cẩn thận lại các giai đoạn phát triển của ốc, loại thức ăn được ốc ưa thích trong quá trình nuôi...

Năm 2015, khi cảm thấy lưng vốn kiến thức đã kha khá, anh Hải dốc túi cải tạo lại ao cá để nuôi ốc. Để mở rộng khu nuôi ốc nhồi, 3 đầu ao liền kề nhau xưa là ruộng cấy lúa được anh thuê, mua, cải tạo thành ao nuôi ốc. Theo anh Hải, ốc tuy sống ở dưới bùn nhưng lại rất ưa sạch. Người nuôi cần thường xuyên vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường nước bằng vôi, men vi sinh. Dưới ao, anh trồng thêm hoa súng và thả các loại bèo khác nhau. Cách làm này vừa tạo được thức ăn tại chỗ cho ốc nhồi, tiết kiệm được công chăm sóc, đặc biệt giúp môi trường ao nuôi ốc nhồi luôn ổn định. “Bữa ăn” của ốc nhồi cũng cần đầy đủ, đều đặn với các loại thức ăn hoàn toàn từ tự nhiên như: lá khoai, sắn, bèo cám... Ốc nhồi nuôi sau 4 - 5 tháng là có thể bán.

Ốc nhồi thường có thời gian sinh sản bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 11 âm lịch. Tuy nhiên, nếu nhân giống theo phương pháp tự nhiên thì tỷ lệ nở con chỉ khoảng 50 - 60%. Vì vậy, sau khi ốc đẻ trứng, anh gom lại, cho vào rổ nhựa, đặt trong thùng xốp có nước bên dưới, để vào nơi râm mát, phun nước đảm bảo độ ẩm cho ốc nở đều. Sau khoảng 20 ngày, trứng ốc sẽ nở và ốc con tự bò xuống nước. Nhờ vậy, tỷ lệ trứng nở và ốc con sống đạt trên 90%. Ốc con sau khi nở được thả vào bể nuôi khoảng 20 - 30 ngày có thể xuất bán.

Hiện nay, anh Hải chuyên tâm vào nuôi ốc sinh sản. Bởi theo anh, nhu cầu ốc nhồi giống rất lớn trong khi nguồn cung hạn chế. Thông qua các hội nhóm, fanpage trên mạng xã hội facebook, anh Hải đã kết nối với thị trường tiêu thụ ốc nhồi trong và ngoài tỉnh. Cái tên Hải “ốc” bắt đầu từ đó. Với phương châm “Hợp tác cùng phát triển”, anh Hải chuyển giao lại toàn bộ kỹ thuật nuôi ốc nhồi cho khách hàng mua ốc giống một cách tận tình. Đồng thời, anh cũng chủ động tìm kiếm những hộ trong thôn, xã có ao rộng hoặc có ruộng chằm trũng kém hiệu quả để hợp tác liên kết phát triển nuôi ốc nhồi và đảm bảo bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Ốc giống do anh Hải sản xuất được thị trường đánh giá chất lượng, sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Anh bán ốc nhồi giống giá giao động từ 4 triệu - 5 triệu đồng/1 vạn con (ước khoảng 0,8 - 1kg), còn bán ốc nhồi thịt (ốc thương phẩm) khoảng 80 - 120 ngàn đồng/kg, tùy thời điểm. “Năm 2017, tôi bắt đầu mở rộng quy mô nuôi ốc. Thời điểm đó, lợn rớt giá, rồi lợn bị dịch tả châu Phi, dịch bệnh trên cá, trạch... nên có rất nhiều người nông dân tìm hướng mới trong phát triển kinh tế. Những video về ốc của tôi thu hút được lượng rất đông người theo dõi, chia sẻ”.

Năm 2018, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh Hải đứng ra thành lập Công ty TNHH Thiên Bảo. Chỉ tính riêng năm 2020, công ty của anh thu về trên 6 tỷ đồng, trong khi chi phí đầu tư chỉ khoảng gần 1 tỷ đồng. Nhìn thấy hiệu quả kinh tế từ con ốc nhồi, lại có anh Hải và Công ty TNHH Thiên Bảo là điểm tựa vững chắc, nhiều người dân trong và ngoài huyện đã đến học hỏi, phát triển mô hình nuôi ốc nhồi. Có hộ đang thử nghiệm với diện tích nhỏ nhưng có những hộ mạnh dạn đầu tư, phát triển với quy mô lớn. Trong số đó, phải nói đến gia đình ông Mai Đình Hùng, người cùng địa phương. Tận mắt thấy được thành quả của anh Hải từ ốc, ông Hùng đã chuyển đổi hơn 1 ha ruộng không có hiệu quả kinh tế cao sang nuôi ốc nhồi giống. Vụ năm 2020 vừa qua, ông Hùng đã thu được 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Nói về hướng phát triển trong tương lai, anh Hải mỉm cười, trong đầu của anh đã vạch ra nhiều kế hoạch, ý tưởng. Tuy nhiên, anh thực hiện mọi việc một cách từ từ, chậm mà chắc. “Dự định của mình trong tương lai là xây dựng một quy trình khép kín từ nuôi trồng đến chế biến các chế phẩm từ ốc nhồi đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn. Bởi, người tiêu dùng, nhất là ở thành phố đang hướng tới nông sản sạch, chỉ cần sản phẩm bảo đảm chất lượng thì giá cao hơn họ vẫn sẵn sàng chi”, anh Hải tiết lộ.

Thành công từ mô hình nuôi nuôi ốc nhồi của anh Hải đã mở ra hướng đi mới cho ngành thủy sản ở các địa phương nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi. Nhất là trong tình hình hiện nay, giá cả một số đối tượng thủy sản nuôi đại trà khác ngày càng bấp bênh, con ốc đang có đầu ra ổn định, có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, mô hình cần được đánh giá và nhân rộng nhằm góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân và thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]